Phân tích và nêu ý nghĩa của văn bản thông thông tin ” Về chính chúng ta” (trích)

Robot Sophia-Robot đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới từng khiến con người ta phải xôn xao bởi câu hỏi: “Làm thế nào anh biết anh là một con người?”. Có lẽ điều khiến chúng ta trở thành con người chính là nhận thức, tri thức, tình cảm… điều mà những robot tân tiến với triệu giải phổ cảm xúc cũng chưa thể có được. Có những đặc điểm ấy nhưng con người còn có rất nhiều thứ chưa hiểu và thứ ít hiểu nhất là chính con người. Một ý nghĩ thật kì lạ nhưng thật sự là như vậy, con người lại chẳng hiểu nhiều về chính mình. Minh chứng đã được Carlo Rovelli chỉ ra trong tác phẩm “Về chính chúng ta”.

Nhắc tới Carlo Rovelli người ta sẽ nhớ ngay đến hình ảnh một nhà vật lí học lý thuyết tài ba đồng thời cũng là một nhà văn. Ông cũng nghiên cứu sâu về lịch sử và khoa học triết học. Những công việc này đã giúp ông có một tri thức tổng hợp rộng lớn và cái nhìn toàn diện, sâu sắc về vũ trụ và đời sống. Chính vì có cái nhìn toàn diện và sâu sắc nên ông đã không ít lần đưa ra những câu hỏi khiến con người ta phải cảm thấy băn khoăn đồng thời cảm thấy bị ông đánh trúng vào điểm yếu của chính mình. Không đâu khác, điều đó nằm trong cuốn sách nổi tiếng của ông 7 bài học hay nhất về vật lí được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2014. Và đoạn trích “Về chính chúng ta” có lẽ mang dấu ấn mạnh mẽ nhất khi nói về cái vốn “hiểu biết” của con người.

Văn bản mở đầu bằng những câu hỏi được tác giả đặt ra, những câu hỏi ít người để ý đến, ít ai có thể trả lời mà không có sự băn khoăn, suy nghĩ. Chúng ta có vai trò gì khi không là con người với những bản năng được hình thành trong thế giới vĩ đại mà vật lí đương đại mô tả? Cùng với rất nhiều câu hỏi khác nhưng cuối cùng vẫn là dấu hỏi chẩm và với năm chữ “chúng ta là gì đây?”. Phép điệp trong văn bản là điệp từ “chúng ta”, nhằm làm nổi bật vấn đề trong văn bản, vấn đề về con người, các suy nghĩ, niềm tin, tư tưởng của con người. Phép điệp từ “chúng ta” còn nhấn mạnh đối tượng chính của văn bản là chúng ta. Con người ta chưa bao giờ để ý đến câu hỏi ấy nhưng khi được hỏi lại loay hoay trả lời một cách qua loa và thể hiện ra cái vẻ mình chẳng hiểu gì về câu đó cả. Đó chẳng phải là một câu hỏi rất bình thường hay sao! Bởi vốn con người ta sinh ra đã vậy, đã là một bản thể sống. Nhưng tác giả lại cho rằng “đó là một câu hỏi khó” mà không thể trả lời được trong vài trang giấy. Và đó cũng là lí do tại sao Carlo Rovelli cho rằng con người có rất nhiều thứ chưa hiểu và thứ ít hiểu nhất là chính con người.

Xã hội ngày một đi lên theo quy luật tiêu trưởng thăng trầm của cuộc sống cho nên khi đặt ra câu hỏi này mà con người phớt lờ nó thì chẳng khác nào phớt lờ đi cái cốt lõi của con người và đời sống. Carlo Rovelli thực sự đã mạng cho chúng ta “một đôi mắt khác” chứ không còn là một cái nhìn khác nữa, bởi vì khi con người ta không biết mình là ai thì dưới góc độ nào thì đó cũng là một cái nhìn hạn hẹp. Khi nói về bản chất con người, C.Mác đã đưa ra một định nghĩa nổi tiếng: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”. Và có thể nói trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên thì con người là “chủ thể”, quan sát thế giới với tư cách là người trong cuộc. Trong quan điểm của nhà văn con người là một phần của thế giới, nằm trong nó và quan sát nó. Niềm tin, tư tưởng, tín ngưỡng của con người đều được hình thành từ sự quan sát bên trong thế giới, gắn với thế giới. Vậy nên con người chỉ là một phần rất nhỏ bé của vũ trụ to lớn này.

Tác giả đã trình bày quan điểm về mối quan hệ giữa con người với thực tại từ góc nhìn bên trong, góc nhìn của con người là một phần thế giới, gắn với thực tại. Tác giả nêu lên những thứ có thực, những thứ hiện hữu ở thực tại và nó liên quan đến con người. Thái độ của tác giả với quan điểm này là một thái độ đồng ý, chấp nhận quan điểm này và chứng minh sự đúng đắn của nó. Ở trong mọi hình thái ý thức xã hội thì con người luôn là đối tượng trung tâm đặt trong đời sống. Giống như một vòng liên đới, con người đứng bên trong quan sát thế giới đồng thời chính thế giới tác động đến các hình thái ý thức xã hội và cuối cùng con người vẫn được đặt ở trung tâm. Tuy con người ở trung tâm nhưng lại không nhận thức được điều ấy. Con người nghĩ rằng mình đã hiểu hết thế giới nhưng sự thật là chỉ hiểu một phần nhỏ của thế giới. Khả năng nhận thức thế giới của con người chưa đủ để con người coi mình là trung tâm, là chúa tể. Tác giả cho rằng con người cần nâng cao hơn khả năng nhận thức thế giới, từ đó qua cái nhìn chủ quan của con người thế giới khách quan luôn đa dạng muôn màu, dọc ngang những chiều hướng khác nhau. Thế giới giống như biển cả tưởng chừng như đơn giản, tĩnh lặng nhưng thật ra bên trong vẫn âm thầm cuộn lên những đợt sóng ngầm.

Người tối cổ biết hái lượm, săn bắt và biết sống theo bầy đàn tiên tiến hơn là những lớp người biết quan sát tự nhiên và biết lưu giữ tri thức. Chung quy lại mối quan hệ giữa “chủ thể” và “khách thể” là không thể dứt ra, bởi bậy cho nên Carlo Rovelli mới cho rằng: “Tri thức của chúng ta chung quy đều phản ánh thế giới” Tác giả cho rằng Tri thức của con người phản ánh thế giới. Mọi vật trong thế giới đều có sự tương tác, trao đổi thông tin về nhau. Điều đó là hoàn toàn có cơ sở khi bằng chứng về sự thông tin về nhau của tự nhiên như một giọt mưa chứa thông tin về sự xuất hiện của đám mây đen, áo hiệu trời mưa; đồng hồ chưa thông tin về thời gian trong ngày giúp ta xác định giờ làm việc; gió mang thông tin về cơn bão sắp đến để ta phòng tránh;… và cuối cùng là não của con người chính là nơi chứa tất cả những thông tin được tích lũy qua kinh nghiệm.

Con người đã tiến hoá từ người vượn hoá thạch rồi trả qua hàng triệu năm phát triển đã tiến hoá thành người tinh khôn như hiện tai. Trong suốt cả một quá trình dài hình thành ý thức về toàn bộ đời sống ấy đều gắn liền với tự nhiên, với thế giới. Hình ảnh nổi bật được sử dụng để nói về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên là hình ảnh “nhà”, hình ảnh thể hiện mối liên kết, mối quan hệ mật thiết giữa con người và tự nhiên, hình ảnh gần gũi và dễ hình dung nhất cho con người. Nhận định “Tự nhiên là nhà của chúng ta, và sống trong tự nhiên nghĩa là chúng ta đang ở nhà của mình” của tác giả là đúng đắn. Tự nhiên và con người có mối quan hệ gắn bó với nhau không thể tách rời, hai đối tượng có sự ảnh hưởng lẫn nhau. Tự nhiên là nơi con người cư trú, nơi con người khám phá, học hỏi, thỏa mãn cái sự hiếu kì bẩm sinh của mình. Con người không thể sống mà thiếu tự nhiên cũng như con người không thể sống mà không có nhà – nơi để ở. Con người không thể tách khỏi tự nhiên; các giá trị đạo đức, tình yêu của con người đều mang tính hiện thực. Giá trị cảm xúc của con người làm nên xã hội và cũng là biểu hiện của tự nhiên. Tự nhiên là nhà của con người, thế giới đa dạng, đầy màu sắc là nơi con người học hỏi, cư trú, nơi tìm hiểu và thỏa mãn sự hiếu kì bẩm sinh của con người.

Việc đưa ra những dẫn chứng khách quan và giọng văn đậm chất khoa học, triết lí Carlo Rovelli thực sự đã khiến mỗi chúng ta khi đọc “Về chính chúng ta” bị thuyết phục ngay lập tức. Cùng với đó là sự kết hợp uyển chuyển với những biện pháp nghệ thuật như việc miêu tả sự trao đổi thông tin trong tự nhiên, thông tin từ giọt mưa, tia sáng, đồng hồ, gió,… và hình ảnh “nhà” trong mối quan hệ giữa tự nhiên và con người. Yếu tố miêu tả giúp người đọc hình dung rõ hơn về các bằng chứng được nêu trong đoạn văn, đoạn văn thêm phần sinh động hơn.Tác giả bày tỏ cảm xúc, quan niệm về con người và tự nhiên, đặt ra những câu hỏi mở đầu vấn đề cũng như suy nghĩ của bản thân về vấn đề này. Yếu tố biểu cảm được sử dụng khi nêu những luận điểm chính, thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của tác giả góp phần làm rõ hơn luận điểm, người đọc cũng tiếp cận vấn đề dễ hơn.Biện pháp tu từ được sử dụng là biện pháp điệp từ “chúng ta”. Tác giả sử dụng biện pháp điệp từ xuyên suốt văn bản để nhấn mạnh đối tượng của vấn đề là chúng ta – con người, làm rõ hơn về các mối quan hệ giữa con người với thực tại, con người với thế giới và con người với tự nhiên.

Văn bản viết về những vấn đề liên quan đến con người, những mối quan hệ giữa con người với thực tại, tự nhiên và thế giới cùng với những nhận thức mà con người cần có. Để hành trang cuộc sống của mình được đầy đủ hơn, tôi muốn mang theo mình nhận thức về khả năng hiểu biết thế giới, củng cố thêm những kiến thức cần thiết về cuộc sống. Con người là một phần của thế giới và tự nhiên, không thể tách rời với thế giới, con người quan sát thế giới từ bên trong để tìm hiểu những thứ thú vị hơn. Hiểu biết thế giới là một thứ không thể thiếu trong hành trang cuộc sống để cuộc sống đầy đủ hơn, kinh nghiệm sống phong phú hơn. Nhận thức thế giới của con người còn rất nhiều sự thiếu sót, con người nghĩ mình là trên hết, là trung tâm nhưng thực ra con người chỉ là một phần rất nhỏ bé của thế giới này. Con người tìm hiểu thế giới và những tri thức học được cũng phản ánh thế giới này. Việc nhận thức thế giới, tìm hiểu thế giới giúp ta nâng cao khả năng hiểu biết, củng cố thêm kho tàng tri thức của bản thân và đặc biệt giúp ta có thêm kĩ năng sống, kinh nghiệm sống hữu ích.

Sau khi trải nghiệm cùng Carlo Rovelli ta như được kiểm điểm chính bản thân mình đồng thời được khai sáng và mở mang cách nhìn nhận, hơn thế là hiểu chính con người mình hơn. Cho nên tất cả mọi người, thế hệ trẻ và bản thân mỗi cá nhân cần phải có ý thức hơn nữa về chính bản thân xã hội. Để ta sống một cách có ý nghĩa sống mà không đơn giản là tồn tại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *