Đề HSG Viết văn, tức là trước hết tự hỏi về chính mình, rồi tự đó lại cho mình một sứ mạng tạo dựng một vũ trụ mới

SỞ GD&ĐT BẮC GIANG

Đề thi gồm 02 trang

ĐỀ KIỂM TRA HỌC SINH GIỎI LẦN 1

NĂM HỌC 2023 – 2024

Môn: Ngữ Văn 12

Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian phát đề

PHẦN ĐỌC HIỂU (5,0 điểm)

            Đọc đoạn trích sau:

… Cái làm nên giá trị của một con người trong cộng đồng phụ thuộc trước hết vào việc những tình cảm, suy nghĩ và hành động của anh ta giúp ích được bao nhiêu cho sự tồn tại của người khác. Tuỳ theo thái độ của anh ta trong mối quan hệ này mà chúng ta đánh giá anh ta thuộc loại tốt hay xấu. Thoạt nhìn thì có vẻ là, chỉ duy những phẩm chất xã hội của một con người mới là chuẩn mực cho những đánh giá về anh ta.

            Nhưng một quan niệm như vậy thật ra là không đúng. Dễ dàng nhận thấy rằng, trải qua bao thế hệ, tất cả tài sản vật chất, tinh thần và đạo đức của chúng ta nhận được từ cộng đồng đã được tạo dựng bởi những cá thể sáng tạo đơn lẻ: người tìm ra cách dùng lửa, người tìm ra cách trồng trọt, và người phát minh ra đầu máy hơi nước.

            Chỉ cá thể đơn lẻ mới có thể tư duy và qua đó, tạo ra những giá trị mới cho xã hội, vâng, thậm chí đề ra những quy phạm đạo đức mới để đời sống cộng đồng hướng theo. Nếu không có những cá thể sáng tạo, suy nghĩ và phán xét độc lập, thì sự phát triển lên cao của xã hội là khó tưởng tượng; cũng như vậy, một cá thể đơn lẻ sẽ không phát triển nếu thiếu mảnh đất dinh dưỡng của cộng đồng.

            Vâng, một cộng đồng lành mạnh là một cộng đồng gắn liền với tính độc lập của những cá thể cũng như với sự liên kết bên trong của  xã hội. Có nhiều điểm đúng khi nói rằng, nền văn hoá Hy – Âu – Mỹ nói chung, đặc biệt là cao trào văn hoá thời Phục hưng ở Ý – thời chấm dứt đêm trường trung cổ ở châu Âu – đã đặt nền tảng trên sự giải phóng cá nhân và tách bạch một cách tương đối giữa cá nhân và cộng đồng.[1]

Câu 1. Tác giả đã bác bỏ quan niệm nào trong đoạn trích trên?

Câu 2. Em hiểu như thế nào về khái niệm “Cá thể sáng tạo” mà tác giả đã đề cập trong đoạn trích?

Câu 3. Trong đoạn trích, tại sao tác giả lại khẳng định cá thể sáng tạo có vai trò to lớn đối với sự phát triển của xã hội?

Câu 4. Em có đồng tình với quan điểm dưới đây của tác giả không? Tại sao?

một cộng đồng lành mạnh là một cộng đồng gắn liền với tính độc lập của những cá thể cũng như với sự liên kết bên trong của  xã hội.

PHẦN VIẾT VĂN (15,0 điểm)

Câu 1 (5,0 điểm)

… Đối với bản thân mình, ta phải luôn thành thật, phải tự biết mình là người ra sao, có thói xấu nào, có cách suy nghĩ và phản ứng thế nào.[2]

Từ ý kiến nêu trên, em hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ về việc con người phải luôn thành thật với bản thân.

Câu 2 (10,0 điểm)

S.Mallarme nói:

Viết văn, tức là trước hết tự hỏi về chính mình, rồi tự đó lại cho mình một sứ mạng tạo dựng một vũ trụ mới…[3]

Em hiểu như thế nào về ý kiến trên? Hãy trình bày suy nghĩ của mình qua một tác phẩm trong chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông.

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LẦN 1

NĂM HỌC 2023 – 2024

Môn: Ngữ văn 12

 

Phần Câu Yêu cầu Điểm
I   Đọc hiểu 5,0
  1 Quan điểm mà tác giả bác bỏ:

Cái làm nên giá trị của một con người trong cộng đồng phụ thuộc trước hết vào việc những tình cảm, suy nghĩ và hành động của anh ta giúp ích được bao nhiêu cho sự tồn tại của người khác.

Tuỳ theo thái độ của anh ta trong mối quan hệ này mà chúng ta đánh giá anh ta thuộc loại tốt hay xấu.

 

 

1,0

2 Khái niệm “cá thể sáng tạo” có nội hàm ý nghĩa:

– Cá thể sáng tạo là con người cá nhân, đơn lẻ, có tư duy độc lập, phản biện, có sự tìm tòi, sáng tạo không ngừng.

– Cá thể sáng tạo là người tạo ra những giá trị mới cho xã hội, thậm chí đề ra những quy phạm đạo đức mới để đời sống cộng đồng hướng theo.

 

1,0

3 Cá thể sáng tạo có vai trò to lớn đối với sự phát triển của xã hội vì:

– Tất cả các tài sản vật chất, tinh thần và đạo đức chúng ta nhận được từ cộng đồng đều đã được tạo ra bởi những cá thể sáng tạo đơn lẻ.

– Chỉ cá thể sáng tạo mới có tư duy, có tính độc lập, chủ động, sáng tạo, tìm ra những giá trị mới, thậm chí đề ra những quy phạm đạo đức mới cho xã hội.

– Cộng đồng và cá thể có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại, tạo ra sự liên kết bên trong cho xã hội. Do đó, sự phát triển của cá nhân gắn liền với sự phát triển của xã hội; ngược lại, nếu thiếu những cá thể có suy nghĩ, phát xét độc lập thì xã hội không thể phát triển lên cao. Đồng thời, sự phát triển của xã hội sẽ là điều kiện, đặt nền tảng cho sự giải phóng cá nhân, thúc đẩy cá nhân sáng tạo phát triển, làm nên những giá trị mới.

 

 

1,5

4 – Giải thích quan điểm của tác giả: Tác giả đưa ra quan điểm về một cộng đồng lành mạnh là cộng đồng được xây dựng trên hai nguyên tắc cơ bản: gắn với tính độc lập của những cá thể sáng tạo, và sự liên kết bên trong của xã hội, tức sự liên kết giữa cá nhân và cộng đồng.

– Nêu rõ quan điểm, cách đánh giá của bản thân về quan niệm của A.Einstain: đồng tình, không đồng tình, hoặc đồng tình ở một/ một vài phương diện nào đó.

– Lý giải bằng những căn cứ trong nội dung đoạn trích ngữ liệu và từ những hiểu biết thực tế.

 

 

1,5

II   Làm văn 15,0
  1 Nghị luận xã hội: Trình bày suy nghĩ về việc con người phải luôn thành thật với bản thân mình. 5,0
  1.1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận:

Bài viết có đủ bố cục ba phần: mở bài giới thiệu được vấn đề nghị luận; thân bài triển khai được vấn đề cụ thể trên các phương diện khác nhau; kết bài khái quát, đánh giá vấn đề.

 

0,25

1.2. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Con người phải luôn nhận thức và sống thành thật với chính bản thân mình.

0,5
1.3. Triển khai vấn đề nghị luận:

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau song cần vận dụng tốt hệ thống lý lẽ, dẫn chứng, các thao tác lập luận và ngôn ngữ diễn đạt để viết một bài văn nghị luận xã hội chặt chẽ, thuyết phục. Dưới đây là một số gợi ý:

 

3,5

a. Giải thích vấn đề:

– Thành thật với bản thân: là sống thật với những cảm xúc, suy nghĩ, tính cách, con người của mình và thể hiện những điều đó một cách rõ rệt, trọn vẹn.

– Phải biết mình là người ra sao: phải nhận thức được về bản thân một cách đầy đủ, thấy rõ cả ưu và nhược, tốt và xấu, cao cả và thấp hèn, suy nghĩ, khát vọng, hành động của bản thân.

– Câu nói đã đề cập đến vấn đề mỗi con người phải sống thành thật với bản thân để nhận thức rõ rệt về chính mình.

 

 

0,5

b. Bàn luận vấn đề

* Nêu biểu hiện của việc sống thành thực với bản thân:

– Thành thực với suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc, khát vọng…, luôn sống là mình.

– Biết tự nhân thức, có sự điều chỉnh thái độ, hành vi, cách cư xử cho phù hợp.

– Không ngộ nhận, ảo tưởng, hiểu rõ mình là ai, muốn gì, sẽ làm gì…

– Thừa nhận bản thân mình với tất cả những mặt tốt và xấu, ưu và nhược, đúng và sai, tiến bộ và bảo thủ…

* Lý do con người phải luôn thành thật với chính mình và hiểu bản thân:

– Do yêu cầu của xã hội, cuộc sống hướng tới những giá trị thật, cần sự thành thật để xây dựng một môi trường sống tốt đẹp.

– Do bản thân mỗi con người thường có xu hướng nghĩ tốt về mình, ít dám đối diện với bản thân, thậm chí huyễn hoặc với chính mình.

– Xã hội hiện đại với sự cạnh tranh khốc liệt, do những lý do khách quan và chủ quan, con người ngày càng giả tạo, nhiều lọc lừa, hoặc khó được sống là chính mình, dám thành thật với bản thân.

– Nếu không sống thành thật với bản thân sẽ dẫn tới nhiều hệ luỵ cho mình, cho người khác và cộng đồng.

* Ý nghĩa của việc luôn thành thật với bản thân.

– Khi thành thật với bản thân sẽ giúp mỗi con người nhận thức đúng đắn về mình, thấy được ưu nhược điểm, phát huy được năng lực, khắc phục được hạn chế, không ngừng hoàn thiện bản thân.

– Giúp mỗi con người tự đối diện với mình, đấu tranh với phần hạn chế, yếu đuối, thấp hèn, chiến thắng bản thân, vượt qua những giới hạn, tạo lập cho mình những giá trị riêng, lớn lao, thậm chí cả những thành công lớn.

– Thành thực với chính mình là cơ sở quan trọng nhất để mỗi người sống là chính mình, sống hết mình, không sống hoài phí từng phút giây. Từ đó, mỗi con người sẽ luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, lạc quan, có năng lượng tích cực và sức mạnh tinh thần lớn để thực hiện ước mơ, khát vọng, mục đích đặt ra, vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

– Thành thực với bản thân cũng là cơ sở để bạn sống thành thực với mọi người, kết nối và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, bền lâu bằng tình yêu thương, sự thấu hiểu, sẻ chia.

– Giúp tạo ra một cộng đồng tử tế, an toàn, văn minh, biết tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng các giá trị khác biệt, tạo nên một xã hội phong phú, đa dạng các giá trị. Đó cũng là cơ sở để làm nên thế giới hoà bình, tôn vinh các giá trị thực, bền vững.

 

 

0,5

 

 

 

 

 

 

 

0,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1,0

c. Mở rộng, lật lại vấn đề

– Phê phán những con người sống giả tạo, hai mặt, yếu đuối không dám sống với chính bản thân mình, không thành thực với mình, hoặc toan tính, vụ lợi, sẵn sàng lừa lọc trục lợi. Đồng thời, ta cũng cần phê phán những con người ảo tưởng, ngộ nhận về bản thân.

– Sống thành thật với bản thân không đồng nghĩa với tự ti, mặc cảm, hoặc bộc lộ bản thân ở mục lúc, mọi nơi. Thành thật cũng không có nghĩa là sống cục cằn, lỗ mẵng, cư xử, hành động thiếu tinh tế, văn hoá.

– Sống thành thực rất tốt nhưng cần phù hợp với hoàn cảnh, với từng tình huống hay đối tượng cụ thể, tránh để bản thân là nạn nhân hay bị người khác lợi dụng vì sự thành thật của mình.

 

 

 

 

0,5

d. Bài học nhận thức và hành động:

Trên cơ sở vấn đề nghị luận, thí sinh rút ra các bài học cụ thể, thiết thực trong nhận thức và hành động của bản thân, để hướng tới những giá trị tích cự, sống thành thật với chính mình.

 

0,5

1.4. Chính tả:

Đảm bảo các yếu tố về chính tả, dùng từ, ngữ pháp, diễn đạt theo những chuẩn mực của tiếng Việt.

 

0,25

1.5. Sáng tạo:

– Hình thức tổ chức mới mẻ, diễn đạt độc đáo, ngôn ngữ giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Có những sự phân tích, phát hiện, lý giải, suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

0,5
2 Nghị luận văn học: suy nghĩ về ý kiến của S.Mallarme: Viết văn, tức là trước hết tự hỏi về chính mình, rồi tự đó lại cho mình một sứ mạng tạo dựng một vũ trụ mới… 10,0
  2.1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận:

Bài viết có đủ bố cục ba phần: mở bài giới thiệu được vấn đề nghị luận; thân bài triển khai được vấn đề cụ thể trên các phương diện khác nhau; kết bài khái quát, đánh giá vấn đề.

 

0,25

2.2. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Quá trình sáng tạo đòi hỏi nhà văn phải tìm hiểu chính mình, khai thác ở bản thân; để từ đó tạo nên tác phẩm là một thế giới riêng, không lặp lại, mới mẻ, độc đáo của bản thân. Đó là yêu cầu, cũng là sứ mệnh của nhà văn.

 

0,75

2.3. Triển khai vấn đề nghị luận:

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau song cần vận dụng tốt hệ thống lý lẽ, dẫn chứng, các thao tác lập luận và ngôn ngữ diễn đạt để viết một bài văn nghị luận văn chặt chẽ, thuyết phục; kết hợp hài hoà lý luận và thực tiễn tác phẩm. Dưới đây là một số gợi ý:

 

8,0

a. Giải thích ý kiến

Tự hỏi về chính mình: là những câu hỏi nhà văn đặt ra cho bản thân, bộc lộ những băn khoăn, trăn trở, day dứt về cuộc sống và bản thân. Đó cũng là việc nhà văn khai thác chính hiện thực của bản thân, những cảm xúc, suy tư, chiêm nghiệm để sáng tác.

– sứ mạng: là trách nhiệm, nghĩa vụ, cũng là mục đích, yêu cầu lớn lao mà nhà văn phải thực hiện khi sáng tạo.

– tạo dựng cả một vũ trụ mới: xây dựng một thế giới nghệ thuật riêng, độc đáo,  mới mẻ thể hiện ở cả nội dung, tư tưởng, cách nhìn và cách thể hiện.

– Ý kiến đặt ra vấn đề đặc trưng của quá trình sáng tạo đòi hỏi nhà văn phải có sự thôi thúc tự thân, khai thác từ chính bản thân mình để tạo nên thế giới riêng, mới mẻ, mang dấu ấn phong cách độc đáo.

 

1,0

b. Trình bày cơ sở lý luận

* Tại sao viết văn, trước hết tự hỏi về chính mình?

– Văn học nghệ thuật là tiếng nói của cảm xúc, tư tưởng nên nhà văn cần tự đặt ra câu hỏi cho chính mình, cần có sự thôi thúc nội tâm mãnh liệt, xuất hiện nhu cầu giải thoát mới có thể sáng tác. Do đó, thế giới nội tâm của nhà văn cũng là đối tượng phản ánh, thể hiện của văn chương.

– Văn học và hiện thực cuộc sống có mối quan hệ chặt chẽ. Nhà văn chỉ sáng tạo được tác phẩm hay, có giá trị khi có vốn sống, hết mình với cuộc đời, và bản thân. Hỏi bản thân tức là nhà văn phải có những suy tư, trăn trở, băn khoăn về cuộc sống và con người, xuất phát từ những nhận thức sâu sắc, toàn diện, những tình cảm mãnh liệt, phong phú, cao cả.

– Những câu hỏi tự hỏi về mình cũng chính là câu hỏi về cuộc đời, về con người, thể hiện tư tưởng, tình cảm lớn, tấm lòng cao cả của nhà văn dành cho cuộc đời. Bởi cái đích cuối cùng của văn học vẫn là mang đến cái nhìn, thể hiện cái tâm của người nghệ sĩ với cuộc đời.

* Tại sao viết văn mang sứ mệnh tạo dựng một vũ trụ mới?

– Bản chất văn học là một loại hình nghệ thuật, nghệ thuật ngôn từ nên luôn đòi hỏi sự tìm tòi, sáng tạo không ngừng, tạo dựng một thế giới riêng, mới mẻ, không lặp lại. Thế giới của nhà văn, của tác phẩm là duy nhất, khác biệt. Mọi sự lặp lại đều là cái chết của nghệ thuật vì nó thiếu đi sự sống, sức hấp dẫn, lôi cuốn.

– Vũ trụ mới còn là hình ảnh chủ quan về thế giới khách quan mà nhà văn đem đến cho văn học: đó là cách khai thác đề tài, là cách nhìn mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống và con người; là hình thức nghệ thuật mới mẻ, độc đáo. Vũ trụ mới này sẽ góp phần làm cho nền văn học phong phú, đa dạng, thúc đẩy sự phát triển, có thể mang tính bước ngoặt, tạo ra trào lưu, xu hướng văn học mới.

– Vũ trụ mới khẳng định tiếng nói, những đóng góp, diện mạo riêng của nhà văn, cũng như vị thế của anh ta trên văn đàn. Đồng thời, vũ trụ mới cũng thể hiện được cái Tôi riêng, đáp ứng được nhu cầu giãi bày, chia sẻ, giải thoát nội tâm của nhà văn qua tác phẩm, tìm đến sự tri âm của người đọc.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1,5

c. Phân tích tác phẩm chứng minh

Thí sinh cần chọn một tác phẩm phù hợp trong chương trình Ngữ văn THPT, phân tích, lý giải, làm rõ vấn đề trên các phương diện sau:

– Giới thiệu khái quát chung về tác giả, tác phẩm.

– Những câu hỏi có thể nhà văn tự đặt về chính mình, xuất phát từ nhận thức, rung động với cuộc sống và con người trong quá trình sáng tạo.

– Vũ trụ/ thế giới mới nhà văn ấy tạo lập trung tác phẩm thể hiện: Nội dung/ đối tượng phản ánh; cách nhìn riêng độc đáo; hình thức mới mẻ, hấp dẫn.

– Ý nghĩa, tác động của “vũ trụ mới”, của những câu hỏi nhà văn tự đặt về chính mình với nền văn học và cuộc sống.

 

 

 

 

4,0

d. Đánh giá, mở rộng vấn đề

– Nhận định trên đúng đắc, sâu sắc, đã đặt ra những yêu cầu, sứ mệnh của nhà thơ, bắt nguồn từ đặc trưng cơ bản của văn học. Chính việc thực hiện sứ mệnh trong quá trình sáng tạo sẽ tạo ra những tác phẩm xuất sắc, vừa thể hiện tinh thần của thời đại, vừa mang dấu ấn riêng của nhà văn, vừa mang giá trị muôn thuở, vĩnh hằng, nói lên được những vấn đề mang tầm nhân loại.

– Để thực hiện sứ mệnh của mình nhà văn cần có tài năng, tâm huyết, vốn sống, tấm lòng với cuộc đời, với con người. Chỉ có vậy anh ta mới không ngừng đặt ra những câu hỏi và tạo ra các vũ trụ mới.

– Ý kiến cũng là một gợi mở cho quá trình tiếp nhận, hướng tới việc cắt nghĩa, lý giải, đồng cảm và thấu hiểu trong văn chương. Đồng thời, người đọc hiểu được những sáng tạo và chân giá trị của tác phẩm văn chương.

 

 

1,0

1.4. Chính tả:

Đảm bảo các yếu tố về chính tả, dùng từ, ngữ pháp, diễn đạt theo những chuẩn mực của tiếng Việt.

 

0,5

1.5. Sáng tạo:

– Hình thức tổ chức mới mẻ, diễn đạt độc đáo, ngôn ngữ giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Có những sự phân tích, phát hiện, lý giải, suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

 

0,5

       

 

[1] Albert Einstein, Cộng đồng và cá thể, in trong cuốn Thế giới như tôi thấy, Đinh Bá Anh, Nguyễn Vũ Hảo, Trần Tiễn Cao Đăng dịch, NXB Tri thức, 2012, tr.28-29.

[2] Shiratori Haruhiko, Lời của Nietzsche cho người trẻ Tình yêu, Ý chí, Khát vọng, Nguyễn Đỗ An Nhiên dịch, NXB Thế giới, 2018, tr.22.

[3] Trích theo Nguyễn Huy Thiệp, Cười lên đi, in trong Giăng lưới bắt chim, NXB Thanh niên, 2010, tr.87.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *