TRƯỜNG THPT CHUYÊN BẮC KẠN
ĐỀ THI ĐỀ NGHỊ – KÌ THI OLIMPIC HÙNG VƯƠNG NĂM 2015
MÔN: NGỮ VĂN LỚP 10
(Thời gian làm bài: 150 phút – không kể thời gian giao đề)
Đề thi gồm 01 trang
Câu 1 (8,0 điểm)
Xécgây Exênin từng viết:
Thà tôi cháy vèo trong gió
Còn hơn thối rữa trên cành
Những câu thơ trên của Xécgây Exênin gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về lối sống cần có của mỗi người?
Câu 2 (12,0 điểm)
Nói về thơ, Chế Lan Viên đã từng cho rằng: “Thơ cần có hình cho người ta thấy, có ý cho người ta nghĩ và cần có tình để rung động trái tim”
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ ý kiến qua các bài thơ: Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi và Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du.
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh:…………………… Số báo danh:…………………
Chữ kí của giám thị 1:…………… Chữ kí của giám thị 2……………..
ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM
Câu 1 (8,0 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng
– Bố cục hợp lí, lập luận chặt chẽ. Có quan điểm và suy nghĩ tích cực, tiến bộ; có cái nhìn sâu sắc, thể hiện được tính chất xã hội của chủ đề.
– Giọng văn giàu cảm xúc, chân thành nhưng sắc sảo, diễn đạt chính xác, thuyết phục, lôi cuốn….Không mắc lỗi chính tả, dùng từ. Trình bày mạch lạc, khoa học….
- Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày vấn đề theo nhiều cách. Nhưng cần đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản sau:
- Giải thích
Bằng cách nói đối lập: “Thà >< còn hơn”, cách dùng hình ảnh gây ấn tượng mạnh “cháy vèo trong gió >< thối rữa trên cành”, nhà thơ Nga Xécgây Exênhin đã nêu ra một lựa chọn dứt khoát: không thể sống mòn, sống thụ động. Sống đích thực phải là lối sống chủ động, tớch cực, dũng cảm, toả sáng hết mình.
- Phân tích, lấy dẫn chứng cụ thể minh họa cho những biểu hiện tích cực của lối sống đó
– Sống chủ động, tớch cực dũng cảm, tỏa sỏng:
+ Là lối sống mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh với cái xấu, tiêu cực… ngoài xã hội và trong chính mình.
+ Người dũng cảm dám đương đầu với mọi khó khăn trong cuộc sống, biết đứng lên sau thất bại. Không chạy theo thời thượng, không chấp nhận cuộc sống “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”.
– Sống “toàn tâm, toàn trí, toàn hồn” (Xuân Diệu), khẳng định cá tính, khẳng định sự tồn tại của mình bằng một sự nghiệp có ích.
- Bình luận
– Sống dũng cảm không chỉ cần trong thời chiến tranh mà cả khi hoà bình, ngay với chính mình.
– Khẳng định cá tính song không phải là cách sống lập dị, khác thường.
– Sống toả sáng không đồng nghĩa với sống gấp, sống vội, đốt mình trong những cuộc vui thác loạn. Cần “sống chậm”, sống có ích.
– Không phải ai cũng có thể “cháy sáng” ở bề nổi dễ thấy. Chúng ta sống và cống hiến hết mình, dù lặng lẽ, đó cũng là một cách “cháy sáng” …(D/c)
– Phê phán những biểu hiện của lối sống “thối rữa trên cành”: sống mờ nhạt, bình quân chủ nghĩa.…
- Rút ra bài học
– Đời người hữu hạn, do đó, mỗi con người cần biết quí trọng đời sống của chính mình. Đồng thời, phải biết lựa chọn lối sống tích cực, có ý nghĩa, để “không sống hoài, sống phí” những năm tháng của tuổi thanh xuân.
– Muốn toả sáng, con người phải có ước mơ, hoài bão và quyết tâm thực hiện hoài bão ấy. Biết hi sinh vì lợi ích chung: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu)…Có thể nói, cống hiến hết mình là cách toả sáng nhất.
Lối sống mà Xecgây Exênhin đưa ra vẫn là lời khuyên bổ ích cho thế hệ trẻ noi theo.
III. Cách cho điểm.
– Điểm 8: Bài làm đáp ứng được những yêu cầu trên; kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng; trình bày sạch, đẹp; văn viết có cảm xúc, có sáng tạo và liên hệ thực tế; diễn đạt tốt, không mắc lỗi về chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
– Điểm 7: Bài làm đáp ứng được những yêu cầu trên; kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng; văn viết có cảm xúc, có sáng tạo và liên hệ thực tế; diễn đạt khá tốt, có thể còn một vài lỗi về chính tả.
– Điểm 5-6: Đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trên nhưng còn sơ lược; dẫn chứng thiếu chọn lọc, mắc một vài lỗi chính tả và dùng từ.
– Điểm 3-4: Đáp ứng được một nửa yêu cầu trên; còn mắc một vài lỗi về chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
– Điểm 1-2: Bài làm quá sơ lược, văn viết lủng củng; mắc nhiều lỗi về chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
– Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không viết được gì.
Câu 2. (12 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng
– Cần xác định đây là kiểu bài nghị luận văn học có nhiệm vụ làm sáng tỏ vấn đề lí luận văn học qua phâm tích một số tác phẩm văn học cụ thể
– Vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác nghị luận.
– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, không mắc các lỗi chính tả và diễn đạt.
– Trình bày bài sạch, đẹp, khoa học.
- Yêu cầu về kiến thức
Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo một số nội dung sau:
- Giải thích:
– Thơ cần có hình: thơ cần có hình ảnh (của thị giác, khứu giác, thính giác, xúc giác, cảm giác) để biểu hiện cảm xúc, tư tưởng của nhà thơ. Đay là phương diện hình thức thơ
– Thơ cần có ý, có tình: thơ cần có tư tưởng, cảm xúc. Đây là phương diện nội dung thơ.
-> Ý chung: bài thơ cần có sự kết hợp hài hoà giữa hình, ý, tình, giữa hai phương diện nội dung và hình thức.
- Lí giải, chứng minh:
* Tại sao thơ cần phải có hình,ý, tình?
– Đặc trưng phản ánh của văn chương nói chung và thơ ca nói riêng là phản ánh thông qua hình tượng nghệ thuật. Thơ thuộc phương thức trữ tình, thiên về biểu hiện thế giới chủ quan của con người với những trạng thái tình cảm và ý nghĩ phức tạp, đa dạng. Không có hình ảnh, thế giới tinh thần ấy không thể biểu hiện cụ thể, nhà thơ không thể truyền dẫn thông điệp một cách ấn tượng đến người đọc….
– Yêu cầu về hình, ý, tình trong thơ:
+ Hình ảnh phải sức khái quát, chân thật, đa nghĩa, mang dấu ấn văn hoá
+ Tư tưởng phải tiến bộ, nhân văn hướng con người tới các giá trị: Chân – Thiện – Mĩ…
+ Cảm xúc trong thơ phải mãnh liệt, chân thành, điển hình
-> Nhà thơ phải lựa chọn được những hình ảnh phù hợp để biểu đạt nội dung cảm xúc, tư tưởng một cách tự nhiên, sâu sắc nhất, có sức lay động lớn lao.
* Chứng minh qua phân tích hai bài thơ:
– Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi: Thông qua hệ thống hình ảnh về thiên nhiên (hoè lục, tán rợp giương, thạch lựu phun thức đỏ, hồng liên trì tịn mùi hương, cầm ve…) và cuộc sống (lao xao chợ cá..), Nguyễn Trãi đã dựng lên bức tranh ngày hè sống động, giàu sức sống, cuộc sống nhân dân bình yên, no đủ. Từ đó thấy được tình yêu thiên nhiên, cuộc sống, khát vọng đất nước được thái bình, nhân dân khắp chốn được giàu đủ của tác giả. đằng sau mỗi hình ảnh là cảm xúc dạt dào, bay bổng trước thiên nhiên và cuộc sống, nỗi lòng canh cánh về trách nhiệm đối với nước với dân chưa hoàn thành. Đó là vẻ đẹp nhân cách đáng trọng của nhà thơ
-> Hình cảnh thơ giản dị, đời thường, giàu sức tạo hình, biểu cảm, giàu ý nghĩa; tình cảm nhà thơ rất chân thành, thiết tha; tư tưởng của bài thơ giàu tính nhân văn: sống phải gắn bó và có trách nhiệm với đất nước, nhân dân.
– Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du: Thông qua những hình ảnh giàu sức khái quát: son phấn, văn chương tác giả khắc hoạ tài năng, tâm hồn, trí tuệ của nàng Tiểu Thanh – con người có vẻ đẹp hoàn thiện, xứng đáng được xem là biểu tượng cho cái Đẹp ở đời đáng lẽ nàng phải có được cuộc sống hạnh phúc nhưng nàng lại phải chịu số phận đau thương (mảnh giấy tàn, chôn vẫn hận, đốt còn vương). Từ đó nhà thơ ngợi ca, xót thương cho những con người tài sắc mà bạc mệnh, đồng thời tỏ rõ sự bất bình trước những ngang trái ở đời, tố cáo những lực lượng đã chà đạp lên con người. Không chỉ thể hiện sâu sắc nỗi thương người và nhà thơ còn kí thác những nỗi niềm tâm sự riêng qua việc tự nhận mình là người cùng hội cùng thuyền với Tiểu Thanh (Cái án phong lưu khách tự nmang/ Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa người đời ai khóc Tố Như chăng ….). Đó chính là những giá trị nhân đạo, nhân bản, nhân văn sâu sắc của tác phẩm chống lại mạnh mẽ quan điểm vô ngã, phi ngã trong văn thơ trung đại.
-> Hình ảnh thơ đẹp, giàu sức khái quát, giàu ý nghĩa tượng trưng; tình cảm chân thành, mãnh liệt; tư tưởng nhân văn, nhân đạo cao cả…
- Đánh giá, nâng cao
– Chính hình, ý, tình làm nên sức sống cho các tác phẩm trên
– Quan niệm thơ của Chế Lan Viên rất đúng đắn, sâu sắc có ý nghĩa không chỉ với người sáng tác mà với cả người tiếp nhận. Từ thấy đến nghĩ đến rung động là hành trình hình thành của tác phẩm thơ và cũng là hành trình đánh thức người đọc của thi phẩm. Bởi vậy, trong sáng tạo nghệ thuật mỗi nhà thơ phải có thực tài, thực tâm mới làm nên sự sống cho tác phẩm. Độc giả cũng phải mở lòng mình để cảm nhận sâu cái hay, cái đẹp của thi phẩm trên cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật.
III. Cách cho điểm
– Điểm 11-12: Bài làm đáp ứng được những yêu cầu trên; kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng; trình bày sạch đẹp; văn viết giàu hình ảnh và có cảm xúc, có sáng tạo; diễn đạt tốt, có thể còn mắc 1-2 lỗi về chính tả.
– Điểm 9-10: Bài làm đáp ứng được những yêu cầu trên; kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt khá tốt, có thể còn một vài lỗi về chính tả, dùng từ.
– Điểm 7-8: Đáp ứng cơ bản những yêu cầu trên; văn viết khá trôi chảy; mắc một vài lỗi chính tả và dùng từ.
– Điểm 5-6: Đáp ứng được một nửa yêu cầu trên; văn viết chưa thực sự trôi chảy nhưng diễn đạt được ý; còn mắc một vài lỗi về chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
– Điểm 3-4: Bài làm quá sơ lược, thiếu kiến thức; mắc nhiều lỗi về chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
– Điểm 1-2: Bài làm quá sơ sài, văn viết lủng củng, diễn đạt kém.
– Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không viết được gì.
Lưu ý: Giám khảo có thể vận dụng linh hoạt biểu điểm. Khuyến khích cho điểm những bài viết sáng tạo. Điểm cho lẻ đến 0,25.
= = = HẾT = = =