Đề HSG: viết một bài văn trả lời cho câu hỏi “Tuổi trẻ cần thắp lên ngọn lửa gì

Đề tham khảo số 32:

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI NGỮ VĂN 11

NĂM HỌC 2023-2024

  1. MỤC TIÊU

– Lí giải, bàn luận sâu sắc những vấn đề trong thực tiễn đời sống và những vấn đề về tư tưởng đạo lí được gợi ra từ vấn đề đề từ đó có những suy nghĩ, nhận thức và hành động phù hợp với bản thân, với những giá trị nhân văn của dân tộc và xu thế phát triển của thời đại.

– Phân tích được một số đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ văn học. Phân tích được tính đa nghĩa của ngôn từ trong tác phẩm văn học. Phân tích và đánh giá được chủ đề, tư tưởng, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản thơ. Đánh giá được giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố trong thơ như ngôn từ, từ ngữ, hình ảnh, nhạc điệu chủ thể trữ tình, nhân vật trữ tình

– Biết, thưởng thức và đánh giá cái đẹp trong văn học và cuộc sống, biết làm chủ cuộc sống, biết làm chủ cảm xúc của bản thân, biết hành động hướng theo cái đẹp, cái thiện – cảm nhận vẻ đẹp ngôn ngữ, nhận ra những giá trị thẩm mĩ trong văn học, biết rung cảm, hướng thiện.

  1. ĐỀ THI

   Câu 1 (8,0 điểm)

   “Hòn đá có thể cho lửa, cành cây có thể cho lửa. Nhưng chỉ có con người mới biết nuôi lửa và truyền lửa. Lửa xuất hiện khi có tương tác, ít ra là hai vật tạo lửa. Lửa là kết quả của số nhiều… Nước Việt hình chữ S, hiện thân của số nhiều, lẽ nào thiếu lửa? Không có lửa, con rồng chẳng phải là rồng, chỉ là con giun con rắn. Không có lửa, làm gì có “nồng” nàn, “nhiệt” tâm! Làm gì có “sốt” sắng, “nhiệt” tình! Làm gì còn “nhiệt” huyết, “cháy” bỏng! Sẽ đâu rồi “lửa” yêu thương? Việc mẹ, việc cha, việc nhà việc nước, làm gì với đôi vai lạnh lẽo ơ hờ? Không có lửa, em lấy gì “hun” đúc ý chí, “nấu” sử sôi kinh?…

Cho nên: biết ủ lửa để giữ phẩm cách Người, nhân cách Việt. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Thế nhưng: Nếu không có lửa, sao thành mùa xuân? Vậy thì: Hãy thắp mình cho đất  nước sang xuân.”

(Đoàn Công Lê Huy, Yêu xứ sở thương đồng bào, NXB Kim Đồng 2016, trang 46)

Từ những suy nghĩ về ý nghĩa của ngọn lửa trong đoạn trích trên, anh/chị hãy viết một bài văn trả lời cho câu hỏi “Tuổi trẻ cần thắp lên ngọn lửa gì?”.

Câu 2 (12,0 điểm):

      “Thơ thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng con người bằng ngôn ngữ cô đọng, gợi cảm, giàu hình ảnh và nhạc điệu”.

(Trích  SGK Ngữ văn 11-Tập một, NXB GD, năm 2016, tr136).

Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng trải nghiệm văn học của bản thân, anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

 

—— HẾT ——

III. HƯỚNG DẪN CHẤM

 

  1. HƯỚNG DẪN CHUNG

– Giám khảo căn cứ vào nội dung triển khai và mức độ đáp ứng các yêu cầu về kỹ năng để cho điểm tối đa hoặc thấp hơn đối với mỗi ý.

Điểm toàn bài là tổng số điểm của hai câu, không làm tròn số, có thể cho: 0; 0,25; 0,5; 0,75 … đến tối đa là 20 điểm.

Cần khuyến khích những bài viết có lập luận chặt chẽ, văn viết sáng tạo, giàu cảm xúc, trình bày sạch đẹp, chuẩn chính tả.

  1. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ
  2. Về kĩ năng:

– Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, vận dụng tốt các thao tác lập luận, dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.

– Bài viết trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

  1. Về kiến thức:

-Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

Câu/Ý Nội dung Điểm
Câu 1

(8,0 điểm)

 

   Từ những suy nghĩ về ý nghĩa của ngọn lửa trong đoạn trích trên, anh/chị hãy viết một bài văn trả lời cho câu hỏi “Tuổi trẻ cần thắp lên ngọn lửa gì?”.

 

8,0
1  1.Giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận: 

– Dẫn dắt vấn đề
– Giới thiệu vấn đề: Tuổi trẻ và ngọn lửa đam mê (hoặc ngọn lửa của lòng yêu thương, ý thức trách nhiệm…)

 

1,0
 

 

 

 

 

 

2

  2. Suy nghĩ, ý kiến, quan điểm của thí sinh:

  2.1 Giải thích:

– Sống cần có “lửa” tức là có nhiệt huyết, sống hết mình để cháy sáng. Muốn vậy cần có sự chia sẻ kết nối, cống hiến…
– Tuổi trẻ cần có lửa đam mê, lửa của lòng yêu thương, ngọn lửa nhiệt tình trách nhiệm…

 

 

 

 

1,5

3 2.2. Bàn luận:

– Tại sao sống cần có lửa: Để đời sống có ý nghĩa, để thắp sáng cuộc đời của chính mình và có ích cho xã hội. Nếu sống mờ nhạt sẽ lãng phí cuộc đời.
– Tuổi trẻ cần thắp những “ngọn lửa” gì, vì sao: Tuổi trẻ cần thắp sáng những ngọn lửa của ham học/ của đam mê khát vọng/ của yêu thương sẻ chia/ của nhiệt huyết cống hiến… (Thí sinh có thể bình luận về một hoặc tất cả các khía cạnh trên)Vì tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất, giàu năng lượng nhất, là tương lai của đất nước, mùa xuân của xã hội, nếu không sẽ phí hoài tuổi trẻ.
– Phê phán những bạn trẻ không “thắp lửa” sống mờ nhạt vô nghĩa.
HS lựa chọn những dẫn chứng để chứng minh có tính thuyếtphục, mang tính thời sự.

3,5
4    3. Bài học nhận thức và hành động:

Ý thức về lẽ sống nhiệt huyết, cống hiến; phải rèn luyện, học tập, lao động để sống hết mình và có ích…

1,0
5 * Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, độc đáo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

* Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo viết đúng chính tả, dùng từ, đặt câu đúng ngữ pháp.

1,0
Câu 2

(12,0 điểm)

 

  “Thơ thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng con người bằng ngôn ngữ cô đọng, gợi cảm, giàu hình ảnh và nhạc điệu”.

(Trích  SGK Ngữ văn 11-Tập một, NXB GD, năm 2016, tr136).

-Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng sự trải nghiệm các tác phẩm văn học đã học và đọc thêm, anh (chị) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

12,0
1 1. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận:

 

1,0
2 2. Giải thích:

Thơ thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng con người:  Đề cập đến phương diện nội dung của thơ. Cốt lõi của thơ là cảm xúc, gắn với chiều sâu thế giới nội tâm của con người nên tác phẩm thơ là những rung động tâm hồn, suy ngẫm sâu xa, những trạng thái tâm lí của thi nhân trước thiên nhiên, cuộc sống con người.

– Ngôn ngữ cô đọng, gợi cảm, giàu hình ảnh và nhạc điệu: Đề cập đến phương diện nghệ thuật của thơ. Ngôn ngữ thơ đòi hỏi sự chắt lọc, gọt giũa trau chuốt tỉ mỉ; hình ảnh thơ chân thực, sinh động, có khả năng gợi ra những tầng ý nghĩa sâu xa; nhạc điệu của thơ không chỉ là tính nhạc trầm bổng do cách phối thanh mà còn là nhạc điệu của tâm hồn.

=>Nhận định nói lên đặc trưng của thơ là diễn tả đời sống nội tâm phong phú, sâu sắc của con người bằng ngôn ngữ, hình ảnh,… chắt lọc, biểu cảm, hấp dẫn.

 

 

3,0

3 3. Bàn luận, chứng minh:

– Làm sáng tỏ mối quan hệ giữa đặc trưng của thơ về hình thức nghệ thuật và nội dung của thơ (thí sinh có thể lựa chọn những tác phẩm trong và ngoài chương trình để chứng minh)…

Ý kiến trên đúng đắn và xác đáng vì xuất phát từ đặc trưng thơ ca :

– Tình cảm, cảm xúc, suy ngẫm, tâm trạng của con người trong thơ phải được truyền tải bằng một hình thức nghệ thuật độc đáo, mang tính thẩm mĩ. Điều đó được thể hiện qua hệ thống ngôn ngữ thơ gợi cảm, đa nghĩa, hình ảnh thơ sáng tạo độc đáo kết hợp nhịp điệu trong bài thơ. Tất cả những điều đó đem lại cho thơ vẻ đẹp hoàn mĩ.

– Văn học phản ánh đời sống con người, với thơ ca cuộc sống không chỉ là là hiện thực xã hội bên ngoài mà còn là đời sống tâm hồn, tình cảm phong phú, là những suy nghĩ tâm trạng của nhà thơ. Thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc, nếu không có cảm xúc thì người nghệ sĩ không thể sáng tạo nên những vần thơ hay, những câu thơ sẽ chỉ là những xác chữ vô hồn trên trang giấy, nói như Ngô Thì Nhậm, thi sĩ phải: “Xúc động hồn thơ cho ngòi bút có thần”

– Cảm xúc, suy nghĩ trong thơ không phải là thứ cảm xúc, suy nghĩ hời hợt. Đó phải là suy nghĩ ở độ chín, tình cảm ở mức độ mãnh liệt nhất thôi thúc người nghệ sĩ cầm bút sáng tạo. Nhà thơ phải sống gắn bó với cuộc đời mới có thể viết nên những vần thơ có giá trị tư tưởng sâu sắc, cảm xúc đạt tới sự phổ quát của nhân loại.

– Học sinh lực chọn các tác phẩm thơ trong và ngoài chương trình để phân tích được mối quan hệ giữa nghệ thuật và tư tưởng, tình cảm trong thơ. Dẫn chứng hợp lí, lập luận thuyết phục.

5,0
4 4. Đánh giá, mở rộng:

– Nhận định trên đã chỉ ra đặc trưng của thể loại thơ ở cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Cụ thể tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng của con người trong thơ phải được thể hiện qua một  hình thức nghệ thuật độc đáo.

– Đồng thời ý kiến cũng đưa ra yêu cầu đối với người sáng tác và người tiếp nhận:

+ Đối với người sáng tác: Cần phải có cái Tài và cái Tâm, phải dày  công sáng tạo, trau chuốt ngôn từ, chọn lọc hình ảnh, phải có những động tinh tế, những cảm xúc, suy nghĩ  chân thành, gắn bó sâu sắc với cuộc đời, con người để tác phẩm thơ thật sự đặc sắc về nghệ thuật và đặc sắc về nội dung tư tưởng.

+ Đối với người đọc: Hướng tới Chân, Thiện, Mĩ, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm trong sáng, trí tuệ phong phú thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ  để cảm nhận được cảm xúc, tư tưởng của tác giả trong tác phẩm, từ đó trở thành bạn đọc đồng sáng tạo với người sáng tác.

 

2,0
5 * Sáng tạo: Bài viết có chất văn, giàu cảm xúc, có lối diễn đạt, chính tả, dùng từ, tư duy sáng tạo.

* Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo viết đúng chính tả, dùng từ, đặt câu đúng ngữ pháp.

 

1,0

* Lưu ý chung:

  1. Đây là đáp án mở, thang điểm có thể không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của phần nội dung lớn nhất thiết phải có.
  2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
  3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
  4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.
  5. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính t

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *