Đề và đáp án học sinh giỏi môn văn lớp 11 Thanh Hóa 2019. đề dự bị 2

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO             KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
              THANH HÓA                                             NĂM HỌC 2018- 2019
 
ĐỀ DỰ BỊ                                  Môn thi:  NGỮ VĂN- Lớp 11 THPT

Số báo danh
………………….

                                                      Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
Ngày thi: 21 tháng 3 năm 2019
(Đề thi có 02 phần, gồm 01 trang)
 
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
          Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
          Tôi nghĩ rằng “vận may” khác với “thành quả”. Ta không thể đạt được sự may mắn. Ta không thể tạo ra vận may. Điều đó cũng giống như ta không thể sắp đặt trước một cuộc hẹn mà ở đó ta sẽ gặp tiếng sét ái tình. Nhưng mặt khác, chúng ta có thể nỗ lực để tạo ra những thành quả. Đừng gọi thành quả của mình là may mắn, vì như vậy là vứt bỏ ý chí và nỗ lực của bản thân. Cũng đừng xem may mắn là thành quả, vì như thế là từ chối vẻ đẹp bí ẩn và đầy bất ngờ của cuộc sống.
(…) Hãy cứ tin vào sự may mắn, rằng đôi lúc nó rơi xuống cuộc đời ai đó như một món quà (…) Tuy nhiên, như một câu ngạn ngữ xưa đã nói “sự may mắn chẳng tặng không ai cái gì bao giờ, nó chỉ cho vay mà thôi”. Vì vậy, đừng tìm kiếm nó, đừng trông chờ hay thậm chí đổ lỗi cho nó… Và hãy nhớ rằng mọi vận may chỉ là khởi đầu.
(Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn 2018, trang 166&167)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.
Câu 2.Lời khuyên của tác giả: đừng tìm kiếm, đừng trông chờ hay thậm chí đổ lỗi cho vận may có ý nghĩa gì?
Câu 3. Anh/chị hiểu thế nào về câu ngạn ngữ được nêu trong đoạn trích:sự may mắn chẳng tặng không ai cái gì bao giờ, nó chỉ cho vay mà thôi?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm sau không? Vì sao?
Đừng gọi thành quả của mình là may mắn, vì như vậy là vứt bỏ ý chí và nỗ lực của bản thân.
PHẦN II. LÀM VĂN (14,0 điểm)
Câu 1 (4,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 400 chữ) để thuyết phục mình và mọi người nhận thức được mọi vận may chỉ là khởi đầu.
Câu 2 (10,0 điểm)
Phân biệt thơ cũ, thơ mới, điều quan trọng nhất không phải là phần “xác”, mà ở phần “hồn” của nó, hay nói như Hoài Thanh, ở “tinh thần của thơ mới.
(Ngữ văn 11 Nâng cao, tập hai, NXBGD Việt Nam 2017, trang 57)
          Từ cảm nhận bài thơ Vội vàng (Xuân Diệu, Ngữ văn 11, tập hai, NXBGD Việt Nam 2018), so sánh với bài thơ Nhàn(Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngữ văn 10, tập một, NXBGD Việt Nam 2018), anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
 
………………….HẾT……………….
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO              HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ DỰ BỊ
              THANH HÓA                           KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
NĂM HỌC 2018- 2019
 
Môn thi:  NGỮ VĂN- Lớp 11 THPT
(Hướng dẫn chấm gồm có 04 trang)
 

Phần Câu Yêu cầu cần đạt Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
1 Phương thức biểu đạt chính: nghị luận/phương thức nghị luận 1,0
2 Lời khuyên của tác giả có ý nghĩa: Không nên sống thụ động, trông chờ vào vận may, cũng không nên đổ lỗi cho số phận, cho hoàn cảnh. Mỗi người hãy luôn sống chủ động, tích cực. 1,5
3 – Sự may mắn chẳng tặng không ai cái gì bao giờ, nó chỉ cho vay, cho một sự khởi đầu làm tiền đề, để từ sự may mắn đó, ta tiếp tục đặt những mục tiêu cao hơn, tiếp tục bỏ công sức, sự tâm huyết, kiên trì, nỗ lực để đạt những thành quả lớn lao hơn, đẹp đẽ và ý nghĩa hơn. Sự may mắn đó là điều kiện mà cuộc sống đặt ra để thử thách bản lĩnh của mỗi người.
– Thành quả chúng ta đạt được chính là sự trả lại cho cuộc sống món quà ban đầu mà nó đã tặng cho ta.
– Câu ngạn ngữ là lời khuyên sâu sắc về cách đón nhận “vận may” trong cuộc sống.
1,5
4 Thí sinh có thể đồng tình hoặc không đồng tình nhưng cần lí giải vấn đề phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Nếu đồng tình, thí sinh cần lí giải được vấn đề: Mỗi thành quả đạt được, ngoài yếu tố may mắn bao giờ cũng là kết quả của một quá trình cố gắng, quyết tâm. Có những thành quả đạt được sau rất nhiều thất bại, thậm chí phải đánh đổi cả mồ hôi, nước mắt. Nếu coi thành quả của mình có được nhờ may mắn, nghĩa là đã xem nhẹ, thậm chí phủ nhận sự cố gắng của mình, từ đó đứng trước một mục tiêu mới ta sẽ quên đi việc phải làm gì, làm thế nào để đạt được thành quả, lại càng không có ý chí, nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách để đạt thành quả tốt đẹp.
2,0
II   LÀM VĂN 14,0
1 Viết bài văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến: mọi vận may chỉ là khởi đầu 4,0
  Yêu cầu chung  
– Câu hỏi hướng đến việc đánh giá năng lực, đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản để bày tỏ thái độ, chủ kiến của mình.
– Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, được tự do bày tỏ quan điểm riêng của mình, nhưng phải, phù hợp với đạo đức và pháp luật.
 
Yêu cầu cụ thể  
1. Giải thích
– Vận may: điều tốt đẹp đến hoàn toàn ngẫu nhiên, bất ngờ
– Vận may chỉ là khởi đầu: điều tốt đẹp chúng ta có được một cách tình cờ là điều kiện thuận lợi để từ đó ta đặt ra những mục tiêu mới và bắt đầu bước vào một hành trình mới để hướng tới thành quả lớn hơn. Vận may chỉ có ý nghĩa với những ai biết tận dụng nó.
– Vận may không thể là yếu tố quyết định, cũng không thể là cơ sở đánh giá sự thành công hay thất bại của một ai đó.
=> Ý kiến khẳng định ý nghĩa của vận may đối với cuộc sống mỗi người.
0,5
2. Bàn luận
Từ nhận thức trải nghiệm của bản thân, thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ riêng để thuyết phục mình và mọi người nhận thức đượcmọi vận may chỉ là khởi đầu. Tuy nhiên, dù suy nghĩ theo hướng nào cũng cần hướng đến việc làm rõ yêu cầu: Tại sao vận may chỉ là khởi đầu? Yếu tố quyết định đến thành công của mỗi người là gì? Điều gì mới làm nên sự phát triển vững bền cho một con người, một xã hội?…
2,5
3. Bài học nhận thức và hành động
Từ việc bàn luận về cách đón nhận vận may trong cuộc đời, thí sinh cần nêu được những định hướng trong nhận thức và hành động phù hợp, ý nghĩa cho bản thân.
1,0
2 Cảm nhận bài thơ Vội vàng (Xuân Diệu), so sánh với bài thơ Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm) để làm sáng tỏ nhận định: Phân biệt thơ cũ, thơ mới, điều quan trọng nhất không phải là phần “xác”, mà ở phần “hồn” của nó, hay nói như Hoài Thanh, ở “tinh thần của thơ mới 10,0
  Yêu cầu chung  
– Câu hỏi hướng đến việc đánh giá năng lực viết bài văn NLVH, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về lí luận văn học, tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản, khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài.
– Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng.
 
Yêu cầu cụ thể 10,0
1. Giải thích nhận định 2,0
* Cắt nghĩa nhận định
Ở Việt Nam, thơ cũ là thơ ca cổ điển, thơ ca trung đại; thơ mới là trào lưu thơ ca hiện đại, tồn tại trong khoảng thời gian từ 1932 đến 1945.
– “Phần xác”: thuộc phạm trù hình thức như thể thơ, ngôn ngữ, kết cấu…; “phần hồn”: thuộc phạm trù nội dung như cảm xúc,
cách cảm, cách nhìn…
=> Nhận định nêu lên sự khác biệt quan trọng nhất của thơ cũ và thơ mới chính là ở “phần hồn”. “Phần hồn” của thơ cũ là cái “ta”, “phần hồn” của thơ mới là cái “tôi”.Đối với thơ mới, “phần hồn” chính là biểu hiện của cái tôi cá nhân- cái tôi nhìn đời, nhìn thiên nhiên bằng cặp mắt “tươi trẻ, xanh non” đồng thời cảm thấy cô đơn trước vũ trụ và cuộc sống.
* Lí giải nhận định
– Trong thơ ca trung đại, cái tôi hòa lẫn vào cái ta, lấy cái ta làm hạt nhân trong cảm nhận và phản ánh. Còn thơ mới hướng đến giải phóng trí tưởng tượng, tình cảm, cảm xúc con người khỏi sự trói buộc của lí trí, đề cao cái tôi cá nhân.
– Thơ ca Việt Nam đi từ cổ điển sang hiện đại là đi từ chữ “ta” đến chữ “tôi”. Thơ mới là sự phản ánh cái tôi cá nhân của người nghệ sĩ với tất cả các cung bậc cảm xúc phong phú đa dạng, phức tạp của nó thông qua hình thức nghệ thuật có nhiều cách tân nhằm phát huy cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ.
– Biểu hiện của cái tôi cá nhân trong thơ mới: tự do bộc lộ cảm xúc trong thế giới nội tâm, có cách diễn đạt riêng, thể hiện cá tính sáng tạo…
0,75
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
1,25
2. Cảm nhận bài thơ Vội vàng (Xuân Diệu), so sánh với bài thơ Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm) để làm sáng tỏ nhận định 7,0
a. Cảm nhận bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu
* Vài nét về Xuân Diệu và bài thơ Vội vàng
* Vội vàng tiêu biểu cho tinh thần thơ mới
– Với cặp mắt xanh non, biếc rờn đầy vui sướng, Xuân Diệu như lần đầu được nhìn thế giới, cuộc đời và vũ trụ, phát hiện ra bao vẻ đáng yêu, đáng say đắm của con người và cuộc sống nơi trần thế.
– Với những cảm xúc mạnh mẽ, táo bạo, bài thơ bộc lộ lòng yêu đời, ham sống, quyến luyến cảnh sắc trần gian của Xuân Diệu trước vẻ đẹp của mùa xuân.
– Bài thơ bộc lộ nỗi buồn, sự cô đơn hẫng hụt, tiếc nuối của nhà thơ trước cái hữu hạn nhỏ bé của đời người.
– Thế giới nghệ thuật của Xuân Diệu đầy xuân sắc và tình tứ, chuẩn mực của cái đẹp không phải là thiên nhiên, mà là con người.
– Bày tỏ quan niệm sống mới mẻ, tích cực về thời gian, tuổi trẻ, hạnh phúc…
– Bài thơ có sự độc đáo trong cách sáng tạo cảm xúc thể hiện qua ngôn ngữ, hình ảnh, nhịp điệu. Điều đó đã thể hiện sự táo bạo, đầy cá tính của Xuân Diệu–nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới.
 
0,5
 
1,0
 
 
1,0
 
 
0,5
 
0,5
 
0,5
 
0,5
b. So sánh với bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm
* Vài nét về Nguyễn Bỉnh Khiêm và bài thơ Nhàn
* Bài thơ là lời tâm sự thâm trầm, sâu sắc, khẳng định quan niệm sống nhàn là hòa hợp với tự nhiên, giữ được cốt cách thanh cao, khí tiết cương trực, vượt lên những danh lợi tầm thường. Nhàn là chủ đề phổ biến trong thơ văn thời trung đại. Nhàn là một nét tư tưởng và văn hóa rất sâu sắc của người xưa, đặc biệt là của tầng lớp trí thức. Sống nhàn hợp với tự nhiên, hợp với việc tu dưỡng nhân cách. Biết sống nhàn, biết tìm thú nhàn là cả một học thuyết triết học.
 
0,5
1,5
c. Sự tương đồng và khác biệt
– Tương đồng: Cả hai bài thơ đều thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn con người yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống…
– Khác biệt:
+ Vội vàng là tiếng thơ dào dạt của một tâm hồn trẻ trung, trong đó cảm xúc được tác giả bộc lộ trực tiếp. Bài thơ là sự khám phá đầy mới mẻ của nhà thơ về con người, cuộc đời, vũ trụ với những rung động mãnh liệt, những khát vọng táo bạo.
+ Nhàn được viết bằng bút pháp cổ điển, cảm xúc của nhà thơ được bộc lộ gián tiếp. Từ quan niệm sống nhàn, bài thơ thể hiện bức chân dung một con người giản dị, mộc mạc, một nhân cách cao quý, vẻ đẹp trí tuệ của một nhà nho ẩn dật – kiểu nhân vật trữ tình thường thấy trong văn học trung đại.
=> Sự khác biệt này xuất phát từ bối cảnh thời đại, văn hóa và phạm trù văn học…
 
0,25
 
0,25
3. Bình luận, đánh giá 1,0
– Nhận định trên chỉ ra điểm khác biệt cơ bản nhất giữa thơ cũ và thơ mới.
– Nhận định đó định hướng cho người đọc về con đường tiếp cận thơ ca: đặt tác phẩm vào thời đại.
Vội vàngNhàn là những thi phẩm đẹp, tiêu biểu cho hai thời đại thi ca dân tộc với những cảm xúc, tâm sự riêng tư nhưng lại có ý nghĩa khái quát về con người, về xã hội, nhân loại, có giá trị thẩm mĩ và giá trị nhân văn sâu sắc, làm phong phú tâm hồn con người.
0,25
 
0,5
 
0,25
 
Điểm tổng cộng: 20,0 điểm

Lưu ý chung:

  1. Đây là đáp án mở, thang điểm có thể không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của phần nội dung lớn nhất thiết phải có.
  2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
  3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
  4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.
  5. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.

 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *