Đề HSG Mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập

 

SỞ GDĐT BẮC NINH

TRƯỜNG THPT HÀN THUYÊN

TRƯỜNG THPT THUẬN THÀNH SỐ 1

TRƯỜNG THPT QUẾ VÕ SỐ 1

 

(Đề thi có 01 trang)

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LẦN 2

THI HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH

NĂM HỌC 2023-2024

Môn: Ngữ văn – Lớp 12

Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)

 

 

ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

                             Hãy thù ghét

                                       mọi ao tù

                                             nơi thân ta rữa mục,

                             mọi thói quen

                                         nếp nghĩ – mù lòa!

                             Hãy sống như

                                        những con tàu

                                                  phải lòng

                                                        muôn hải lý,

                             mỗi ngày

                                     bỏ

                                       sau lưng

                                            nghìn hải-cảng-mưa-buồn!

(Trích: Bài thơ Việt Bắc– Trần Dần, NXB Hội nhà văn 1990)

Câu 1. Trong đoạn trích, tác giả khuyên chúng ta thù ghét điều gì?

Câu 2. Nêu hiệu quả của thể thơ tự do (hình thức thơ bậc thang) trong đoạn trích.

Câu 3. Anh/chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào?

                               Hãy thù ghét

                                         mọi ao tù

                                                 nơi thân ta rữa mục,

                             mọi thói quen

                                         nếp nghĩ – mù  lòa!

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến của tác giả trong dòng thơ in đậm không ? Vì sao ?

    *Thơ bậc thang: là câu thơ/dòng thơ được viết thành nhiều dòng với những vị trí lệch nhau tạo hình ảnh những bậc thang.

LÀM VĂN (16,0 điểm)

Câu 1. (6,0 điểm)

Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 400 – 600 chữ), trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: Nếu một ngày cuộc sống nhuộm màu đen hãy cầm bút và vẽ cho nó những vì sao lấp lánh.

Câu 2 (10,0 điểm)

Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập (Mác-xen Pruxt)

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy cảm nhận những thế giới khác do người nghệ sĩ tạo ra qua hệ thống thi ảnh độc đáo trong bài Đàn ghi ta của Lor-ca, Thanh Thảo.

 

—————-Hết——————

SỞ GDĐT BẮC NINH

TRƯỜNG THPT HÀN THUYÊN

TRƯỜNG THPT THUẬN THÀNH SỐ 1

TRƯỜNG THPT QUẾ VÕ SỐ 1

(Hướng dẫn chấm có 05 trang)

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LẦN 2

 THI HỌC  SINH GIỎI TỈNH

NĂM HỌC 2023-2024

Môn: Ngữ văn – Lớp 12

 

 
     
Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4.0
  1 Tác giả khuyên chúng ta thù ghét:

mọi ao tù

mọi thói quen, nếp nghĩ – mù lòa

Hướng dẫn chấm:

– Thí sinh trả lời như đáp án: 0,75 điểm

– Thí sinh trả lời được 01 ý: 0,5 điểm

– Thí sinh trả lời sai: 0,0 điểm

0.75
  2 Hiệu quả thể thơ tự do (hình thức thơ bậc thang):

– Góp phần thể hiện sự phóng khoáng trong cảm xúc, suy nghĩ và khát vọng thoát khỏi sự tù túng chật chội để vươn tới những chân trời rộng lớn của cái tôi trữ tình.

– Tạo ra một lối thơ tự do, không bị gò bó vào số câu từ, vần điệu…thể hiện sự thể nghiệm, tìm tòi cái mới của người nghệ sĩ.

Hướng dẫn chấm:

– Thí sinh trả lời như đáp án: 0,75 điểm

– Thí sinh trả lời 01 ý: 0,5 điểm

– Thí sinh trả lời sai: 0,0 điểm

0.75
  3. – Nội dung dòng thơ:

+ Là lời nhắn nhủ hãy từ bỏ cuộc sống tù túng, chật hẹp, ngột ngạt, mất tự do cũng như những thói quen, cách nghĩ mù quáng, thiếu tỉnh táo, sáng suốt…

+ Vừa thể hiện thái độ bất bình, lên án, phủ nhận vừa là lời thúc giục hãy nhất quyết từ bỏ cuộc sống tù hãm, vô nghĩa ấy của tác giả.

Hướng dẫn chấm:

– Thí sinh trình bày như đáp án: 1,5 điểm

– Thí sinh trình bày được 01 ý: 0,75 điểm

– Thí sinh trả lời sai: 0,0 điểm

1.5
    – Bày tỏ quan điểm của bản thân: đồng tình/ không đồng tình/ đồng tình một phần.

– Lí giải hợp lí, thuyết phục.

Hướng dẫn chấm:

– Thí sinh bày tỏ quan điểm của bản thân: 0,25 điểm

– Thí sinh lí giải hợp lí, thuyết phục, không vi phạm chuẩn mực đạo đức, pháp luật: 0,75 điểm

– Thí sinh lí giải chung chung, chưa thuyết phục: 0,5 điểm

– Thí sinh lí giải sơ sài, chưa rõ ràng: 0,25 điểm

1.0
II   LÀM VĂN 16.0
  1  Hãy viết một bài văn nghị luận (600 chữ), trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: Nếu một ngày cuộc sống nhuộm màu đen hãy cầm bút và vẽ cho nó những vì sao lấp lánh. 6.0
    1.1. Yêu cầu chung:

– Kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của thí sinh, đòi hỏi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, những trải nghiệm sống, kĩ năng tạo lập văn bản và năng lực bày tỏ thái độ, chủ kiến của mình để làm bài.

– Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, được tự do bày tỏ quan điểm riêng của mình, nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

 
    1.2. Yêu cầu cụ thể:  
    a. Đảm bảo cấu trúc của bài nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai vấn đề, Kết bài kết luận được vấn đề. 0.25
    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Vai trò chủ động với tinh thần lạc quan trong cuộc sống.

0.5
    c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.  
    * Giải thích:

Cuộc sống  nhuộm màu đen: những khó khăn, trắc trở, khổ đau, bất hạnh…mà con người gặp phải trong cuộc sống.

Cầm bút và vẽ : tinh thần chủ động, không dựa dẫm hay lệ thuộc vào khách quan.

Những ngôi sao lấp lánh: cuộc sống tươi sáng, tốt đẹp.

=> Ý kiến nêu lên một phương châm sống tích cực: cần chủ động với tinh thần lạc quan để làm chủ bản thân và khiến cuộc sống trở nên đẹp đẽ và ý nghĩa hơn.

Hướng dẫn chấm:

– Giải thích đầy đủ, rõ ràng các mệnh đề và ý kiến: 1,0 điểm

– Giải thích chưa đầy đủ, rõ ràng: 0,5 điểm

1.0
    * Bàn luận

– Tại sao nếu một ngày cuộc sống nhuộm màu đen, hãy vẽ cho nó những vì sao lấp lánh?

+ Cuộc sống luôn chứa đựng vô vàn khó khăn, thử thách và chúng có thể xảy đến với mỗi chúng ta một cách bất ngờ khiến chúng ta không thể né tránh được.

+ Trước khó khăn, thử thách, nếu con người đầu hàng số phận, cuộc sống của sẽ trở nên tối tăm, thất bại, khổ đau…

+ Trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người cũng không được phó mặc, cam chịu số phận mà phải đấu tranh để chiến thắng hoàn cảnh. Chính trong gian nan, thử thách con người mới khám phá ra sức mạnh của bản thân.

+ Khi quyết định vẽ lên cuộc sống tối tăm ấy, bằng những vì sao lấp lánh, bằng sự chủ động và niềm tin, sẽ giúp cho: con người vượt qua được những chông gai, đau khổ trong cuộc đời; thay đổi hoàn cảnh, cuộc sống nhàm chán; thoát ra khỏi được những suy nghĩ tiêu cực, rèn luyện được sự tự tin và sự quyết đoán cho bản thân mình; gặt hái thành công và mở ra một cuộc đời có ý nghĩa…

–  Phê phán những cá nhân không có thái độ sống tích cực, không có ý chí, nghị lực để thay đổi hoàn cảnh khó khăn mà họ gặp phải.

(Lưu ý: Thí sinh dùng dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu để chứng minh)

3.0
    * Bài học nhận thức và hành động:

– Cần nhận thức ý nghĩa của sự chủ động và niềm tin, sự lạc quan, hi vọng trong cuộc

sống của mỗi người.

– Cần trau dồi, rèn luyện ý chí, nghị lực để không gục ngã trước hoàn cảnh…

0.5
    d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp, tiếng Việt.

Lưu ý: Không cho điểm những bài mắc nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0.25
    e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

Hướng dẫn chấm: Học sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận; có sáng tạo trong viết câu, dựng đoạn, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh.

– Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm

– Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm

0.5
  2 Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập (Mác-xen Pruxt)

Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy cảm nhận những thế giới khác do người nghệ sĩ tạo ra qua hệ thống thi ảnh độc đáo trong bài Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo).

10.0
    2.1. Yêu cầu chung:

– Biết vận dụng kiến thức lí luận văn học kết hợp với kiến thức về tác giả, tác phẩm để giải quyết yêu cầu nghị luận về một vấn đề lí luận văn học.

– Biết kết hợp nhiều thao tác nghị luận để làm sáng tỏ yêu cầu của đề.

– Bài viết có bố cục rõ ràng, lập luận thuyết phục, văn giàu cảm xúc, tinh tế.

 
    2.2. Yêu cầu cụ thể  
    a. Đảm bảo cấu trúc của bài nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai vấn đề, Kết bài kết luận được vấn đề. 0.5
    b.  Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.

Tầm quan trọng của phong cách nghệ thuật của người nghệ sĩ qua hệ thống ngôn từ, thi ảnh  trong việc đem đến sự  độc đáo cho tác phẩm.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm.

– Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm.

0.5
    c. Triển khai vấn đề thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai thành nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chăt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:

 
    1. Giải thích:

Thế giới được tạo lập chính là kết quả sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ càng lớn thì “thế giới được tạo lập” trong tác phẩm của họ càng trở nên sâu sắc và thực sự trở thành bước ngoặt vĩ đại. Một nghệ sĩ chân tài bao giờ cũng có cái nhìn riêng về thế giới và tạo lập được những tác phẩm văn học độc đáo với những nhân tố mới mẻ, không lặp lại bao giờ.

– Nghệ sĩ độc đáo xuất hiện đồng nghĩa với việc đưa đến cho độc giả một cái nhìn mới mẻ về cuộc đời thông qua những phương thức, phương tiện nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tạo.

> Ý kiến đề cao  cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ đích thực đã tạo ra những tác phẩm văn học có giá trị với sự tổ chức độc đáo bằng những nghệ thuật mới (về cách nhìn, kết cấu, lựa chọn đề tài, xác định chủ đề, thể hiện hình ảnh, lựa chọn ngôn từ, giọng điệu, cho đến xác lập tứ thơ…đặc biệt là thi ảnh ). Đây là cách nói hình ảnh của nhà văn Mác-xen Pruxt nhằm khẳng định bản lĩnh nghệ thuật của nghệ sĩ “thứ thiệt” – những nghệ sĩ biết cách tạo nên sức sống mới mẻ và lâu bền cho tác phẩm.

1.0
    2.  Lí giải

-Tác phẩm văn chương phải có nét riêng, nét mới ở ý tưởng nghệ thuật cũng như ở hình thức biểu hiện. Mỗi nhà văn phải có một thế giới nghệ thuật riêng, một chân trời riêng, một biên cương riêng. Nhà văn có phong cách thì mới được người đọc chấp nhận và yêu mến. Phong cách càng độc đáo thì sức hấp dẫn càng lớn.

Mới mẻ, độc đáo là điều kiện tồn tại của tác phẩm văn chương. Tác phẩm văn chương không có gì mới sẽ không được người đọc tiếp nhận. Nhà văn có phong cách nghệ thuật mờ nhạt sẽ bị người đọc quên lãng; lặp lại mình hoặc lặp lại người khác đều là điều tối kị trong hoạt động sáng tác của nhà văn

0.75
    3. Chứng minh qua bài Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo.

3.1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.

3.2. Chứng minh

Những thế giới khác do nghệ sĩ tổ chức và sáng tạo qua hệ thống thi ảnh độc đáo thể hiện được con người Lorca

+Những thi ảnh tạo dựng không gian đặc trưng Tây Ban Nha với bọt nước,áo choàng đỏ gắt, , hoa Tử đinh hương (li-la li-la li-la). Khúc du ca đồng nội, đấu trường, hoa li-la (Tử đinh hương) tím ngát, từ nét văn hóa liên tưởng tới cuộc đời và xứ mệnh Lorca

+Thi ảnh vầng trăng, yên ngựa, mỏi mòn  gợi liên tưởng hình ảnh Ph.G.Lor-ca khoác cây đàn hát nghêu ngao, rong ruổi trên yên ngựa truyền bá tiếng nói tự do và khát vọng cách tân nghệ thuật nhưng trên con đường đó Lorca luôn cô đơn

Hệ thống thi ảnh độc đáo sự kết hợp hội họa, điêu khắc, kết hợp yếu tố phương Đông, phương Tây tạo ra những thế giới khác, khác hẳn thế giới thực tại và ám ảnh người đọc:

+ Thủ pháp đồng nhất giữa hội họa và điêu khắc từ hệ thống thi ảnh áo choàng đỏ gắt/ áo choàng bê bết đỏ/ tiếng ghi ta nâu/ tiếng ghi ta lá xanh biết mấy/ tiếng ghi ta tròn/ tiếng ghi ta ròng ròng/máu chảy/ chiếc ghi ta màu bạc thành ngôn ngữ tượng trưng: đỏ gắt (sự thách thức), bê bết đỏ (màu máu – cái chết), tiếng ghi ta nâu (màu thân cây đàn  – sự hiện hữu mầu nhiệm), tiếng ghi ta lá xanh biết mấy (niềm hy vọng thiết tha), tiếng ghi ta tròn – ròng ròng máu chảy (cái chết – nỗi đau).

+ Kỹ thuật liên văn bản tích hợp đa chiều tạo tiếng nói đa thanh:

~Tự sự: Đó là câu chuyện bàn về cái chết oan khiên của Lor-ca qua những câu thơ mang dáng dấp văn xuôi: Lorca bị điệu về bãi bắn/chàng đi như người mộng du/không ai chôn cất tiếng đàn/đường chỉ tay đã đứt.

~Trữ tình: yếu tố trữ tình khiến người đọc thương xót: Một Lor-ca đơn thương độc mã trên “đấu trường chính trị” trước thế lực bạo tàn Frăngcô. Một thiên tài cô đơn đi lang thang về miền đơn độc trong một nền nghệ thuật Tây Ban Nha già nua, lỗi thời. Một cái chết oan khốc thảm đau. Một nỗi tiếc thương vô hạn, sự mất mát lớn lao khi tiễn biệt một thiên tài.Giọt nước mắt, vầng trăng, đáy giếng sức sống, sự bất tử của Lorca.

~Sự đồng nhất giữa tính tượng trưng của văn học phương Tây và sự minh triết trong văn học phương Đông qua các thi ảnh (“vầng trăng”, “yên ngựa” : Với văn học phương Tây là sự tượng trưng cho cái Đẹp và thú lãng du hải hồ. Nhưng với Đông phương lại chứa đựng chiều sâu minh triết: Đó là cái Đẹp mang ý vị vĩnh quyết với dự cảm biệt li nghìn trùng). Là cả một thế giới nghệ thuật qua tâm thức sáng tạo của Thanh Thảo: Sự thương tiếc cùng nỗi lo cho nền nghệ thuật Tây Ban Nha thiếu vắng người dẫn đường và thiếu vắng bản lĩnh dám “đạp đổ thần tượng” để mở ra những chân trời…

5.0

 

    4. Bàn luận, mở rộng:

-Nhận định đã khái quát được vai trò của nghệ sĩ đích thực qua cá tính sáng tạo độc đáo của chính mình – qua một cách diễn đạt cô đọng, súc tích, ấn tượng.

– Thanh Thảo đã sáng tạo được những hệ thống thi ảnh độc đáo, góp phần làm nên sự thành công của tác phẩm.

-Người tiếp nhận bằng sự đồng sáng tạo của mình đã thực sự đi vào những thế giới khác qua bản lĩnh nghệ thuật của cá nhân nhà văn.

1.0
    d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

Lưu ý: Không cho điểm những bài mắc nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0.25
    e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề, có cách diễn đạt mới mẻ, sáng tạo

Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng tốt kiến thức lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết cách so sánh với các tác phẩm thơ  khác để làm nổi bật cái mới, cái riêng biệt của tác phẩm; biết cách liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Đáp ứng được 03 yêu cầu trở lên: 1,0 điểm

– Đáp ứng được 02 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm

– Đáp ứng được 01 yêu cầu trở lên: 0,25 điểm

1.0
    TỔNG ĐIỂM 20.0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *