Phân tích bài viết: “Một đời như kẻ tìm đường” để thấy được mục đích và thông điệp của bài viết.

Nhà thơ Tố Hữu đã từng tâm đắc: “Văn học không chỉ là chuyện văn chương mà thực chất là chuyện đời”. Những ngòi bút đứng sau câu “chuyện đời” ấy chính là người nghệ sĩ. Chuyện đời chẳng phải dễ viết, chỉ khi nhà văn thấm đủ những hương vị của cuộc sống, đầy ắp trong lòng những chiêm nghiệm lúc ấy ngòi bút của anh mới đẫm mực để múa bút thành văn. Những hương vị ấy, những trải nghiệm ấy chẳng tự xuất hiện được, chỉ khi chính nhà văn lao vào đời mà vun vén mới thành văn. Nhà văn Nam cao từng khẳng định: “sống đã rồi hãy viết”. Sau bảy mươi năm mới cầm bút có lẽ nhà văn Phan Văn Trường thực sự đã sống rồi mới viết lên tuyệt tác “Một đời như kẻ tìm đường”.

Nhắc đến Phan Văn Trường người ta sẽ ấn tượng với hình ảnh 1 giáo sư chuyên giảng dạy và tham gia vào những dự án trong lĩnh vực kinh tế, công nghiệp, điện lực… chứ không mấy khi mà ông được chú ý với cương vị là một nhà văn. Nhưng với “Một đời như kẻ tìm đường” được trích trong cuốn sách cùng tên phát hành vào năm 2019 ông đã cho người ta một cái nhìn khác về mình-một vị giáo sư tài ba. Bằng giọng văn nhẹ nhàng, nội dung câu chuyện được dẫn dắt từ câu chuyện chàng thanh niên trẻ bước chân lên đất Pháp với đầy bỡ ngỡ, gặp phải những khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi. Nhà văn cũng chia sẻ về những cuộc gặp lý thú với những con người có tầm vóc vĩ đại trong suốt cuộc đời bác, để rồi từ đó mỗi người đọc có thể rút ra những bài học hay cho riêng mình.

Mỗi lựa chọn của chúng ta ngày hôm nay dù đúng hay sai đều sẽ ảnh hưởng và thay đổi tương lai của chúng ta, ảnh hưởng đó có thể tốt cũng có thể xấu đối với chúng ta, có thể mang đến sự may mắn nhưng cũng có thể là sự đen đủi trong cuộc sống tương lai. Để đưa ra những lựa chọn đúng trong cuộc đời thì chúng ta cần rèn luyện kiến thức, rèn luyện bản thân phải biết đối mặt với những khó khăn, dù lựa chọn có sai thì chúng ta vẫn có khả năng thay đổi nó, biến thất bại thành thành công. Ngay đầu câu chuyện người viết đã đưa người đọc đến những tình huống lựa chọn. Từ việc lựa chọn ngoại ngữ thịnh hành và chương trình học cổ điển hoặc hiện đại. Dễ dàng nhận thấy cha mẹ anh rất ấn tượng với việc “hiểu tận gốc nền triết lí của nhân loại”. Đó là những Xô-Cờ-rát và Platon… Cha mẹ nhân vật có ý hướng anh vào chương trình cổ điển còn nhân vật tôi sau khi nghe nhạc Mỹ thì nghiêng hẳn về phía hiện đại. Bởi cũng không có tư tưởng áp đặt nên nhân vật tôi được chon theo ý nguyện của mình. Nhưng giữa lúc anh và gia đình đang trong cuộc thương thuyết thì việc lựa chọn ngành nghề, công việc trong tương lai nhảy bổ vào. Cha anh muốn anh theo ngành kiến trúc, mẹ thì thích bác sĩ và cuối cùng cả hai hướng nhân vật tôi theo nghề công chức – một sự lựa chọn an toàn. Những sự lựa chọn ấy làm ta nhớ đến bài thơ “Con đường không chọn” của đại thi hào Robert Frost:

“Con đường rẽ làm đôi giữa rừng lá vàng 

Biết làm sao, tôi chỉ có thể chọn một mà thôi 

Thân phận lữ hành, tôi đứng mãi 

Nhìn theo một lối rẽ bên này 

Đến tận nơi vệt đường khuất dạng sau bụi cây”

Đâu ai có thể sống hai hay nhiều cuộc đời, để rồi so sánh xem lựa chọn nào tốt hơn. Làm thế nào để biết đâu là lựa chọn tốt hơn khi tất cả những lựa chọn đó đều thuộc cùng một trường-giá-trị như nhau? Biết đâu một sự lựa chọn này lại dẫn đến những bước ngoặt lớn trong tương lai. Nào ai đoán biết được. Những giả thiết, những suy tưởng, sự không chắc chắn, sự hữu hạn vô thường của cuộc sống này, sự tự do một cách tương đối của những chọn lựa và khao khát cá nhân…tất cả đã làm nên những điều bí ẩn và hấp dẫn khắc nghiệt của cuộc sống. Không có lựa chọn nào đúng hoặc sai hoàn toàn. Nuối tiếc làm những mất mát và những điều đã lỡ trở nên càng đẹp đẽ và đáng khao khát. Dù lựa chọn con đường nào, ta cũng đã bỏ lỡ cơ hội để bước đi trên con đường còn lại.

Việc lựa chọn những gì mình có thể tự chủ động vốn đã khó đã gượng ép nhưng thậm chí còn là những lựa chọn bất đắc dĩ mà chính bản thân mình không nghĩ đến. Đó chính là những “tình huống lạ kì” theo lời tác giả nói. Những lựa chọn bất đắc dĩ mà người viết phải chọn như không chọn Pháp nhưng phải đi Pháp, tốt nghiệp kĩ sư dù chưa bao giờ nghĩ tới, cũng chưa bao giờ mơ tới quyền lực nhưng lại có những vị trí quyền lực. Nhân vật tôi tốt nghiệp kỹ sư nhưng điều lạ rằng ông chưa bao giờ làm kỹ sư mà lại làm đủ thứ nghề như chuyên gia tư vấn kinh tế, chuyên gia quy hoạch vùng, chỉnh trang lãnh thổ, kể cả việc buôn bán những công ty điện lực. Tất cả chưa từng được học qua lớp đào tạo chuyện nghiệp và chính quy nhưng bản thân ông vẫn cố gắng không ngừng nghỉ. Có thể nói rằng mặc dù đó là những con đường bất đắc dĩ hay con đường nhà văn chưa bao giờ chọn và cũng chẳng bao giờ chọn nhưng lại đem lại cho ông những thành công nhất định, những thành công mà nhiều người mong ước. Tác giả cũng cho rằng việc bằng cấp, học hành đôi khi không liên quan gì đến sự nghiệp sau này. Điều đó cho thấy quá trình học tập cho ta sự tư duy mà từ đó, nếu đặt bản thân vào bất kỳ công việc nào cũng có thể xử lý và làm việc được.

Thời gian của mỗi người là như nhau, chúng ta đâu biết hết tất cả những giá trị cũng như khả năng của bản thân mình, vì vậy cần nắm bắt và khám phá bản thân không ngừng nghỉ để có thể phát huy tối đa năng lượng, ưu điểm trong mỗi con người chúng ta. Cả quá trình chọn nghề nghiệp của tác giả thì đều do xô đẩy của người khác và cũng là con đường đi khám phá bản thân, tuy nhiên điều qua trọng tác giả đúc kết được là Thái độ hơn trình độ, giữ cho mình 1 thái độ đúng đắn là tiền thân cho thành công sau này. Giống như loài hoa anh đào trong “từ điển biểu tượng văn hoá thế giới” mang rất nhiều ý nghĩa và giá trị tinh thần to lớn trong văn hoá của người Nhật. Những giá trị ấy ngày càng được phát hiện thêm mỗi khi màu hồng của hoa trải màu khắp Nhật Bản.

Văn hoá phương đông đè nặng tuổi tác, những người nhiều tuổi thường được kính trọng hơn và được cho cái quyền dậy người ít tuổi hơn nhưng để dậy được cần phải làm được và kiến thức uyên thâm. Điều đó chỉ có được khi ta học hỏi không ngừng và cái thiện bản thân từng ngày, tư duy không nghỉ hưu và cố gắng sống tích cực, mang lại giá trị sống cho công đồng là tiên quyết cần hướng tới. Những con đường mà chúng ta chọn rồi cũng sẽ là thành công và hạnh phúc vì thành công và hạnh phúc không phụ thuộc vào con đường đã chọn mà vào tâm trạng của chính chúng ta, vào thành quả mà chúng ta gặt hái được. những lựa chọn của mỗi người trong cuộc sống có thể là quyết định từ sâu trong suy nghĩ của mình hoặc là quyết định không mong muốn, đôi khi bản thân như người vô hình trong sự lựa chọn ấy. Mỗi người luôn phải đưa ra những sự lựa chọn dẫn lối tương lai, đôi khi sự lựa chọn ấy chưa chắc đã là tương lai của bạn, số phận có thể sẽ đưa bạn đến với lối đi khác trong cuộc đời.

Có người đã từng nói với tôi rằng: Bạn không thể quyết định việc mình sinh ra ở đâu nhưng bạn hoàn toàn có thể quyết định mình sống như thế nào. Đúng như ý nghĩa của câu nói trên, tương lai của bản thân sẽ do chính mình tự quyết định, tương lai thành công và hạnh phúc hay thất bại và đau khổ không phải dựa vào may rủi mà nó phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta. Trong cuộc sống hiện tại và tương lai, chúng ta luôn phải đứng trước những ngã rẽ của cuộc đời, phải đưa ra những lựa chọn dù muốn hay không và những lựa chọn đó sẽ chính là bước đi tiếp theo của chúng ta. Để thành công trong cuộc sống, để tương lai tốt đẹp cần phải có trí tuệ sáng suốt để phân đoán, suy luận; có kĩ năng làm việc; có ý chí, nghị lực và quyết tâm cao để vượt qua mọi trở ngại, khó khăn; có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao mới tạo được niềm tin với người khác; có kĩ năng giao tiếp để nắm bắt cơ hội, để hợp tác chia sẻ trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay; có cơ sở vật chất ban đầu và có sự may mắn. Không biết đã bao nhiêu lần chúng ta buông tay từ bỏ khi mà chỉ cần một chút nỗ lực, một chút kiên trì nữa thôi là chúng ta sẽ đạt được thành công.

Tác giả Phan Văn Trường có giọng điệu vui tươi, hạnh phúc, có tâm trạng nhẹ nhõm và hài lòng với cuộc đời của mình, với những việc mình đã làm. Đan xen những lời tâm sự, bộc bạch ấy là các yếu tố biểu cảm ở những đoạn văn viết về suy ngẫm, đúc rút của người viết, những cảm xúc hạnh phúc, thỏa mãn của người viết khi nói về cuộc đời của mình. Có tác dụng của các yếu tố tự sự, biểu cảm là giúp cho bài viết thêm hấp dẫn hơn, giàu tính hình ảnh; người đọc có thể dễ dàng hòa vào suy nghĩ của người viết, cảm nhận được rõ hơn cảm xúc của người viết. bài viết là lời khuyên chân thành của một người đã sống và trải nghiệm muốn truyền tải đến người đọc rằng trong cuộc đời có nhiều lúc chúng ta phải lựa chọn, lựa chọn đó có thể làm thay đổi cuộc sống của chúng ta hoặc là thành công, hạnh phúc hoặc thất bại, đau khổ và điều đó tùy vào chính tâm trạng của chúng ta.

Nhà văn Aimatov đã từng nhận định rằng: “Một tác phẩm chân chính không bao giờ kết thúc ở trang cuối cùng”. Bởi lẽ khi trang sách đóng lại, tác phẩm mới thực sự đang sống, sống với những trăn trở và tình cảm của người đọc. Tác phẩm “Một đời như kẻ tìm đường” của nhà văn Phan Văn Trường thực sự đã cho ta một bài học đắt giá, những giá trị tinh thần mà tác phẩm đem lại đã góp phần giáo dục và định hướng mỗi chúng ta. Chỉ vậy thôi đã đủ tác phẩm sống đến muôn đời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *