Đề thi Văn 10 trại hè Hùng Vương và duyên hải 2015 văn 11 HDC tỉnh Lào Cai

SỞ GD&ĐT LÀO CAI

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÀO CAI

ĐỀ ĐỀ XUẤT

 

 

 

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

Lần thứ  VIII – Năm  2015

MÔN THI: NGỮ VĂN 11

Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)

(Đề thi gồm 02 câu trong 01 trang)

 

 

Câu 1 (8 điểm)

Bố mẹ Taylor Scout Smith – bé gái 12 tuổi qua đời vì bệnh viêm phổi vô tình tìm được bức thư cô con gái viết cho chính mình 10 năm sau.

Trong thư, Taylor viết: “Hãy nhớ rằng đã 10 năm rồi kể từ khi tớ viết thư cho cậu. Luôn có những chuyện tốt và xấu xảy ra, đó là cách mà cuộc sống vận hành và cậu phải thích nghi với điều đó”.

Suy nghĩ của anh (chị) về điều cô bé Taylor đã viết.

 

Câu 2 (12 điểm)

 

Nhà văn Nguyễn Tuân cho rằng: Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ngôn ngữ. Nhà văn không chỉ học tập ngôn ngữ của nhân dân mà còn là một người phát triển ra ngôn ngữ sáng tạo. Không nên ăn bám vào người khác. Giàu ngôn ngữ thì văn sẽ hay. Cũng cùng một vốn ngôn ngữ ấy, họ sử dụng có sáng tạo thì văn sẽ có bề thế và kích thước. Có vốn mà không biết sử dụng thì chỉ như nhà giàu giữ của. Dùng chữ như đánh cờ tướng, chữ  nào để chỗ nào phải đúng vị trí của nó. Văn phải linh hoạt. Văn không linh hoạt gọi là văn cứng đơ, thấp khớp”.

 

Bằng tri thức và trải nghiệm văn học của mình, bạn hãy bình luận ý kiến trên?

 

 

—————————-HẾT—————————–

 

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm

 

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÀO CAI

—————

HƯỚNG DẪN CHẤM THI HSG

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

MÔN THI: NGỮ VĂN 11

(Hướng dẫn chấm gồm 06 trang)

 

 

 

 

Câu 1 (8,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội: Bố cục và hệ thống ý sáng rõ. Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Hành văn trôi chảy. Lập luận chặt chẽ. Dẫn chứng chọn lọc, thuyết phục. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.

  1. Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những ý cơ bản sau:

  1. Giải thích:

–  Chuyện tốt: là sự việc xảy ra như mong muốn của mình, đem lại nhiều lợi ích, đem đến những thuận lợi cho cuộc sống, đem lại niềm vui niềm hạnh phúc, tạo sự thay đổi cho cuộc sống của mình theo chiều hướng tích cực.

–  Chuyện xấu: là chuyện xảy ra không như mong đợi – nó có thể gây thiệt hại, đổ vỡ, mất mát, đem đến nỗi buồn, sự thất vọng, nó có thể phá hỏng những mối quan hệ tốt đẹp đang có, tạo ra sự thay đổi cho cuộc sống của bản thân theo chiều hướng tiêu cực.

– Thích nghi: thay đổi bản thân để phù hợp với hoàn cảnh.

è Cuộc sống có thể tác động đến ta theo chiều hướng tiêu cực hoặc tích cực. Và để sống, ta cần học cách thay đổi bản thân mình để đứng vững trước những tác động ấy.

  1. Bàn luận:
  2. Trong thực tế, cuộc sống luôn có cả chuyện tốt và xấu:

– Về bản chất, cuộc sống rất phức tạp. Vì trong xã hội loài người có người xấu, người tốt, có kẻ tử tế có kẻ tồi tệ ích kỉ. Ngay cả ở những người tốt thì mỗi người lại tốt theo một cách khác nhau và cố gắng tốt theo quan niệm riêng của mình. Cũng vì nhu cầu của con người phong phú, nhiều khác biệt.

– Về bản chất, cuộc sống luôn thay đổi – có thể thay đổi theo hướng ta muốn nhưng cũng có thể trái với ý muốn của ta. Vì cuộc sống vận động theo quy luật khách quan của nó, ta không phải lúc nào cũng theo kịp những vận động thay đổi ấy.

– Cuộc sống của con người còn chịu sự tác động của các yếu tố ngoài con người như những thay đổi của tự nhiên hay quy luật của tự nhiên (Sinh – tử).

  1. b. Sự thích nghi đem lại cho ta điều gì?

Về bản chất, thích nghi là thay đổi theo hoàn cảnh. Khi có thể thích nghi với hoàn cảnh xung quanh mình ta có thể chủ động hơn trước cuộc sống, ta đáp ứng được yêu cầu mà nó đặt ra. Khi có thể thích nghi là khi chúng ta được chấp nhận. Khi thích nghi được với môi trường, cuộc sống xung quanh mình là ta tự tạo ra mối quan hệ hài hòa với môi trường sống xung quanh. Cuộc sống nhờ thế sẽ yên ổn, an toàn hơn.

  1. Làm thế nào để thích nghi?

– Có khả năng nhận thức một cách sâu sắc về môi trường sống, hoàn cảnh sống, về  thực tế mà ta đang phải đối mặt.

+ Nếu đó là điều tốt đẹp như cơ hội mới, mối quan hệ mới… thì con người cần đón nhận, tận dụng để có được những gì tốt nhất cho cuộc sống của mình.

+ Nếu đó là chuyện xấu như điều tồi tệ, rủi ro, là đổ vỡ, mất mát, bội phản… ta cần hình thành bản lĩnh để có thể đối mặt và vượt qua.

– Tích cực chuẩn bị cho chính bản thân mình:

+ Hình thành thực lực.

+ Hình thành kĩ năng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

+ Luôn sẵn sàng trong hành động.

  1. Mở rộng:

+ Thích nghi với hoàn cảnh không có nghĩa là lệ thuộc, thụ động, để cho hoàn cảnh chi phối khiến chúng ta mất đi sự tích cực chủ động hay sống khác với bản thân mình.

+ Thích nghi bằng sự hiểu biết thì sự thích nghi ấy mới thực sự có giá trị.

+ Trong thực tế, bên cạnh việc cần cố gắng thích nghi thì với tư cách là những người trẻ đôi khi ta cũng cần dám thử thách bản thân, dám có những lựa chọn can đảm. Vì hoàn cảnh đúng là có khả năng tác động làm thay đổi con người nhưng ngược lại chính con người cũng có thể tác động làm thay đổi hoàn cảnh – nhất là những người có nội lực mạnh mẽ, có lòng dũng cảm và tình yêu cuộc sống.

 

III. Biểu điểm:

Điểm 7- 8: Đáp ứng được các yêu cầu nêu trên; Văn viết có cảm xúc. Dẫn chứng chọn lọc và thuyết phục. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.

Điểm 5-6: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nêu trên. Dẫn chứng chưa thật phong phú. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.

Điểm 3-4: Tỏ ra hiểu đề. Còn lúng túng trong diễn đạt. Thiếu liên hệ thực tế. Chưa xác định rõ trọng tâm. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.

Điểm 1-2: Chưa hiểu chắc yêu cầu của đề bài. Kiến thức sơ sài. Còn mắc nhiều lỗi.

Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc phương pháp.

 

Câu 2 (12 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.

  1. Yêu cầu về kiến thức

Thí sinh phải làm rõ đặc điểm ngôn ngữ văn học và sự sáng tạo ngôn ngữ của nhà văn. Thí sinh có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được các ý sau:

  1. Giải thích: HS giải thích làm rõ hai ý cơ bản sau
  • Ngôn ngữ văn học là ngôn ngữ của đời sống.
  • Nhà văn phải có sự sáng tạo và sử dụng linh hoạt ngôn ngữ -> tạo nên giá trị của tác phẩm.
  • Ý kiến của nhà văn Nguyễn Tuân đề cập đến đặc điểm ngôn ngữ văn học và sự sáng ngôn ngữ của nhà văn.
  1. 2. Bình luận: Đây là ý kiến đúng
  2. Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ra ngôn ngữ.

– Văn chương bắt nguồn từ lao động, là tấm gương phản chiếu cuộc sống, hiện thực suộc sống trong văn chương là hiện thực sinh động, khái quát và có chọn lọc.

–  Lao động giúp con người tồn tại, giúp con người sáng tạo ra ngôn ngữ để giao tiếp, để bày tỏ cảm xúc, nhà văn qua tác phẩm bày tỏ tâm tư, ước vọng với cuộc đời và con người.

– Ngôn ngữ  là chất liệu, phương tiện đặc trưng của văn học. Không có ngôn ngữ thì không thể có tác phẩm văn học. “ Ngôn ngữ là công cụ chủ yếu của văn học” ( M.Goorki). Ngôn ngữ được nhà văn sử dụng để chuyển tải nội dung tư tưởng tác phẩm đến người đọc. Sự chuyển tải đó là sự nối kết giữa tâm hồn với tâm hồn. Bởi vậy ngôn ngữ văn chương không thô ráp như lời nói hàng ngày mà được gọt rũa nâng lên thành ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ thẩm mĩ.

  1. Nhà văn phải có sự sáng tạo và sử dụng linh hoạt ngôn ngữ

– Nhà văn không chỉ học tập ngôn ngữ của nhân dân mà còn là người sáng tạo ra ngôn ngữ. Ngôn ngữ của nhân dân là ngôn ngữ đời sống, là nguồn nguyên liệu quý giá để nhà văn sáng tạo ra ngôn ngữ văn học. Bằng tài năng kì diệu, nhà văn là người tinh luyện ngôn ngữ tạo ra những nhãn tự, những từ mang tính chuẩn xác, hàm súc, hình tượng và biểu cảm cao độ.

– Không nên ăn bám vào người khác.  Giàu ngôn ngữ thì văn sẽ hay. Cũng cùng một vốn ngôn ngữ ấy, họ sử dụng có sáng tạo thì văn sẽ có bề thế và kích thước.  Nhà văn có tài là không bắt chước, lặp lại cách sử dụng từ ngữ của người khác. Tác phẩm văn chương là tiếng nói riêng của nhà văn trước cuộc đời. Tiếng nói riêng thì không ai giống ai. Bởi vậy nhà văn nào giàu ngôn ngữ thì văn sẽ hay. Để có được sự giàu có phong phú về ngôn ngữ, nhà văn phải tích lũy vốn sống, phải sống cuộc sống của nhân dân, mở hồn ra đón những vang động của đời và sáng tạo những từ ngữ mới thì tác phẩm của họ mới bề thế và kích thước.

Có vốn mà không biết sử dụng thì chỉ như nhà giàu giữ của. Dùng chữ như đánh cờ tướng, chữ  nào để chỗ nào phải đúng vị trí của nó. Văn phải linh hoạt. Văn không linh hoạt gọi là văn cứng đơ, thấp khớp”. Để tạo lên phẩm chất thẩm mĩ cho tác phẩm văn học đòi hỏi nhà văn phải biết lựa chọn câu chữ tinh luyện, trau chuốt. Mỗi chữ đều có sức chuyển tải nội dung, tư tưởng đến với người đọc. Nhà văn cần tổ chức, sắp xếp ngôn ngữ theo các mục đích thẩm mĩ khác nhau để đạt hiệu quả cao về nghệ thuật.

  1. Chứng minh: Thí sinh chọn được những dẫn chứng tiêu biểu, có sự phân tích, bình giá các dẫn chứng ấy bám sát vấn đề và có hiệu quả.
  2. Mở rộng vấn đề.:

– Ngôn ngữ đi qua bàn tay tôi luyện của nhà văn làm nên sự phong phú cho tác phẩm. Điều đó không có nghĩa là rơi vào chủ nghĩa hình thức, bỏ qua nội dung tư tưởng của tác phẩm. Một tác phẩm có giá trị thật sự là sự hoàn hảo giữa nội dung và hình thức nghệ thuật.

– Yêu cầu đặt ra với nhà  văn: Ngôn ngữ văn chương là phương tiện, chất liệu quyết định giá trị của tác phẩm. Nhà văn phải không ngừng học hỏi, rèn rũa, trau dồi vốn sống, sống sâu sắc với thế giới nội tâm của mình, lao động công phu, nỗ lực không ngừng trong hoạt động sáng tạo.

– Yêu cầu với bạn đọc: Tiếp nhận tác phẩm phải phát hiện cách dùng từ, sắp xếp ngôn ngữ đầy dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Đồng thời cần tiếp nhận bằng toàn bộ thế giới tinh thần của mình trên tinh thần đối thoại, đồng sáng tạo với nhà văn.

 

III. Biểu điểm:

– Điểm 11 – 12: đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết sâu sắc độc đáo, diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 8 – 10: Nội dung đầy đủ, có thể còn thiếu một vài ý nhỏ, bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, câu văn có hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 5 – 7:  Bài làm còn thiếu ý. Văn chưa hay nhưng rõ ý. Mắc không quá 7 lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 3 – 4: Trình bày ý còn sơ sài, kết cấu không rõ ràng, còn nhiều lỗi diễn đạt

( >7 lỗi).

– Điểm 1- 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

 

Lưu ý: Giám khảo vận dụng linh hoạt biểu điểm. Có thể thưởng điểm cho những bài viết có sáng tạo nếu điểm toàn bài chưa đạt tối đa. Điểm cho lẻ đến 0,25.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *