Đề thi HSG môn văn tỉnh Vĩnh Long 2018 Việt Bắc -Đất nước

ĐỀ CHÍNH THỨC

Môn thi: NGỮ VĂN
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)             
Câu 1: (8.0 điểm)
 
TẤM LÒNG TRẺ THƠ
Một phụ nữ đơn thân nọ vừa mới chuyển nhà. Hàng xóm của bà là một gia đình nghèo với người mẹ góa chồng cùng hai đứa con.
Một hôm mất điện, bà định thắp nến lên cho sáng thì có tiếng gõ cửa. Đó là con của nhà hàng xóm kia. Đứa bé nghiêm túc hỏi:
– Con chào dì, dì cho con hỏi, nhà dì có nến không ạ?
Bà ta thầm nghĩ: “Cái gia đình này nghèo đến nỗi ngay cả nến cũng không có sao? Tốt nhất không cho, cứ như thế họ sẽ ỷ lại mất!”. Nghĩ rồi, bà liền đáp:
– Không có!
Đúng lúc bà chuẩn bị đóng cửa, đứa bé liền cười rạng rỡ và nói:
Con thừa biết là nhà dì không có nến mà! – Nói xong, đứa bé liền chìa ra hai cây nến – Mẹ và con sợ dì sống một mình không có nến nên bảo con đem tặng dì hai cái để thắp sáng ạ!
(Lược ghi theo Đọc xong 4 câu chuyện này bạn sẽ hiểu mục đích của đời người…,
www.nguoiduatin.vn, 20/12/2016)Trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý nghĩa được gợi lên từ cách ứng xử của nhân vật người phụ nữ đơn thân trong mẩu chuyện trên.
Câu 2: (12.0 điểm)
Cảm tưởng về Nhân dân trong hai đoạn trích Việt Bắc – Tố Hữu và Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) – Nguyễn Khoa Điềm (Ngữ văn 12, Tập một, Nxb Giáo dục 2008, trang 109-113 và trang 117-122).
– Hết –
– Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
– Giám thị không giải thích gì thêm.
 

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THPT CẤP TỈNH
NĂM HỌC 2017 – 2018
Khóa thi ngày 21 tháng 01 năm 2018
 
 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO        
              VĨNH LONG                                                 

ĐỀ CHÍNH THỨC

 HƯỚNG DẪN CHẤM THI MÔN NGỮ VĂN
(Hướng dẫn chấm thi gồm 03 trang)

 
Câu 1: (8.0 điểm)
Yêu cầu chung: Từ ý nghĩa mẩu chuyện cùng với nhận thức, trải nghiệm sống, năng lực… bản thân, thí sinh trình bày quan điểm về vấn đề đặt ra. Bố cục sáng rõ, lập luận sắc bén, thuyết phục, văn mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Yêu cầu cụ thể: Thí sinh có thể trình bày ý theo nhiều hướng khác nhau, bằng nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một số gợi ý tham khảo cho nội dung bài viết:
– Giới thiệu dẫn dắt vào vấn đề.
– Rút ra ý nghĩa của mẩu chuyện từ cách ứng xử của nhân vật người phụ nữ đơn thân: phê phán thói ích kỉ, nhỏ nhen ở con người.
– Bày tỏ suy nghĩ về thói ích kỉ, nhỏ nhen:
+ Mưu cầu quyền lợi cho bản thân → nhu cầu chính đáng của mỗi người trong cuộc sống.
+ Nếu sự mưu cầu ấy mang tính vị kỉ → nguy hiểm, đáng sợ và đáng bị phê phán → là nguyên nhân gây chia rẽ, mất đoàn kết (đùn đẩy trách nhiệm, tranh phần hơn trong thành quả…); là động cơ của tội ác (hãm hại người khác, làm việc bất chính để mưu lợi cho bản thân…); bản thân trở nên mê muội, thiếu sáng suốt trong công việc, tình cảm; không tìm được sự thanh thản, hạnh phúc…
+ Không đồng nhất giữa ích kỉ với việc mưu cầu quyền lợi chân chính cho bản thân → động lực để phấn đấu, vươn lên; ca ngợi những cá nhân biết nghĩ, hành động vì người khác.
– Bài học cho bản thân; thông điệp cho mọi người…
Tiêu chuẩn cho điểm:
– Điểm 7.0 – 8.0: xác định rõ vấn đề bàn luận, ý sâu sắc, thể hiện rõ quan niệm của bản thân. Văn mạch lạc, linh hoạt, giàu cảm xúc, lập luận sắc bén, thuyết phục. Dẫn chứng thuyết phục. Có thể mắc một vài sai sót rất nhỏ.
– Điểm 5.0 – 6.0: xác định được vấn đề bàn luận, ý khá sâu sắc, thể hiện được quan niệm bản thân. Văn khá trôi chảy, có cảm xúc, lập luận tương đối chặt chẽ. Có chú ý đưa dẫn chứng, còn mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
– Điểm 3.0 – 4.0: tỏ ra hiểu vấn đề, ý chung chung. Hạn chế về dẫn chứng. Lập luận đôi chỗ lúng túng, thao tác chưa vững; mắc nhiều lỗi diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
– Điểm 1.0 – 2.0: chưa bám sát vào đề. Văn yếu, ý nghèo, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
 
Câu 2: (12.0 điểm)
Yêu cầu chung: Trên cơ sở định hướng của đề cùng kiến thức bản thân, thí sinh bày tỏ ý kiến về vấn đề được nêu ra. Bố cục chặt chẽ, lập luận vững vàng. Dẫn chứng chọn lọc. Văn mạch lạc, giàu hình ảnh, cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Yêu cầu cụ thể: Thí sinh có thể trình bày ý theo nhiều hướng khác nhau, bằng nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một số gợi ý cho bài viết:
Giới thiệu để đi vào định hướng vấn đề (Cảm tưởng về Nhân dân trong hai đoạn trích Việt Bắc – Tố Hữu và Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm).
Cảm tưởng về Nhân dân trong hai đoạn trích
a) Cảm tưởng về Nhân dân được hiểu là suy nghĩ, quan niệm, tình cảm của người viết về Nhân dân được thể hiện qua sáng tác văn học. Trên trang viết của các nhà văn, nhà thơ, hình tượng Nhân dân thường gắn với bối cảnh thời đại, đặc điểm phát triển của lịch sử.
b) Cảm tưởng về Nhân dân trong hai đoạn trích (Thí sinh kết hợp kiến thức văn bản, chọn lọc dẫn chứng và các thao tác lập luận để làm rõ vấn đề):
Việt Bắc ­– Tố Hữu
+ Nhân dân bình dị mà nghĩa tình, thủy chung với cách mạng → dành những tình cảm sâu nặng, cùng chia ngọt sẻ bùi với cán bộ kháng chiến → kỉ niệm thiêng liêng, khó quên.
+ Nhân dân sát cánh, chung vai với cách mạng → cùng xông trận, chiến đấu, làm nên khí thế oai hùng, mang về chiến thắng vẻ vang → Việt Bắc trở thành niềm tin của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Đất Nước ­– Nguyễn Khoa Điềm: Nhân dân là người làm ra đất nước → là chủ nhân của đất nước
+ Bằng cuộc đời, cả niềm đau và hạnh phúc, bằng vẻ đẹp tâm hồn, sự lao động cần cù → đem đến bức tranh non nước đẹp tươi, kì thú.
+ Bằng sự hi sinh anh dũng chống ngoại xâm → giữ gìn bờ cõi cho thế hệ mai sau.
+ Bằng thực tiễn đời sống, bằng ý thức nguồn cội → để lại bao giá trị vật chất và tinh thần quý báu.

  1. c) So sánh cảm tưởng về Nhân dân trong hai đoạn trích

– Giống nhau: cả hai đoạn trích đều thể hiện thái độ trân trọng, ngợi ca Nhân dân, làm rõ được vai trò quan trọng của Nhân dân đối với đất nước → nằm trong mạch tư tưởng chung của văn học Việt Nam 1945-1975. Tư tưởng ấy được thể hiện qua những chất liệu đậm chất dân gian (ngôn từ bình dị, hình ảnh, vay mượn ca dao, tục ngữ…).
– Khác nhau:
+ Về tư tưởng:
– Ở đoạn trích Việt Bắc – Tố Hữu, “Nhân dân” ở đây là đối tượng cụ thể: con người Việt Bắc; trong mối gắn kết với cán bộ kháng chiến → cưu mang, che chở, góp phần làm nên sức mạnh chiến thắng cho cuộc kháng Pháp → gợi nhắc niềm tri ân sâu sắc của cách mạng đối với Việt Bắc nói chung.
– Ở đoạn trích Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm, “Nhân dân” chỉ chung cho tất cả mọi người có công dựng xây, bảo vệ quê hương, bờ cõi → đánh thức ý thức trách nhiệm đối với đất nước của thế hệ hôm nay, đặc biệt là thế hệ trẻ – người thụ hưởng thành quả cha ông để lại.
+ Nghệ thuật: ở Việt Bắc, giọng điệu thiên về tâm tình; ở Đất Nước thì có sự hòa quyện giữa giọng tâm tình với chất triết luận, suy tư sâu lắng; thể thơ → tạo nên sức tác động, cổ vũ mạnh mẽ.
Đánh giá chung
– Mỗi đoạn trích còn là một công trình nghệ thuật độc đáo, thể hiện rõ phong cách cá nhân của mỗi nhà thơ.
– Hai tác giả đã góp thêm tiếng nói để khẳng định vai trò to lớn của Nhân dân đối với đất nước → tư tưởng nhân văn và có giá trị bất biến trong mọi thời đại.
Tiêu chuẩn cho điểm:
– Điểm 11.0 – 12.0: Bài làm thể hiện tư duy sâu sắc. Bố cục chặt chẽ. Dẫn chứng chọn lọc, phân tích sâu. Bài làm có nét riêng hoặc có sáng tạo. Văn mạch lạc, giàu cảm xúc. Có thể mắc một vài lỗi rất nhỏ về diễn đạt.
– Điểm 9.0 – 10.0: Bài làm thể hiện tư duy khá sâu sắc. Bố cục rõ. Chọn và phân tích dẫn chứng khá tốt; phần đối sánh khá tốt. Văn trôi chảy, giàu cảm xúc. Có thể mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
– Điểm 7.0 – 8.0: Bài làm thể hiện tư duy tương đối sâu sắc. Biết chọn dẫn chứng nhưng phân tích chưa sâu; nội dung so sánh còn sơ sài. Văn khá mạch lạc, có cảm xúc, còn mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.  
– Điểm 5.0 – 6.0: Bài làm tỏ ra hiểu đề. Có cố gắng chọn dẫn chứng nhưng chưa thật tiêu biểu, phân tích chưa sâu; có ý thức đối sánh nhưng chưa thật rõ ý. Lập luận nhiều chỗ còn lúng túng, mắc một số lỗi về diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
– Điểm 3.0 – 4.0: Bài làm chưa rõ yêu cầu đề. Chưa biết chọn dẫn chứng. Phân tích chung chung hoặc nặng về phân tích tác phẩm đơn thuần; mắc nhiều lỗi diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
– Điểm 1.0 – 2.0: Bài làm bàn về nội dung hoàn toàn xa đề và không phù hợp. Văn yếu, ý nghèo, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
 
Lưu ý chung:        
– Giám khảo căn cứ vào hướng dẫn chấm và vận dụng linh hoạt vào thực tế bài làm của thí sinh để cân nhắc khi cho điểm.
– Đề hướng đến tính chất “mở”, giám khảo cần chú ý khuyến khích những bài làm có nét riêng trong cảm thụ, suy nghĩ, nhận thức nhưng vẫn hợp lí và có sự sáng tạo trong cách trình bày, diễn đạt…
 
 
 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *