TRẠI HÈ LẦN HÙNG VƯƠNG THỨ XI
TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN TỈNH ĐIỆN BIÊN
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT |
ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN
LỚP 11
(Đề này có 01 trang, gồm 02 câu) |
ĐỀ BÀI
Câu 1 (08 điểm)
Khát vọng và tham vọng của con người trong cuộc sống
Câu 2 (12 điểm)
Lý Nhuệ – nhà văn nổi tiếng của văn học đương đại Trung quốc có nói: “Lịch sử văn học chỉ trân trọng những sáng tạo độc đáo”
Suy nghĩ của anh chị về ý kiến trên.
Lưu ý: thang điểm 20
……………..HẾT…………………
Người thẩm định
Trần Hương Giang Điện thoại liên hệ: 01292047688 |
Người ra đề
Lê Thị Tuyết Điện thoại liên hệ: 0912565048 |
HƯỚNG DẪN CHẤM
Môn: Ngữ văn, lớp 11
Câu 1: ( 8 điểm )
- Yêu cầu chung
– Thí sinh được tự do lựa chọn các kiểu bài và thao tác tạo lập văn bản, nhưng phải phù hợp và nhuần nhuyễn.
– Thí sinh được tự do huy động các chất liệu thuộc tri thức sách vở, tri thức đời sống và những trải nghiệm của riêng mình…Tuy nhiên, vẫn phải xác định rõ vấn đề thuộc phạm vi nghị luận xã hội chứ không phải nghị luận văn học.
– Hành văn lưu loát, trong sáng, giàu cảm xúc.
- Nội dung cần đạt: Đây là bài NLXH mở, thí sinh có thể nêu những ý kiến riêng và trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần hợp lý, chặt chẽ, thuyết phục.
Bài làm có thể triển khai theo hướng sau:
1) Giải thích vấn đề
– “Khát vọng”: là mong muốn những điều lớn lao, đẹp đẽ với một sự thôi thúc mạnh mẽ của nội tâm. Hướng tới khát vọng là hướng tới những điều tốt đẹp cho bản thân và cộng đồng
– “Tham vọng”: là lòng ham muốn lớn, vượt ra khỏi khả năng thực tế của bản thân. “Tham vọng” thường đi liền với dục vọng cá nhân
– “Khát vọng” và “tham vọng” là thứ tình cảm thường thấy trong con người. Hiểu rõ về khát vọng và tham vọng, con người mới làm chủ được bản thân và đạt được những điều mình mong ước
2) Bàn luận vấn đề
- a) Điểm tương đồng của khát vọng và tham vọng
– Thứ nhất: và khát vọng và tham vọng đều là biều hiện của tâm lí tình cảm con người. Nó xuất hiện khi con người mong muốn có được những điều lớn lao, tốt đẹp hơn mà cuộc sống hiện tại chưa có
– Thứ hai: cả khát vọng và tham vọng đều là chất xúc tác giúp cuộc sống con người phát triển
- b) Điểm khác biệt
– Về khát vọng
+ Khát vọng là là một biểu hiện tâm lí mang tính chất tích cực của con người trong cuộc sống. Khát vọng xuất phát từ những mong ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn không chỉ cho bản thân mà còn cho xã hội.
+ Người có khát vọng là người nhận thức đúng đắn về bản thân, định vị đúng bản thân, biết làm chủ bản thân, vì thế tránh được nhiều rủi ro.
+ Khát vọng là mong muốn cho nên có thể thực hiện được cũng có thể không thực hiện được. Cho dù không trở thành hiện thực thì người có khát vọng luôn được sống trong niềm tin, niềm lạc quan trong trẻo.
– Về tham vọng:
+ Tham vọng là một biểu hiện tâm lí ít nhiều mang sắc thái tiêu cực của con người. Tham vọng xuất phát từ sự vị kỉ, từ lòng tham của con người.
+ Tham vọng thường xuất hiện khi con người không nhận thức đúng đắn về bản thân, Những người tham vọng dễ dàng bất chất pháp luật, bất chấp đạo lí, bất chấp tình người để thực hiện bằng được tham vọng.
+ Khi không đạt được tham vọng, con người thường rơi vào trạng thái tâm lí tiêu cực như: bi quan, chán nản, thù ghét.
– Phê phán hai trường hợp:
+ Ngưởi không có khát vọng
+ Kẻ bị tham vọng làm mờ mắt
3) Liên hệ, mở rộng
– Khát vọng là điều cần có ở mỗi người. Ngược lại tham vọng cần được tiết chế .
– Liên hệ bản thân: Mình đang có khát vọng hay tha vọng ? Tuổi trẻ cần có khát vọng thế nào để cuộc đời mình trở nên ý nghĩa ?
- Cách cho điểm
– Điểm 7 – 8 : Học sinh tỏ ra hiểu vấn đề, biết làm bài nghị luận xã hội, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng sinh động, không mắc lỗi.
– Điểm 5- 6 : Học sinh tỏ ra hiểu vấn đề, dẫn chứng cụ thể, nhưng lập luận chưa chặt chẽ, ý văn chưa sáng, còn vài lỗi về diễn đạt; hoặc bài lập luận chặt, ý sáng rõ nhưng chưa có nhiều dẫn chứng cụ thể.
– Điểm 3- 4 : Bài viết tỏ ra hiểu vấn đề còn lơ mơ, chưa chú ý minh hoạ bằng dẫn chứng cụ thể , diễn đạt còn nhiều lỗi.
– Điểm 1- 2: Khai thác được một vài ý nhưng sơ sài, mắc nhiều lỗi.
– Điểm 0 : Không viết gì hoặc tỏ ra không hiểu gì về đề.
Câu 2: (12 điểm)
- Yêu cầu chung
– Biết cách làm một bài văn nghị luận tổng hợp
– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, thuyết phục.
– Hành văn trong sáng, giàu cảm xúc, hình ảnh, không mắc lỗi diễn đạt.
- Nội dung cần đạt
Bài làm có thể có nhiều cách trình bày khác nhau nhưng cần đáp ứng được một số ý kiến cơ bản sau:
1, Giải thích
– Nói đến “lịch sử văn học” là nói đến sự vận động của chính bản thân văn học ( bao gồm tác giả, tác phẩm, trào lưu, giai đoạn) trong không gian, thời gian, qua các thời kì lịch sử nhât định.
– “Sáng tạo ” : chỉ hoạt động khám phá, phát minh tìm ra cái chưa có, làm mới làm lạ cái đã có của người nghệ sĩ.
=> Dòng chảy lịch sử văn chương thừa nhận tính sáng tạo, phẩm chất sáng tạo của người nghệ sĩ. Sáng tạo vừa là yêu cầu vừa làm nên vị trí danh dự của nhà văn , sức sống lâu bền của nhà văn trong lòng độc giả.
2, Bình luận, chứng minh
– Đây là một ý kiến xác đáng, là tiếng nói của người trong cuộc.
– Tại sao sáng tạo làm nên sức sống , tại sao sáng tạo được đề cao ?
+) Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo. Văn học, nghệ thuật không chấp nhận sự lặp lại…sự bắt chước…
+) Mỗi độc giả, khi đến với văn chương, ngoài mục đích giải trí hay nâng cao nhận thức, thẩm mĩ hoặc tìm đến văn chương để được sẻ chia tâm sự thì người đọc vẫn hướng tới những tác phẩm độc đáo mởi mẻ. Bởi vậy, nhà văn và tác phẩm luôn phải chịu một quy luật rất khắt khe: quy luật đào thải.
3, Mở rộng vấn đề
– Lý Nhuệ đã đề cao sáng tạo nhưng không tuyệt đối hóa vai trò của sáng tạo. Làm nên sức sống của một nhà văn không chỉ dựa vào sáng tạo mà còn ở nhiều yếu tố khác nữa như: tiếng nói tri âm, sự phản ánh hiện thực ở bề sâu, tính dân tộc, tính nhân dân trong văn học..
– Người nghệ sĩ hãy không ngừng sáng tạo, tìm tòi.
– Nhận định được xem như một gợi ý người đọc về tiêu chuẩn đánh giá, thẩm định một tác phẩm văn chương.
- Cách cho điểm
– Điểm 11 – 12 : Học sinh đạt được hầu hết các yêu cầu trên.
– Điểm 9 – 10 : Học sinh đạt hầu hết các yêu cầu nói trên nhưng còn mắc một số lỗi.
– Điểm 7 – 8 : Học sinh đạt được hầu hết các yêu cầu về nội dung lập luận chưa chặt chẽ, ý văn chưa sáng, còn vài lỗi về diễn đạt.
– Điểm 5- 6 : Bài viết tỏ ra hiểu vấn đề lơ mơ, phân tích chưa hướng tới việc làm sáng tỏ yêu cầu của đề, diễn đạt còn nhiều lỗi.
– Điểm 3 – 4 : Bài viết sơ sài, chỉ phân tích bài thơ thuần tuý, mắc nhiều lỗi.
– Điểm 0- 2 : Không viết gì hoặc tỏ ra không hiểu gì về đề.