TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XI
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN
TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ GIANG
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT
(Đề này có 01 trang, gồm 02 câu)
Câu 1. (8,0 điểm): Nghị luận xã hội
Có ý kiến cho rằng:
“Mỗi người đều nhận được hai thứ giáo dục: Một thứ là do người khác truyền cho và một thứ quan trọng hơn nhiều là do chính mình tự tạo cho mình”
(Theo từ điển lời hay ý đẹp, NXB Thanh niên, tr 605)
Từ câu nói trên, hãy tạo một văn bản nghị luận (khoảng 600 từ) bàn về vấn đề tự giáo dục.
Câu 2. (12,0 điểm): Nghị luận văn học
Nhận xét về nghệ thuật tả cảnh trong Truyện Kiều, giáo sư Lê Trí Viễn viết “Riêng về tả cảnh thì Nguyễn Du cũng theo truyền thống có sẵn trong văn học Trung Quốc cũng như trong văn học Việt Nam. Cảnh xen vào tâm trạng con người là để làm nổi bật tâm trạng ấy. Nhiều khi lại không trực tiếp tả tâm trạng nhân vật mà xuyên qua cảnh vật gợi lên tâm trạng ấy. Chỗ đó là chỗ sở trường nhất của tác giả Truyện Kiều”.
Bằng những câu thơ, đoạn thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, em hãy làm sáng tỏ ý kiến đó.
…………………… Hết…………………..
(Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm, thí sinh không được sử dụng tài liệu)
Họ và tên thí sinh: ………………………..…………………………………………..
Họ tên, chữ kí giám thị 1: …………………………………………………………….
Họ tên, chữ kí giám thị 2: …………………………………………………………….
Người thẩm định Người ra đề
Chu Hång V©n Vũ Thị Thu
SĐT: 0915894299 SĐT: 01638528888
HƯỚNG DẪN CHẤM
MÔN: VĂN
Lớp: 10
Câu | Yêu cầu kiến thức, kĩ năng | Biểu điểm |
1 | I. Mở bài: Dẫn dắt và nêu vấn đề
– Sinh ra trên cuộc đời, mỗi người đều được đón nhận sự giáo dục từ nhiều kênh. Song cuộc đời có thành đạt, hạnh phúc hay không lại do chính sự tự nhận thức, tự giáo dục của chính mình. – Có ý kiến cho rằng: “Mỗi người đều nhận được hai thứ giáo dục: Một thứ là do người khác truyền cho và một thứ quan trọng hơn nhiều là do chính mình tự tạo cho mình”. |
0,5 điểm |
II. Thân bài:
* Giải thích ý kiến “Mỗi người đều nhận được hai thứ giáo dục”: (2,0 điểm) – Giáo dục thứ nhất do người khác truyền tho trực tiếp hoặc gián tiếp (người khác) là những người thân trong gia đình, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, các tác phẩm, bài viết của các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, các nhà khoa học… Các thông tin trên nhiều kênh nghe nhìn đại chúng… thậm chí nhận được những bài học từ đối phương hay kẻ thù của chính mình…). – Giáo dục thứ hai do chính mình tự tạo cho mình. Tự tạo cho mình những điều gì”. Đó là sự tự nhận thức những vấn đề để đúng – sai, tốt – xấu, phải – trái, thành công – thất bại, hạnh phúc – bất hạnh… trong cuộc sống. Đó là việc biết tự tạo cho mình những thói quen tốt trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Biết tự học để nâng cao con đường học vấn. Biết tự nhìn lại, tự phê bình, kiểm điểm, cải tạo, giáo dục mình khi mắc sai lầm. Biết đứng dậy khi ngã, biết khoan dung, độ lượng với người mắc lỗi, biết yêu thương đồng loại, biết căm ghét những thói xấu xa… => Ý kiến muốn nhấn mạnh, khẳng định: con người trưởng thành là do chính mình tự tạo cho mình, tự trăn trở, suy ngẫm, giáo dục mình, nhìn lại mình. Đó là điều quan trọng, cốt lõi. * Bình luận ý kiến: (2,0 điểm) Ý kiến hoàn toàn đúng. Bởi con người trưởng thành là do được tiếp nhận sự giáo dục từ hai kênh chính: khách quan và chủ quan. Những điều từ phía người khác truyền cho (khách quan) có thể đúng, có thể sai hoặc nửa đúng nửa sai, hoặc đã lạc hậu, hoặc không thể làm theo, cho nên, điều quan trọng nhất, cốt yếu nhất ở chủ thể nhận thức. Bản thân biết phân biệt đúng – sai, phải – trái để biết tiếp thu những ý kiến đúng; biết trăn trở, suy ngẫm, cảo tạo mình trước lỗi lầm, tự hướng bản thân theo con đường tốt đẹp, tích cực, thì đó là kết quả của việc tự nhận thức, tự giáo dục. Nếu không, những điều người khác truyền cho tốt đẹp bao nhiêu cũng chỉ là dã tràng xe cát vô ích. * Chứng minh trong thực tế đời sống: (2,0 điểm) – Một học sinh bỏ học vì ham mê (nghiện) game. Bạn ấy đã từng mắc phải những sai lầm như ăn cắp, bỏ nhà đi bụi, ngồi lì bên máy nhiều ngày, mắt cận, mình gầy xác ve. Ai khuyên bảo cũng bỏ ngoài tai. Lần móc túi cuối cùng bạn bị bắt quả tang, bị giam giữ, bị tra hỏi và giáo dục. Trải qua những ngày gian khổ, tự suy ngẫm, tự đấu tranh, bạn đã nhận ra lỗi lầm và khao khát được trở về với lớp học. Một anh thanh niên lỡ sa vào con đường nghiện hút khiến tình cảm gia đình tan nát, kinh tế sa sút. Được sự giúp đỡ, giáo dục của những người thân, đoàn thể, anh đã biết điểm dừng, tự trói mình quyết tâm cai nghiện. Cuối cùng, anh đã chiến thắng bản thân và trở về với gia đình, với cuộc sống bình yên. – Một doanh nhân thành đạt sau khi anh đã trải qua nhiều thất bại. Anh đã có lúc rơi vào tình trạng phá sản hoàn toàn. Con người yếu đuối, sợ hãi trong anh đã xui anh quyên sinh. Nhưng ý chí mạnh mẽ trong anh lại trỗi dậy, giúp anh trấn tĩnh, phân tích nguyên nhân, tìm giải pháp thoát ra. Qua những bài học kinh nghiệm, anh đã hiểu được: không ai cứu được mình bằng tự mình cứu lấy mình. * Bài học cho mỗi người và bản thân: (2,0 điểm) – Mỗi người sinh ra và lớn lên, có nhân cách, thành đạt và hạnh phúc chủ yếu là do chính mình tạo ra. Muốn có cuộc sống giàu sang, hạnh phúc phải từ chính bản thân tạo ra chứ không phải do từ người khác đem lại. – Cuộc sống vốn phong phú, phức tạp. Điều thiện, ác, tốt xấu… luôn tồn tại ngoài xã hội và trong chính bản thân mỗi người. Để trở thành con người có tài đức, nhân cách tốt, được mọi người yêu mến, tôn trọng, bản thân phải luôn biết tiếp thu những điều tốt đẹp do người khác truyền cho và quan trọng hơn là biết tự cải tạo mình, hướng mình vào con đường tích cực, đúng đắn. |
7,0 điểm
|
|
III. Kết bài:
– Là con người không ai tránh khỏi việc mắc sai lầm, hãy biết tự đứng dậy sau khi ngã. – Luôn tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân để hiểu mình, hiểu người, hiểu đời, trở thành con người có nhân cách tốt. |
0,5 điểm |
|
2 | I. Mở bài: Dẫn dắt và nêu vấn đề nghị luận
– Đánh giá về các phương diện thành công của Truyện Kiều (Nguyễn Du) phải kể đến nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. – Giáo sư Lê Trí Viễn nhận xét: “Riêng về tả cảnh thì Nguyễn Du cũng theo truyền thống có sẵn trong văn học Trung Quốc cũng như trong văn học Việt Nam. Cảnh xen vào tâm trạng con người là để làm nổi bật tâm trạng ấy. Nhiều khi lại không trực tiếp tả tâm trạng nhân vật mà xuyên qua cảnh vật gợi lên tâm trạng ấy. Chỗ đó là chỗ sở trường nhất của tác giả Truyện Kiều”. |
0,5 điểm |
II. Thân bài:
* Tả cảnh ngụ tình là sở trường của Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”: (5,0 điểm) – Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình là một thủ pháp truyền thống của văn học cổ phương Đông (Trung Quốc cũng như trong văn học Việt Nam). Truyện Kiều của Nguyễn Du đã ảnh hưởng sâu đậm phương pháp sáng tác đó, đúng như lời nhận xét của giáo sư Lê Trí Viễn. Song Nguyễn Du đã vận dụng một cách tài tình đầy sáng tạo. Trong Truyện Kiều, ta ít gặp nhà thơ chỉ đơn thuần tả cảnh. Tả bức tranh thiên nhiên, nhưng bức tranh ấy còn là bức tranh tâm trạng, mượn cảnh vật để gửi gắm tâm trạng: “Cảnh xen vào tâm trạng con người là để làm nổi bật tâm trạng ấy. Nhiều khi lại không trực tiếp tả tâm trạng nhân vật mà xuyên qua cảnh vật gợi lên tâm trạng ấy”. Nghĩa là cảnh chỉ là phương diện để thực hiện mục đích chính là miêu tả tâm trạng. Đó là sở trường của Nguyễn Du mà các tài bút văn học trung đại khôn sánh. Nhà nghiên cứu, phê bình Đặng Thanh Lê cũng nhận xét: “Sử dụng chủ yếu ngôn ngữ dân tộc để miêu tả cảnh vật thiên nhiên và miêu tả nội tâm con người là một đặc điểm trong phong cách ngôn ngữ thi ca Truyện Kiều”. * Chứng minh qua một số đoạn thơ trong “Truyện Kiều”: (6,0 điểm) – Trong đoạn trích Cảnh ngày xuân, hai câu thơ cuối Nguyễn Du viết: Nao nao lòng nước uốn quanh, Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang. Tả dòng nước nao nao hay tả nỗi niềm nao nao xao động của lòng người? Giữa cảnh và lòng người dường như không có ranh giới. Dòng nước quanh co uốn khúc được nhìn qua tâm trạng nhạy cảm của một thiếu nữ trước cảnh chiều tà vắng vẻ, cô tịch. Chẳng biết sẽ gặp điều gì phía trước mà trong lòng cứ thấy nao nao, man mác buồn. Cảm giác ấy thật linh nghiệm, ngay sau đó Thúy Kiều đã gặp mộ Đạm Tiên: “Sè sè nấm đất bên đường/ Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” – nấm mộ cô đơn, cô độc, vô chủ một kiếp cầm ca tài sắc, bạc mệnh “Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”. Hình ảnh nấm mồ sè sè, ngọn cỏ rầu rầu nửa vàng nửa xanh thấm vào lòng Kiều một nỗi niềm xót xa, thương cảm kiếp hồng nhan. Đây chính là thủ pháp xuyên qua cảnh vật để gợi lên tâm trạng. – Song vẫn dòng suối nhỏ ấy, vẫn chiếc cầu xinh xinh nhỏ bé bắc qua con suối ấy lại được nhìn qua tâm cảnh của Thúy Kiều sau khi gặp và chia tay với chàng Kim. Mở đầu cho thiên tình sử diễm lệ của họ: Dưới cầu nước chảy trong veo Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha Dòng suối bây giờ không nao nao buồn như lúc trước mà bừng sáng, trong veo như tình yêu vừa chớm nở của đôi uyên ương “Người quốc sắc, kẻ thiên tài”. Tơ liễu và bóng chiều quấn quýt như tình yêu tha thiết say đắm của họ vừa mới gặp gỡ lần đầu mà “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Tơ liễu thướt tha soi bóng xuống dòng nước buổi chiều tà hay cũng chính là bóng dáng thướt tha của người đẹp in bóng xuống dòng nước lúc ngóng vọng người trong mộng “Người đã lên ngựa khách còn ghé theo”? – Nói đến bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du trong Truyện Kiều phải kể đến đoạn tuyệt bút: “Buồn trông cửa bể chiều hôm”… + Cảnh ở đây được tả rất khái quát, mang tính ước lệ nhưng cũng rất cụ thể, chân thực: Thời gian chung cho cảnh là chiều hôm (cái phông gợi buồn người lữ thữ). Hình ảnh cửa bể, cánh buồm, ngọn nước mới sa, cánh hoa trôi, nội cỏ, chân mấy mặt đất, gió, sóng, mặt duềnh… kết hợp với màu sắc: rầu rầu, xanh xanh và âm thanh tiếng sóng… tất cả tạo nên hình bóng thiên nhiên sống động nhưng không nhằm tả thiên nhiên mà tả tâm trạng. + Thúy Kiều đơn độc trước lầu Ngưng Bích, nàng không chỉ đối diện với thiên nhiên mà còn đối diện với lòng mình trong hoàn cảnh đất khách quê người bơ vơ, tương lai mịt mờ, bế tắc. Hình tượng thiên nhiên gợi ra trường liên tưởng phong phú về bi kịch một cuộc đời tài hoa. Con người nhỏ bé cô độc như cánh buồm vô định trong bể đời mênh mang, như cánh hoa tan tác giữa dòng nước cuốn, biết đi đâu về đâu? Kiếp cỏ nội hoa hèn lênh đênh góc bể chân trời, gió dập sóng vùi biết sống chết ra sao? Tương lai thật mờ mịt, nỗi khổ đau của Kiều vỡ ra trong ảo giác thành nhiều hình ảnh dạt trôi, bế tắc, chao đảo, nghiêng đổ đến tuyệt vọng. – Mỗi câu mỗi cảnh, mỗi cảnh mỗi tình, tình buồn ngày một lớn, một lan tỏa sâu rộng, chồng chất khiến lòng người không khỏi xót xa, thương cảm cho kiếp tài hoa bạc mệnh. Đây chính là cảnh xen vào tâm trạng để gợi nên tâm trạng ấy. III. Kết bài. Đánh giá tổng hợp vấn đề. – Với quan niệm thẩm mĩ truyền thống, Nguyễn Du luôn lấy khung cảnh thiên nhiên làm nền cho hoạt động của nội tâm nhân vật. Tính chất truyền thống ấy biểu hiện qua chi phối của logic nội tâm với logic cảnh vật khách quan, qua bút phác họa và khái quát, qua hình tượng và ngôn ngữ ước lệ. – Và cuối cùng, phải nói đến một yếu tố quan trọng làm nên bậc thầy vả cảnh ngụ tình, đó là một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm trước sự diễm lệ phong phú của thiên nhiên và mối đồng cảm sâu sắc với số phận, tâm tư con người. Bút pháp tả cảnh ngụ tình góp phần làm nên giá trị nhân văn của tác phẩm. |
11,0 điểm
0,5 điểm |
DANH SÁCH HỌC SINH THAM GIA TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG
MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10
STT | Họ và tên | Giới tính | Ngày sinh | Lớp | Môn |
1 | Nông Thúy Hằng | Nữ | 24/7/1999 | 10 Văn | Văn |
2 | Đỗ Huyền Thương | Nữ | 20/8/1999 | 10 Văn | Văn |
3 | Nguyễn Thị Lành | Nữ | 25/12/1999 | 10 Văn | Văn |
NGƯỜI LẬP BIỂU
Vũ Thị Thu