Đề thi Văn 10 trại hè Hùng Vương và duyên hải 2015 TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN ĐIỆN BIÊN

 

TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN ĐIỆN BIÊN

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN

KHỐI 10

 

(Thời gian làm bài 180 phút, không kể thời gian giao đề )

 

 

 

 

Câu1: (8 Điểm)

 

Phải luôn có niềm tin về lòng tốt của con người nhưng đừng bao giờ ảo tưởng về điều đó.

Suy nghĩ của anh/ chị về câu nói trên.

 

Câu 2: (12 Điểm)

          Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số tác phẩm văn học trung đại đã học: “Đọc Tiểu Thanh kí” (Nguyễn Du), các đoạn trích “Chinh phụ ngâm” (Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm) và “Cung oán ngâm” (Nguyễn Gia Thiều).

 

 

…………………………………………….Hết…………………………………………….

Người thẩm định

Lê Thị Biên – 0914522356

Người ra đề

Trần Hương Giang – ĐT 0129 2047688

 

TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ X

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN ĐIỆN BIÊN

 

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN

KHỐI 10

 

 

Câu 1: (8 điểm)

Về kĩ năng:

– Biết cách làm một bài văn nghị luận xã hội (về một tư tưởng đạo lý).

– Biết kết cấu bài văn, lập ý, phát triển đoạn; lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục; hành văn mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp.

Về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau:

  1. Mở bài: Nêu được vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)
  2. Thân bài:
  3. Giải thích (1,5 điểm)

– Giải thích các từ ngữ: lòng tốt, niềm tin, ảo tưởng.

– Câu nói khuyên chúng ta phải có niềm tin vào lòng tốt của con người với thái độ nâng niu, trân trọng, coi đó như một điều tốt đẹp của cuộc sống. Nhưng câu nói cũng khuyên chúng ta không được ảo tưởng về lòng tốt một cách thiếu hiểu biết.

  1. Bình luận

Phải luôn có niềm tin về lòng tốt của con người. Tại sao? (2,0  điểm)

+ Vì lòng tốt là có thực. Hơn nữa, nếu nghi ngờ lòng tốt của người chân thành mang đến cho ta sẽ khiến cho họ tổn thương.

+ Vì niềm tin vào lòng tốt của người khác sẽ làm ta trở nên tốt đẹp hơn, tránh sự ích kỷ, nghi kị.

Nhưng đừng bao giờ ảo tưởng về lòng tốt. Tại sao?(2,0 điểm)

+ Không ai có thể tốt mãi với ta (do nhiều nguyên nhân và điều kiện), và không phải ai cũng có lòng tốt và sẵn sàng mang lòng tốt ra để đối đãi với người (do những mục đích và động cơ không tốt đẹp).

+ Do đó, nếu ảo tưởng sẽ khiến ta mê muội, mù quáng, lầm đường lạc lối trong suy nghĩ và hành động, thậm chí gánh hậu quả.

– Nhận định trên giúp ta có hiểu biết và hành xử đúng đắn với mọi người xung quanh bằng một thái độ sống chủ động và có hiểu biết, để vừa có niềm tin vào cuộc sống, vừa tỉnh táo tránh xa những điều xấu. (0,5 điểm)

  1. Bài học (1,0 điểm)

– Đón nhận lòng tốt của người khác phải bằng thái độ trân trọng, không nghi ngờ vô cớ.

– Đối xử với người bằng cái tâm của mình là một cách để tìm thấy người tốt.

  1. Kết bài: Đánh giá, khái quát vấn đề nghị luận (0,5 điểm)

* Lưu ý: Khuyến khích những bài viết sáng tạo, thể hiện được suy nghĩ và những trải nghiệm của bản thân về vấn đề nghị luận.

Câu 2 (12 điểm):

  1. Yêu cầu chung

– Về nội dung: phân tích và chỉ ra những biểu hiện về bi kịch sống của người phụ nữ  trong xã hội cũ qua ba tác phẩm: Đọc Tiểu Thanh kí, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm.

– Về cách thức làm bài: Bài làm phải đảm bảo cả hai thao tác nghị luận và phân tích tổng hợp. Người viết phải thể hiện lí trí trong việc xây dựng cấu trúc luận điểm vững vàng, lại vừa bộc lộ năng lực cảm thụ thơ tinh tế.

  1. Nội dung cần đạt

Bài làm có thể có nhiều cách trình bày khác nhau nhưng cần đáp ứng được một số ý kiến cơ bản sau:

  1. Khái quát: (1điểm)

– Người phụ nữ là hình tượng nghệ thuật trung tâm của văn học Việt Nam từ nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX.

– Ba tác phẩm đều viết về bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ. Mỗi người có một nỗi khổ khác nhau và được thể hiện qua những tấm lòng đồng cảm khác nhau, những ngòi bút khác nhau của các tác giả.

  1. Phân tích, chứng minh (9điểm)

– Cả ba người phụ nữ trong ba tác phẩm  đều là những người có nhan sắc, tài năng, có phẩm giá hơn người.

– Cả ba đều phải hứng chịu một số phận đầy ngang trái bi kịch:

+ Nàng Tiểu Thanh tài sắc nổi tiếng bị vợ cả ghen ghét đày đọa, sống trong buồn khổ, cô đơn đến lâm bệnh mà chết. (phân tích)

+ Người phụ nữ trong Chinh phụ ngâm sống trong lo âu phấp phỏng đợi chờ chồng đến uổng phí tuổi xuân. (phân tích)

+ Người phụ nữ tài sắc trong Cung oán ngâm sống trong đau khổ, héo mòn vì không được vua chúa đoái hoài, bị ruồng bỏ như một bông hoa đã tàn. (phân tích)

  1. Đánh giá chung (2 điểm)

– Các tác phẩm viết về số phận của người phụ nữ nhưng lại do các nhà văn nam giới sáng tác. Cả ba tác phẩm vừa phản ánh hiện thực thời đại vừa cho thấy sự cảm thông của những sáng tác trước số phận bi kịch của người phụ nữ.

– Liên hệ với hiện thực đời sống hôm nay.

 

* Lưu ý:

  1. Hướng dẫn chấm chỉ nêu ra những ý chính và các thang điểm cơ bản, trên cơ sở đó giám khảo thống nhất, định ra các chi tiết và thang điểm cụ thể.
  2. Giám khảo cần đánh giá bài làm của học sinh trong tính tổng thể của từng câu, không đếm ý cho điểm một cách máy móc nhằm đánh giá học sinh một cách toàn diện về kiến thức, kĩ năng.
  3. Điểm toàn bài là tổng điểm các câu. Giữ nguyên điểm lẻ đến 0,25.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *