Đề HSG theo hướng mới Thơ là bó đuốc đốt thiêu, là bàn tay thắp lửa

CỤM CÁC TRƯỜNG THPT HUYỆN HOẰNG HÓA

 

 

 

 

 

KỲ THI KS CHẤT LƯỢNG ĐỘI TUYỂN HSG TỈNH

NĂM HỌC 2023-2024

Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian: 150 phút, không kể thời gian giao đề

Ngày thi:

Đề có 02  trang, gồm 02  phần

PHẦN 1. ĐỌC HIỂU ( 6.0 ĐIỂM)

Đọc văn bản sau:

Có một câu chuyện kể về một cô bé luôn mong muốn tìm kiếm được cho mình một cuộc sống vẹn toàn. Một hôm Thượng Đế xuất hiện và bảo:

-“Con hãy đi theo con đường lộng gió phía trước. Ta cho con kỳ hạn là 365 ngày để nhặt một hòn đá lớn nhất mà con có thể tìm thấy. Hòn đá càng to thì ta càng ban cho con nhiều hơn. Nhưng khi đi qua rồi thì không được quyền quay lại. Vì vậy, hãy suy nghĩ thật cẩn thận trước khi chọn hòn đá cho mình”.

Cô bé cảm thấy thật sung sướng và bắt đầu bước vào hành trình của mình trên con đường lộng gió để tìm kiếm “hạnh phúc lớn nhất” cho cuộc đời cô. Tuy nhiên, mỗi khi bắt gặp một hòn đá to dọc lối đi, cô lại do dự và tự nhủ với lòng mình “chắc hòn đá kế tiếp sẽ to hơn nhiều“. Nhiều ngày, nhiều tuần và nhiều tháng trôi qua rồi cô cũng đi gần hết con đường và chợt nhận ra rằng cô đang không còn đủ thời gian và cơ hội để chọn những hòn đá to. Vì vậy cô đành phải nhặt vội vàng một hòn đá nhỏ ven đường…

(https://truyennganynghia.com/hat-giong-tam-hon/truyen-ngan-hay-tran-trong-nhung-dieu-ban-dang-co/)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2. Trong văn bản, Thượng Đế đã yêu cầu cô bé làm gì và phải đáp ứng những điều kiện gì?

Câu 3. Theo anh/chị, khi yêu cầu cô bé phải nhặt một hòn đá lớn nhất, Thượng Đế yêu cầu đi qua rồi thì không được quyền quay lại  có ý nghĩa như thế nào?

Câu 4. Anh/Chị suy nghĩ gì về việc nhiều ngày, nhiều tuần và nhiều tháng trôi qua rồi cô cũng đi gần hết con đường và chợt nhận ra rằng cô đang không còn đủ thời gian và cơ hội để chọn những hòn đá to?

PHẦN 2. LÀM VĂN (14 ĐIỂM)

Câu 1 (4,0 điểm):

Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của việc làm một người bình thường, sống cuộc đời bình thường.

Câu 2 (10,0 điểm):

Nhà thơ Lưu Quang Vũ quan niệm: Thơ là bó đuốc đốt thiêu, là bàn tay thắp lửa.

            Anh/ chị hiểu ý kiến trên như thế nào?  Qua đoạn trích Việt Bắc của Tố Hữu (Trích Việt Bắc – Tố Hữu, SGK Ngữ văn 12, tập 1, NXB GD, 2012, trang 109-113), anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

CỤM THPT HOẰNG HÓA

(Đáp án gồm có 06 trang)

 ĐÁP ÁN CHI TIẾT ĐỀ GIAO LƯU HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH NĂM 2023

Môn  thi: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian phát đề

 

 

 

  1. A. YÊU CẦU CHUNG:
  2. 1. Có kiến thức văn học và xã hội đúng đắn, sâu rộng; kĩ năng làm văn tốt: bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và gợi cảm, ít mắc lỗi về chính tả, ngữ pháp…
  3. 2. Đáp ứng yêu cầu đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, hướng dẫn chấm chỉ nêu một số nội dung cơ bản, định tính chứ không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng hướng dẫn chấm, không chỉ đánh giá kiến thức và kĩ năng mà còn chú ý đến thái độ, cảm xúc, tình cảm của người viết, cẩn trọng và tinh tế đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể. Giám khảo cần khuyến khích những tìm tòi, sáng tạo riêng trong nội dung và hình thức bài làm, chấp nhận các kiến giải khác nhau, kể cả không có trong hướng dẫn chấm, miễn là hợp lí, có sức thuyết phục.
  4. Tổng điểm của toàn bài là 20,0 điểm, cho lẻ đến 0,25 điểm. Hướng dẫn chấm chỉ cho điểm từng câu, từng ý, trên cơ sở đó giám khảo có thể thống nhất định ra các thang điểm cụ thể khác.
  5. YÊU CẦU CỤ THỂ:
Phần/ Câu Nội dung Điểm
I ĐỌC HIỂU 6.0
Yêu cầu về kĩ năng:

– Thí sinh có kĩ năng đọc hiểu văn bản.

– Diễn đạt rõ ý, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

Yêu cầu về kiến thức:

1 Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản: tự sự

Hướng dẫn chấm:

Thí sinh trả lời như đáp án: 1,0đ

-Thí sinh trả lời không đúng như đáp án: không cho điểm

1,0
2 – Trong văn bản, Thượng Đế đã yêu cầu cô gái phải tìm một hòn đá lớn nhất mà cô thấy.

– Yêu cầu của Thượng Đế là: Thực hiện công việc trong 365 ngày và khi đi qua rồi thì không được quyền quay lại.

Hướng dẫn chấm:

Thí sinh trả lời như đáp án: 1.0đ, mỗi ý đúng được 0,5đ

-Thí sinh trả lời không đúng: không cho điểm

Lưu ý: Thí sinh có thể trả lời bằng các từ ngữ/các cách diễn đạt tương đương vẫn cho điểm tối đa.

1,0

 

3 Khi yêu cầu cô bé phải nhặt một hòn đá lớn nhất thì Thượng Đế lại yêu cầu đi qua rồi thì không được quyền quay lại  có ý nghĩa là:

-“Hòn đá” có thể hiểu là những điều giá trị, ý nghĩa của cuộc sống. “Nhặt hòn đá lớn nhất” tức là biết nhận ra và trân trọng điều giá trị nhất, khoảnh khắc ý nghĩa nhất trong cuộc đời. “Đi qua rồi thì không được quyền quay lại” tức là cơ hội để được tận hưởng niềm hạnh phúc lớn lao của cuộc sống chỉ đến có một lần, đã qua đi sẽ không quay lại được.

– Yêu cầu của Thượng Đế nhằm giúp cô bé nhận ra rằng: mỗi giây phút cuộc sống đều có giá trị riêng của nó, qua đi sẽ không trở lại; phải biết trân quý những giá trị đó, cũng chính là trân quý cuộc sống của chính mình.

– Từ ý nghĩa đó,tác giả muốn nhắn nhủ đến mỗi người hãy sống trọn vẹn và trân quý từng khoảnh khắc của cuộc đời

 

Hướng dẫn chấm:

Thí sinh trả lời  được ý 1: 0,5đ; ý 2: 1,0đ; ý 3: 0,5đ

-Thí sinh trả lời không đúng: không cho điểm

Lưu ý: Thí sinh có thể trả lời bằng các từ ngữ/các cách diễn đạt tương đương vẫn cho điểm tối đa.

 

2,0

 

 

 

4 Việc nhiều ngày, nhiều tuần và nhiều tháng trôi qua rồi cô cũng đi gần hết con đường và chợt nhận ra rằng cô đang không còn đủ thời gian và cơ hội để chọn những hòn đá to gợi nhiều suy nghĩ:

– Câu văn nêu lên tình thế của cô bé: thời hạn đã hết nhưng cô vẫn chưa thực hiện được yêu cầu của Thượng Đế. Lúc đó cô mới nhận ra, cô đã quá cầu toàn, đi tìm cái hoàn hảo xa vời mà không biết nắm bắt cơ hội và quý trọng những hòn đá to mà mỗi ngày cô gặp trên đường. Chính điều đó khiến cô sẽ mãi mãi không thể tìm được một hòn đá vừa ý, trong khi vẫn bỏ qua những hòn đá rất đáng nhặt bên mình.

– Kết quả đó là hợp lí đối với cô bé, nhưng đó là kết quả đáng buồn. Đó vừa là bài học cho cô bé, cũng là bài học cho người đọc: hãy sống hết mình trong mỗi phút giây, trân trọng mỗi việc, mỗi điều mà ta có trong cuộc sống. Hạnh phúc là hành trình, không phải đích đến. Nó ở bên ta, mỗi ngày.

Hướng dẫn chấm:

Thí sinh trả lời như đáp án và có cách lý giải thuyết phục:2,0đ, mỗi ý đúng: 1.0đ

-Thí sinh không trả lời được: không cho điểm

Lưu ý: Thí sinh có thể trả lời bằng các từ ngữ/các cách diễn đạt tương đương vẫn cho điểm tối đa

2,0

 

II LÀM VĂN 14.0
1   Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý nghĩa của việc: là một người bình thường, sống cuộc đời bình thường. 4,0
  Yêu cầu chung:

– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ thái độ, chủ kiến của mình để làm bài.

– Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, được tự do bày tỏ quan niệm riêng của mình, nhưng phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.

  Yêu cầu cụ thể:
  a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn:

Có đủ mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

0,25
  b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: ý nghĩa của việc là một người bình thường, sống cuộc đời bình thường. 0,25
   c. Triển khai vấn đề nghị luận thành một đoạn văn theo những cách khác nhau, nhưng cần tập trung làm rõ vấn đề: Có thể triển khai theo hướng sau:

– Những thành công vĩ đại, những tài năng kiệt xuất, những sự nghiệp phi thường…. đó là điều con người hằng mơ ước nhưng không phải ai cũng có thể vươn tới bởi chúng ta có những giới hạn về năng lực, điều kiện… Lịch sử chứng minh những gương mặt nổi bật trong xã hội để lại những dấu ấn cho sự phát triển thuộc về thiểu số.

– Đa phần chúng ta là những con người bình thường, sống cuộc đời bình thường và bình thường đã là điều tuyệt vời hạnh phúc, bởi vì:

+ Hạnh phúc hiện diện trong những điều giản dị, bình thường của cuộc sống: Được sống và chết bình thường theo quy luật tự nhiên, có bố mẹ yêu thương chăm sóc, có mái nhà để ở có ngôi trường để học có công việc để làm, có cơ thể lành lặn khỏe mạnh để tồn tại….

+ Ở trạng thái bình thường, ta vẫn có thể sống hết mình, khẳng định giá trị bản thân, có một cuộc đời tử tế, giàu ý nghĩa.

+ Nhân loại rộng lớn được tạo nên bởi những người nhỏ bé bình thường vô danh đông đảo. Chính họ là những người bền bỉ sống, bền bỉ kiến tạo, dựng xây và bảo vệ, trao truyền những giá trị vật chất và tinh thần cho thế hệ mai sau.

– Phân biệt cái bình thường với cái tầm thường, nhỏ mọn, khép đời mình trong lối sống nhạt nhẽo, âm thầm, vô vị.

– Chấp nhận và vui vẻ sống cuộc đời bình thường không có nghĩa là ta từ bỏ khát vọng vươn tới những điều lớn lao cao cả, bởi cái vượt trội kiệt xuất nổi bật không có sẵn mà được thắp lên bởi những con người bình thường nhưng mang trong mình ý chí, nỗ lực, sức làm việc và sáng tạo phi thường.

– Vui vẻ hòa mình với cái bình thường, đời thường dung dị đồng thời cũng cần có thái độ cởi mở, sẵn sàng chấp nhận những cái khác thường, dị thường làm phong phú thêm những sắc màu sự sống.

(Thí sinh lấy dẫn chứng tiêu biểu, thuyết phục)

Hướng dẫn chấm:

–          Lập luận chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (3,0-4,0đ)

–          Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ xác đáng; có dẫn chứng nhưng chưa tiêu biểu (2,25-2,75đ)

–          Lập luận không chặt chẽ; lí lẽ chưa xác đáng, chưa liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận; có dẫn chứng nhưng không phù hợp (0,75-1,25đ)

Lập luận chung chung; lí lẽ không xác đáng, không liên quan đến vấn đề nghị luận; không có dẫn chứng (0,25-0,5đ)

 

3,0

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu:

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

0,25
e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,25
2     10,0
  Yêu cầu chung:
– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về lí luận văn học, tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản, khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài.

– Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng.

  Yêu cầu cụ thể: Xác định đúng được vấn đề nghị luận: Cảm nhận Việt Bắc” của Tố Hữu, bình luận ý kiến của Kharapchenko.  
1 Giải thích ý kiến            2,0
  a. Cắt nghĩa:

– Bó đuốc đốt thiêu: sự đốt cháy, thăng hoa cảm xúc.

– Bàn tay thắp lửa: Thơ đốt lên cảm xúc yêu thương trong lòng độc giả

-> Câu thơ của Lưu Quang Vũ khẳng định thơ phải được đốt cháy từ những tình cảm mãnh liệt trong lòng tác giả, đồng thời thắp lên ngọn lửa cảm xúc ấy cho độc giả.

=> ý kiến khẳng định vai trò quan trọng của cảm xúc trong thơ.

1,0

 

  b. Lí giải:

* Thơ là bó đuốc đốt cháy, tạo nên sự thăng hoa cảm xúc của người nghệ sĩ:

– Thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc, nếu không có cảm xúc thì người nghệ sĩ không thể sáng tạo nên những vần thơ hay.

– Văn học phản ánh đời sống con người, với thơ ca cuộc sống không chỉ là hiện thực xã hội bên ngoài mà còn là đời sống tâm hồn, tình cảm phong phú của chính nhà thơ.

– Cảm xúc trong thơ cũng không phải thứ cảm xúc nhàn nhạt. Đó phải là tình cảm ở mức độ mãnh liệt nhất thôi thúc người nghệ sĩ cầm bút sáng tạo. Nhà thơ phải tự đốt cháy cảm xúc của chính mình để tạo nên những vần thơ như có lửa nóng, dạt dào men say.

* Thơ cũng nhen lên ngọn lửa cảm xúc trong lòng bạn đọc:

– Bạn đọc tìm đến với thơ là tìm đến tiếng nói đồng điệu, đi tìm hồn mình trên trang viết. Nếu những điều nhà thơ viết ra có sức nóng của cảm xúc, cảm xúc ấy sẽ được truyền đến độc giả, nhen lên trong họ những rung động, tình cảm tương ứng.

– Cảm xúc mà thơ nhóm lên trong lòng độc giả có thể là tình yêu, niềm say mê, hạnh phúc, sự căm thù, …. Những tình cảm ấy đều phải hướng con người tới cái đẹp, cái thiện.

1,0
2  Phân tích “Việt Bắc” để làm sáng tỏ ý kiến 7,0
  a. Giới thiệu tác giả Tố Hữu và bài thơ Việt Bắc.

– Tố Hữu là lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Ông là nhà thơ của lý tưởng cộng sản, của những tình cảm lớn, lẽ sống lớn. Với Tố Hữu, thơ là tiếng nói đồng điệu, tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí. Vậy nên, nội dung trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu lại được biểu đạt qua giọng điệu trữ tình ngọt ngào như những lời thương mến.

– “Việt Bắc chính là đỉnh thơ cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên” (Xuân Diệu). Đoạn trích được trích từ bài thơ cùng tên, ra đời nhân sự kiện lịch sử chính trị đặc biệt: sau khi chiến dịch Điện Biên phủ thắng lợi, trung ương Đảng quyết định rời chiến khu về Hà Nội. Tác phẩm vừa thể hiện tình cảm lớn của thời đại vừa mang dấu ấn riêng của Tố Hữu.

0,5
  b. Phân tích bài thơ  Việt Bắc để làm sáng tỏ ý kiến.

b1. Những cung bậc cảm xúc mà Tố Hữu đốt cháy trong Việt Bắc

* Việt Bắc được đốt lên từ tình cảm lưu luyến bịn rịn không nỡ rời xa của kẻ ở và người đi trong cuộc chia tay (2 đoạn thơ đầu)

* Việt Bắc được đốt lên từ nỗi nhớ da diết của người đi (cách mạng về xuôi) dành cho kẻ ở (đồng bào Việt Bắc)

– Nỗi nhớ thiên nhiên Việt Bắc

– Nỗi nhớ con người Việt Bắc

* Việt Bắc được đốt lên từ cảm xúc say mê tự hào khi nhớ về những cuộc kháng chiến ở chiến khu

* Việt Bắc được đốt lên từ niềm yêu thành kính dành cho Đảng và Bác Hồ

b2. Việt Bắc đã thắp lửa, làm lan tỏa, những cảm xúc tích cực cho bạn đọc

– Khơi dậy và thắp sáng lên tình yêu của người đọc dành cho mảnh đất chiến khu – quê hương cách mạng

– Làm nảy nở, nuôi dưỡng và phát triển tình yêu, lòng tự hào của người đọc đối với lịch sử dân tộc, đối với Đảng, Bác Hồ

– Tỏa sáng truyền thống đạo lí uống nuước nhớ nguồn, lối sống ân tình thủy chung…

b3. Việt Bắc đốt thiêu những cảm xúc trong lòng nhà thơ, thắp lửa trong lòng bạn đọc bằng những hình thức nghệ thuật đặc sắc

– Kết cấu đối đáp, sử dụng sáng tạo cặp đại từ mình – ta, thể thơ lục bát

– Ngôn ngữ giàu chất họa, chất nhạc

– Giọng thơ tâm tình ngọt ngào như giọng của lứa đôi

– Các biện pháp nghệ thuật: đối lập tương phản, ẩn dụ…

 

3.5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1.5

 

 

 

 

 

 

 

1.5

 

3 Đánh giá, mở rộng: 1,0
  – Ý kiến đúng, khẳng định vai trò quan trọng của cảm xúc trong thơ.

– Tuy nhiên, nếu chỉ có những cảm xúc mãnh liệt, đắm say mà câu từ dễ dãi, không có sự trau chuốt, gọt rũa, thì những cảm xúc ấy cũng khó có thể chạm đến trái tim độc giả.

– Yêu cầu đối với người sáng tác và người tiếp nhận:

+ Người sáng tác: tự bồi dưỡng, vun đắp cho mình những cảm xúc chân thành, sâu sắc.

+ Người tiếp nhận: vừa thưởng thức cái hay, cái đẹp của thơ ca; vừa đồng cảm với nỗi lòng thi sĩ, thắp lên ngọn lửa của những cảm xúc nhân văn trong lòng.

 

 

0,5

 

 

0,5

Lưu ý chung:

1. Đây là hướng dẫn chấm mở, thang điểm không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của phần nội dung lớn nhất thiết phải có.

2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.

3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.

4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.

5. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.

 

———– HẾT ĐÁP ÁN MÔN NGỮ VĂN  ——–

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *