Đề thi Văn 10 trại hè Hùng Vương và duyên hải 2015 văn 10 tỉnh Bắc Giang

TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XI

TRƯỜNG THPT CHUYÊN BẮC GIANG TỈNH BẮC GIANG

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN

LỚP 10

 

(Đề này có 01 trang, gồm 02 câu)

Câu 1 (8.0 điểm)

Đọc truyện Ba câu hỏi sau đây và viết bài theo yêu cầu nêu ở dưới:

          Ngày nọ có một người đến gặp nhà triết học Sô-cơ-rát (Hi-lạp) và nói:

          – Ông có muốn biết những gì tôi mới nghe được về người bạn của ông không?

          – Chờ một chút – Sô-cơ-rát trả lời – Trước khi kể về người bạn tôi, anh nên suy nghĩ một chút và vì thế tôi muốn hỏi anh ba điều.

          – Thứ nhất: Anh có hoàn toàn chắc chắn rằng những điều anh sắp kể là đúng sự thật không?

          – Ồ không – người kia nói – Thật ra tôi chỉ nghe nói về điều đó thôi và…

          – Được rồi – Sô-cơ-rát nói – bây giờ điều thứ hai: Có phải anh sắp nói những điều tốt đẹp về bạn tôi không?

          – Không, mà ngược lại là…

          – Thế à! – Sô-cơ-rát tiếp tục, câu hỏi cuối cùng: Những điều anh sắp nói về bạn tôi sẽ thật sự cần thiết cho tôi chứ?

          – Không, cũng không hoàn toàn như vậy.

          – Vậy đấy – Sô-cơ-rát quay sang người khách và nói: “…”

(Theo Phép nhiệm màu của đời, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2004)

Theo anh/chị, Sô-cơ-rát sẽ nói tiếp với người khách như thế nào? Hãy bình luận về bài học rút ra từ câu chuyện trên.

Câu 2 (12.0  điểm)

Bằng sự đồng cảm sâu sắc với thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến, Nguyễn Du từng viết:

Đau đớn thay phận đàn bà!

                          Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. (Truyện Kiều)

Đau đớn thay phận đàn bà!

Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?   (Văn chiêu hồn)

Hãy chứng minh bằng tác phẩm Truyện KiềuĐọc Tiểu Thanh kí (Độc Tiểu Thanh kí) của chính nhà thơ.

……………..HẾT…………………

Người thẩm định

 

Người ra đề

Phạm thị Thanh Bình

Số điện thoại: 0912310870

HƯỚNG DẪN CHẤM

MÔN: NGỮ VĂN, LỚP: 10

Câu Nội dung Điểm
 

1

1.  Đế chế Hi Lạp cổ đại có một nền văn hóa rực rỡ với những nhà khoa học lỗi lạc của mọi thời đại. Sô-cơ-rát là một trong những nhà hiền triết vĩ đại, những câu chuyện kể về ông thường mang đến những bài học thú vị, một trong số đó là câu chuyện Ba câu hỏi. (Trích dẫn câu chuyện) Liệu nhà hiền triết sẽ nói gì? Chúng ta hiểu gì sau thái độ và ý kiến của ông? 1.0
2. Phân tích các câu hỏi của nhà hiền triết để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Sô-cơ-rát sẽ nói tiếp với người khách như thế nào?

+ Thứ nhất: Anh có hoàn toàn chắc chắn rằng những điều anh sắp kể là đúng sự thật không?Câu hỏi xoáy vào tính chân thực của câu chuyện, của những lời nói. Câu hỏi gợi mở cho cả nhân vật trong truyện và người đọc bài học đầu tiên về tính chân thực.

+ Thứ hai: Có phải anh sắp nói những điều tốt đẹp về bạn tôi không? Sô-cơ-rát chỉ cho người kia thấy tính chất vô lí của anh ta trong câu chuyện mà anh ta đang muốn kể.

+ Thứ ba: Những điều anh sắp nói về bạn tôi sẽ thật sự cần thiết cho tôi chứ? Mục đích câu hỏi của Sô-cơ-rát là về lợi ích của câu chuyện được kể. Một câu chuyện không cần thiết, không có ích cho người nghe thì liệu có cần thiết phải nói cho người đó nghe không? Sô-cơ-rát đã chứng minh được tính vô nghĩa của điều mà người kia định nói với ông.

=> Hiểu mục đích những câu hỏi thì sẽ tìm ra được câu mà Sô-cơ-rát nói tiếp với người khách. Có thể ông đã nói: Vậy đấy, câu chuyện anh muốn kể không có thật, cũng không tốt đẹp, thậm chí cũng chẳng cần thiết cho tôi và cũng chẳng có lí do gì để tôi phải lắng nghe câu chuyện đó cả. Hoặc: Anh thấy đấy, tại sao tôi phải nghe một câu chuyện mà tôi chẳng biết nó có thực hay không, thậm chí nó lại chẳng tốt đẹp gì và chẳng cần thiết cho tôi nữa

Trong nguyên bản, câu nói của Sô-cơ-rát với người khách cuối truyện là: Vậy đấy, nếu những gì anh muốn kể không có thật, cũng không tốt đẹp, thậm chí cũng chẳng cần thiết cho tôi thì tại sao anh lại phải kể?

4.0
2. Bình luận về bài học rút ra từ câu chuyện trên:       

– Khi đứng trước một sự việc nào đó, con người cần phải suy xét nó một cách kĩ càng, chính xác. Không nên tin cái mà mình chưa hiểu đầy đủ và cũng không nên nói ra những điều mà ngay cả bản thân mình cũng không chứng minh được mức độ tin cậy của nó, nhất là những điều không tốt về người khác.

– Đối với người tiếp nhận, việc có một thái độ sáng suốt là điều hết sức cần thiết với một sự việc nào đó, trước khi phán xét, cần phải hiểu kĩ lưỡng, xác định được đúng sai để có một thái độ tiếp nhận phù hợp. Bên cạnh đó cũng cần có thái độ cương quyết trước những điều không đúng sự thật, thay đổi nó cũng như thay đổi những ý nghĩ sai lệch của người khác về vấn đề đó.

– Ngầm phê phán những thói xấu thường gặp của con người trong cuộc sống. Cần lên án những kẻ chuyên đi “ngồi lê đôi mánh”, lấy “câu chuyện làm quà”, nói xấu người khác vì mục đích cá nhân…; những kẻ quen thổi phồng sự thật, gây bất lợi cho người khác…

– Câu chuyện ca ngợi sự thông minh, hóm hỉnh, đạo đức trong sáng, cao thượng của nhà hiền triết Sô-cơ-rát. Qua đó, người đọc có thể rút ra cho mình bài học về tình bạn, về đạo lí và lối sống đúng đắn.

=> Cần biết phê phán hiện tượng không lành mạnh trong cuộc sống, rút ra bài học trong cách ứng xử hằng ngày, trong quan hệ bạn bè và với những người xung quanh.  Mỗi lời nói của chúng ta đều ẩn chứa một sức mạnh vô hình. Một lời động viên khích lệ có thể trở thành động lực giúp cho những người đang trong cơn bế tắc lấy lại tinh thần và vượt qua khó khăn. Nhưng có những lời nói có thể giết chết một người trong tình thế tuyệt vọng. Do đó, hãy cẩn thận với những gì mình nói.

Có những câu chuyện bổ ích và cần thiết, dù có bỏ ra nhiều thời gian để tiếp thu cũng không uổng phí song cũng có đầy rẫy những câu chuyện vô bổ, chỉ tốn thời gian để nghe mà thậm chí còn có hại cho người khác. Với ba câu trả lời của người khách, rằng câu chuyện chẳng có thực, chẳng tốt đẹp gì và chẳng có lợi ích gì cho Sô-cơ-rát, ông chắc chắn sẽ từ chối nghe câu chuyện vô bổ ấy và nêu lên cho người khách kia một bài học khi kể lại bất cứ một điều gì về người khác.

3.0
2 1. Giới thiệu khái quát về vấn đề nghị luận. 0,5
2. Giải thích câu thơ của Nguyễn Du:

“Phận” là thân phận, số phận. Theo quan niệm cũ số phận của con người được sung sướng hay đau khổ là do một thế lực huyền bí, thiêng liêng định đoạt. Câu thơ thứ nhất là lời cảm thán cho số phận đàn bà đau khổ.

“Bạc mệnh” hay mệnh bạc là số phận, số mệnh tiền định mỏng manh, đen tối, trải qua nhiều đau thương.

“tại đâu?” nguyên nhân do xã hội phong kiến “trọng nam khinh nữ” đặt ra những lễ giáo khắt khe với người phụ nữ; xã hội ghét tài, ghét đẹp nên những kẻ giai nhân tài tử số phận thường long đong, truân chuyên, bạc bẽo,…

2.0
3. Phân tích và chứng minh câu thơ của Nguyễn Du bằng tác phẩm Truyện Kiều Đọc Tiểu Thanh kí:

Chứng minh qua hai nhân vật của tác phẩm: Thúy Kiều, Đạm Tiên và Tiểu Thanh

– Thúy Kiều: Tài hoa, nhan sắc nhưng phải chịu 15 năm lênh đênh, chìm nổi (Trao duyên, Nỗi thương mình,…)

– Đạm Tiên: Tài sắc một thời nhưng kết cục đau thương.

– Tiểu Thanh: Trang giai nhân có tài văn chương nhưng do sự tàn nhẫn, ích kỉ của người vợ cả mà bản thân chết yểu, văn chương bị đốt bỏ.

6.0
4. Đánh giá vấn đề:

– Nhận ra nét chung và nét riêng của ba nhân vật (chủ yếu là Kiều và Tiểu Thanh)

– Tài và Tâm của Nguyễn Du.

1.0
5. Kết thúc, khẳng định lại vấn đề. 0.5

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *