Đề và đáp án kì thi Học sinh giỏi Ngữ văn lớp 12

ĐỀ THI CHỌN HSG LỚP 12 MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 180 phút
(không kể thời gian giao đề)
Phần I: Đọc hiểu (8 điểm)
Đọc kĩ văn bản sau và trả lời các câu hỏi ở dưới:
Cậu thanh niên Harry luôn oán trách bản thân mình không may mắn, phát tài trong buôn bán nên suốt ngày buồn rầu.
Ngày hôm đó, anh vô tình gặp một ông lão râu tóc bạc phơ, ông nhìn thấy vẻ mặt buồn rầu lo lắng của anh liền hỏi: “Chàng trai vì sao trông cậu không vui vậy?”.
“Tôi không hiểu vì sao mình luôn là kẻ bần cùng”. Harry nói.
Ông lão nói: “Nghèo ư? Anh rất giàu có đấy chứ!”.
Harry kinh ngạc nói: “Tôi giàu có? Sao có thể được chứ? Ai nói với ông vậy?”.
“Nếu như hôm nay tôi chặt đứt của cậu một ngón tay rồi cho cậu 10 ngàn đô, cậu có đồng ý không?”. Ông lão không đáp mà hỏi ngược lại.
“Không…”. Harry đáp.
“Tôi chặt đứt của cậu một ngón tay rồi cho cậu 10 ngàn đô cậu không đồng ý sao?”. Ông lão tiếp tục hỏi lại.
“Không đồng ý!”.
“Biến cậu thành ông lão 80 và cho cậu 1.000 đô, cậu đồng ý không?”.
“Không đồng ý!”.
“Giết cậu chết rồi cho cậu 100 ngàn đô, cậu đồng ý không?”.
“Tất nhiên là không!”.
Vậy thì đúng rồi, bây giờ cậu là người giàu có với hơn một tỉ đô mà cậu còn kêu là mình nghèo gì chứ?”. Ông lão mỉm cười nói.
Harry mới ngộ ra.
(Theo Internet)
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?
Câu 2: Nêu chủ đề của văn bản?
Câu 3: anh/chị hãy đặt tên cho văn bản?
Câu 4: Theo anh/chị điều Harry đã ngộ ra là gì?
Câu 5: Anh/ chị hãy viết một bài văn ngắn khoảng một trang giấy thi nêu suy nghĩ của mình về những điều đã ngộ ra của Harry?.
Phần II: Tạo lập văn bản (12 điểm)
Cảm nhận của em về vẻ đẹp của người chiến sỹ trong bài thơ Tây Tiến – Quang Dũng , qua đó liên hệ tới vẻ đẹp của người chiến sỹ đang ngày đêm bảo vệ biển đảo quê hương?
Thời gian làm bài: 180 phút
(không kể thời gian giao đề)
Phần I: Đọc hiểu (8 điểm)
Câu 1: (0,5 điểm)
Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là: Phương thức tự sự
Câu 2: (1,0 điểm)
Chủ đề của văn bản: Quan điểm, suy nghĩ về sự giàu, nghèo ở đời.
Câu 3: (1,0 điểm)
Đặt tên cho văn bản: Thí sinh có thể đặt tên văn bản theo nhiều cách khác nhau. Nếu cách đặt tên hợp lí thì đều được chấp nhận. Ví dụ:
+ Người giàu có nhất.
+ Sự suy nghĩ về giàu, nghèo.
+ Sự ngộ ra của Harry.
+ Bài học về sự giàu nghèo.
….
Câu 4: (1,5 điểm)
Điều Harry đã ngộ ra là:
+ Tiền bạc không phải là yếu tố duy nhất thể hiện sự giàu có mà đó còn là sức khoẻ, tuổi trẻ.(0,75 điểm)
+ Khi con người có sức khoẻ và tuổi trẻ con người sẽ còn có nhiều cơ hội để từng bước đạt được sự giàu có về tiền bạc..(0,75 điểm)
Câu 5:(4 điểm)

  1. Về kĩ năng

– Biết cách làm một bài văn nghị luận xã hội đúng và trúng yêu cầu của đề bài, kết cấu, bố cục, diễn đạt mạch lạc, dẫn chứng xác thực có sức thuyết phục, không mắc lỗi chính tả , dùng từ, đặt câu
2.Về kiến thức
Có thể có nhiều cách trình bày khác nhau nhưng cần chân thành, hợp lí, chặt chẽ, có sức thuyết phục và đảm bảo một số ý cơ bản, quan trọng sau:
– Giải thích rõ sự ngộ ra của Harry
– Bàn luận: sự ngộ ra ấy là một quan niệm đúng đắn về sự giàu có:
+ Mong muốn kiếm được tiền để có được cuộc sống giàu sang là mơ ước chính đáng của con người. Tuy nhiên tiền bạc không phải là yếu tố duy nhất thể hiện sự giàu có. Một người trong tay có thật nhiều của cải nhưng lại già nua, bệnh tật thì cũng xem như chẳng có gì.
+ Ngược lại khi chúng ta có thời gian, tuổi trẻ, sức khoẻ cũng đồng nghĩa với việc ta là “người giàu có với hơn một tỉ đô”. Bởi lẽ:

  • Với thời gian và tuổi trẻ con người sẽ có nhiều cơ hội do cuộc sống hay do chính bản thân họ tạo ra để từng bước đạt được sự giàu có.
  • Với sức khoẻ, đó là điều kiện cần và đủ để con người thực hiện mọi mong ước của mình

– Bài học:
+ Nên có nhận thức đúng đắn về lẽ sống,  luôn tích cực phấn đấu vươn lên.
+ Cần trân trọng thời gian, tuổi trẻ và sức khoẻ của mình.
+ Sự giàu sang không chỉ được thể hiện ở vật chất, ở vẻ đẹp bề ngoài mà còn ở vẻ đẹp tâm hồn, ở đời sống tinh thần. Vì vậy, con người cần bồi đắp cho mình một đời sống tâm hồn thật trong sáng.
* Thang điểm:

  • Điểm 4: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, còn một vài sai sót nhỏ.
  • Điểm 3: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên, còn mắc một vài lỗi.
  • Điểm 2: Đáp ứng khoảng một nửa yêu cầu trên, còn mắc khá nhiều lỗi.
  • Điểm 1: Bài viết sơ sài, mắc nhiều lỗi.
  • Điểm 0: Lạc đề.

Phần II: Tạo lập văn bản (12 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng:
  • biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề văn học kết hợp với nghị luận xã hội đúng và trúng theo yêu cầu của đề.
  • Bài viết có kết cấu chặt chẽ, kiến thức phong phú, chính xác, diễn đạt mạch lạc, viết có cảm xúc, không mắc lỗi các loại.
  1. Yêu cầu về kiến thức:

Có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau:
            a, Vẻ đẹp của người chiến sỹ trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng:
Với cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hoa, Quang Dũng đã khác hoạ thành công hình tượng người lính Tây Tiến với vẻ đẹp lãng mạn đậm chất bi tráng. Vẻ đẹp tiêu biểu của người lính trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống pháp:
+ Vẻ đẹp của bức chân dung lẫm liệt, oai hùng: vẻ đẹp bật lên từ sự đối lập giữa cái vẻ bề ngoài có phần xanh xao, tiều tuỵ với phong thái oai phong lẫm liệt của những vị “chúa tể sơn lâm”. Vẻ đẹp của ý chí, của hào khí ngút trời.
+ Vẻ đẹp tâm hồn đầy mơ mộng, dào dạt tình yêu thương: vẻ đẹp bật lên từ những cảm xúc đối lập mà thống nhất:

  • căm thù quân xâm lược.
  • tình yêu và nỗi nhớ nhung những người con gái nơi quê nhà.

→ Chất hào hoa của của những chàng trai đất Hà Thành
+Vẻ đẹp của lí tưởng sống cao cả, chói ngời: vẻ đẹp được bật lên từ cách miêu tả những sự hi sinh thầm lặng của những người chiến sĩ nơi đất khách quê người. Đó là cái bi nhưng đã được nâng đỡ bằng đôi cánh của lí tưởng nên đã trở thành bi tráng, bi tráng đến mức hào hùng. Với tinh thần dấn thân họ tự nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân cho một lí tưởng cao đẹp nhất: Độc lập- Tự do. Vì vậy vẻ đẹp của người lính Tây Tiến đã trở thành bất tử.
→ Vẻ đẹp của người chiến sỹ Tây Tiến là vẻ đẹp biểu trưng cho cả một thế hệ người Việt Nam ta trong thời kháng chiến chống Pháp.
b, Vẻ đẹp của người chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ biển đảo quê hương:
– Những người chiến sĩ (chiến sĩ hải quân, chiến sỹ cảnh sát biển, chiến sĩ biên phòng…) đang hàng ngày hàng giờ đối mặt với sóng to gió lớn, thậm chí cả bão tố, cuồng phong. Đặc biệt, họ còn phải đối mặt với những âm mưu xâm lược, bành trướng, độc chiếm Biển Đông của nước láng giềng Trung Quốc. Cụ thể như việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển đặc quyền của Việt Nam cùng với những hành động đâm va hung hăng vào những tàu của Cảnh sát biển; việc ngang nhiên xây dựng sân bay, căn cứ quân sự, khu dân cư…trên vùng biển thuộc hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa…
Trong hoàn cảnh ấy, những người chiến sĩ vẫn ngày đêm kiên cường bám biển với quyết tâm bảo vệ toàn vẹn hải phận của Tổ quốc. Đã có những tấm gương hi sinh anh dũng cho sự bình yên của biển đảo quê hương.
– Những người chiến sĩ ngày đêm đối mặt với hiểm nguy, gian khổ nhưng tâm hồn họ vẫn vô cùng lãng mạn. Họ không quên viết những cánh thư gửi người yêu dấu, không quên gửi những kỉ vật của biển về quê hương…
→ Vẻ đẹp của những người chiến sĩ ấy cũng là vẻ đẹp biểu trưng cho tuổi trẻ Việt Nam trong thời đại mới.
            c, Đánh giá chung
– Vẻ đẹp của người chiến sỹ ở mọi thời đại luôn có sức lay động và lan toả mãnh liệt. Vẻ đẹp vừa có tính truyền thống vừa mang tính thời đại.

  1. Thang điểm

– 12 điểm: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên.
– 10 điểm: Đáp ứng tương đối tốt các yêu cầu, có thể mắc một vài lỗi nhỏ không đáng kể.
-8 điểm: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu, có thể có một số chỗ chưa hoàn thiện.
– 6 điểm: Đáp ứng hơn nửa yêu cầu, có thể thiếu ý hoặc mắc một số lỗi.
– 4 điểm: sơ sài, thiếu ý hoặc còn lúng túng trong cách triển khai vấn đề, mắc nhiều lỗi.
– 2 điểm: Bài viết quá sơ sài, có nhiều sai sót, không hiểu rõ và không biết cách triển khai vấn đề.
– 0 điểm: lạc đề
(Tài liệu sưu tầm )
Xem thêm : Đề thi học sinh giỏi môn văn lớp 12
Tuyển tập đề thi và những bài văn hay về Tây Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *