Đề thi Văn 10 trại hè Hùng Vương và duyên hải 2015 văn 10 tỉnh Điện Biên

 

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN ĐIỆN BIÊN

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN

KHỐI 10

(Đề thi này có 1 trang, gồm 2 câu)

(Thời gian làm bài 180 phút, không kể thời gian giao đề )

 

 

Câu1: (8 Điểm)

Viết một bài văn (khoảng 600 từ) bình luận ý kiến sau đây:

Tài sản có giá trị nhất trên đời mà bạn có thể sở hữu chính là một thái độ sống tích cực”.

(Keith.Đ.Harrell)

Câu 2: (12 Điểm)

          Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số tác phẩm văn học trung đại đã học: “Đọc Tiểu Thanh kí” (Nguyễn Du), các đoạn trích “Chinh phụ ngâm” (Đặng Trần Côn – Đoàn Thị ĐIểm) và “Cung oán ngâm” (Nguyễn Gia Thiều).

 

…………………………………………….Hết…………………………………………….

 

Người ra đề: Trần Hương Giang – 0985360200

  

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN ĐIỆN BIÊN

 

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN

KHỐI 10

 

 

Câu 1: (8 điểm)

  1. Về kĩ năng:

Biết cách làm bài nghị luận xã hội (về một tư tưởng đạo lý)

– Bài viết có bố cục chặt chẽ; lập ý sáng tạo; vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận; hành văn mạch lạc, trôi chảy, có cảm xúc; không mắc lỗi dùng từ, chính tả.

  1. Về kiến thức: Bài làm có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần làm nổi bật các ý sau:
  2. Giải thích (2 điểm)

– Tài sản: của cải vật chất và tinh thần có giá trị với chủ sở hữu.

– Thái độ sống tích cực: Thái độ chủ động trước cuộc sống, được biểu hiện thông qua cách nhìn, cách nghĩ, cách hành dộng.

– Về nội dung: ý kiến cho rằng thái độ sống tích cực chính là tài sản có giá trị nhất mà mỗi người đang có.

– Về ý nghĩa: câu nói khẳng định ý nghĩa to lớn của thái độ sống tích cực từ đó khích lệ động viên con người sống tích cực.

  1. Luận bàn ý kiến (4 điểm)
  2. Biểu hiện của thái độ sống tích cực

– Có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống, về mối liên hệ giữa cá nhân với cuộc đời, về trách nhiệm của bản thân với gia đình và xã hội.

– Luôn chủ động trước cuộc sống:

+ Xác định được mục tiêu sống, có ước mơ, hoài bão, dám phấn đấu cho ước mơ, hoài bão dù phải đối diện với nhiều thử thách khó khăn.

+ Luôn có khát vọng vươn lên khẳng định bản thân và hoàn thiện mình, luôn phấn đấu sống tốt, cho mình và cho mọi người.

+ Có năng lực sống, năng lực tinh thần mạnh mẽ, không buông xuôi đầu hàng trước khó khăn, không dựa dẫm ỷ lại vào người khác.

– Thái độ sống tích cực là phẩm chất đáng quý của con người, là lối sống đẹp.

  1. Những giá trị mà thái độ sống tích cực mang lại

* Với cá nhân:

– Người có thái độ sống tích cực cơ hội thành công trong cuộc sống sẽ cao hơn đồng nghĩa với việc tạo dựng được những thành quả từ chính sức lực, trí tuệ, lối sống của mình.

+ Những giá trị vật chất sẽ đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của cá nhân, góp phần giúp đỡ người thân, cộng đồng.

+ Những giá trị tinh thần đem lại cho con người nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc khi thấy cuộc sống của mình có ích, có nghĩa, được quý trọng, có được sự tự chủ, niềm lạc quan, sự vững vàng từ những trải nghiệm cuộc sống.

* Với xã hội: Thái độ sống tích cực của cá nhân góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, tiến bộ.

  1. Bài học nhận thức và hành động (2 điểm)

– Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa to lớn của thái độ sống tích cực nhất là trong xu thế hội nhập của đất nước.

– Tích cực phấn đấu rèn luyện trong học tập, trong cuộc sống, bồi dưỡng lòng tự tin, ý thức tự chủ.

 

Câu 2 (12 điểm):

 

  1. Yêu cầu chung

– Về nội dung: phân tích và chỉ ra những biểu hiện về bi kịch sống của người phụ nữ  trong xã hội cũ qua ba tác phẩm: Đọc Tiểu Thanh kí, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm.

– Về cách thức làm bài: Bài làm phải đảm bảo cả hai thao tác nghị luận và phân tích tổng hợp. Người viết phải thể hiện lí trí trong việc xây dựng cấu trúc luận điểm vững vàng, lại vừa bộc lộ năng lực cảm thụ thơ tinh tế.

  1. Nội dung cần đạt

Bài làm có thể có nhiều cách trình bày khác nhau nhưng cần đáp ứng được một số ý kiến cơ bản sau:

  1. Khái quát: (1điểm)

– Người phụ nữ là hình tượng nghệ thuật trung tâm của văn học Việt Nam từ nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX.

– Ba tác phẩm đều viết về bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ. Mỗi người có một nỗi khổ khác nhau và được thể hiện qua những tấm lòng đồng cảm khác nhau, những ngòi bút khác nhau của các tác giả.

  1. Phân tích, chứng minh (9điểm)

– Cả ba người phụ nữ trong ba tác phẩm  đều là những người có nhan sắc, tài năng, có phẩm giá hơn người.

– Cả ba đều phải hứng chịu một số phận đầy ngang trái bi kịch:

+ Nàng Tiểu Thanh tài sắc nổi tiếng bị vợ cả ghen ghét đày đọa, sống trong buồn khổ, cô đơn đến lâm bệnh mà chết. (phân tích)

+ Người phụ nữ trong Chinh phụ ngâm sống trong lo âu phấp phỏng đợi chờ chồng đến uổng phí tuổi xuân. (phân tích)

+ Người phụ nữ tài sắc trong Cung oán ngâm sống trong đau khổ, héo mòn vì không được vua chúa đoái hoài, bị ruồng bỏ như một bông hoa đã tàn. (phân tích)

  1. Đánh giá chung (2 điểm)

– Các tác phẩm viết về số phận của người phụ nữ nhưng lại do các nhà văn nam giới sáng tác. Cả ba tác phẩm vừa phản ánh hiện thực thời đại vừa cho thấy sự cảm thông của những sáng tác trước số phận bi kịch của người phụ nữ.

– Liên hệ với hiện thực đời sống hôm nay.

 

* Lưu ý:

  1. Hướng dẫn chấm chỉ nêu ra những ý chính và các thang điểm cơ bản, trên cơ sở đó giám khảo thống nhất, định ra các chi tiết và thang điểm cụ thể.
  2. Giám khảo cần đánh giá bài làm của học sinh trong tính tổng thể của từng câu, không đếm ý cho điểm một cách máy móc nhằm đánh giá học sinh một cách toàn diện về kiến thức, kĩ năng.
  3. Điểm toàn bài là tổng điểm các câu. Giữ nguyên điểm lẻ đến 0,25.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *