Văn lớp 11 – Đề đề xuất Thi các trường chuyên Duyên Hải trường chuyên Lê Qúy Đôn tỉnh Quảng Trị

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG TRỊ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN

ĐỀ THI  CHỌN HỌC SINH GIỎI

CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC

DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

ĐỀ THI ĐỀ NGHỊ

(Đề thi có 01 trang)

Môn: NGỮ VĂN KHỐI 11

Thời gian làm bài: 180 phút

(không kể thời gian phát  đề)

Câu 1. (8,0 điểm)

Người Do Thái từng nói đại ý rằng: “ Dù bạn có là ốc sên đi chăng nữa, nếu có thể bò lên được đỉnh núi thì phong cảnh bạn nhìn thấy cũng giống như thứ mà một con chim ưng nhìn thấy”.

Trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.

Câu 2. (12,0 điểm)

Bàn về thơ ca, nhà thơ Tố Hữu từng nhận định: “Thơ là cái đó: Sự im lặng giữa các từ. Nếu người ta lắng nghe cái im lặng đó, thì có những tiếng dội vang rất đa dạng và tinh tế ( Lý luận văn học, Trần Đình Sử, tr168).

Bằng những hiểu biết về thơ, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

——Hết——

 

Người ra đề: Lê Si Na

SĐT:  0974.743.574

 

 

 

 

 

 

 

 

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG TRỊ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN

 ĐÁP ÁN ĐỀ THI  CHỌN HỌC SINH GIỎI

CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC

DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

 

Câu 1 (8,0 điểm)

* Kĩ năng: học sinh biết cách làm bài nghị luận xã hội; bài viết có bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ; diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc, sáng tạo, hạn chế tối đa các lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

* Kiến thức học sinh có thể bày tỏ quan điểm của mình theo những cách khác nhau nhưng cần rõ ràng , hợp lý, chặt chẽ và thuyết phục. Về cơ bản, cần đạt được một số ý chính sau:

  1. Giải thích (2,0 điểm)

– Học sinh giải thích được các hình ảnh:

+ Ốc sên: loài vật sống ở mặt đất, chỉ có thể di chuyển một cách chậm chạp, yếu đuối

+ Chim ưng: loài vật sống ở trên núi cao,có thể bay khắp nơi, nhanh nhẹn, mạnh mẽ

-> Xuất phát điểm khác nhau

+ “nếu có thể bò lên được đỉnh núi”: biết cố gắng nỗ lực không ngừng, vượt qua mọi trở ngại khách quan và hạn chế của bản thân để chinh phục những đích đến tưởng chừng ngoài khả năng.

+ “phong cảnh nhìn thấy cũng giống như thứ mà một con chim ưng nhìn thấy”: kết quả con ốc sên nhận được khi thành công là  xứng đáng và khi ấy giá trị của nó ngang bằng giá trị của một con chim ưng.

– Rút ra ý nghĩa: Câu nói có ý nghĩa sâu sắc, gửi gắm đến thông điệp: Xuất phát điểm chậm không có nghĩa là bạn sẽ thiệt thòi hay thua kém. Nếu biết cố gắng và nỗ lực, phát huy hết khả năng, sức mạnh của bản thân cũng như kiên trì bền bỉ thì bạn vẫn đạt được thành công như tất cả mọi người và giá trị của bạn sẽ được tôn vinh, trân trọng.

Đây cũng là lời động viên, khích lệ mọi người hãy tự tin, vượt qua những giới hạn của bản thân để thực hiện điều mình mong muốn.

  1. Bàn luận, chứng minh (4,0 điểm)

– Khẳng định tính đúng đắn của câu nói

+ Mỗi người sinh ra trên đời đều có những khởi đầu, những điểm xuất phát khác nhau: Có người nhanh nhẹn tháo vát, có người chậm chạp vụng về;có người khỏe mạnh lành lặn, có người khiếm khuyết yếu đuối; có người giàu có sung túc, có người thiếu thốn nghèo khổ… tuy nhiên, đời người là cả một chặng đường dài, nên xuất phát điểm chỉ là yếu tố ban đầu trong rất nhiều yếu tố dẫn đến thành công.

+ Thái độ kiên trì và bền bỉ chính là chìa khóa để thực hiện ước mơ, chỉ cần con người không bỏ cuộc giữa chừng, không chán nản hoặc buông xuôi thì kết quả nhận được sẽ xứng đáng với những gì họ dụng công.

+ Với những người còn hạn chế về năng lực hoặc hạn chế về điều kiện thực hiện mục tiêu thì sự tự tin và lòng lạc quan là yếu tố quan trọng. Chính sự tự tin sẽ thúc đẩy, tiếp thêm sức mạnh và khích lệ con người.

+ Trong quá trình nỗ lực theo đuổi một mục đích, con người có thể nhận ra sức mạnh tiềm ẩn từ bên trong của mình, có thể thực hiện được việc tưởng như quá sức, đó cũng là cơ hội để họ  thấy được giá trị và sức mạnh của bản thân.

+ Mọi thành công mà con người đạt được bằng chính sự nỗ lực của mình đều cao quý đáng trân trọng như nhau.

– Học sinh lấy những dẫn chứng trong đời sống, trong văn học… để chứng minh.

  1. Bài học nhân thức và hành động (2,0 điểm )

Mỗi người (đặc biệt là tuổi trẻ) hãy dám trải nghiệm cuộc sống để tăng cường cho bản thân chất sống, vốn sống; hãy phát huy hết năng lực của bản thân bằng cách sống hết mình với hiện tại, với những dự định của mình.

Con người không nên tự ti với xuất phải điểm của mình mà phải luôn lấy đó làm mục tiêu để thay đổi và hướng đến những điều tốt đẹp.

– Trong quá trình thực hiện ước mơ, theo đuổi đam mê, con người cũng cần biết phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để tự hoàn thiện mình.

Câu 2 (12,0 điểm)

*  Kĩ năng:

  • Biết cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề lí luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận.
  • Biết cách chọn và phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
  • Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

*  Kiến thức

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

  1. Giới thiệu được vấn đề nghị luận (1,0 điểm)
  2. Giải thích ý kiến (1,5 điểm)

– Thơ là một thể loại trữ tình, là sự thổ lộ một cách mãnh liệt những cảm xúc cá nhân của người nghệ sĩ.

– “Thơ là… sự im lặng giữa các từ”: Đề cập đến chất thơ của thơ. Thơ thường không bộc lộ ở những điều được viết ra mà là ở những chỗ trống, những khoảng trắng, ở sự im lặng giữa các chữ các lời; đó là những điều được cảm qua ý nghĩa ngoài lời chứ không phải ở ý nghĩa mặt chữ của câu thơ.

– “Nếu người ta lắng nghe cái im lặng đó”: Thái độ đồng cảm, biết phát hiện trong quá trình cảm thơ, tiếp nhận thơ của người đọc.

– “tiếng dội vang rất đa dạng và tinh tế”:Đề cập đến giá trị của thơ ca. Thơ đọng lại trong lòng người đọc sự sâu sắc về nội dung và sự tinh tế về hình thức thể hiện. Thơ còn để lại những thông điệp,  những dư âm, có những tác động nhất định vào tâm hồn người đọc, đánh thức những tình cảm sâu kín nhân bản

-> Ý kiến của Tố Hữu đã chỉ ra được đặc trưng, bản chất của thơ ca.

  1. Bàn luận về ý kiến (2,0 điểm)

Nhận định của Tố Hữu về thơ là một nhận định đúng đắn.

– Văn học nói chung và thơ ca nói riêng đều sử dụng ngôn từ nghệ thuật làm phương tiện biểu hiện. Ngôn ngữ của thơ ca là ngôn ngữ đòi hỏi sự cô đọng hàm súc. Đôi khi chỉ là một hình ảnh thơ, một tứ thơ mà lại mở ra nhiều ý nghĩa, nhiều cách hiểu khác nhau.

– Ngôn ngữ thơ còn là ngôn ngữ được chưng cất từ cảm xúc, được chắt chiu và gạn lọc, đó là ngôn ngữ đã đạt đến độ tinh, vậy nên có sự đa dạng về mặt ý nghĩa cũng như cách hiểu.

– Một bài thơ có tiếng vang, là bài thơ thể hiện được những tình cảm sâu kín, nhân bản dưới hình thức thơ điêu luyện, tinh tế. Để làm được điều đó, nghệ sĩ phải thật sự là một tấm lòng đôn hậu, nhân văn và phải có tài năng nhất định.

– Sự  lắng nghe của người đọc chính chính là quá trình giải mã, suy ngẫm, phát hiện ra được vẻ đẹp bất ngờ, tinh tế của thơ ca. Người đọc ngoài năng lực rung cảm, thẩm bình và nhạy bén trước ngôn ngữ thì sự đồng điệu với tác giả, trải nghiệm sống phong phú cùng vốn văn hóa sâu sắc là con đường để đến với thơ.

  1. 4. Chứng minh (6,0 điểm)

– Học sinh  chọn và phân tích một số bài thơ hoặc khổ thơ tiêu biểu để minh họa

5.Đánh giá, mở rộng và khái quát lại vấn đề (1,5 điểm)

– Tầm vóc tư tưởng, tài năng nghệ thuật của nhà thơ bộc lộ ngay trong chính cách nhà thơ  lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh . Bởi vậy, khi sáng tác, nhà thơ cần chú ý phát hiện, sáng tạo được những “ mắt thơ” có giá trị.

– Ý kiến trên là một gợi ý cho bạn đọc về cách đánh giá, nhận diện một tác phẩm thơ đặc sắc; đặt ra thử thách đối với các tác giả khi cầm bút sáng tác.

 

LƯU Ý:

1) Những nội dung trên chỉ mang tính gợi ý. Trong quá trình làm bài, HS có thể có hướng triển khai, sắp xếp ý theo cách khác nhưng phải đảm bảo làm nổi bật được trọng tâm vấn đề. Khuyến khích những ý tưởng sáng tạo độc đáo của HS.

2) Chỉ cho điểm tối đa khi bài làm đáp ứng 3 tiêu chí: Đúng – Đủ – Sáng tạo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *