Đề HSG cụm Yên Dũng Bắc Giang 2023

 

          SỞ GD & ĐT BẮC GIANG

CỤM CÁC TRƯỜNG THPT HUYỆN YÊN DŨNG

 

ĐỀ THI CHỌN HSG CỤM YÊN DŨNG

NĂM HỌC 2023 – 2024

Môn: Ngữ văn 12

Thời gian làm bài: 150 phút

ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

            Đọc đoạn  thơ  và thực hiện các yêu cầu:

 […]Có những mùa lá trước hiên nhà

theo năm tháng của chúng ta rơi về đâu

những chiếc lá vừa xanh non đã lìa cành

những chiếc lá sống đến úa vàng rồi rơi chạm đất

những chiếc lá vừa chớm niềm vui đã nhìn ra mất mát

những chiếc lá mà khổ đau song hành cùng hạnh phúc…

có ai biết?

Đôi khi chúng ta ngồi lại với bóng của mình

Ngay giữa đám đông vội vã nhìn nuối tiếc

và tự hỏi giá như có thể

chọn lựa làm một chiếc lá giữa nắng mưa hay nép vào một góc nhỏ

chúng ta sẽ chọn lựa ra sao?

 

Có những mùa lá trước hiên nhà

   theo năm tháng của chúng ta rơi thật mau

   không kịp nhớ mình đã sống

   những chiếc lá chưa bao giờ mọc ra

   làm sao biết cảm giác chạm đất

   những chiếc lá chưa bao giờ đi qua những ngày mưa

   làm sao biết cảm giác của một tia nắng

   những chiếc lá chưa bao giờ thật sự úa vàng

   làm sao biết cảm giác của úa vàng (đã sống trọn một đời lá…) không hề là cay đắng…

   làm sao biết cảm giác của tất cả những điều này?

Lúc nào đó chúng ta muốn rẽ ngang con đường đang bước đi

ngay khi hình dung về đích đến

và tự hỏi giá như có thể

chọn lựa làm một chiếc lá đúng nghĩa một chiếc lá hay một chiếc lá không có gì để nhớ

chúng ta sẽ chọn lựa ra sao?

(Trích Chỉ có những chiếc lá mới biết,  Đi qua thương nhớ – Nguyễn Phong Việt, nguồn Thivien.net).

Câu 1. Trong các câu thơ sau, những chiếc lá đã sống cuộc đời như thế nào?

những chiếc lá vừa xanh non đã lìa cành

những chiếc lá sống đến úa vàng rồi rơi chạm đất

những chiếc lá vừa chớm niềm vui đã nhìn ra mất mát

những chiếc lá mà khổ đau song hành cùng hạnh phúc…

Câu 2. Nhận xét về giọng điệu của đoạn thơ.

Câu 3. Tìm và phân tích hiệu quả của 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu thơ:

          những chiếc lá chưa bao giờ mọc ra

          làm sao biết cảm giác chạm đất

          những chiếc lá chưa bao giờ đi qua những ngày mưa

          làm sao biết cảm giác của một tia nắng

          những chiếc lá chưa bao giờ thật sự úa vàng

          làm sao biết cảm giác của úa vàng (đã sống trọn một đời lá…) không hề là cay đắng…

Câu 4. Từ hành trình sống của những chiếc lá, anh/chị rút ra bài học nào cho bản thân?

  1. LÀM VĂN (15.0 điểm)

 Câu 1 (5.0 điểm)

         Từ đoạn thơ trong phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một bài văn (khoảng 400 chữ) để trả lời câu hỏi sau:

chọn lựa làm một chiếc lá đúng nghĩa một chiếc lá hay một chiếc lá không có gì để nhớ

chúng ta sẽ chọn lựa ra sao?

Câu 2. (10.0 điểm)

Nếu cá tính nhà văn mờ nhạt, không tạo ra được tiếng nói riêng, giọng điệu riêng, thì đó là một sự tự sát trong văn học”.

(Lí luận văn học, tập 1, Phương Lựu (chủ biên), NXB Đại học Sư phạm, 2002, tr.236)

Bằng những trải nghiệm văn học của bản thân, anh (chị) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

 

            ————————– HẾT —————————

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh: ……………………………………, Số báo danh: …………………..

Cán bộ coi thi thứ nhất: ………………………………., Chữ kí: …………………………

Cán bộ coi thi thứ hai: …………………………………, Chữ kí: …………………..……..

 

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP CỤM

NĂM HỌC 2023 – 2024

                                                         MÔN THI: NGỮ VĂN 12

Phần Câu Yêu cầu Điểm
I   Đọc hiểu văn bản 5.0
1 Trong các câu thơ, những chiếc lá đã sống nhiều cuộc đời, với nhiều lựa chọn khác nhau: có những chiếc lá sống cuộc đời ngắn ngủi “vừa xanh non đã lìa cành”, có những chiếc lá sống đời trọn vẹn “ đến úa vàng rồi rơi chạm đất”, có những chiếc lá sống cuộc đời bất hạnh, không may mắn “vừa chớm niềm vui đã nhìn ra mất mát”, có những chiếc lá được nếm trải mọi buồn vui của cuộc đời “khổ đau song hành cùng hạnh phúc”

( mỗi ý 0.25 điểm)

1.0
2 – Những yếu tố tạo giọng điệu của đoạn thơ:

+ Câu hỏi tu từ

+ Phép điệp cấu trúc

+ Kiểu cấu trúc phủ định để khẳng định

– Nhận xét giọng điệu: suy từ, trăn trở; chiêm nghiệm, triết lí

0.5

 

 

 

0.5

3 *Cần xác định 01 trong các phép tu từ:

+ Điệp cấu trúc (hoặc điệp ngữ): những chiếc là chưa bao giờ…làm sao biết cảm giác…

+ Ẩn dụ kết hợp đối lập: Những chiếc lá ẩn dụ cho cuộc sống con người; mọc ra – sự khởi đầu, chạm đất – đích đến; ngày mưa – những khó khăn, thử thách;  tia nắng ấm – những thành quả, niềm hi vọng; úa vàng– sự từng trải, dấn thân qua một đời người từ lúc xanh non đến khi trưởng thành…

+ Câu hỏi tu từ: Làm sao biết…

* Tác dụng:

– Phép điệp

+ Làm cho đoạn thơ giàu nhịp điệu, vừa tha thiết, vừa đằm sâu.(0.25)

+ Nhấn mạnh những suy tư, trăn trở về hành trình sống của những chiếc lá cũng như hành trình sống của con người: sống là dấn thân, là trải nghiệm để nếm trải mọi dư vị của cuộc đời (0.5)

+ Thể hiện thái độ sống tích cực, niềm tin yêu cuộc sống và khát vọng dấn thân, trải nghiệm của nhà thơ (0.25)

– Ẩn dụ kết hợp đối lập, câu hỏi tu từ:

+ Làm cho đoạn thơ giàu hình ảnh, gợi cảm. (0.25)

+ Dùng hình thức phủ định những chiếc là chưa bao giờ …. làm sao biết cảm giác… để khẳng định về hành trình sống của những chiếc lá cũng như hành trình sống của con người: sống là dấn thân, là trải nghiệm để nếm trải mọi dư vị của cuộc đời: mọc ra để biết chạm đất, đi qua ngày mưa để thấy quý tia nắng ấm, úa vàng để biết cảm giác úa vàng không hề cay đắng (0.5)

+ Thể hiện thái độ sống tích cực, niềm tin yêu cuộc sống và khát vọng dấn thân, trải nghiệm của nhà thơ (0.25)

0.5

 

 

 

 

 

 

 

1.0

4 +  Nêu ngắn gọn hành trình sống của lá cũng như của con người

+  Rút ra bài học và lí giải, có thể nêu các bài học: sống có ý nghĩa, sống là trải nghiệm, sống là cống hiến; sống là chọn lựa…

0.5

1.0

II  
  1. Nghị luận xã hội
5.0
1.1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận đủ ba phần: Mở – Thân – Kết 0.25
1.2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: cách chọn lựa cách sống phù hợp 0.5
1.3. Triển khai vấn đề cần nghị luận: Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một số gợi ý định hướng: 3.5
a. Giải thích 0.5
Chọn lựa: là quyết định, hành động theo một cách nhất định.

Làm một chiếc lá đúng nghĩa một chiếc lá: sống một cuộc sống trải nghiệm, dấn thân vào nắng mưa, giông bão, thử thách của  cuộc đời để khẳng định ý nghĩa, giá trị của bản thân.

Làm một chiếc lá không có gì để nhớ: sống một cuộc sống tẻ nhạt, vô vị, không để lại dấu ấn cho đời

Như vậy, câu hỏi thực chất là sự thức tỉnh về lẽ sống cao đẹp: sống có ý nghĩa

 
b. Bàn luận 2.0
+ Tại sao nên sống đúng nghĩa một chiếc lá? Khi sống như thế mang lại cho ta ý nghĩa gì?

+ Làm thế nào để sống đúng nghĩa một chiếc lá?

       (Kết hợp lí lẽ và dẫn chứng phù hợp với từng luận điểm)

(1.25)

 

 

(0.75)

c. Mở rộng nâng cao: 0.5
   Cần phê phán những biểu hiện: sống mờ nhạt, vô nghĩa; không mục đích, không dám dấn thân, mở lối hoặc ich kỉ, thờ ơ, khép mình.  
    a.                      d. Bài học nhận thức và hành động, liên hệ bản thân. 0.5
    1.4. Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng. 0,5
    1.5. Chính tả: đảm bảo những quy tắc về chuẩn chính tả, dùng từ, đặt câu. 0,25
    2.      Nghị luận văn học 10.0
2.1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận đủ ba phần: Mở – Thân – Kết

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài kết luận được vấn đề.

0.5
2.2. Xác định vấn đề cần nghị luận: Cá tính sáng tạo và phong cách nghệ thuật của nhà văn, nhà thơ trong tác phẩm  

0.5

2.3. Triển khai vấn đề cần nghị luận: Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có thể triển khai theo hướng sau: 8.0
a.  Giải thích ý kiến :

+ Cá tính: nét riêng, độc đáo của người nghệ sĩ, phân biệt người này với người khác.

+ Tiếng nói riêng, giọng điệu riêng: dấu ấn riêng trong sáng tác thể hiện cá tính sáng tạo và phong cách nghệ thuật của nhà văn, nhà thơ – cái không lặp lại ở người khác và không lặp lại chính mình

-> Ý kiến khẳng định: Nếu nhà văn không có cá tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật riêng thì giống như một sự tự sát, có nghĩa là tác phẩm của anh sẽ chết, không để lại giá trị cho cuộc đời.

-> Ý kiến nhấn mạnh vai trò của cá tính sáng tạo và phong cách nghệ thuật độc đáo, khẳng định tư chất nghệ sĩ của nhà văn, nhà thơ

1.0
    b. Bình luận vấn đề 6.0
* Cơ sở lí luận :

–  Xuất phát từ đặc trưng của sáng tạo nghệ thuật, trong đó có văn chương: Bản chất của lao động nghệ thuật là sáng tạo. Nghệ thuật yêu cầu người nghệ sĩ phải có khuôn mặt riêng, tiếng nói riêng. Cá tính sáng tạo là tư chất vô cùng quan trọng, là tiêu chuẩn về sự sống còn của người nghệ sĩ. Vì vậy, người nghệ sĩ phải khẳng định tận độ bản sắc, cá tính và phong cách riêng của mình trong sáng tác.

– Xuất phát từ nhu cầu của bạn đọc: Bạn đọc đến với tác phẩm không phải để thấy dàn đồng ca, không còn nghe đâu là giọng điệu riêng của người nghệ sĩ.

 

(1.5)

* Cơ sở thực tiễn:

– HS có thể chọn tác phẩm bất kì  và triển khai bài theo các cách khác nhau nhưng cần chỉ ra được những yêu cầu sau :

+ Nét riêng của nhà văn, nhà thơ trong thể hiện nội dung tác phẩm (cách nhìn mới, cách cảm thụ có tính chất khám phá)

+ Nét độc đáo trong nghệ thuật biểu hiện

+ Đánh giá ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm thông qua sự thể hiện cá tính sáng tạo và phong cách sáng tác

4.5

 

 

 

 

    c.    Đánh giá, mở rộng, nâng cao vấn đề 1.0
–  Ý kiến hoàn toàn đúng đắn khi khẳng định vai trò của cá tính sáng tạo và phong cách nghệ thuật của nhà văn, nhà thơ.

–  Bài học cho quá trình sáng tạo :

+ Với nhà văn: Cần nâng cao năng lực sáng tạo, mài sắc tư duy, có ý thức tìm tòi, khám phá. Nhưng để tác phẩm trở thành cái chung nhất của mọi người thì sự sáng tạo ấy không thể là sự cực đoan, lập dị, những tìm tòi khám phá không thể là cái dị biệt, xa lạ, khó hiểu.

+ Với người đọc: Độc giả khi tiếp nhận các tác phẩm nghệ thuật cần thâm nhập sâu vào thế giới nghệ thuật của tác giả, chủ động, tích cực khi tiếp nhận tác phẩm, phát hiện ra cái riêng của mỗi người, để khẳng định phong cách nghệ thuật tác giả và vị trí của tác phẩm.

 
2.3   . Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng. 0.5
2.4. Chính tả: đảm bảo những quy tắc về chuẩn chính tả, dùng từ, đặt câu. 0.5
Tổng điểm 20.0
  1. Lưu ý khi chấm bài :
  • Giám khảo cần nắm vững yêu cầu chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm một cách máy móc, vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm.
  • Khuyến khích những bài làm có tính sáng tạo, nội dung bài viết có thể không trùng với yêu cầu trong hướng dẫn chấm nhưng lập luận thuyết phục, văn phong sáng rõ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *