Đề HSG lớp 11 Chuyên Hùng Vương 2022

SỞ GD&ĐT BÌNH DƯƠNG

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÙNG VƯƠNG

ĐỀ ĐỀ XUẤT

KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

KHU VỰC DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

LẦN THỨ XIII

MÔN NGỮ VĂN – LỚP 11

(Thời gian làm bài: 180 phút không kể thời gian phát đề)

(Đề thi gồm 01 trang, 02 câu)

 

Câu 1 (8,0 điểm)

Murasaki – nữ văn sĩ người Nhật Bản vào thế kỷ XI đã kể lại câu chuyện họa thơ về cây nữ lang hoa giữa mình và quan Thượng thư trong Nhật kí của Murasaki như sau:

Quan Thượng thư bảo: làm thơ nhanh lên, kẻo mất vui!

Do đó, tôi lẩn nhanh đi lấy bút mực để giấu gương mặt của mình và tôi viết:

Nữ lang hoa

Nhờ sương lóng lánh

Muôn phần đẹp tươi.

Ông khen: Nhanh thế! Và bảo đem bút mực tới cho ông họa thơ:

Ý nghĩ của hoa

Ửng màu hồng thắm

Chẳng nhờ sương pha.

(Dẫn theo Nhật Bản trong chiếc gương soi, Nhật Chiêu, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2003, trang 69)

Hai bài thơ trong câu chuyện trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?

Câu 2 (12,0 điểm)

Bàn về thơ, Chu Văn Sơn quan niệm: “Chất nghĩ trong thơ sống nhờ vào chất hữu cơ của tâm trạng”. (Đa mang một cõi lòng không yên định, Chu Văn Sơn, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2021, trang 19)

Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng trải nghiệm văn học, hãy làm sáng tỏ vấn đề.

SỞ GD&ĐT BÌNH DƯƠNG

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÙNG VƯƠNG

 

KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

KHU VỰC DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

LẦN THỨ XIII

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN – LỚP 11

(Hướng dẫn chấm có 04 trang, 02 câu)

 

Câu 1 (8,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội; kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

  1. Yêu cầu về kiến thức

Thí sinh có thể đưa ra những ý kiến, trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần chính xác, hợp lí, rõ ràng, thuyết phục… và nêu được các ý cơ bản sau:

  1. Giải thích (1,0 điểm)

– Bài thơ thứ nhất: Hoa đẹp muôn phần nhờ sương lóng lánh. Bài thơ mang đến ý nghĩa về giá trị bản thân được quyết định, chi phối bởi sự tác động của những yếu tố bên ngoài vốn sở hữu mối tương quan.

– Bài thơ thứ hai: Hoa tươi đẹp, ửng màu hồng thắm không vì sương pha mà do chính “ý nghĩ của hoa”, những giá trị nội tại ở hoa. Giá trị từng cá nhân cũng vậy. Đó là những giá trị tự thân ẩn tàng bên trong mỗi người.

– Hai bài thơ đã đặt ra vấn đề nhận thức về giá trị bản thân, để từ đó có thể định hướng lựa chọn cách sống đúng đắn.

  1. Bàn luận (5,0 điểm)
  2. Giá trị bản thân có do sự tác động của các yếu tố bên ngoài quyết định?

– Con người luôn tồn tại trong những mối quan hệ xã hội nên khó tránh khỏi sự ảnh hưởng từ xung quanh. Thực tế cho thấy không ít người may mắn thụ hưởng nhiều điều kiện gia đình, xã hội, đất nước thuận lợi để làm nên giá trị cho chính mình.

– Tuy nhiên, những giá trị cá nhân như thế chỉ là nhất thời, sẽ không bền vững. Con người mang lấy giá trị phụ thuộc cũng không thể hạnh phúc dài lâu, dễ rơi vào trạng thái bất mãn, tuyệt vọng khi điều kiện hỗ trợ mất đi.

  1. Giá trị bản thân có phải là những giá trị tự thân?

– Bất kì ai cũng sở hữu giá trị tự thân. Đó là những phẩm chất quý giá, sức mạnh tinh thần, tiềm năng hữu ích,…

– Người có giá trị tự thân sẽ không sống lệ thuộc vào người khác mà tự mình quyết định cuộc đời. Họ đạt đến sự hài lòng, thỏa mãn cuộc sống hiện tại; cảm nhận hạnh phúc một cách chân thật, đầy đủ; dễ thích nghi với sự thay đổi hoàn cảnh sống;…

– Chính những giá trị tự thân mới tạo nên giá trị cá nhân riêng biệt và bền chặt.

  1. Mở rộng vấn đề (1,0 điểm)

– Phê phán những người tuyệt đối hóa sự tác động của các yếu tố bên ngoài đến việc hình thành giá trị mỗi người.

– Thái độ phủ định hoàn toàn sự ảnh hưởng ấy cũng không đúng đắn. Mỗi người cần linh hoạt vận dụng những điều kiện thuận lợi xung quanh làm nền tảng thúc đẩy các giá trị tự thân của riêng mình.

  1. Bài học nhận thức và hành động (1,0 điểm)

– Cần ý thức đúng đắn về lợi ích của việc nhận ra và phát huy các giá trị tự thân.

– Không ngừng rèn luyện qua các hoạt động học tập, đoàn thể… để ngày càng hoàn thiện.

(Lưu ý: Học sinh cần chọn lọc những dẫn chứng tiêu biểu để làm sáng tỏ vấn đề)

 

Câu 2 (12,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

– Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học: hiểu và giải quyết một vấn đề lí luận về đặc trưng, chức năng của văn học; chứng minh qua một bài thơ cụ thể (có những cảm nhận, đánh giá mang màu sắc cá nhân).

– Bài viết có bố cục rõ ràng, hệ thống luận điểm, luận cứ thuyết phục.

– Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu. Hành văn trôi chảy, linh hoạt, có chất văn chương.

– Trình bày sạch sẽ, khoa học.

  1. Yêu cầu về kiến thức

Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau, song  cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:

  1. Giải thích (1,0 điểm)

– Chất nghĩ trong thơ: quan điểm, ngẫm nghĩ, suy tư, trăn trở về các vấn đề cuộc sống và nhân sinh được nhà thơ kí thác, gửi gắm qua thi phẩm. Đó là những yếu tố, chất liệu hình thành tư tưởng của nhà thơ.

– Chất hữu cơ của tâm trạng: những cung bậc cảm xúc, nỗi niềm sâu kín thuộc về thế giới nội tâm đa đạng, phức tạp làm nên chất sống cho thơ.

– Ý kiến khẳng định đặc trưng tư tưởng trong thơ ca. Ở thơ, tư tưởng luôn được tâm trạng hóa, trở thành ý thức nghệ thuật, cái nhìn nghệ thuật thường trực và ám ảnh. Tư tưởng thơ tồn tại trong mối quan hệ không thể tách rời với tình cảm thơ.

  1. Bàn luận (3,0 điểm)

Vì sao chất nghĩ trong thơ sống nhờ chất hữu cơ của tâm trạng?

– Thơ ca nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung có sứ mệnh cao cả, tác động và cải tạo hiện thực thông qua hệ thống tư tưởng, quan điểm và nhận thức của nghệ sĩ ngôn từ. Đó chính là yêu cầu tất yếu dành cho nhà văn, những “nhà tư tưởng” của thời đại, luôn không ngừng đặt ra câu hỏi nhức nhối về đời về người.

– Tư tưởng trong thơ tồn tại không thể tách rời với tình cảm. Trong sự vận động của cảm xúc thơ có một hình thái vận động phổ biến là vận động từ cảm xúc đến suy nghĩ, từ những rung động trực tiếp đến chiều sâu nhận thức.

– Ở thơ ca, tư tưởng nhờ tình cảm mà không trở nên khô khan, trừu tượng. Chất triết lí trong thơ là thứ triết lí từ cuộc sống với những tình cảm cụ thể và sinh động.

– Tư tưởng khi được “rung lên ở các cung bậc tình cảm” sẽ càng trở nên sâu sắc, có giá trị.  Từ đó, thi phẩm mới có được sự lay động, trầm rung. Người đọc thơ cũng đến với tư tưởng một cách tự nhiên, chân thành và truyền cảm nhất.

  1. Phân tích, chứng minh (7,0 điểm)

– Thí sinh được tự do chọn dẫn chứng nhưng cần đảm bảo ít nhất hai tác phẩm để phân tích một cách thuyết phục, làm sáng tỏ được vấn đề. Dẫn chứng phải tiêu biểu, đặc sắc và sát hợp.

– Quá trình phân tích các tác phẩm cần tập trung vào những vấn đề sau:

+ Xác định tư tưởng trong tác phẩm.

+ Làm rõ tư tưởng ấy được thể hiện thông qua những cung bậc tình cảm, gắn liền với các phương tiện nghệ thuật biểu hiện cụ thể.

  1. Đánh giá và liên hệ (1,0 điểm)

– Ý kiến của Chu Văn Sơn đã khẳng định đặc trưng tư tưởng trong thơ ca, một yếu tố quan trọng làm nên giá trị thi phẩm, tầm vóc thi nhân.

– Nhà thơ không chỉ bồi dưỡng tình cảm mà còn cần trau dồi tư tưởng. Muốn thế, nhà thơ phải sống sâu với đời, luôn trăn trở và nghiệm suy, không ngừng sáng tạo những thi phẩm mang chiều sâu nhận thức cho nền văn học dân tộc.

– Người đọc trong quá trình tiếp nhận văn học cần ý thức khám phá, phát hiện những “chất nghĩ” trong thơ. Đọc thơ còn là quá trình tri nhận về cuộc đời, nhân sinh. Có như vậy, người đọc mới thực sự đồng ý, đồng chí, đồng tình với “chất nghĩ” mà nhà thơ gửi gắm vào tác phẩm.

———- HẾT ——–

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *