SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI ĐỀ XUẤT HSG LỚP 11
Môn: NGỮ VĂN – THPT CHUYÊN KHU VỰC ĐBDH – NĂM HỌC 2014- 2015
(Gồm 06 trang)
Câu 1 (8,0 điểm )
Yêu cầu về kĩ năng
Biết cách làm bài nghị luận xã hội. Bố cục và hệ thống ý sáng rõ. Biết vận dụng và phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Hành văn trôi chảy. Lập luận chặt chẽ. Dẫn chứng chọn lọc, thuyết phục. Không mắc các lỗi diễn đạt,dùng từ,ngữ pháp, chính tả.
Yêu cầu về kiến thức
HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo nhưng ý cơ bản sau:
1.Giải thích
-Đối xử với bản thân bằng lí trí là sự ứng xử của con người với chính mình. Đó là sự tự nhận thức, đánh giá về mình một cách sáng suốt, tỉnh táo, nghiêm khắc, khắt khe, có như vậy mới có thể phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm.
-Đối xử với người khác bằng tấm lòng là sự nhận xét, đánh giá, cư xử với mọi người bằng tấm lòng bao dung, độ lượng, tha thứ, vui vẻ chấp nhận sự thiệt thòi về mình. Có như vậy, ta mới có thể đón nhận những tình cảm tốt đẹp từ người khác.
-Ý kiến trên đặt ra bài học về cách ứng xử của con người với chính mình và cộng đồng.
2.Bàn luận, mở rộng vấn đề
– Con người luôn có nhu cầu vươn lên trong cuộc sống để có thể chinh phục những ước mơ, khát vọng trong cuộc đời. Để hoàn thiện bản thân, mỗi người phải tự biết rèn luyện, tự nhìn nhận, đánh giá chính bản thân mình. Tuy nhiên, kẻ thù lớn nhất của ta chính là bản thân mình, bởi những điểm yếu tồn tại ở mỗi người khó có thể tự mình nhận ra nếu ta không nghiêm khắc với chính mình. Có lý trí tỉnh táo, sáng suốt sẽ giúp ta nhận thức rõ ta là ai. Biết khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm, để từ đó ta sẽ ngày càng hoàn thiện bản thân.
– Trong cuộc sống, với những mối quan hệ phong phú giữa người và người, sự cảm thông, thấu hiểu, bao dung sẽ là cội nguồn của tình cảm tốt đẹp của mỗi cá nhân trong xã hội. Điều đó cần tới tấm lòng của con người với nhau. Đó là chìa khóa để dẫn tới sự cảm thông, sẻ chia, gắn bó đầy tình người.
– Trong thực tế, đối xử với bản thân bằng lí trí là cần thiết. Song, trong những trường hợp cụ thể cũng cần đối xử với bản thân bằng tấm lòng, cần biết tha thứ cho mình. Khi biết sống khoan dung cho mình mới có thể khoan dung với người khác.
– Đối xử với người khác bằng tấm lòng là đúng, nhưng có người, có việc cũng cần có lí trí, phải cần nghiêm khắc. Câu ngạn ngữ trên cần vận dụng linh hoạt để ứng xử sao cho phù hợp, không nguyên tắc, cứng nhắc, không dễ dãi khi yêu thương không đúng cách, bao dung không đúng việc, vị tha không đúng người có thể gây hại cho người mình yêu thương và bị kẻ khác lợi dụng.
- Bài học nhận thức và hành động
– Liên hệ đến chính bản thân từ ý kiến trên bằng những hành động thực tế trong cuộc sống.
Biểu điểm:
- Điểm 8,0-6,0: Đáp ứng tốt các yêu cầu nêu trên. Dẫn chứng chọn lọc và thuyết phục. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 5,0-3,0: Cơ bản đáp ứng được yêu cầu cơ bản nói trên. Dẫn chứng chưa thật phong phú. Còn sai sót nhỏ.
- Điểm 2,0- 1,0: Chưa hiểu chắc yêu cầu của đề bài. Kiến thức sơ sài. Còn mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0 :Không hiểu đề, sai lạc phương pháp.
Câu 2 (7,0 điểm)
Yêu cầu kĩ năng
Hiểu đề, biết cách làm bài nghị luận văn học. Vận dụng linh hoạt các thao tác làm văn để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
Yêu cầu về kiến thức
Học sinh hiểu đúng vấn đề:
– Đây là dạng đề mở, cho phép học sinh có thể lựa chọn nhiều thao tác nghị luận để làm nổi bật chất thơ trong tác phẩm văn xuôi.
1.Giải thích:
-Chất thơ trong truyện ngắn: Trong hoạt động nghệ thuật, sự thâm nhập giữa các thể loại trong một tác phẩm văn học là hiện tượng thường gặp. Chất thơ gợi lên vẻ đẹp tinh tế, cảm xúc trong tâm hồn. Chất thơ là một đặc điểm cơ bản trong sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là những tác phẩm văn xuôi, trong đó có truyện ngắn. Chất thơ đem đến cho thể loại này màu sắc đặc biệt. Cuộc sống miêu tả trong văn xuôi nếu không chứa đựng chất thơ sẽ trở nên thô thiển, thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh, không thúc gọi, không dẫn dắt ta đến đâu cả. Chất thơ trong truyện ngắn có tác dụng kết nối hiện thực, thể hiện ở việc ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn nhân vật trong trẻo, cách miêu tả cuộc sống sinh động, ngôn ngữ chắt lọc tạo hình, giàu nhạc điệu. Chất thơ trong truyện ngắn còn đem lại sức truyền cảm, sự cảm hóa lớn, là tiếng lòng của nhà văn đem đến sự rung động trong tâm hồn bạn đọc bằng lòng tin yêu cuộc sống.
-Truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam là tác phẩm được viết từ trước Cách mạng tháng Tám 1945 của nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn. Tác phẩm được ví như một bài thơ trữ tình đượm buồn.
2.Biểu hiện của chất thơ trong tác phẩm
– Chất thơ hiện lên trong sự bình dị thân thuộc và nghèo khó của làng quê (không gian chiều, ánh hoàng hôn, tiếng ếch nhái, hương vị quê hương, những ngọn gió, sao trời mùa hạ,…). Đó là không gian đẹp nhưng buồn thấm thía.
– Chất thơ hiện lên qua tâm hồn thơ trẻ và tinh khiết của Liên (các chi tiết: Liên ngồi nhìn buổi chiều đang tàn úa và bóng tối ngập đầy trong mắt cô, sự lo toan tần tảo của một cô bé thương mẹ, sự trìu mến dành cho An, những khắc khoải đợi tàu,…)
– Chất thơ thể hiện trong mối quan hệ của người dân phố huyện đầy tình người với nhau, họ mong đợi một điều gì đó cho ngày mai.
– Chất thơ toát lên từ sự đôn hậu, giàu lòng trắc ẩn của Thạch Lam. Nỗi buồn hiện lên trong tác phẩm trước hết là nỗi buồn của những đứa trẻ. Lẽ ra lứa tuổi đó phải được hưởng niềm vui, được học hành chu đáo,… Nhưng nỗi buồn phủ lên thế giới trẻ thơ quá sớm, khiến cho sự hắt hiu của phố huyện và nỗi buồn thương càng thêm thấm thía.
– Chất thơ thể hiện trong ngôn ngữ, cách xây dựng hình ảnh (nhiều hình ảnh có tính biểu tượng gợi liên tưởng sâu sắc: ngọn đèn, bóng tối, con tàu,…). Nhà văn sử dụng những câu văn có nhiều thanh bằng, nhịp điệu chậm, ngôn ngữ miêu tả giàu tính hướng nội. Truyện có cốt truyện mờ nhạt, tác giả chủ yếu khai thác những rung động tâm lí tinh vi, những trạng thái tình cảm mơ hồ, mong manh. Thời gian có sự tương ứng giữa cảnh và tình, diễn tả không khí, nhịp điệu chuyển biến của thiên nhiên phù hợp với tâm trạng thế giới nội tâm nhân vật qua những thời gian khác nhau (chiều tối thì lòng người buồn thương man mác, đêm về lòng người buồn trông khắc khoải, đêm khuya lòng người buồn tiếc mơ tưởng và khát khao).
- Đánh giá chung
Chất thơ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam đã tạo nên nét đặc sắc riêng trong phong cách nghệ thuật Thạch Lam. Điều đó chứng tỏ tấm lòng và tài năng của nhà văn. Tác phẩm làm phong phú thêm cho thể loại truyện ngắn Việt Nam hiện đại giai đoạn 1930-1945.
Biểu điểm:
– Điểm 12,0-9,0: Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng. Bài viết thể hiện sự sáng tạo, cảm thụ riêng. Có thể còn một vài sai sót.
– Điểm 8,0-6,0: Cơ bản đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết chưa thật sâu sắc nhưng diễn đạt trong sáng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
– Điểm 5,0-3,0: Cơ bản hiểu yêu cầu của đề. Bố cục bài viết rõ ràng. Chọn và phân tích được dẫn chứng song ý chưa sâu sắc. Có thể còn sai sót nhỏ.
– Điểm 2,0-1,0: Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề. Diễn đạt lúng túng, trình bày cẩu thả.
– Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp.
Lưu ý:
- Giám khảo nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn.
- Việc chi tiết hóa điểm số của các câu, các ý phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của câu. Điểm lẻ được làm tròn đến 0,5 điểm sau khi đã chấm và cộng điểm toàn bài.