Phân tích và cảm nhận đoạn trích Xúy Vân giả dại (trích- Chèo “Kim Nham”)

Đề bài: Phân tích và cảm nhận đọan trích Xúy Vân giả dại (trích- Chèo “Kim Nham”)

 

Bài làm

Bắc thang lên hỏi ông giời

Phải chăng phận gái mưa sa giữa trời.

May ra gặp được giếng khơi

Vừa trong vừa mát lại nơi thanh nhàn.

Chẳng may số phận gian nan,

Lầm than phải chịu phàn nàn cùng ai?

 Thân phận người phụ nữ, một đề tài đã tốn biết bao nhiêu giấy mực của văn học, đặc biệt là những người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Vì tư tưởng “Trọng nam khinh nữ” mà người phụ nữ chưa bao giờ được xã hội coi trọng, họ là những người không có tiếng nói, luôn luôn bị đè nén và khinh rẻ. Trong xã hội bấy giờ, khác với những người đàn ông luôn được coi trọng, người phụ nữ lúc nào cũng chỉ là cái bóng mờ nhạt rẻ rúng nấp sau lưng họ. Bởi vì vậy, khi bước chân vào thế giới văn chương, nơi nâng giấc cho những kẻ cùng đường tuyệt lộ, họ mới được quyền thể hiện tiếng nói giấu trong lòng của mình. Ta có thể bắt gặp những nhân vật điển hình trong các tác phẩm văn học đại diện cho một bộ phận người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ bấy giờ, nhưng đến với nhân vật Xuý Vân trong vở Chèo “Kim Nham” ta mới cảm nhận chân thật được những đắng cay mà người phụ nữ phải chịu với những mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm.  

                  Chèo là một loại hình kịch hát dân gian, phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, thường được diễn ở sân đình trong thời gian có các lễ hội. Chèo phản ánh đời sống vật chất, tâm hồn, tình cảm của con người trong xã hội phong kiến, ca ngợi những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người, phê phán các thói hư tật xấu, thể hiện sâu sắc tinh thần nhân văn. Cũng giống như các loại hình nghệ thuật sân khấu khác, chèo là môn nghệ thuật có phối hợp giữa nói, hát, múa với sự hỗ trợ của các đạo cụ, nhạc khí dân tộc độc đáo, … tạo nên những tình tiết, câu chuyện có ý nghĩa và thông điệp to lớn gửi tới người xem. Đến với đoạn trích Xuý Vân giả dại trong vở Chèo “Kim Nham”, người đọc mới vỡ lẽ ra Xúy Vân là hiện thân của số phận bi kịch bị giằng xé giữa khát vọng tình yêu và hạnh phúc đối với hoàn cảnh sống khắc nghiệt của người phụ nữ trong chế độ xưa, một thông điệp vô cùng nhân văn và bày tỏ thái độ cảm thông đối với họ. 

                 Xuý Vân là một cô gái xinh đẹp, tài năng, biết hát biết múa, nhưng lại bị ép gả cho Kim Nham là một người học trò nghèo ở Nam Định, sau khi cưới gả xong Kim Nham để Xuý Vân ở lại và lên đường đi Tràng An bắt đầu con đường dùi mài kinh sử của mình. Phải chịu cái cảnh đợi chồng ở nhà mà không biết đích đến, Xuý Vân lâm vào cảnh buồn bã ngày đêm mong nhớ chồng. Vào lúc đó Nàng lại bị gã sở khanh Trần Phương đội lốt một thư sinh tử tế ngỏ lời tán tỉnh và xúi nàng giả dại để Kim Nham chịu bỏ nàng rồi theo hắn. Xúy Vân trong đoạn trích này không ngừng than thở, kể lể và thể hiện sự điên loạn, dở hơi của mình bằng những giọng điệu của chèo như nói lệch, vỉa, hát quá giang, đế, điệu con gà rừng, hát sắp, hát ngược,… để mọi người tin là mình đã điên thật nhằm mong muốn được Kim Nham giải thoát để đi theo người tình. Và rồi hắn cũng lộ ra bản chất của một kẻ tồi.  Còn Xúy Vân từ một người giả điên bây giờ lại trở nên điên thật, một tấn bi kịch đổ xuống đầu người phụ nữ ấy, ban đầu chắc hẳn ai cũng cảm thấy Xuý Vân đáng trách nhưng ngẫm lại mới thấy nàng lại đáng thương hơn. 

  Ngay đầu đoạn trích, nhân vật Xuý Vân xuất hiện với tình trạng nữa tỉnh nữa mê nữa ngây nữa dại, nàng hát than về cái số phận hẩm hiu , tủi hờn của mình trong cảnh đợi chồng cho đến bao giờ :

“Tôi la đò, đò nỏ có thưa

Tôi càng chờ, càng đợi, càng trưa chuyến đò”

 Cảnh sống một mình đợi chồng trong vô vọng của Xuý Vân luôn là những nổi buồn chung của người phụ nữ lúc bấy giờ, họ đời nữa kia của mình trong nỗi cô đơn và thất vọng, ta có thể thấy trong những tác phẩm khác :

“Ngoài rèm thước chẳng mách tin

Trong rèm dường đã có đèn biết chăngĐèn có biết dường bằng chẳng biết

Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi” 

(Chinh phụ ngâm) 

Hay là trong hàng loạt các câu ca dao xưa :

“Đèn thương nhớ ai

Mà đèn chẳng tắt

Mắt thương nhớ ai

Mắt ngủ không yên”

Dù là ban ngày, hay là đêm vắng, lúc ăn lúc ngủ trong lòng họ cũng chỉ mong nhớ về người chồng xa xứ, đó là đức tính cao đẹp của nười phụ nữ Việt, sự thuỷ chung một lòng một dạ. Trong hai câu đầu này không chỉ nói về cảnh chờ chồng trong vô vọng, Xuý Vân đã bày tỏ sự lo lắng trước sự chảy trôi của thời gian, nàng đang luyến tiếc tuổi xuân của mình đang trôi qua một cách nhanh chóng. Là một cô gái tuổi xuân thì, ai mà không khao khát được yêu huống gì lại lâm vào cảnh một mình như bây giờ , nàng lại tiếp tục bày tỏ trực tiếp tình yêu của mình và ngỏ ý muốn châm dứt mối tình với Kim Nham: 

“Chẳng nên gia thất thì về

Ở làm chi nữa chúng chê bạn cười”

“Gió giăng thì mặc gió giăng

Đôi ta chỉ quyết đạo hằng với nhau”

Thông qua lời nói ấy, Xuý Vân đã thừa nhận sự thay đổi trong tình cảm của mình, nàng bộc lộ tình cảm với Trần Phương và nàng tin vào tương lai hạnh phúc bên nhân tình. Hành động Xuý Vân tìm kiếm tình yêu cho chính mình được cho rằng là một việc làm trái với đạo đức và đức hạnh của một người phụ nữ đáng có, nhưng nghĩ lại nàng lại là một người đáng thương với hàng tấn bi kịch trút xuống mình ngay từ những phút đầu. Ngay từ thuở trước nàng đã bị ép gả cho Kim Nham, từ trước nàng không thực sự đến với Kim Nham bằng tình yêu mà đó là sự ép buộc, nay trong cảnh cô đơn đợi chồng thiếu thốn tình cảm, trái tim người phụ nữ dễ bị rung động, lại gặp những lời dụ dỗ ngọt ngào của nhân tình, sao không thể động lòng, đó là những cảm xúc yếu đuối vốn có của người phụ nữ. Ngẫm lại ta lại thấy thương cảm hơn cho Xuý Vân hơn là sự lên án về việc làm phụ bạc chồng theo nhân tình trái với thuần phong mĩ tục và ngôn hạnh của người phụ nữ này. 

 Tiếp đến khi Xuý Vân tự giới thiệu về mình, nàng đã thực sự thể hiện cái điên trong lời nói : 

 “ Chẳng giấu gì Xúy Vân là tôi

  Tuy dại dột, tài cao vô giá,

  Thiên hạ đồn rằng tôi hát hay đã lạ,

  Ai cũng gọi là cô ả Xúy Vân

  Phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương

  Nên đến nỗi điên cuồng  rồ dại.”

Ta thấy sự điên loạn trong lời nói của Xuý Vân lấn át cả sự tỉnh táo, bởi người bình thường không ai nói những điều bản thân đã làm sai nhất về hành động phụ bạc đi theo nhân tình của mình. Nàng trực tiếp bày tỏ mong muốn từ bỏ cuộc tình giữa mình với Kim Nham để nối gót theo Trần Phương, nàng đã mạnh dạn phụ tấm lòng của Kim Nham và nghe theo tiếng gọi của con tim, bởi lí trí làm sao thẳng nổi sức mạnh của tình yêu:

“Lấy Kim Nhan nhà khó gian truân

Chồng học vắng chầy ngày mong mỏi

  Lúc nàng nhận ra kẻ mình tin yêu cũng đã phụ mình, tâm trạng rối bời dằng xé lại bắt đầu bủa vây và đè nén, khiến nàng phải thốt lên những lời đắng cay, được thể hiện rõ nét qua đoạn Hát điệu con gà rừng :

“Con gà rừng ăn lẫn với công

Đắng cay chẳng có chịu được, ức”

“Để cho bông lúa chín vàng

Để anh đi gặt để nàng mang cơm”

Điệu hát đã thể hiện sự day dứt bứt rứt của Xuý Vân khi phải chịu cảnh sống bị cuộc đời dè bỉu vì phụ chồng theo nhân tình, nay lại bị chính kẻ nhân tình phụ bạc, là sự tủi hổ bị người đời cười chê, gây tai tiếng cho chính mình, cho cha mẹ, … 

Ta lại thấy sự tỉnh táo của Xuý Vân trong điệu hát này, nàng vẫn mong về một gia đình sung túc, chồng đi gặt, vợ mang cơm, vợ chồng đồng lòng bên nhau có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Đó chỉ là mong ước nhỏ nhoi nhưng sao lại khó khăn với nàng đến thế, đó không chỉ là mong ước của riêng nàng mà còn là mong ước của rất nhiều người phụ nữ lúc bấy giờ. Dù rất nhỏ nhưng không dễ dàng để có được nó. 

 Cho đến cuối cùng Xuý Vân cũng đã thức tỉnh về tình cảnh của chính mình: 

“Con cá rô nằm trong vũng chân trâu

Để cho năm bảy cần câu châu vào”

Đó là trạng thái ấm ức, cô đơn, quẫn bách, gợi tả tình cảnh bế tắc, tù đọng đầy bất trắc, phản ánh sức nặng của áp lực từ nhiều phía, cho thấy Xuý Vân đã nhận ra được hoàn cảnh và sai lầm của bản thân hiện tại: vừa cô đơn, vừa hối hận, lại vừa là kẻ bị phụ tình, bị lừa dối. Nàng đã thực sự phụ tấm chân tình của Kim Nham, ta nghe quen thuộc trong giai thoại của nàng Kiều:

“Ơi Kim lang hỡi Kim lang

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”

 Ở cuối đoạn trích, Xuý Vân đã thực sự trở nên điên loạn, liên tục nói những điều không đúng sự thật, trên trời dưới bể, thể hiện sự mất ý thức của một người điên, nhân vật dường như rơi vào trạng thái hỗn loạn, điên dại, rối bời, mất phương hướng:

 “Chiếc trống cơm, ai khéo vỗ nên bông,

  Một đàn các cô con gái lội sông té bèo.

  Chuột đậu cành rào, muỗi ấp cánh rơi

  Ông Bụt kia bẻ cổ con nai,

  Cái trứng gà mà tha con quạ lên ngồi trên cây…”

Hàng loạt những điều phi lí được Xuý vân nói ra , ta thấy nàng đã thực sự đánh mất đi lí trí, đánh mất đi chính bản thân mình khi trải qua quá nhiều biến cố và nghịch cảnh. Ta càng cảm thấy thương xót hơn khi chứng kiến thân phận của một người phụ nữ như vậy trong suốt vở Chèo, từ một cô gái xuân thì xinh đẹp, biết hát biết múa điệu bắt nhện, xe tơ, dệt cửi, bị gả cưới cho người mình không yêu, rồi lại nghe theo tiếng gọi con tim phụ chồng đi theo nhân tình, cuối cùng là bị chính nhân tình phụ lại đến nổi hoá điên hoá rồ, trở thành kẻ nữa tỉnh nữa mê mất dần ý thức. Trải qua hàng loạt tình tiết xuyên suốt tác phẩm, người đọc cảm thấy xót thương thay cho cái thân phận tủi hờn nay đây mai đó của người phụ nữ xưa. Họ không có quyền lựa chọn hạnh phúc cho mình, cho đến khi biết đấu tranh cho tình cảm của mình thì lại bị cuộc sống lừa gạt, đưa đẩy dẫn đến cùng đường tuyệt lộ. 

                 Đoạn trích Xuý Vân giả dại đã sử dụng ngôn từ đa dạng theo nhiều cách như nói lệch, vỉa, hát quá giang, đế, điệu con gà rừng, điệu sử rầu, hát sắp, hát ngược để khắc hoạ nên nhân vật Xuý Vân, đại diện cho những người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa để thể hiện triết lí sống, những giá trị nhân bản về vẻ đẹp và bi kịch của người phụ nữ trong xã hội nam quyền, bên cạnh có còn thể hiện được giá trị cao quý của thể loại Chèo, một thể loại văn học lâu đời và mang nhiều ý nghĩa đối với văn hoá đất Việt. 

                 Văn chương là con đường ngắn nhất để gắn kết tình cảm giữa con người với con người, là cái nôi để bộc lộ những cảm xúc khó nói với nhau, là phương tiện để hàn gắn những xa cách trong xã hội. Đoạn trích Xuý Vân giả dại đã thể hiện cái nhìn khách quan về bi kịch của người phụ nữ trong xã hội xưa, từ đó đã khiến người đọc trở nên đồng cảm và thương xót hơn, dễ dàng bày tỏ cảm xúc của mình đối với những mảnh đời trớ trêu như vậy. Đoạn trích đã thực sự thành công khi đã xây dựng được một nhân vật có giá trị nhân bản mang tầm khái quát đối với xã hội rộng lớn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *