|
Môn thi: NGỮ VĂN
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề) Ngày thi: 09/ 10/ 2016
Câu 1: Nghị luận xã hội (8.0 điểm)
Đọc mẩu chuyện sau:
VAI KỊCH CUỐI CÙNG
Có một người diễn viên già đã về hưu, sống độc thân. Mùa hạ năm ấy, ông tìm về ngôi làng vắng ở vùng núi, sống với gia đình người em là giáo viên trường làng.
Ông thường ra chơi nơi bãi cỏ vắng lặng ngoài thung lũng. Ở đây, chiều nào ông cũng thấy một chú bé ngồi đợi đoàn tàu chạy qua thung lũng, trước khi rẽ vào những vách đá đến phía ga trên.
Chú bé hồi hộp đợi. Đoàn tàu phủ đầy bụi đường với những toa đông đúc hành khách như một thế giới khác lạ, ầm ầm lướt qua thung lũng. Chú bé vụt đứng dậy, háo hức đưa tay vẫy, chỉ mong có một hành khách nào đó vẫy lại chú. Nhưng hành khách – mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường – chẳng ai để ý vẫy lại chú bé không quen biết. Nhiều ngày sau nữa cũng thế. Nhìn nét mặt thất vọng của chú bé, tim người diễn viên già như thắt lại. Ông nghĩ: “Không gì đau lòng bằng việc thấy một em bé thất vọng, đừng để trẻ con mất lòng tin ở đời sống, ở con người”.
Hôm sau, ông giở chiếc vali hoá trang ra, dán lên mép một bộ râu giả, đeo kính, mượn ở đâu chiếc áo veston cũ, mặc vào rồi chống gậy đi. Nhờ chuyến xe ngựa của trạm, ông lên tàu đi ngược lên ga trên. Ngồi sát cửa sổ toa tàu, ông thầm nghĩ: “Đây là vai kịch cuối cùng của mình, cũng như nhiều lần nhà hát thường phân cho mình, một vai phụ, một vai rất bình thường,…”.
Qua cái thung lũng có chú bé đang đứng vẫy, người diễn viên già nhoài người ra, cười, đưa tay vẫy lại chú bé. Ông thấy chú bé mừng cuống quýt, nhẩy cẫng lên, đưa cả hai tay vẫy mãi.
Con tàu đi xa. Người diễn viên già trào nước mắt cảm động hơn bất cứ một đêm diễn huy hoàng nào ở nhà hát. Đây là vai kịch cuối cùng của ông, một vai phụ, một vai không có lời, một vai không đáng kể nhưng đã làm cho chú bé kia vui sướng, đã đáp lại tâm hồn chú bé và chú sẽ không mất lòng tin ở cuộc đời.
(Lược trích từ www.toikhacbiet.vn).
Từ mẩu chuyện trên, anh/ chị hãy viết bài văn về chủ đề: “Vai phụ”.
Câu 2: Nghị luận văn học (12.0 điểm)
“Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong tác phẩm của mình”.
(Văn học 12, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1994, trang 136).
Bằng một số tác phẩm, cùng với cách thức đối sánh, anh/ chị hãy bình luận ý kiến trên.
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI VÒNG TỈNH THPT
VĨNH LONG NĂM HỌC: 2016 – 2017
|
HƯỚNG DẪN CHẤM THI MÔN NGỮ VĂN
(Bản Hướng dẫn chấm thi gồm 02 trang)
Câu 1: Nghị luận xã hội (8.0 điểm)
Yêu cầu chung: Trên cơ sở nội dung mẩu chuyện kết hợp với kiến thức thực tiễn, thí sinh trình bày ý kiến của bản thân về chủ đề đặt ra. Bố cục sáng rõ, lập luận sắc bén, thuyết phục, văn mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Yêu cầu cụ thể: Thí sinh có thể trình bày ý kiến của bản thân theo nhiều hướng khác nhau, bằng nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một số gợi ý cho nội dung bài viết:
– Giải thích “vai phụ” theo các cách hiểu khác nhau: vai không quan trọng, ít đất diễn trong một tác phẩm sân khấu, điện ảnh; những người tưởng chừng không giữ vai trò chính yếu trong một câu chuyện cuộc sống…
– Người đời thường xem nhẹ “vai phụ”… Tuy nhiên, trong cuộc sống, những “vai phụ” có ý nghĩa rất quan trọng (là người hòa giải những xung đột, kết nối những mối quan hệ, là nguồn động viên cho người khác…); người đóng “vai phụ” rất đáng trân trọng vì họ luôn hi sinh, biết nghĩ cho người khác…
– Tuy nhiên, bản thân không nên là “vai phụ” cho cuộc đời mình, phải luôn phấn đấu để quyết định tương lai và cuộc sống bản thân…
– Bài học cho bản thân; thông điệp cho mọi người…
Tiêu chuẩn cho điểm:
– Điểm 7.0 – 8.0: Bài làm ý sâu sắc, thể hiện rõ quan niệm của bản thân. Văn mạch lạc, giàu cảm xúc, lập luận sắc bén, thuyết phục. Dẫn chứng đầy đủ. Cách viết sinh động, có sáng tạo. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
– Điểm 5.0 – 6.0: Bài làm ý khá sâu sắc, thể hiện được quan niệm bản thân. Văn khá trôi chảy, có cảm xúc, lập luận khá chặt chẽ. Có chú ý đưa dẫn chứng, còn mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
– Điểm 3.0 – 4.0: Bài làm trình bày được vấn đề nhưng chưa sâu, ý chung chung. Hạn chế về dẫn chứng. Lập luận đôi chỗ lúng túng, mắc nhiều lỗi diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
– Điểm 1.0 – 2.0: Bài làm chưa bám sát vào đề. Văn yếu, ý nghèo, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Câu 2: Nghị luận văn học (12.0 điểm)
Yêu cầu chung: Trên cơ sở nắm bắt được nội dung tư tưởng của lời nhận định cùng hiểu biết và quan niệm bản thân, thí sinh bày tỏ ý kiến về vấn đề được nêu ra. Bố cục chặt chẽ, lập luận vững vàng. Dẫn chứng chọn lọc, phù hợp. Văn mạch lạc, giàu hình ảnh, cảm xúc, sáng tạo, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Yêu cầu cụ thể: Thí sinh có thể trình bày ý kiến theo nhiều hướng khác nhau, bằng nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một số gợi ý cho bài viết:
Ý nghĩa nội dung nhận định
– “phong cách” → cái riêng, đặc sắc,… của nghệ sĩ → thể hiện qua nhiều phương diện: đề tài, ngôn ngữ, hình ảnh…- Văn chương cũng là một loại hình nghệ thuật, “người sáng tác” là người nghệ sĩ → trong lĩnh vực văn chương là nhà văn, nhà thơ.
→ nhận định đề cao việc sáng tạo, “làm mới” của nhà văn, nhà thơ trong sáng tác của mình.
- Ý kiến của bản thân về nhận định
– Thí sinh kết hợp lí luận và phân tích dẫn chứng để làm rõ vấn đề, trong đó có sử dụng cách thức đối sánh (hai tác phẩm cùng đề tài, cùng trào lưu, cùng khuynh hướng…).
– Bàn luận:
+ Văn chương là lĩnh vực đề cao “cái tôi”, mỗi nghệ sĩ bước vào làng văn đều có năng lực văn chương → để không bị hòa lẫn, tan biến vào người khác, nhà văn, nhà thơ sáng tạo không ngừng → không có “cái riêng” đồng nghĩa với việc không tạo ra được dấu ấn và chỗ đứng cho mình.
+ Để có được “cái riêng”, người nghệ sĩ không ngừng lao động, trăn trở bởi cái riêng đó không phải được tạo ra từ sự bắt chước, mô phỏng cái đã có… → đáng quý, đáng trân trọng.
+ Tuy nhiên, cái riêng đó không phải là những gì lập dị, khác đời, trái với đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục và mâu thuẫn với quy định của pháp luật…
Đánh giá chung
– Sáng tạo để tạo ra phong cách vừa là yêu cầu khắt khe của nghệ thuật dành cho nghệ sĩ, vừa là nhu cầu tất yếu để người nghệ sĩ lao động không ngừng.
– Phát hiện, thâm nhập cái hay, cái riêng của nghệ sĩ trong tác phẩm → người đọc sẽ có được những khoái cảm thẩm mĩ tuyệt vời → lí giải được vì sao văn học có sức sống mãnh liệt.
Tiêu chuẩn cho điểm:
– Điểm 11.0 – 12.0: Bài làm thể hiện tư duy sâu sắc, làm rõ được vấn đề theo góc nhìn cá nhân. Bố cục chặt chẽ. Dẫn chứng chọn lọc, phân tích sâu sắc, đối sánh phù hợp, bình sâu. Bài làm có nét riêng hoặc có sáng tạo. Văn mạch lạc, giàu cảm xúc. Có thể mắc một vài lỗi rất nhỏ về diễn đạt.
– Điểm 9.0 – 10.0: Bài làm thể hiện tư duy khá sâu sắc, có thể hiện khá tốt vấn đề theo góc nhìn của bản thân. Bố cục rõ. Dẫn chứng khá tiêu biểu, có phân tích khá tốt, biết đối sánh để làm rõ vấn đề, bình khá sâu. Văn trôi chảy, giàu cảm xúc. Có thể mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
– Điểm 7.0 – 8.0: Bài làm thể hiện tư duy tương đối sâu sắc, ý triển khai chưa sâu. Luận điểm rõ ràng. Dẫn chứng phù hợp, có vận dụng phương thức đối sánh, có ý bình luận nhưng chưa sâu. Văn khá mạch lạc, có cảm xúc, còn mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
– Điểm 5.0 – 6.0: Bài làm trình bày được vấn đề. Có dẫn chứng nhưng chưa vận dụng cách thức đối sánh để làm rõ vấn đề, phân tích chưa sâu. Lập luận nhiều chỗ còn lúng túng, còn mắc một số lỗi về diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
– Điểm 3.0 – 4.0: Bài làm chưa rõ yêu cầu đề. Dẫn chứng sơ sài. Phân tích chung chung. Bài làm nặng về phân tích cụ thể một hoặc một vài tác phẩm. Còn mắc nhiều lỗi diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
– Điểm 1.0 – 2.0: Bài làm bàn về nội dung hoàn toàn xa đề và không phù hợp. Văn yếu, ý nghèo, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Lưu ý chung:
– Giám khảo căn cứ vào hướng dẫn chấm và vận dụng linh hoạt vào thực tế bài làm của thí sinh để cân nhắc khi cho điểm.
– Hết –– Cả 2 câu đều hướng đến tính chất “mở”, giám khảo cần chú ý khuyến khích những bài làm có nét riêng trong cảm thụ, suy nghĩ, nhận thức nhưng vẫn hợp lí và có sự sáng tạo trong cách trình bày, diễn đạt…
– Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
– Giám thị không giải thích gì thêm.