Đề 9: Cảm nhận về nhân vật Xúy Vân thông qua đoạn trích “Xúy Vân giả dại” (Trích chèo Kim Nham)
Bài viết
Đau đớn thay thân phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
Câu thơ của Nguyễn Du mỗi lần cất lên đều như một điệp khúc rùng rợn giáng xuống cho thân phận người phụ nữ xã hội xưa, số phận bất hạnh, bi kịch kìm kẹp, cuộc đời đáng thương, những nỗi bất công dường như chẳng mấy gì xa lạ. Ở đó, người phụ nữ đều rơi vào một tâm thế chung, chán chường, đau khổ, dù xuất hiện những ý muốn phản kháng hay cố chạy thoát thực tại, chung quy đều chẳng thể thắng nổi hiện thực tàn ác, dần mất đi chính mình, mất đi tự do. Người phụ nữ bạc phận Xúy Vân trong “Xúy Vân giả dại” cũng chẳng thoát nổi cuộc đời bi kịch của mình, nỗi đau khôn xiết của nàng là những niềm đau khổ bởi số phận bị giằng xé giữa khát vọng tình yêu và hạnh phúc đối với hoàn cảnh sống khắc nghiệt.
“Kim Nham” là một trong số các vở chèo cổ kinh điển của nghệ thuật sân khấu chèo Việt Nam. Chèo cổ phản ánh đời sống vật chất, tâm hồn, tình cảm của con người trong xã hội phong kiến, phê phán các thói hư tật xấu, thể hiện sâu sắc tinh thần nhân văn. Là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp, có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa nói, hát, múa với sự hỗ trợ của các đạo cụ, nhạc khí dân tộc độc đáo, Chèo đã là trở thành một thể loại đặc sắc giúp con người truyền tải những tình cảm, những bức thông điệp ý nghĩa đối với cuộc sống. Đặc biệt với đoạn trích “Xúy Vân giả dại” ta thấy rõ ràng hơn một Xúy Vân – người phụ nữ với số phận bạc bẽo, nổi bật tâm trạng đau khổ của một cô gái đa tình mà thất tình, muốn dứt bỏ, đập phá mối quan hệ vợ chồng với Kim Nhan để chạy theo mối tình mới với Trần Phương – một Sở khanh mà nàng đâu biết. Xúy Vân là một cô gái đáng thương với số phận bất hạnh. Một người phụ nữ đảm đang, khéo léo múa điệu quay tơ, dệt cửi” với những ước mong, khát vọng hạnh phúc thật giản dị:
“Chờ cho bông lúa chín vàng
Để anh đi gặt, để nàng mang cơm”
Thế những Cuộc hôn nhân của Xuý Vân với Kim Nham là do cha mẹ sắp đặt vôi vàng, hoàn toàn không tình yêu đã làm cho nàng vụt mất đi niềm khát vọng còn chớm nở. Ban đầu về làm dâu, cô rất chăm chỉ, đảm đang, khéo léo vẫn một lòng nương náu về ước mơ giản dị ấy nhưng thật trớ trêu thay nàng lại gặp một người như Kim Nham – người theo đuổi mộng công danh, đỗ đạt để làm quan hằng ngày vắng nhà để lại một người vợ với nỗi cô đơn vây kín, chẳng có ai bầu bạn, cũng không người chia sẻ “gà rừng ăn lẫn với công – Đắng cay chẳng có chịu được ức…” – như con gà rừng ngu ngơ, lạc lõng, đành chịu cay đắng giữa bầy công cao sang, xa lạ.. Bi kịch của Xuý Vân bắt đầu từ đó. Đến khi gặp Trần Phương, tưởng gặp được tri kỷ, tìm được tình yêu, hạnh phúc, nhưng thực ra lại là một gã trăng gió bịp bợm, một người phụ nữ ngây thơ có lẽ vì đã quá buồn khổ đã quá cô đơn, đã quá khao khát mà vội làm trò giả điên giả dại, coi đó là cách để giải thoát tốt nhất cho cuộc đời mình, vội vàng bất chấp tất cả để hướng tới một tình yêu mà mình tin tưởng, cho đến khi tình cũng chẳng đến đâu mà đời cũng thật khốn cùng, nàng phụ tình Kim Nham, cũng phụ cuộc đời của mình quá ghẻ lạnh. Nàng ta từ chỗ giả điên đến điên thật, những cảm giác khi gặp lại người cũ Kim Nham nhục nhã đau khổ xen lẫn, nàng lưa chọn cái chết, một cách giải thoát thanh thản nhất của người phụ nữ đối với xã hội cũ lúc bấy giờ.
Tâm trạng của Xúy Vân dần được xuất hiện trong mấy câu mở đầu:
Đau thiết thiệt van
Than cùng bà Nguyệt
Đánh cho tê liệt
Chết mệt con đồng
Bắt đò sang sông
Bớ đò, bớ đò
Tôi kêu đò, đò nọ không thưa
Tôi càng chờ càng đợi, càng trưa chuyến đò
Qua tiếng chờ đò, trong điệu hát con gà, trong lời than, lời hát ngược, cô nàng quay cuồng với tâm trạng dở tỉnh dở điên, dở ngây dở dại. Nàng day dứt về những việc mình làm, nhưng có khi tự thấy mình đã lỡ làng, dở dang, bẽ bàng. Cất tiếng than trách duyên số rồi réo cô đồng, rồi cất tiếng hát nói về con đò, con đò tình duyên của một cô gái chờ chồng, đợi chồng đi xa. “Càng trưa chuyến đò”, có khi là tâm trạng của người phụ nữ tự thấy mình lạc lõng, cô đơn, vô nghĩa trong gia đình chồng. Nàng còn trách duyên trách phận, duyên phận dắt díu, ràng buộc họ với nhau, nhưng khát vọng của họ không gặp nhau. Những câu nói ngược, đầy những phi lí, nghịch dị khơi gợi về một thực trạng nội tâm xáo trộn, bất ổn, đầy trớ trêu. Buồn và lo vì tuổi xuân sẽ trôi qua, như kẻ đứng trên bến vắng chờ đò “càng trưa chuyến đò”. Tâm trạng “nổi loạn” ấy của Xuý Vân cho đến nay vẫn còn làm cho nhiều khán giả ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Phải chăng đó là sự “bứt phá” đạo tam tòng tứ đức lễ giáo phong kiến của một người con gái đang “nổi loạn”?
Con gà rừng, con gà rừng ăn lẫn với công,
Đắng cay chẳng có chịu được, ức!
Mà để láng giềng ai hay?
Bông bông dắt, bông bông díu,
Xa xa lắc, xa xa líu
Láng giềng ai hay, ức bởi xuân huyên.
Chờ cho bông lúa chín vàng,
Để anh đi gặt, để nàng mang cơm.
Bông bông dắt, bông bông díu,
Xa xa lắc, xa xa líu,
Láng giềng ai hay, ức bởi xuân huyên.
Những nỗi thất vọng cứ đè nén mãi thân phận tội nghiệp ấy, phải làm sao trước mâu thuẫn giữa ước mơ hạnh phúc gia đình đầm ấm với thực tế bị chồng xao nhãng, bỏ bê vì mải mê đèn sách. Nàng cảm thấy ấm ức, cô đơn, quẫn bách, nỗi tủi phận vì những áp lực tứ phía, khó khăn đè lên đôi vai nàng, không một ai bên cạnh, không một ai chia sẻ. Dường như rơi hoàn toàn rơi vào trạng thái điên dại, hỗn loạn, rối bời, mất phương hướng. Những nỗi mất mát, nỗi đau giằng xé cứ quặn lên, thắt lại làm cho nàng lại thêm đau khổ, chật vật hơn bao giờ hết. Ai mà chẳng muốn sống cuộc đời bình yên hạnh phúc, ai mà chẳng có ước mơ khát vọng, tất cả những gì mà Xúy Vân muốn dường như cũng chỉ là những thứ bình dị nhất, nhỏ nhoi nhât thế nhưng xã hội cuối cùng cũng khiến nàng toại nguyện, hy vọng rồi thất vọng và sau đó là hoàn toàn tuyệt vọng tìm cách giải thoát. Thử hỏi có đáng không? Một người phụ nữ đảm đang, hiền lành nhưng hết lần này đến lần khác rơi vào tình cảnh bế tắc, tù đọng đầy bất trắc chẳng có đường thoát thân:
Con cá rô nằm trong vũng chân trâu
Để cho năm bảy cần câu châu vào
Câu thơ phản ánh nỗi đau khổ bất mãn đối với số phận người phụ nữ đồng thời còn rõ ràng phản ánh sức nặng của áp lực từ nhiều phía, về những nỗi đau đớn mà họ đang phải đối diện. Những câu hát điên dại của Xuý Vân không phải tất cả đều là điên dại, ngược lại phần lớn đều là những lời cay đắng tự trong tâm can nàng, phản chiếu niềm khao khát mãnh liệt của một tâm hồn trẻ trung, muốn giao cảm với đời. Cô đã mượn lời nói khi điên dại, khi bóng gió để thê hiện nỗi lòng và bộc lộ tâm trạng của mình, điều mà khi tỉnh không một người phụ nữ nào trong xã hội phong kiến xưa đủ can đảm bộc lộ. Xã hội phong kiến thối nát đã đối xử với con người đặc biệt là người phụ nữ như thế nào? Những hủ tục bất công, phong tục vô lí đã đẩy những con người ấy dần vào một khuôn mẫu, để khi có nhiều người dù hồng nhan nhưng bạc mệnh, sống như một cái xác không hồn. Xúy Vân là kết quả của lỗi suy nghĩ lạc hậu “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, quan niệm tam tòng, không cho Xuý Vân tháo cũi sổ lồng, tự do yêu đương để được hưởng hạnh phúc. Bi kịch mà nàng phải đối mặt từ đầu không phải do nàng đáng nhận lấy, về sau cũng chỉ vì một lòng hướng tới tình yêu, mơ mộng về hạnh phúc lứa đôi nên mới dại dột tin người. Vậy Xúy Vân đáng thương hay đáng trách? Không được tự mình lưa chọn hạnh phúc cho chính mình, yên vị theo sự sắp đặt vội vàng của ba mẹ, cuộc hôn nhân không tình yêu, không sự chia sẻ, nàng rõ ràng đã chấp nhận làm dâu thảo, một người vợ tốt, người phụ nữ đảm đang, khéo léo, đẹp người đẹp nết. Xúy Vân cũng là một cô gái thôn quê bình thường và những ước mơ, khát vọng nhỏ bé giản dị về một gia đình có vợ có chồng đầm ấm, hạnh phúc, chồng cày vợ cấy, đến mùa lúa chín thì sẽ cùng chồng làm nương, làm ruộng. Nhưng những điều ấy lại không được, chồng và gia đình chồng nàng có mộng công danh, ước mơ đỗ đạt làm quan. Trong lúc lạc lõng nhất, nàng gặp Trần Phương, cái người mà cô coi như tri kỉ, tri âm, người cảm thông với mình. Suy cho cùng quyết định giả dại mà ra đi của Xúy Vân cũng chỉ là hành động bồng bột khi cuộc sống đã quá bất hạnh, khi đã quá khát khao giải thoát thực tại. Ta nhận ra rằng khát vọng tình yêu tự do đều không hề tồn tại trong thế giới của một xã hội phong kiến thối nát với tư tưởng lạc hậu, bất công, hoàn toàn trói buộc số phận người phụ nữ. Xúy Vân chính là nạn nhân đáng thương của một xã hội như thế. Cái chết của nàng là kết cục bi thảm của một nhân vật bi kịch, đó đã làm cho cảm hứng nhân đạo thấm sâu vai chèo, màn chèo. Cái bánh vẽ tình yêu mà Trần Phương trao cho Xuý Vân, nàng tưởng là ngọt ngào nhưng vô cùng cay đắng, đây chính là hiên thưc tàn khốc chỉ với vài sơ hở đã khiến con người tan nát cõi lòng.
Màn chèo “Xuý Vân giả dại” đã thể hiện sâu sắc quan niệm của nhân dân về tình yêu lứa đôi, về sự đau khổ dại khờ trong tình yêu lứa đôi. Câu hỏi được đặt ra: “Thế nào là tình yêu hạnh phúc gia đình chân chính?” cứ xoáy sâu mãi vào những người yêu thích chèo Kim Nham. Xúy Vân cũng chính là hiện thân tiêu biểu cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến thối nát kia, một người với những khát khao cháy bỏng nhưng chẳng thể sống một cuộc sống viên mãn.