Văn lớp 11 – Đề đề xuất Thi các trường chuyên Duyên Hải đáp án đề trường chuyên Lê Qúy Đôn tỉnh Bình Định

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

 

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN BÌNH ĐỊNH

 

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI HSG KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VÀ DUYÊN HẢI BẮC BỘ

MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 11

Câu 1 (8.0 điểm)

  1. Yêu cầu chung: Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội; kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
  2. Yêu cầu cụ thể: HS có thể nêu những ý kiến riêng và trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần hợp lý, thuyết phục … và đáp ứng được các yêu cầu cơ bản sau:

*Giải thích (1.0đ):

300 đô la: Số tiền tượng trưng cho giá trị tài sản cá nhân tạo dựng bằng sức lao động của bản thân.

– Chiếc túi: công năng sử dụng để đựng tài sản của chủ nhân.

Chiếc túi trị giá 300 đô la: đắt tiền, mục đích tạo phong cách sành điệu cho chủ nhân.

Chiếc túi trị giá 10 đô la: rẻ tiền, sử dụng đúng công năng của món hàng.

Cố làm ra vẻ giàu có:Sự phô trương bản thân một cách hình thức nhằm che đậy bên trong rỗng tuếch.

==> Ý nghĩa câu nói: Khuyên mỗi cá nhân nên chăm chút giá trị thực của bản thân, không hào nhoáng giả tạo, phô trương hình thức, chạy theo những giá trị ảo vì sẽ tự hại chính mình

* Bàn luận (5.0đ):

–  Đừng mua chiếc túi trị giá 300 đôla mà không có gì trong đó cả:

  • Thực trạng trong lối sống của một bộ phận hiện nay: chăm chút những giá trị ảo, khoe mẽ, chưng diện nhằm khẳng định đẳng cấp “dân chơi”, sành điệu.
  • Dùng hàng đắt tiền không phải là xấu nhưng không có gì trong đó là một kiểu sống giả tạo, chuộng hư danh, lừa dối chính mình và người xung quanh.
  • Không nên chạy theo thị hiếu nhất thời, đua đòi, thích thể hiện bản thân trong khi thiếu năng lực, rỗng tuếch. Đó là kiểu sống “thùng rỗng kêu to” như dân gian thường phê phán. Cách sống này khiến con người luôn bị động, không đối phó được với những biến động cuộc sống.

–  Mua một chiếc túi trị giá 10 đôla thôi và bên trong có 290 đôla:

  • Biểu hiện của lối sống giản dị, không phô trương hình thức, không khoe khoang, coi trọng giá trị bản thân hơn giá trị ảo bề ngoài.
  • Trân trọng giá trị sức lao động, biết cách tiết kiệm để có thể chủ động trong mọi hoàn cảnh, có thực lực và thể hiện đúng năng lực của bản thân, trong điều kiện cho phép.
  • Không đánh giá con người ở bề ngoài mà cần tôn trọng người có tài năng, khiêm tốn, biết suy xét thận trọng và linh hoạt trong mọi hoàn cảnh.

 

Đừng để mình phá sản vì cố làm ra vẻ giàu có:

Lời khuyên hữu ích nhằm tránh sai lầm khi sống ảo, trọng hư danh hơn thực lực. Cái giá phải trả là sự thất bại ê chề trong cuộc sống. Dù cố che đậy cũng không thể giấu giếm vì “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”…

* Bài học (2.0đ):

– Sống giản dị, thực chất hơn khoe mẽ, giả tạo. Là cách sống biết tự trọng.

– Cẩn rèn luyện trau dồi giá trị bản thân, biết suy xét khôn ngoan và thực tế để được mọi người tôn trọng.

 

Cách cho điểm:

 

Điểm 7-8: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Hành văn có cảm xúc, lập luận thuyết phục.

Điểm 5-6: Bài viết đáp ứng được những ý cơ bản, hầu như không mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.

Điểm 3-4: Bài viết chỉ trình bày được một nửa yêu cầu về kiến thức, còn mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.

Điểm 1-2: Bài viết chưa hiểu rõ về vấn đề hoặc không biết cách lập luận, mắc lỗi nhiều về kĩ năng và diễn đạt.

Điểm 0: Bài viết lạc đề hoàn toàn hoặc học sinh không viết bài

Câu 2 (12 điểm)

  1. Yêu cầu chung: Biết làm bài NLVH; vận dụng tốt các thao tác giải thích, phân tích, bình luận văn học; biết kết hợp kiến thức lí luận với kiến thức về tác phẩm để bàn luận, đánh giá; văn viết có hình ảnh và giàu cảm xúc, có giọng điệu riêng, có sáng tạo.
  2. Yêu cầu cụ thể:

* Giải thích

Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những thế, văn chương lại còn sáng tạo ra sự sống:

Văn chương không chỉ giúp hình dung sự sống – hiểu biết hiện thực cuộc sống phong phú đa dạng mà còn giúp khám phá, sáng tạo lại thực tại. Vì hiện thực khách quan được soi chiếu qua tâm hồn người nghệ sĩ, cho nên sáng tạo ra sự sống thực chất là hiện thực được nhào nặn trong tác phẩm ghi dấu ấn tư tưởng,tình cảm và sức sáng tạo của người ngheej sĩ.

– Vũ trụ nầy tầm thường chật hẹp không đủ thỏa mãn mối tình cảm dồi dào của nhà văn.

Sự đối lập giữa hiện thực khách quan và chủ thể sáng tạo được nhấn mạnh ở phương diện tâm hồn, tình cảm mãnh liệt, nguồn cảm hứng sáng tạo của tác giả vượt khỏi khuôn khổ hiện thực. Quan điểm của Hoài Thanh gắn với tư tưởng của chủ nghĩa lãng mạn đề cao vai trò cái Tôi chủ quan cá thể, muốn khẳng định bản sắc, phong cách riêng trong sáng tạo nghệ thuật.

 – Nhà văn sẽ sáng tạo ra những thế giới khác.

          Thế giới khác do nhà văn sáng tạo chính là thế giới nghệ thuật được tạo dựng bằng ngôn từ nghệ thuật, hướng tới những đề tai hiện thực mà nhà văn quan tâm,qua đó gửi gắm quan niệm nghệ thuật, cảm hứng của tác giả về con người và cuộc sống, biểu đạt qua sắc thái thẩm mỹ đậm cá tính sáng tạo của nhà văn.

* Phân tích, bình luận

– Cơ sở nhận định của Hoài Thanh gắn với sự phát triển của văn học giai đoạn 1930 – 1945 với sự phát triển đa dạng của các khuynh hướng văn học. Thời điểm 1939 đã xuất hiện những đỉnh cao trong sáng tác, hình thành nhiều phong cách tác  giả độc đáo, đặc biệt phong phú là phong trào Thơ Mới với những đỉnh cao, chẳng hạn như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính… (theo đánh giá trong công trình nghiên cứu Ba đỉnh cao Thơ Mới của TS. Chu Văn Sơn). Các nhà thơ đã khẳng định cái Tôi cá nhân cá thể mạnh mẽ, tạo dựng không gian thơ của riêng mình…

– Một số gợi ý về dấu ấn sáng tạo trong thơ của các đỉnh cao Thơ Mới:

+ Xuân Diệu tạo dựng nên một “vũ trụ tình yêu đầy hoan lạc” (ý GS. Nguyễn Đăng Mạnh) để khẳng định vị trí ông Hoàng tình yêu, nhà thơ phát hiện mối quan hệ gắn kết con người – hiện thực bằng niềm khát khao giao cảm, bằng cảm xúc, cảm giác, bằng niềm vui,nỗi buồn của tâm hồn luôn sống vội vàng, cuống quít tận hưởng vẻ đẹp trần gian. Qua đó khẳng định vị trí nhà thơ mới nhất trong số các nhà Thơ Mới.

          + Hàn Mặc Tử là minh chứng sự phát tiết tinh hoa rực rỡ, phát triển sự sáng tạo từ thơ Đường luật đến thơ Lãng mạn và tiếp tục phát triển đến ranh giới siêu thực, tượng trưng trên tiến trình hiện đại hóa Văn học Việt Nam. Ông tạo dựng một thế giới khiến các tác giả Thi nhân Việt Nam như lạc vào một vườn thơ “rộng rinh và ớn lạnh”. Thế giới thơ Hàn Mặc Tử là “hương thơm”, “mật đắng”,”máu cuồng và hồn điên” thể hiện một khát khao tình người đậm đà. Trong thơ Hàn là sự trộn hòa kỳ lạ giữa thực và ảo, những câu thơ lấp lánh tài hoa…

+ Nguyễn Bính – “thi sĩ chân quê” tạo dựng một thế giới riêng của “trai hiền bạn với gái đồng trinh”, thấm đượm hồn quê, tình quê mang đậm phong vị Bắc Bộ. Trong khuôn khổ thi ca truyền thống, cảm xúc cá nhân được bộc lộ với nhiều cung bậc khi thiết tha dịu ngọt,lúc chua chát khinh bạc,mang tâm trạng tha hương sầu xứ ….

==> Các nhà thơ đã đóng góp những thế giới thơ riêng biệt nhưng góp phần tạo nên thế giới chung của tình cảm dồi dào với cuộc đời và con người.

* Mở rộng, nâng cao.

– Khẳng định vai trò chủ thể sáng tạo góp phần cho văn chương đến với cuộc đời thông qua con đường tình cảm. Đóng góp về nội dung – nghệ thuật trong tác phẩm giúp nhà văn định hình phong cách độc đáo.

– Cần tránh quá đề cao chủ quan dễ đi đến bóp méo, xuyên tạc sự thật, đi ngược lại những giá trị Chân – Thiện – Mỹ của cuộc sống.

* Cách cho điểm:

– Điểm 10-12: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Hành văn có cảm xúc, lập luận rõ ràng, phân tích bình luận có ý sâu sắc…

– Điểm 7-9: Bài viết đáp ứng được những ý cơ bản, hầu như không mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.

– Điểm 4-6: Bài viết chỉ trình bày được một nửa yêu cầu về kiến thức, hoặc phân tích tác phẩm đơn thuần. Còn mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.

– Điểm 1-3: Bài viết chưa hiểu rõ về vấn đề, chủ yếu diễn xuôi văn bản. Diễn đạt và kĩ năng viết văn nghị luận yếu.

– Điểm 0: Bài viết lạc đề hoàn toàn hoặc học sinh không viết bài

 

 

Giáo viên: TRẦN HÀ NAM

Điện thoại: 0983343729 – 0903570645

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *