SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NAM ĐỀ CHÍNH THỨC (Đề thi gồm 01 trang) |
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THPT NĂM HỌC 2018 – 2019 Môn: Ngữ văn 11 Thời gian làm bài: 180 phút |
ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Tất cả những gì bạn có là hiện tại. Thước đo sự bình an tinh thần và hiệu quả cá nhân được thể hiện ở khả năng sống cho hiện tại của chúng ta. Bây giờ là lúc bạn đang hiện hữu, không cần biết cái gì đã xảy ra ngày hôm qua và cái gì sẽ sảy ra ngày mai. Từ quan điểm này, chìa khóa cho hạnh phúc và sự thỏa mãn là tập trung đầu óc chúng ta vào thời khắc hiện tại.
Một điều tuyệt vời ở trẻ em là chúng hoàn toàn đắm mình trong giờ phút hiện tại. Chúng cố gắng tập trung hoàn toàn vào việc chúng đang làm dù cho việc đó là ngắm một con bọ, vẽ một bức tranh hay xây lâu đài trên cát, bất cứ cái gì mà chúng muốn dành hết sức lực để làm. Khi trở thành người lớn, nhiều người trong chúng ta học nghệ thuật suy nghĩ và lo lắng nhiều việc cùng một lúc. Chúng ta để cho những mối quan tâm về quá khứ và tương lai đan xen vào hiện tại và làm cho chúng ta khổ sở, kém cỏi.
Sống cho hiện tại có nghĩa là chúng ta thích thú bất kì điều gì chúng ta đang làm chứ không phải kết quả của nó. Nếu bạn đang sơn hiên nhà của mình thì có thể thưởng ngoạn từng đường cọ, thích thú học hỏi làm sao để làm tốt nhất công việc, đồng thời thưởng thức ngọn gió mát mơn man trên mặt bạn và tiếng chim hót líu lo trên cây và bất kì cái gì khác xảy ra xung quanh bạn.
Sống trong hiện tại là mở rộng tầm hiểu biết để làm cho giây phút hiện tại trở nên quý giá hơn là luôn khép kín. Mỗi chúng ta có một sự lựa chọn của mình, lúc này hay lúc khác, rằng chúng ta sống và hấp thụ, cho phép mình xúc cảm và lôi cuốn.
(Theo Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, Andrew Matthews,
NXB Trẻ, 2004, trang 48,49)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra quan điểm của tác giả về hiện tại, sống cho hiện tại, sống trong hiện tại được nêu trong văn bản.
Câu 2. Theo người viết, sự khác biệt giữa trẻ em và người lớn trong giờ phút hiện tại là gì? Vì sao có sự khác biệt ấy?
Câu 3. Hãy chọn trong văn bản một câu thể hiện được thông điệp của người viết và trình bày cách hiểu của anh/chị về thông điệp đó.
Câu 4. Theo anh/chị, việc sống cho hiện tại và sống trong hiện tại có ý nghĩa gì? (trình bày khoảng 10 dòng)
LÀM VĂN (17,0 điểm)
Câu 1 (7,0 điểm)
Có người cho rằng: Con đường gần nhất để ra khỏi gian nan là đi xuyên qua nó.
Nhưng có người lại khuyên: Hãy học cách ứng xử của dòng sông: gặp trở ngại, nó vòng đi đường khác.
Anh/Chị hãy bày tỏ quan điểm của mình về những ý kiến trên.
Câu 2 (10,0 điểm)
Bàn về quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, có ý kiến khẳng định:
Sáng tạo nghệ thuật là một quá trình kép: nhà văn vừa sáng tạo ra thế giới vừa kiến tạo gương mặt mình. (L.Tônxtôi)
Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Chứng minh qua một số tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ văn 11.
——–Hết——–
Họ và tên thí sinh:………………………………………………………..Số báo danh:………………………………….
Người coi thi số 1: …………………………………………………….. Người coi thi số 2: …………………………
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NAM |
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THPT NĂM HỌC 2018 – 2019 |
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN LỚP 11
(Hướng dẫn chấm gồm 04 trang)
YÊU CẦU CHUNG
– Học sinh có kiến thức văn học và xã hội chính xác, sâu rộng; kĩ năng đọc hiểu, làm văn tốt: bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và cảm xúc.
– Hướng dẫn chấm chỉ nêu những nội dung cơ bản, có tính định hướng chứ không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng. Cần đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể, không đếm ý cho điểm; trân trọng, khuyến khích những bài có cảm xúc và sáng tạo, có ý kiến và giọng điệu riêng; chấp nhận các cách kiến giải khác nhau, kể cả không có trong hướng dẫn chấm nhưng phải hợp lí và có sức thuyết phục.
YÊU CẦU CỤ THỂ
ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Kĩ năng: Thí sinh trả lời các câu hỏi theo đúng yêu cầu, ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc.
Kiến thức
Câu 1. (0,75 điểm)
Quan điểm của tác giả về hiện tại, sống cho hiện tại, sống trong hiện tại được nêu trong đoạn trích:
+ Hiện tại: Tất cả những gì bạn có là hiện tại. (…). Bây giờ là lúc bạn đang hiện hữu, không cần biết cái gì đã xảy ra ngày hôm qua và cái gì sẽ sảy ra ngày mai.
(0,25 điểm)
+ Sống cho hiện tại: có nghĩa là chúng ta thích thú bất kì điều gì chúng ta đang làm chứ không phải kết quả của nó.
(0,25 điểm)
+ Sống trong hiện tại: là mở rộng tầm hiểu biết để làm cho giây phút hiện tại trở nên quý giá hơn là luôn khép kín.
(0,25 điểm)
Câu 2. (0,75 điểm)
– Sự khác biệt giữa trẻ em và người lớn trong giờ phút hiện tại là:
+ Trẻ em: Chúng cố gắng tập trung hoàn toàn vào việc chúng đang làm dù cho việc đó là ngắm một con bọ, vẽ một bức tranh hay xây lâu đài trên cát, bất cứ cái gì mà chúng muốn dành hết sức lực để làm.
+ Người lớn: Chúng ta để cho những mối quan tâm về quá khứ và tương lai đan xen vào hiện tại và làm cho chúng ta khổ sở, kém cỏi; không phải chúng ta thích thú bất kì điều gì chúng ta đang làm mà chỉ chú ý đến kết quả của nó.
(0,5 điểm)
– Lý do của sự khác nhau ấy:
+ Trẻ em: Chúng hoàn toàn đắm mình trong giờ phút hiện tại.
+ Người lớn: Nhiều người trong chúng ta học nghệ thuật suy nghĩ và lo lắng nhiều việc cùng một lúc.
(0,25 điểm)
Câu 3. (0,75 điểm)
– Thí sinh có thể chọn một trong các câu sau:
+ Tất cả những gì bạn có là hiện tại.
+ Thước đo sự bình an tinh thần và hiệu quả cá nhân được thể hiện ở khả năng sống cho hiện tại của chúng ta.
+ Chìa khóa cho hạnh phúc và sự thỏa mãn là tập trung đầu óc chúng ta vào thời khắc hiện tại...
(0,25 điểm)
– Thí sinh trình bày cách hiểu của mình về một câu đã chọn.
Thông điệp của người viết là: đề cao giá trị của hiện tại đối với cuộc sống của mỗi chúng ta. Hiện tại là thước đo, là chìa khóa, là tất cả những gì chúng ta có và cần có để đi tới thành công và hạnh phúc.
(0,5 điểm)
Câu 4. (0,75 điểm)
Thí sinh bày tỏ suy nghĩ hợp lí, thuyết phục, sâu sắc về ý nghĩa của việc sống cho hiện tại và sống trong hiện tại.
Thí sinh có thể trình bày theo hướng: Người sống cho hiện tại và sống trong hiện tại sẽ:
+ Tự đặt ra cho mình những mục tiêu, tự sắp xếp những kế hoạch, phương hướng cụ thể cho cuộc sống, từ đó sẽ phát huy được năng lực, thế mạnh của bản thân trở thành người năng động, sáng tạo.
+ Tận dụng được mọi thời gian để mỗi ngày đều trở nên có ý nghĩa, cuộc sống luôn tươi đẹp, tâm hồn thư thái, không nuối tiếc, lo lắng.
+ Không đắm chìm trong quá khứ, không nuôi ảo tưởng về tương lai. Sống tốt ở hiện tại là chúng ta đã có một quá khứ và một tương lai tốt đẹp.
LÀM VĂN (17,0 điểm)
Câu 1 (7,0 điểm)
Kĩ năng: Đáp ứng đúng yêu cầu của bài văn nghị luận xã hội; bố cục rõ ràng, hợp lí; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục; dẫn chứng thực tế phù hợp; khuyến khích những bài viết sáng tạo.
Kiến thức: Trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, biết cách làm bài nghị luận xã hội, thí sinh có thể trình bày, diễn đạt theo nhiều cách khác nhau song về cơ bản cần có những ý sau:
* Giới thiệu vấn đề cần nghị luận
(0,5 điểm)
* Giải thích hai ý kiến:
(2,0 điểm)
– Ý kiến 1: Với cách nói ẩn dụ, ý kiến khẳng định cách tốt nhất để vượt qua gian nan là hãy dũng cảm chấp nhận, chủ động đối mặt với nó và vượt qua nó.
– Ý kiến 2: Mượn một hình ảnh có trong tự nhiên là dòng sông khi gặp trở ngại không thể tiếp tục chảy thẳng nó sẽ chuyển hướng đổi dòng để cuối cùng vẫn có thể chảy ra biển hoặc hòa vào dòng sông khác, ý kiến đã đưa ra một cách ứng xử của con người trước khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Đó là không đối mặt và cũng không bỏ cuộc mà hãy tìm một cách khác có thể mất thời gian hơn, chậm hơn nhưng vẫn tới đích và an toàn. Đó là lời khuyên con người cần có cách ứng xử linh hoạt, mềm dẻo, khôn ngoan, khôn khéo sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh, từng tình huống gặp phải trong cuộc sống.
-> Hai ý kiến đề cập tới hai cách ứng xử của con người trước những khó khăn thử thách trong suốt hành trình dài rộng của cuộc đời.
* Bình:
(2,0 điểm)
– Hai ý kiến đều đúng:
+ Ý kiến thứ nhất: đề cao bản lĩnh, ý chí, nghị lực, lòng dũng cảm, dám chấp nhận, dám đối mặt với gian nan thử thách, khắc phục và vượt lên chiến thắng.
+ Ý kiến thứ hai: đề cao cách ứng xử linh hoạt, mềm dẻo khi cần thiết để đạt được mục đích trong cuộc sống.
– Hai ý kiến không đối lập mà bổ sung, hoàn thiện cách ứng xử của con người trước trở ngại khó khăn trong cuộc sống.
(Lấy dẫn chứng thực tế đời sống để chứng minh)
* Luận:
(2,0 điểm)
– Cuộc sống luôn tiềm ẩn nhiều khó khăn thử thách, nhiều khi vô cùng khắc nghiệt và bất ngờ, không phải lúc nào con người cũng có thể đối mặt và vượt qua. Do đó cần có cách ứng xử linh hoạt, mềm dẻo, không nên cứng nhắc, cố chấp, tránh những thất bại, sai lầm đáng tiếc.
– Khi gặp khó khăn, không nên có tư tưởng ngại khó hay bi quan, tuyệt vọng, cần phải có thái độ và suy nghĩ tích cực, bình tĩnh, tự tin để có thể chủ động linh hoạt, tìm ra cách ứng xử khôn ngoan nhất, đạt hiệu quả cao nhất. Muốn vậy con người cần không ngừng học hỏi, trau dồi, trải nghiệm…
– Phê phán những kẻ hoặc đầu hàng gục ngã trước khó khăn thử thách, hoặc ứng xử nguyên tắc, máy móc dẫn đến nhiều hậu quả, hệ lụy… đồng thời cũng phê phán những kẻ đi vòng, đi tắt, bất chấp pháp luật và đạo đức, bằng mọi thủ đoạn để đạt được điều mình muốn.
(Lấy dẫn chứng thực tế đời sống để chứng minh)
* Bài học nhận thức, hành động
(0,5 điểm)
Câu 2 (10,0 điểm)
Kĩ năng: Đáp ứng đúng yêu cầu một bài văn nghị luận văn học bàn về một ý kiến; bố cục rõ ràng, hợp lí; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục; dẫn chứng phù hợp làm nổi bật được vấn đề; khuyến khích những bài viết sáng tạo.
Kiến thức: Trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề lí luận văn học, học sinh có thể trình bày, diễn đạt theo nhiều cách khác nhau song về cơ bản cần có những ý sau:
* Giới thiệu vấn đề cần nghị luận
(0,5 điểm)
* Hiểu ý kiến:
(2,5 điểm)
– Sáng tạo nghệ thuật: là quá trình nhà văn tạo ra tác phẩm nghệ thuật bằng tài năng và tâm huyết, bằng cảm hứng dồi dào, mãnh liệt…
– Quá trình kép: thực chất là hai quá trình trong một quá trình.
– Sáng tạo ra thế giới: từ hiện thực đời sống, nhà văn tái tạo, nhào nặn chất liệu, qua lăng kính chủ quan của người viết hiện thực sẽ mang một diện mạo mới, khác với hiện thực ngoài đời.
– Kiến tạo gương mặt mình: nhà văn để lại dấu ấn, nét phong cách riêng, khẳng định vị trí trong nền văn học.
=> Ý kiến bàn về bản chất của quá trình sáng tạo nghệ thuật, đó vừa là sự tái tạo hiện thực vừa thể hiện cá tính sáng tạo độc đáo – phong cách nghệ thuật của người nghệ sĩ. Có thể nói đây là ý kiến đúng, vì:
+ Văn học bắt nguồn từ hiện thực đời sống. Nhưng văn học không phải là sự sao chép nguyên xi hiện thực. Hiện thực chỉ là chất liệu, là tiền đề của sáng tạo. Hiện thực phải được lọc qua lăng kính chủ quan của nhà văn, được tổ chức lại theo những quy luật nghệ thuật riêng, để đạt đến những mục đích thẩm mĩ nhất định. Vì thế, hiện thực trong tác phẩm trở thành một thế giới mới, vừa giống lại vừa không giống thế giới thực, bởi thế giới đó giàu khả năng khái quát hóa đời sống hơn chính bản thân đời sống.
+ Sáng tạo nghệ thuật không chỉ để phản ánh thực tại mà còn là cách thức để người nghệ sĩ thể hiện cá tính nghệ thuật, phong cách nghệ thuật độc đáo. Chính quá trình sáng tạo với hệ thống các tác phẩm sẽ dần dần hình thành diện mạo nghệ thuật riêng biệt của nhà văn, làm nên dấu ấn, sức thu hút của nhà văn, xác lập vị trí không thể thay thế của nhà văn trong nền văn học. Nếu sáng tác không để lại dấu ấn riêng có giá trị, tên tuổi nhà văn lập tức sẽ bị lu mờ.
* Chứng minh ý kiến:
(6,0 điểm)
HS tự chọn và phân tích một số tác phẩm tiêu biểu trong chương trình Ngữ văn 11 để chứng minh ý kiến. Trong quá trình phân tích chứng minh cần lưu ý làm rõ được:
– Thế giới mới, hiện thực đời sống được tái tạo trong tác phẩm.
– Phong cách nghệ thuật của nhà văn thể hiện qua: cái nhìn mới mẻ giàu tính khám phá đối với đời sống chi phối sự lựa chọn đề tài; xác định chủ đề; cách sử dụng ngôn ngữ; kiểu nhân vật; kiểu kết cấu; giọng điệu riêng không thể trộn lẫn,…
* Nhận xét đánh giá:
(1,0 điểm)
– Đây là ý kiến xác đáng khi đánh giá quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ.
– Ý kiến rất có ý nghĩa đối với cả người sáng tác và người tiếp nhận:
+ Đối với người sáng tác: đặt ra yêu cầu sáng tạo là phải đem đến cái mới, cái riêng, cái độc đáo cả trong việc phản ánh hiện thực và thể hiện phong cách nghệ thuật. Muốn vậy nhà văn cần không ngừng trau dồi tài năng và nhân cách (tài và tâm).
+ Đối với người tiếp nhận: đến với tác phẩm không chỉ để khám phá xem nhà văn viết cái gì mà là viết như thế nào, cần trân trọng, đánh giá đúng những nỗ lực tạo ra cái riêng trên hành trình sáng tạo của nhà văn. Người tiếp nhận cũng cần phải có năng lực và tấm lòng, từ đó mới có thể tạo ra tiếng nói tri âm cùng tác giả.
———Hết———