Đề HSG Người lái đò Sông Đà

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

NAM ĐỊNH

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

NĂM HỌC 2022 – 2023

Môn: NGỮ VĂN – Lớp: 12 THPT

Thời gian làm bài: 150 phút

Đề thi gồm: 02 trang

 

PHẦN ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Thật ít có loài hoa nào vừa được mong chờ vừa bị rẻ rúng, vừa được nâng niu vừa bị lãng quên nhanh như bằng lăng. Ngày cuối xuân, người ta khát tím. Khi những giọt tím nhú trên nụ hoa, người ta thắc thỏm. Khi hoa vừa cựa mình xòe từng cánh mỏng tựa con ve sầu non quẫy cựa trút bỏ xác già, vẫy đôi cánh tím rung rinh đầu cành như sắp sửa bay lên thì các kiểu ống kính camera, mobile, ipad, galaxy tua tủa hướng về, lia lịa chộp lấy bao dáng tím thanh tân vào những khuôn hình. Rồi trầm trồ nhất, háo hức nhất là lúc hè đã về tới, bằng lăng nhất loạt khai hội trên khắp phố phường, một carnavan tím tưng bừng trên những vòm xanh. Mỗi bông hoa như một vũ nữ tím khỏa sắc xiêm y trong một festival đường phố của riêng chủng tộc bằng lăng. Người đa cảm đi dọc những tuyến đường đôi khi còn ngỡ tai mình nghe được những âm thanh tím, tiếng líu lo tím, râm ran tím của lễ hội bằng lăng vọng xuống từ chỏm những rặng xanh nữa. Mình từng thấy không ít cánh tay mơ mộng đã vin hái đôi ngọn bằng lăng như hái từng tháp hoa tím, rồi ấp e vào mái ngực như thể đã hái được đóa mộng của riêng rồi vậy. Cứ thế, bằng lăng đã dâng những mùa tím nguyên vẹn mỗi độ hè về để đem tặng cho nhân gian. Nhưng rồi sắc tím hoen nhanh.

[…] Cứ bật tỏa hết mình. Cứ rút hết ruột gan hồn vía ra mà tím. Ôi! Bằng lăng do quá hào phóng với đời mà đã tự làm rẻ mình đi chăng? Ừ, phải chi nở hiếm hoi hơn, nở tằn tiện hơn, nở dè xẻn hơn, nhỏ giọt hơn, để người đời luôn phải thòm thèm, luôn phải ngóng đợi, thì hẳn bằng lăng đã dạy cho đời bài học về sự trân quí rồi. Đằng này… Có lúc mình đã nghĩ oái oăm: giá chi bằng lăng cứ mất mùa đi vài năm, để cho người đời thấm cái trống vắng thiếu hụt đi đã, rồi hãy đem hoa về, có khi lại hay. Thậm chí, bằng lăng thay đổi chu kì hoa đi, cứ bốn năm hãy cho hoa một lần, có khi lại hay. Bấy giờ, người ta sẽ phải dài cổ ngóng đợi, sẽ sốt ruột chờ trông, người ta sẽ hân hoan chào đón, sẽ ngậm ngùi tiễn đưa, và lúc nào cũng phải chi chút, nâng niu.

(Trích: Tự tình cùng cái đẹp, Chu Văn Sơn, NXB Hội Nhà văn, tr. 125- 127)

Câu 1: (1,5 điểm) Xác định nhân vật trữ tình trong đoạn trích.

Câu 2: (1,5 điểm) Anh/ chị hiểu gì về vẻ đẹp của hoa bằng lăng qua những câu văn: “Cứ thế, bằng lăng đã dâng những mùa tím nguyên vẹn mỗi độ hè về để đem tặng cho nhân gian. Nhưng rồi sắc tím hoen nhanh” ?

Câu 3: (1,0 điểm) Qua văn bản, anh/chị hiểu gì về người viết?

Câu 4: (2,0 điểm) Anh chị có nhận xét gì về giọng điệu của tác giả được thể hiện qua những câu văn trên?

 

  1. PHẦN LÀM VĂN (14,0 điểm)

 Câu 1: (4,0 điểm)

Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn nghị luận trình bày suy nghĩ về lối sống âm thầm cống hiến của con người.

Câu 2: (10,0 điểm)

Tiến sĩ Đoàn Cẩm Thi cho rằng: “Cái đẹp của văn chương chính là cái mang nhiều dấu ấn của chủ thể sáng tạo, là cái riêng, cái độc đáo”.

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua “Người lái đò Sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân (SGK Ngữ văn 12- Tập 1- NXB Giáo dục 2008), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

NAM ĐỊNH

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

NĂM HỌC 2022 – 2023

Môn: NGỮ VĂN – Lớp: 12 THPT

 

 
  Phần Câu Nội dung Điểm  
  I   ĐỌC HIỂU 6,0  
  1 – Nhân vật trữ tình trong đoạn trích: mình.

* Lưu ý: Trả lời sai hoặc không trả lời: Không cho điểm

1,5  
  2 Vẻ đẹp của hoa bằng lăng qua những câu văn: “Cứ thế, bằng lăng đã dâng những mùa tím nguyên vẹn mỗi độ hè về để đem tặng cho nhân gian. Nhưng rồi sắc tím hoen nhanh”:

+ Hoa bằng lăng mang vẻ đẹp tự nhiên với sắc tím đặc trưng mỗi độ vào hè.

+ Vẻ đẹp của sự dâng hiến, bung nở hết mình, toả sáng cả đời hoa để tô điểm sắc màu cho cuộc đời.

+ Vẻ đẹp mong manh, chóng tàn.

* Lưu ý:

+ Chấp nhận cách diễn đạt khác nhưng cần nêu đúng bản chất vấn đề.

+ Trả lời sai, không trả lời: không cho điểm.

1,5

 

 
  3 – Qua văn bản, cho thấy người viết là người:

+ Hiểu và yêu hoa bằng lăng.

+ Có tâm hồn vô cùng tinh tế, nhạy cảm với cái đẹp.

+ Rất nâng niu, trân trọng vẻ đẹp thường nhật.

+ Giàu trăn trở, suy tư, chiêm nghiệm.

+ Có tài năng về văn chương.

* Lưu ý: Chấp nhận cách diễn đạt khác nhưng cần nêu đúng bản chất của mỗi ý.

1,0  
  4 – Giọng điệu của tác giả thể hiện trong đoạn văn:  (1,0 điểm)

+ Giọng ngợi ca, mê đắm, hào hứng khi miêu tả sức sống của hoa bằng lăng mỗi khi hè về trong sự trông mong, ngóng đợi của con người.

+ Giọng trân trọng trước sự dâng hiến, bung nở hết mình của sắc hoa bằng lăng để làm đẹp cho cuộc đời bất chấp sự đơn bạc của con người.

+ Giọng tiếc nuối, khắc khoải trước sự tàn phai nhanh chóng của sắc tím hoa bằng lăng nói riêng và thiên nhiên, tạo vật nói chung.

+ Giọng suy tư, trăn trở trước sự lãng quên, thờ ơ của con người khi chứng kiến sự tàn phai của hoa bằng lăng.

– Nhận xét: Giọng điệu trong đoạn văn đan xen nhiều cung bậc, chân thành, đằm thắm, thiết tha, bộc lộ chân thực cung bậc tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình. Giọng điệu này được tạo nên bởi nhiều yếu tố: nhịp điệu, từ ngữ, hình ảnh,… (1,0 điểm)

* Lưu ý:

+ Chấp nhận cách diễn đạt khác nhưng cần nêu đúng bản chất vấn đề.

+ Trả lời sai hoặc không trả lời: không cho điểm.

2,0

 

 

 
  II   LÀM VĂN 14,0  
  1 Viết đoạn văn nghị luận trình bày suy nghĩ về lối sống âm thầm cống hiến của con người. 4,0  
  a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Mở đoạn nêu được vấn đề, thân đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn khái quát được vấn đề. 0,25  
  b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: suy nghĩ về lối sống âm thầm cống hiến của con người. 0,5  
  c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh vận dụng phối hợp các thao tác lập luận và trải nghiệm của bản thân để bày tỏ cách nhìn riêng về suy nghĩ về lối sống âm thầm cống hiến của con người một cách hợp lí, sáng tạo, thuyết phục và sâu sắc. Dưới đây là một số ý định hướng:

– Âm thầm cống hiến là một lối sống đẹp, nhân văn, thể hiện cái nhìn sâu sắc của mỗi cá nhân về con người và cuộc đời.

– Để hình thành lối sống âm thầm cống hiến ở mỗi con người cần có sự giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội, sự tự ý thức và sự từng trải, trải nghiệm, bản lĩnh đưa ra lựa chọn …của mỗi người.

– Âm thầm cống hiến mang đến cho con người sự thanh thản, tự tin … vào những hành động của mình, mang lại ý nghĩa cuộc sống đích thực, góp phần tạo ra cuộc sống tốt đẹp cho đời.

– Âm thầm cống hiến – tự nguyện, chủ động nhường nhịn những điều tốt đẹp, âm thầm tạo ra những giá trị tốt đẹp cho người, cho đời là một trong những thước đo chính xác nhất về nhân cách con người.

– Để có thể âm thầm cống hiến, con người cần rèn luyện cho mình bản lĩnh, năng lực, sự tự chủ, lí tưởng sống cao đẹp…

2,5  
  d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt. 0,25  
  e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. 0,5  
  Gợi ý về thang điểm:

– Điểm 3,5 – 4,0: Viết đoạn văn với những lí lẽ có sức thuyết phục cao, ý tứ phong phú, lập luận chặt chẽ, biết chọn lựa, khai thác dẫn chứng phù hợp. Diễn đạt tốt. Có giọng điệu riêng.

– Điểm 2,75 – 3,25: Viết đoạn văn có sức thuyết phục, biết cách lập luận để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo về ý. Diễn đạt rõ ràng.

– Điểm 2,0 – 2,5: Đảm bảo cấu trúc đoạn văn, triển khai được vấn đề nghị luận nhưng ý còn hạn chế hoặc lập luận chưa thực sự thuyết phục. Còn có một vài lỗi nhỏ trong diễn đạt, chính tả.

– Điểm 0,25 – 1,75: Viết đoạn văn còn nhiều hạn chế về ý tứ, về lập luận, về diễn đạt, chính tả.

– Điểm 0: Làm sai hoặc không làm

   
    2 Tiến sĩ Đoàn Cẩm Thi cho rằng: “Cái đẹp của văn chương chính là cái mang nhiều dấu ấn của chủ thể sáng tạo, là cái riêng, cái độc đáo”.

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua đoạn trích: “Người lái đò Sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân (SGK Ngữ văn 12- Tập 1- NXB Giáo dục 2008) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

10,0  
  a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận gồm 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài biết dẫn dắt hợp lí, sáng tạo và nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề và chia thành các đoạn để triển khác luận điểm một cách khoa học. Kết bài khái quát được vấn đề. 0,25  
  b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Làm sáng tỏ ý kiến “Cái đẹp của văn chương chính là cái mang nhiều dấu ấn của chủ thể sáng tạo, là cái riêng, cái độc đáo” qua: “Người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân. 0,5  
  c. Triển khai vấn đề nghị luận: HS vận dụng các thao tác lập luận để triển khai vấn đề thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, có sức thuyết phục. Có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một số gợi ý:    
  * Giải thích ý kiến:

– Có rất nhiều yếu tố tạo nên cái đẹp của văn chương nhưng Tiến sĩ Nguyễn Cẩm Thi nhấn mạnh đến yếu tố quyết định đó chính là vì nó “mang nhiều dấu ấn của chủ thể sáng tạo, là cái riêng, cái độc đáo”. Bởi lẽ:

+ Bắt nguồn từ đặc trưng của văn chương. Văn chương là hoạt động sáng tạo tinh thần của con người mang tính nghệ thuật. Nghệ thuật muôn đời vẫn là “lĩnh vực độc đáo”. Vì vậy, nó đòi hỏi chủ thể phải có phong cách nổi bật với những điều rất riêng, rất độc đáo thể hiện trong tác phẩm của mình. Sáng tạo là yêu cầu sinh tử của nhà văn để văn chương của mình mang cái đẹp.

+ Nói tới cái đẹp của văn chương là nói tới giá trị thẩm mĩ – một giá trị cơ bản của văn học. Cái đẹp của văn chương lại rất phong phú và đa dạng.

+ Dấu ấn của chủ thể sáng tạo, cái riêng, cái độc đáo là những yếu tố quan trọng nhất tạo nên phong cách tác giả lại được thể hiện qua ngôn ngữ, cách nhìn, cách cảm mới lạ, qua giọng điệu riêng biệt, cảm xúc nồng nàn, qua các phương thức biểu hiện,… Qua đó, làm hiện lên cái tứ, cái hồn riêng, “gương mặt” riêng, “cái tạng riêng” của tác giả giúp cho người đọc nhận diện được tác giả ấy…

+ Ý kiến của Đoàn Cẩm Thi nêu lên một trong những bình diện của cái đẹp trong văn chương, phong cách tác giả. Chính nhờ những yếu tố ấy đã làm nên vẻ đẹp, sức hấp dẫn, sức sống lâu bền cho tác phẩm văn học, tên tuổi nhà văn cũng từ đó mà ra.

– Lưu ý: Nếu thí sinh giải thích chung chung, chỉ giải thích các cụm từ mà không rút ra nội dung của cả ý kiến, không bám vào cơ sở lý luận thì cho tối đa: 0,25 điểm

1.5  
  Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân và tùy bút Người lái đò Sông Đà 0.5  
      * Làm sáng tỏ ý kiến:

Dấu ấn sáng tạo, cái riêng, cái độc đáo, làm nên cái đẹp của văn chương thể hiện trong đoạn trích Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân:

+ Nguyễn Tuân lựa chọn thể loại tùy bút. Thể tùy bút đã tạo đất cho nhà văn dụng võ: thể hiện văn những trang văn tài hoa và uyên bác. Ngược lại, nhờ có Nguyễn Tuân, thể tùy bút trong văn học Việt Nam đã có một bước phát triển mới.

+ Tài hoa và uyên bác trong cách kể và tả. Ở Nguyễn Tuân, kể và tả đều kĩ càng, tỉ mỉ, có ngọn ngành, thông kim bác cổ nên những trang văn của ông đưa lại cho người đọc nhiều kiến thức văn hóa, ấn tượng về một công trình khảo cứu công phu, về áng văn trữ tình giàu tính thẩm mĩ.

+ Vốn từ phong phú, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ bậc thầy, mỗi trang văn của Nguyễn Tuân như muốn “ganh đua cùng tạo hóa”: ngôn từ trong văn Nguyễn Tuân nóng rẫy sự sống: những động từ sắc lạnh (những động từ tả thác nước khiến ta như cảm nhận cái hồn thác đang gầm lên giận dữ: réo, van xin, khiêu khích, rống lên, lồng lộn, gầm thét…). Những âm thanh ấy in sâu vào tâm trí người đọc. Dòng thác đổ qua miền nhớ và để lại những nét chạm khắc không thể nào quên.

+ Bằng cái nhìn chứa đựng đầy tính điện ảnh, câu văn giàu hình ảnh, sinh động, đa dạng về ngữ điệu, giọng điệu, câu văn có cấu trúc trùng điệp… Nguyễn Tuân đã cho người đọc xem một đoạn phim có một không hai mà hấp hẫn nhất phải kể đến cách Nguyễn Tuân miêu tả cuộc chiến đấu một mất một còn giữa người lái đò và thác nước sông Đà. Nói như nhà văn Anh Đức khi nhận xét về văn Nguyễn Tuân: “mỗi dòng, mỗi chữ tuôn ra đầu ngọn bút như có đóng một dấu triện riêng”. Nguyễn Tuân đã làm giàu và làm sang cho ngôn ngữ dân tộc.

+ Hình tượng sông Đà hung bạo và trữ tình được thể hiện qua một óc quan sát, liên tưởng, so sánh, …vô cùng tinh tế của Nguyễn Tuân: sông Đà khi thì như “cái mặt giếng”, “cái dây thừng ngoằn ngoèo”, lúc lại như “áng tóc trữ tình”, lúc lại là “cố nhân”…

+ Sự độc đáo của phong cách Nguyễn Tuân thể hiện ở những tư tưởng mới lạ được nhìn nhận và khám phá từ những gì rất bình thường, giản dị: nhân vật trong văn Nguyễn Tuân đều là những con người có phẩm chất nghệ sĩ, chiến sĩ, vẻ đẹp thăng hoa của con người. Họ đều là sản phẩm của sự kết hợp cái Tâm và cái Tài của người viết.

+ Cùng với sự uyên bác về kiến thức, sự cầu kì, tỉ mỉ trong từng câu chữ là một tấm lòng tha thiết yêu quê hương xứ sở. Những trang văn của ông không chỉ thấm đượm linh hồn quê hương mà còn là sự thể hiện sự giàu có của tiếng nói dân tộc Việt. Cái đẹp của văn chương trong văn Nguyễn Tuân là ở đó.

  5,0  
      *Đánh giá:

Thí sinh đánh giá vấn đề nghị luận. Dưới đây là một số định hướng:

+ Những dấu ấn sáng tạo, độc đáo, cái riêng của tác giả là điều vô cùng quan trọng để đem lại cho người đọc những khoái cảm thẩm mĩ dồi dào, sức sống lâu bền của tác phẩm văn chương. Để làm được điều ấy, đòi hỏi nhà văn phải có thực Tâm và thực Tài, sự công phu, khổ hạnh…

+ Ý kiến của Tiến sĩ Đoàn Cẩm Thi giúp người đọc có thêm tiêu chí để đánh giá về cái đẹp của văn chương và trân trọng tài năng của tác giả.

+ Từ ý kiến của Đoàn Cẩm Thi, người sáng tác văn chương và người yêu văn rút ra được bài học cho mình.

1.5  
      d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt. 0,25  
  e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. 0,5  
  Gợi ý về thang điểm:

– Điểm 8,0 – 10,0: Bài làm có sức thuyết phục cao, ý tứ phong phú, sâu sắc, lập luận chặt chẽ, biết chọn lựa, khai thác dẫn chứng phù hợp, biết liên hệ, so sánh, mở rộng. Diễn đạt tốt, có giọng điệu riêng.

– Điểm 7,0 – 7,75: Bài viết có sức thuyết phục, làm sáng tỏ được vấn đề, đảm bảo về ý, lập luận khá chặt chẽ. Diễn đạt rõ ràng.

– Điểm 5,0 – 6,75: Đảm bảo bố cục bài văn, triển khai vấn đề nghị luận nhưng ý còn hạn chế hoặc lập luận chưa thực sự thuyết phục. Còn có một vài lỗi nhỏ trong diễn đạt.

– Điểm 3,5 – 4,75: Bài làm còn nhiều hạn chế về ý, về lập luận, về diễn đạt.

– Điểm 0,25 – 3,25: Bài làm còn mắc quá nhiều lỗi về kiến thức, về kĩ năng, không hoàn chỉnh.

– Điểm 0: Làm sai hoàn toàn hoặc không làm bài.

   
   

 

Tổng điểm toàn bài thi: I + II = 20 điểm

Lưu ý toàn bài :

            – Giám khảo tránh đếm ý cho điểm, cân nhắc toàn bài để đánh giá;

– Những cách triển khai hợp lý, kiến giải riêng thuyết phục đều được chấp nhận và khuyến khích những bài sáng tạo;

– Thang điểm trên đây là điểm tối đa cho mỗi phần. Nếu học sinh chưa đáp ứng tốt những yêu cầu về kỹ năng thì không đạt điểm tối đa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *