ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT Môn: NGỮ VĂN. Năm học: 2013-2014
Thời gian làm bài: 120 phút
Đây là đề soạn theo cấu trúc cũ, các em vào link này để cập nhật những đề thi mới nhất nhé :
Xem thêm :Tuyển tập bộ đề đọc hiểu ôn thi THPT Quốc gia ngữ văn
Xem thêm : Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn văn có đáp án
Xem thêm :Tổng hợp những đề thi về các tác phẩm trọng tâm lớp 12
PHẦN I – ĐỌC HIỂU (4 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa. Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh. Người đàn bà đi sau hắn chừng ba bốn bước. Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn. Mấy đứa trẻ con thấy lạ vội chạy ra đón xem. Sợ chúng nó đùa như ngày trước, Tràng vội vàng nghiêm nét mặt, lắc đầu ra hiệu không bằng lòng.
(vợ nhặt , Kim Lân, SGK Ngữ văn, tập 2)
Câu 1: Nêu hoàn cảnh liên quan đến nhân vật Tràng được thể hiện trong đoạn trích trên.
Câu 2: biện pháp tu từ nào được tác giả sử dụng trong vế in đậm của câu sau: Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa. Em hiểu gì về cuộc sống qua cách miêu tả đó?
Câu 3: Xác định chi tiết nhà văn miêu tả tâm trạng nhân vật Tràng? Chỉ ra đặc trưng nội tâm nhân vật qua các chi tiết đó?
Câu 4: Hành động, tâm lí của hình tượng người đàn bà nói lên điều gì bản chất con người này?
Câu 5: Đối tượng “thị” được sử dụng theo phép liên kết nào trong đoạn trích sau: Người đàn bà đi sau hắn chừng ba bốn bước. Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt.
A. Phép lặp | B. Phép thế | C. Phép nối |
Câu 6: Việc sử dụng từ ngữ trong diễn đạt của đoạn văn dưới đây có chỗ chưa phù hợp, hãy sửa lại thành đoạn văn khác chuẩn xác hơn và súc tích hơn mà vẫn giữ được ý chính:
Cuộc sống “vẩn mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”, vậy mà Tràng vẫn đèo bòng thêm một cô vợ trong khi anh không biết cuộc đời phía trước mình ra sao. Tràng đã thật liều lĩnh. Và ngay cô vợ Tràng cũng thế. Điều ấy thật éo le và xót thương vô cùng. Và dường như lúc ấy trong con người của Tràng kia đã bật lên niềm sống, một khát vọng yêu thương chân thành.
PHẦN II – LÀM VĂN (6 điểm)
Câu 1(2 điểm):
– Trong vụ “hôi bia” vào trưa ngày 4/12/2013 ở Biên Hòa (Đồng Nai), trả lời báo chí, người mẹ hôi bia cảm thấy nhục nhã khi đứa con ngơ ngác hỏi: “Nhà mình không ai uống bia, mẹ lấy về làm gì?” (tia sáng.com 05/03/2014)
– Cơn bão Haiyan đã qua đi, tàn phá rất nặng nề về người và của tại Philippines. Sau bão, người dân Philippin dẫm đạp lên nhau tranh giành thức ăn… ( đời sống pháp luật.com 11-11-2013)
Viết bài văn khoảng một trang giấy thi thể hiện suy nghĩ, quan điểm của anh/chị từ những thông tin trên.
Câu 2(4 điểm):
Cảm nhận vẻ đẹp nhân vật Tnú, dân làng Xô Man khi Tnú bị kẻ thù hành hạ và dân làng chiến đấu với kẻ thù, trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.
HDC ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT Môn: NGỮ VĂN. Năm học: 2013-2014Thời gian làm bài: 120 phút
PHẦN I – ĐỌC HIỂU (4 điểm)
Câu | Nội dung | Điểm |
1 | Hoàn cảnh liên quan đến nhân vật Tràng: Lấy vợ, dẫn vợ về nhà tại xóm ngụ cư trong những ngày bi thảm của nạn đói | 0,5 |
2 | Biện pháp tu từ ẩn dụCuộc sống tối tăm, khổ cực và đầy khắc nghiệt | 0,50,5 |
3 | Chi tiết:- vẻ mặt phớn phở khác thường– tủm tỉm cười nụ một mình – hai mắt sáng lên lấp lánh Đặc trưng nội tâm: hạnh phúc, hãnh diện, tự hào |
0,250,25 0,25 0,5 |
4 | Là con người kín đáo, có đức hạnh | 0,5 |
5 | B | 0,25 |
6 | HS có thể sửa chữa theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo ý chính và tính trong sáng khi diễn đạt | 0,5 |
PHẦN II – LÀM VĂN (6 điểm)
Câu 1:
– HS đảm bảo được kĩ năng viết bài văn nghị luận hiện tượng đời sống, có thể viết theo nhiều cách tiếp cận khác nhau
– Thể hiện suy nghĩ, quan điểm chú ý bám sát bản chất vấn đề:
+ Thực trạng suy thoái đạo đức, sống vô cảm ngày càng trở nên trầm trọng trong xã hội hiện nay.
+ Nguyên nhân xuất phát từ thói ích kỉ, lòng tham và ý thức tự trọng cá nhân còn hạn chế.
+ Bài học: Biết chia sẻ, giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn; Biết xấu hổ, tôn trọng và giữ gìn nhân cách bản thân. Giáo dục văn hóa ứng xử cho con người cần được quan tâm nhiều hơn.
* Thang điểm:
– 2 điểm: Đảm bảo được bản chất vấn đề và kĩ năng viết đoạn văn NL
– 1 điểm: Còn mắc lỗi về kĩ năng viết và nội dung trình bày
– 0 điểm: Lạc đề
Câu 2
- HS đảm bảo được kĩ năng nghị luận một hình tượng, một nhân vật trong tác phẩm và đoạn trích văn xuôi.
- Làm nổi bật các ý chính sau:
+ Cốt truyện của Rừng xà nu có hai câu chuyện đan cài vào nhau : chuyện về cuộc đời Tnú và về cuộc nổi dậy của làng Xôman. Chuyện về Tnú là tình tiết chính và cũng là cốt lõi của câu chuyện về cuộc nổi dậy của làng Xôman.
+ Bàn tay Tnú bị giặc – thằng Dục, quấn giẻ tẩm nhựa xà nu đốt cháy. Mười ngọn đuốc ngón tay Tnú đã châm bùng lên ngọn lửa nổi dậy của làng Xôman. Bàn tay Tnú đã được dập lửa, nhưng mỗi ngón chỉ còn hai đốt. Bàn tay cháy cụt ngón của Tnú như chứng tích đầy căm hận mà Tnú mang suốt đời. Nhưng bàn tay cụt ngón ấy vẫn cầm súng được và Tnú đã lên đường, đi tìm những thằng Dục để đòi trả mối thù. Với Tnú, thằng giặc nào cũng là thằng Dục.
+ Tinh thần đoàn kết, đấu tranh cách mạng của dân làng Xô Man xuất phát từ lòng căm hờn, biểu tượng cho ý chí chiến đấu của nhân dân Tây Nguyên những năm chống Mĩ ác liệt. Không khí ăn mừng chiến của dân làng Xô Man mang đậm không khí hào hùng, chất sử thi hoành tráng vừa là âm hưởng thời đại, cũng vừa là âm hưởng truyền thống.
+ Truyện tái hiện không khí của một thời kì lịch sử phong trào cách mạng ở miền Nam : những năm đen tối cho đến Đồng khởi ( khoảng 1955-1959 ). Xung đột chính của truyện – giữa nhân dân cách mạng và kẻ thù được dồn nén đẩy tới cao trào và bùng nổ dữ dội ở đoạn gần cuối tác phẩm : cuộc nổi dậy của làng Xôman với giáo mác dụ rựa, trong phút chốc tiêu diệt bọn giặc, bắt đầu cuộc chiến đấu giải phóng của dân làng, của cả Tây Nguyên. Cũng chính ở cao trào của cuộc xung đột này bật lên một kết luận mang ý nghĩa như một chân lí của cách mạng, được phát ngôn qua lời cụ Mết : “Nhớ lấy, ghi lấy … Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu : Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Đó cũng chính là tư tưởng chính trị chủ đạo của tác phẩm : phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng, vũ trang chiến đấu là con đường tất yếu để tự giải phóng của nhân dân.
*Lưu ý: Khi chấm, chú ý linh hoạt theo bài viết của học sinh nếu bài viết có ý mới lạ, sáng tạo; ý mới nêu ra phải bám sát bản chất vấn đề
Đề sưu tầm