Đề thi học sinh giỏi bài Tràng Giang liên hệ Trao Duyên

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THANH HOÁ
TRƯỜNG THPT HÀ TRUNG

ĐỀ CHÍNH THỨC

 
 
(Đề thi gồm có 02 trang)

ĐỀ THI KSCL ĐỘI TUYỂN HỌC SINH GIỎI
NĂM HỌC 2018 – 2019
Môn thi: N
Ngày thi: 23 tháng 02 năm 2018.
Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)

 
 

Đọc – hiểu (6,0 điểm):
       Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
 
                                  Bản hợp đồng cuối cùng
 
Buổi sáng tôi đi trên con đường lát đá,
Và rao lên: “Nào, ai thuê tôi thì đến thuê”.
Ông vua ngồi trên xe đi tới,
kiếm cầm trong tay.
Ông nắm tay tôi và bảo:
“Ta muốn thuê ngươi bằng quyền lực của ta”
Nhưng quyền lực của y thì có gì đàng kể
Và thế là y lại ra đi
Dưới trời trưa nóng bỏng
Những ngôi nhà đóng cửa đứng yên.
Tôi lang thang trên con đường nhỏ quanh co.
Một ông già bước ra, mang một túi vàng.
Ông suy nghĩ rồi bảo:
“Ta sẽ thuê ngươi bằng tiền bạc của ta”
Ông ta nhấc tiền lên, đồng này rồi đống khác
nhưng tôi đã quay lưng.
Chiều đã xuống
Khu vườn nở hoa đầy giậu
Một cô gái xinh đẹp đến và bảo:
“Tôi sẽ thuê anh bằng một nụ cười”
Nụ cười của cô ta đã nhạt đi
Và tan thành nước mắt,
Và cô đã trở về trong bóng tối một mình.
Ánh mặt trời long lanh trên cát,
Và sóng vỗ rì rào;
Một cậu bé ngồi chơi với dăm vỏ ốc.
Cậu ngẩng đầu lên, và dường như cậu nhận ra tôi
rồi nói: “Tôi thuê anh với hai bàn tay trắng”
Và từ khi bản hợp đồng được ký chơi với cậu bé.
Tôi trở thành người tự do.
(Nguồn: https://www.thivien.net Thơ Ta-go – Bản dịch của Đào Xuân Quý)
 
Câu 1: Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.
Câu 2: Vì sao chàng trai từ chối lời đề nghị của ông vua, ông già và cô gái?
Câu 3: Lý do gì khiến chàng trai nhận lời với cậu bé?
Câu 4: Thông điệp mà anh chị rút ra được từ văn bản trên?
Làm văn:
 Câu 1: (4,0 điểm)
Từ ý nghĩa của “bản hợp đồng cuối cùng” trong bài thơ, anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 400 chữ), bàn luận về quan niệm tự do của Ta-go.
Câu 2: (10,0 điểm)
Bàn về thơ, Nguyễn Công Trứ tâm sự: “Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời”, còn Tố Hữu lại khẳng định : “Đọc một câu thơ hay, người ta không thấy câu thơ, chỉ còn thấy tình người trong đó”.
Suy nghĩ của anh/chị về những quan niệm trên. Qua việc cảm nhận bài thơ Tràng giang của Huy Cận và liên hệ với đoạn trích “Trao duyên” (Truyện Kiều – Nguyễn Du), hãy làm sáng tỏ vấn đề.
…… Hết……
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI KSCL ĐỘI TUYỂN HỌC SINH GIỎI
NĂM HỌC 2018 – 2019
Môn thi: VĂN

Câu Ý Yêu cầu cần đạt Điểm
I. Đọc – hiểu 6,0
1 Các PTBĐ được sử dụng trong văn bản: Biểu cảm, tự sự, nghị luận
(Đúng 1PTBĐ cho 0,25; đúng 2PTBĐ cho 0,5; đúng cả 3PTBĐ cho 1,0).
1,0
2 Chàng trai từ chối lời đề nghị của ông vua, ông già và cô gái vì: nhà vua thuê anh bằng quyền lực, ông già thuê anh bằng tiền bạc, cô gái thuê anh bằng nhan sắc. Những điều đó đều khiến anh ta thấy mất tự do. Anh ta từ chối vì không muốn bị ràng buộc bởi những điều kiện về vật chất. 1,5
3 Lý do khiến chàng trai nhận lời với cậu bé: vì đó là một bản hợp đồng phi vật chất, hoàn toàn thuần túy bằng tinh thần và tình cảm. Chơi với cậu bé một ngày trên bãi biển, cậu bé chẳng có gì trả cho anh và thực ra, anh cũng không phải lao động đúng nghĩa. Chính lúc kí bản hợp đồng cuối cùng này, anh cảm thấy rất thoải mái, thấy mình “thành người tự do”. 1,5
4 Thí sinh có thể đưa ra những thông điệp khác nhau nhưng phải bám sát nội dung văn bản, cách lí giải phải phù hợp với đạo đức, văn hoá và pháp luật thì mới được chấp nhận. 2,0
II. Làm văn 14,0
1 Từ ý nghĩa của “bản hợp đồng cuối cùng” trong bài thơ, anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 400 chữ), bàn luận về quan niệm tự do của Ta-go. 4,0
Về kĩ năng:
Thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, vận dụng tốt các thao tác lập luận.
– Bài viết đảm bảo bố cục ba phần, rõ ràng, diễn đạt trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
0,5
Về kiến thức:
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đạt được những yêu cầu sau:
1 Giải thích: 1,0
– Tự do (của cá nhân) là trạng thái con người tự mình làm chủ mình, không lệ thuộc vào người khác, không bị người khác chi phối; được nghĩ, được hành động theo đúng những đòi hỏi của tâm hồn mình trên cơ sở nhận thức về lẽ phải.
– Tự do vừa là bản chất tự nhiên, vừa là khát vọng thường trực của mỗi con người. Tìm kiếm tự do trở thành bản năng sống của mỗi người. Càng thiếu tự do, con người càng khao khát tự do.
=> Thông qua câu chuyện của chàng trai, bài thơ  “Bản hợp đồng cuối cùng” thực chất là hành trình của khát vọng tìm kiếm tự do.
0,5
 
 
 
0,5
 
2 Bàn luận: 2,0
– Bài thơ có dáng dấp như một câu chuyện dân gian với tình huống: một chàng trai ra giá thuê mình, đi tìm kiếm một bản hợp đồng. Lần lượt, nhà vua thuê bằng quyền lực, ông già thuê bằng tiền bạc, cô gái  thuê bằng nhan sắc … nhưng anh đều không đồng ý. Cuối cùng, chàng trai kí kết một bản hợp đồng đặc biệt với một cậu bé: chơi với cậu bé một ngày trên bãi biển, cậu ta chẳng có gì trả cho anh.
– Ẩn sau mạch tự sự là mạch triết lí. Chàng trai ra giá thuê mình mà  lại không chấp nhận kí hợp đồng với người có quyền lực, có tiền bạc, có nhan sắc. Là bởi vì những điều đó đều khiến anh ta thấy mất tự do. Bản hợp đồng với cậu bé đã được kí kết vì đơn giản anh cảm thấy mình “thành người tự do”. Từ đó, triết lí nảy ra: chỉ khi nào tâm hồn con người được giải thoát khỏi sự cám dỗ, ràng buộc của quyền lực, tiền tài, sắc đẹp… nghĩa là những ham muốn, dục vọng vật chất, thì mới có được sự tự do đích thực trong tinh thần.
0,25
 
 
 
 
 
0,5
 
 
 
 
 
 
– Bản chất của con người khi sinh ra là tự do. Đó là quyền tự nhiên của mỗi con người. Quyền lực, tiền bạc, sắc đẹp… là hiện thân cho những mong muốn, dụng vọng vật chất có thể điều khiển, chi phối suy nghĩ, hành động của con người, khiến con người không được sống đúng với mong muốn thực sự của mình, nghĩa là mất tự do. Ngược lại, thoát khỏi cái nhà tù vô hình của dục vọng, con người sẽ có được tự do trong tinh thần- một biểu hiện cao nhất, sâu sắc nhất của tự do.
– Tự do tinh thần đem đến sự thanh thản và cảm giác sung  sướng thỏa nguyện, tức là cảm giác hạnh phúc nên nó là thứ tự do cao nhất mà con người luôn khao khát, kiếm tìm. Bài thơ thể hiện một quan niệm đúng đắn, sâu sắc về tự do. Quan niệm này định hướng cho con người cách giải thoát khỏi những ràng buộc của cuộc sống, tìm được sự an nhiên, thanh thản trong tâm hồn để có niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực.
0,25
 
 
 
 
 
 
 
0,5
 
 
 
 
 
 – Tự do tinh thần phải đi cùng với hiểu biết về lẽ phải, nó không bao giờ có nghĩa là vô chính phủ, không luật lệ… Không thể dựa vào tự do để làm những điều bất chấp pháp luật, trái đạo đức và văn hóa…
– Tự do của mỗi cá nhân phải gắn liền với tự do của cộng đông, xã hội…
– Lối sống thực dụng của con người hiện đại cho thấy con người đang đánh mất tự do tinh thần của chính mình…
0,5
3 Bài học: 0,5
– Để có được hạnh phúc trong cuộc sống, con người cần tìm cho mình sự tự do trong tinh thần.
– Giảm bớt ham muốn, làm điều thiện, sống đúng với suy nghĩ, mong muốn của chính mình ta sẽ cảm thấy tự do.
2      Bàn về thơ, Nguyễn Công Trứ tâm sự: “Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời”, còn Tố Hữu lại khẳng định : “Đọc một câu thơ hay, người ta không thấy câu thơ, chỉ còn thấy tình người trong đó”.
Suy nghĩ của anh/chị về những quan niệm trên. Qua việc cảm nhận bài thơ Tràng giang của Huy Cận và liên hệ với đoạn trích “Trao duyên” (Truyện Kiều – Nguyễn Du), hãy làm sáng tỏ vấn đề.
10,0
Về kĩ năng:
Thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học, vận dụng tốt các thao tác lập luận.
– Bài viết đảm bảo bố cục ba phần, rõ ràng, diễn đạt trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
1,0
Về kiến thức:Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đạt được những yêu cầu sau:
1 Giải thích ý kiến: 1,0
Quan niệm của Nguyễn Công Trứ: “Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời”.  “Nợ” vừa là duyên nợ, vừa là trách nhiệm của người cầm bút với thơ ca. “Chuốt lời” là lựa chọn, gọt giũa ngôn từ (rộng hơn là hình thức nghệ thuật) một cách công phu sao cho đạt đến độ chính xác nhất, tinh lọc nhất, cao nhất về mặt thẩm mỹ. “Chuốt lời” vì thế sẽ là sự thể hiện tài năng và trách nhiệm của nhà thơ với việc sáng tác thơ và với người đọc.
– Quan niệm của Tố Hữu:“Đọc một câu thơ hay, người ta không thấy câu thơ, chỉ còn thấy tình người trong đó”. “Câu thơ” là sản phẩm lao động sáng tạo của nhà thơ, cũng là hình thức tồn tại của những tư tưởng tình cảm mà nhà thơ gửi gắm trong thơ. “Đọc” là hành động tiếp nhận và thưởng thức của người đọc. “Tình người” là tư tưởng, tình cảm, cảm xúc tạo nên giá trị nội dung của thơ. Nói “Đọc một câu thơ hay, người ta không thấy câu thơ” không có nghĩa là “câu thơ” không tồn tại mà là hình thức đã đồng nhất với nội dung tác phẩm, cảm xúc đã hoà quện với hình thức biểu đạt. Quan niệm của Tố Hữu nhấn mạnh giá trị của thơ trên phương diện tư tưởng, tình cảm. Tình cảm, cảm xúc càng sâu sắc, mãnh liệt, cao đẹp, càng khiến thơ lay động lòng người.
=> Hai quan niệm trên không hề mâu thuẫn mà là sự bổ sung để mang đến một nhận thức tương đối toàn diện về thơ.
0,5
 
 
 
 
 
 
 
0,5
2 Lý giải mở rộng 1,0
– Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo. Nếu không có sáng tạo, không có phong cách riêng thì tác giả và tác phẩm sẽ không có chỗ đứng trong văn chương và trong lòng độc giả. Sáng tác thơ là lao động nghệ thuật, đòi hỏi công phu, tâm huyết và sự sáng tạo đặc biệt. Sáng tạo sẽ đem đến cái mới, công phu tâm huyết sẽ tạo nên sự hoàn hảo và chiều sâu. Văn chương tồn tại trong sự hài hoà giữa nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Nếu chất liệu ngôn từ không được lựa chọn và gọt giũa, sức biểu đạt kém sẽ khiến tư tưởng, tâm huyết của nghệ sĩ không thể hiện được trọn vẹn, tính nghệ thuật, sức hấp dẫn của tác phẩm sẽ giảm sút. Thơ ca lại càng đòi hỏi điều này cao hơn vì nó có những đặc trưng mang tính riêng biệt. (Trong phạm vi dung lượng giới hạn, thơ cần biểu đạt một cách sâu sắc, tinh tế tư tưởng, tình cảm, khát vọng bằng hình tượng nghệ thuật và ngôn từ giàu tính thẩm mĩ). Thơ hay là bữa tiệc ngôn từ” , sự hấp dẫn của thơ với người đọc trước hết từ ngôn từ.
– Gốc của thơ là tình cảm, đặc trưng của thơ là thể hiện tư tưởng qua sự rung động của tâm hồn, qua các cung bậc của tình cảm. Với người làm thơ, bài thơ là phương tiện biểu đạt tình cảm, tư tưởng. Với người đọc thơ, đến với bài thơ là để trải nghiệm một tâm trạng, một cảm xúc và tìm một sự đồng cảm sẻ chia về mặt tình cảm với nhà thơ – sẻ chia những điều đang làm mình trăn trở. Tình cảm, cảm xúc chân thành, mãnh liệt là cơ sở cho sự ra đời một thi phẩm. Cảm xúc càng mãnh liệt, càng thăng hoa thì thơ càng có nhiều khả năng chinh phục, ám ảnh trái tim người đọc.
0,5
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
0,5
 
3 Cảm nhận bài thơ Tràng giang của Huy Cận và liên hệ với đoạn trích “Trao duyên” (Truyện Kiều – Nguyễn Du) để làm sáng tỏ vấn đề. 6,5
a)Bài thơ Tràng giang của Huy Cận
* Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
  Huy Cận là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới (1930-1945) và là tác giả tiêu biểu của nền văn học mới sau Cách mạng.  Tràng Giang (in trong tập Lửa thiêng, xuất bản 1940), là bài thơ đặc sắc, tiêu biểu cho hồn thơ Huy Cận trước cách mạng.
 * Tràng giang là một bài thơ thấm đẫm tình đời, tình người:
– Qua việc khắc hoạ một bức tranh thiên nhiên “mênh mông, vô biên”, “hoang sơ, hiu quạnh”, Huy Cận đã gửi gắm những suy ngẫm, chiêm nghiệm sâu sắc; những tình cảm, cảm xúc chân thành và những trăn trở, khát vọng mãnh liệt về con người và cuộc đời. Chúng được kết đọng lại trong nỗi buồn, sầu da diết, triền miên: “buồn vũ trụ”“sầu nhân thế”.
– Nỗi buồn của nhà thơ là “nỗi buồn sông núi”, xuất phát từ nỗi đau trước hoàn cảnh nước mất nhà tan, từ sự day dứt trước số phận nhỏ nhoi, mong manh của con người giữa dòng đời sầu thương vô tận. Nó là nỗi niềm riêng của tác giả đồng thời cũng là tâm trạng của một thế hệ thanh niên thời vong quốc. Một chàng trai đứng giữa quê hương mà luôn thấy “thiếu quê hương”; một thanh niên trí thức có ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân luôn khao khát hoà nhập với đời, khao khát được làm gì đó có ý nghĩa nhưng bất lực, bế tắc. Nỗi buồn của Huy Cận còn là nỗi buồn của một cái tôi cô đơn, bơ vơ luôn khao khát tình đời, tình người, … Mặc dù buồn sầu nhưng đó là nỗi buồn đẹp, trong sáng, rất đáng trân trọng.
* Trong bài thơ Tràng Giang, “cái tình” của Huy Cận được thể hiện qua hình thức nghệ thuật độc đáo:
 –Từ cấu tứ đến hình ảnh, thi liệu đều được tác giả lựa chọn kỹ càng, đạt đến độ hoàn hảo của một bài thơ vừa cổ điển, vừa hiện đại. Đặc biệt, ngôn từ  được trau chuốt, gọt giũa rất công phu. Từ lời đề từ đến nhan đề, từng câu, từng chữ trong thi phẩm đều thực sự cô đọng, tinh tế, điêu luyện.
+) Lời đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” đã gợi không khí và gây ấn tượng cho người đọc từ trước khi khám phá cái hay của thi phẩm.
+) Nhan đề là một từ Hán Việt vốn đã gợi sự cổ kính, trang trọng; tác giả lại cố tình chọn “Tràng giang” thay cho “trường giang”, với hai âm “ang” đi liền nhau gợi cho người đọc hình dung về một con sông vừa dài, vừa rộng lại vừa như từ thời tiền sử chảy về.
+) Hình tượng nghệ thuật xuyên suốt bài thơ là một dòng tràng giang lặng lẽ chảy giữa một không gian rợn ngợp “mênh mông vô biên”, “hoang sơ hiu quạnh”. Gửi vào đó là nỗi buồn da diết, trĩu nặng của thi nhân. Để làm nổi bật hình tượng thơ, tác giả đã sử dụng từ ngữ có sức gợi tả và gợi cảm lớn. Đặc biệt trải khắp bài thơ là hệ thống từ láy vừa gợi âm hưởng cổ kính, vừa biểu đạt tinh tế cái tôi trữ tình của nhà thơ: “Tràng giang”, “điệp điệp”, “song song”, “lơ thơ”, “đìu hiu”, “chót vót”, “mênh mông”, “lặng lẽ”, “lớp lớp”, “dợn dợn”…
+) Nghệ thuật đối được khai thác tối đa hiệu quả qua ngôn từ đăng đối, cân xứng: điệp điệp/ song song, nắng xuống/ trời lên, sông dài/ trời rộng .. hai hệ thống hình ảnh mang tính tương phản giữa một bên là những sự vật nhỏ bé: thuyền, củi, bến, bèo, cánh chim… gợi suy ngẫm về cái hữu hạn của kiếp người; một bên là những hình ảnh lớn lao, hùng tráng sông dài, trời rộng, lớp lớp mây cao, núi bạc…gợi liên tưởng về cái vô cùng, vô tận của không gian, vô chung, vô thuỷ của thời gian.
+) Cách dùng từ độc đáo “sâu chót vót” trong câu“Nắng xuống trời lên sâu chót vót” gây ấn tượng đặc biệt cho người đọc về cảm nhận không gian;  nghệ thuật đảo ngữ trong câu “Củi một cành khô lạc mấy dòng” gây ấn tượng về sự nhỏ nhoi, bơ vơ, vô định đến tội nghiệp của kiếp người; điệp từ “không” trong các câu “Mênh mông không một chuyến đò ngang/Không cầu gợi chút niềm thân mật” lại gợi sự trống vắng đến nao lòng, gợi một nỗi khắc khoải khôn nguôi….
=> Tràng giang là sự kết hợp hoàn hảo giữa nội dung, tư tưởng với hình thức biểu đạt của thi phẩm. “Cái tình” thực sự đã hoà quyện với ngôn từ và thăng hoa qua tài năng “chuốt lời”của thi nhân.
b) Liên hệ với đoạn trích “Trao duyên” (Truyện Kiều – Nguyễn Du):
– Đoạn trích “trao duyên” diễn tả nỗi đau cực đỉnh của Thuý kiều khi quyết định trao duyên cho Thuý Vân trước khi theo Mã Giám Sinh (bán mình chuộc cha).
– Đoạn trích cho thấy tài năng phân tích, diễn tả tâm lý bậc thầy của Nguyễn Du. Tài năng ấy lại được thể hiện qua việc lựa chọn và sử dụng ngôn từ điêu luyện đến mức tinh xảo.
+) Nguyễn Du đã rất tinh tế khi để Kiều dùng các  từ “cậy” “ chịu” “lạy- thưa” ràng buộc Vân. Tạo ra lời thỉnh cầu vừa lạ lùng vừa hợp lí, bởi nàng rất hiểu gánh nặng sắp trao cho em cũng như tình thế khó xử của Vân. Lời thỉnh cầu của Kiều cậy vào “Ngày xuân em hãy còn dài”, cậy vào “tình máu mủ”, cậy vào niềm hi vọng của “người mệnh bạc” nơi chín suối, nó vừa thấu tình vừa đạt lý đến mức Vân không nỡ chối từ.
+) Khi trao kỉ vật tình yêu cho Vân, tâm trạng rối bời đầy mâu thuẫn giằng xé của Kiều được tác giả thể hiện qua các từ ngữ “của chung”, “ngày xưa”.
+) Bi kịch của Kiều là duyên đã trao mà tình thì không dứt, được diễn tả tài tình qua các từ ngữ hình ảnh: phận bạc như vôi, nước chảy hoa trôi lỡ làng, trâm gãy gương tan…đỉnh điểm của nỗi đau là khi Kiều gọi tên tình lang trong mê sảng:
                 Ôi Kim lang, hỡi Kim lang
              Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây
=>Sự thấu hiểu và đồng cảm với nỗi đau thân phận con người kết hợp với tài năng nghệ thuật xuất sắc đã giúp Nguyễn Du viết nên những dòng thơ xúc động hiếm thấy.
 
0,5
 
 
 
 
2,0
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
2,0
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
2,0
4 Bình luận, đánh giá 0,5
– Cả Tràng Giang của Huy Cận và Truyện Kiều của Nguyễn Du đều là những điển hình, những tác phẩm nghệ thuật đích thực có sự kết hợp hài hoà giữa nội dung tư tưởng và hình thức biểu hiện.
-Thơ hay là thơ lay động tâm hồn con người bằng tình cảm, cảm xúc. Song bên cạnh sự sâu sắc của tình cảm, sự phong phú của cảm xúc nhà thơ cần nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, sáng tạo trong sử dụng ngôn ngữ mới có thể tạo nên sự xuất thần cho thơ.
– Nếu người nghệ sĩ chỉ chú ý trau câu, gọt chữ mà không chú ý đến nội dung tư tưởng của tác phẩm thì sáng tác thơ ca chỉ là những kỹ xảo vờn vẽ, sáo rỗng. Thơ ca chỉ neo đậu vững chắc trong bạn đọc khi nó có nội dung tư tưởng sâu sắc, hình thức thể hiện độc đáo.
– Gốc của thơ là tình cảm, sức sống của thơ là tư tưởng, nhưng các nhà thơ từ xưa đến nay nếu không muốn lặp lại người khác và lặp lại chính mình thì quá trình sáng tác đòi hỏi người nghệ sĩ phải không ngừng trải nghiệm lắng nghe rung cảm của đời để tạo được cái gốc tình cảm cho thơ, và không ngừng mài giũa để thực sự trở thành bậc thầy về ngôn từ.
 
 
 
Lưu ý chung:
1. Đây là hướng dẫn chấm mở, khuyến khích những bài trình bày sáng tạo. Chấp nhận những bài tư duy không giống hướng dẫn chấm, nhưng có hệ thống ý thuyết phục, căn cứ xác đáng.
2.Thang điểm có thể không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của phần nội dung lớn cần phải có.
3. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng được những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát.

 
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *