Thế giới ta từ xưa đến nay vẫn luôn không ngừng cải tiến, dù từ thời sơ khai nguyên thủy con người cũng luôn xoay theo trục phát triển và ngày càng đạt những thành tựu nhất định kể cả những giá trị vật chất hay các hình thức văn hóa tinh thần. Khi con người đã bắt đầu muốn tìm hiểu về cuộc sống, khi đã dần có thắc mắc, ham muốn chinh phục về vũ trụ, về thế giới, truyện thần thoại ra đời đóng vai trò như là một cuốn sách vạn năng giúp con người lí giải và tìm tòi sâu hơn, đánh dấu những bước trưởng thành trong nhận thức, tư duy cùng ý thức của nhân loại.
Truyện thần thoại Việt Nam là tập hợp những truyện kể dân gian về các vị thần, các nhân vật anh hùng, các nhân vật sáng tạo văn hóa, phản ánh quan niệm của người thời cổ về nguồn gốc thế giới và đời sống con người. Về bản chất Thần thoại là một hình thức văn hóa tinh thần ra đời trong các xã hội nguyên thủy. Người nguyên thủy có khuynh hướng diễn đạt cái trừu tượng bằng cái cảm tính, cụ thể, do kém phát triển về mặt trừu tượng hóa. Bởi vì tư duy nguyên thuỷ chưa phát triển năng lực phân biệt, người nguyên thuỷ chưa phân biệt được cái chủ quan và khách quan, vật chất và tinh thần… Những đặc điểm tư duy trên tạo thành lối tư duy thần thoại. Tư duy thần thoại được cụ thể hóa thành những quan niệm và truyện kể thần thoại. Thần thoại Việt hình thành trước hết do nhu cầu nhận thức và lý giải các hiện tượng tự nhiên (Thần Trụ Trời, Thần Sét, Thần Gió …). Nó cũng hình thành do nhu cầu nhận thức và lý giải xã hội.
“Thần thoại là hình thức sáng tác của con người thời đại xa xưa, nó thể hiện ý thức muốn tìm hiểu vũ trụ, lí giải vũ trụ và chinh phục vũ trụ của con người” (Vũ Ngọc Khánh). Thần thoại bao gồm những truyện kể dân gian về các vị thần, những nhân vật anh hùng, các nhân vật sáng tạo văn hóa, phản ánh nhận thức, cách lí giải của con người cổ đại về các hiện tượng trong thế giới tự nhiên và xã hội, phản ánh quan niệm của người thời cổ về nguồn gốc của thế giới và của đời sống con người, ý nghĩa tín ngưỡng hay các lễ nghi tôn giáo, những chiến công của các vị thần hay người anh hùng có hình dạng và hành động phi thường, có khả năng biến hóa khôn lường. Có thể nói truyện thần thoại được xây dựng bằng những hình ảnh,chi tiết không có thực mà chỉ là hư ảo do con người tưởng ra dựa trên quan niệm về sự tiến hóa loài người mà sau này chỉ có các nhà khoa học mới giải thích được. Đó là những quan niệm theo lối duy vật từ thời xa xưa khi bắt đầu có loài người trên Trái Đất. Nhằm phản ánh quá trình sáng tạo văn học con người thời cổ đại. Thần thoại đã tạo nên cho con người Việt Nam nếp cảm, nếp nghĩ, nếp tư duy đầy hình tượng phóng đại và khoáng đạt. Ở thần thoại, đặc biệt, ta còn có thể nhận ra chức năng thẩm mỹ của nó. Đó là sự thể hiện cái hoang đường của nhận thức là trí tưởng tượng lãng mạn và khát vọng đẹp đẽ vươn tới chinh phục tự nhiên.Từ đó, thần thoại đã sáng tạo ra những hình tượng nghệ thuật thẩm mỹ cao – dù sự sáng tạo này không phải lúc nào cũng là tự giác.
Trong văn bản “Truyện kể về các vị thần sáng tạo thế giới” ta sẽ nhận được lời lí giải về thiên nhiên qua hình ảnh của “thần Trụ Trời” với kích thước khổng lồ không thể miêu tả nổi, lấy sự đồ sộ, hùng vĩ của thiên nhiên cũng không so sánh được: “Thần cao lớn vô cùng, chân dài không sao tả xiết, mỗi bước đi là băng từ vùng này qua vùng khác, vượt từ núi nọ sang núi kia”. Các chi tiết này tạo nên sự ngưỡng mộ cảm phục. Nhân dân tin rằng, con người đạt được những chiến công khổng lồ thì cũng phải khổng lồ từ thể xác lẫn tầm vóc. Công việc thần làm rất lạ lùng: Đội trời lên, đưa cột cao chống trời, phá cột chống trời, tạo ra sông núi biển cả. Đấy là những công việc quy mô, vĩ đại, tạo thiên lập địa, xây dựng cõi thế gian đúng theo quan niệm về vũ trụ (Trời tròn, đất vuông) của người xưa. Thần xuất hiện như một người lao động miệt mài, với những công việc bản tính rất quen thuộc của người lao động: đào đất, khuân đá, đắp cột, hì hục đạo đắp. Hình tượng thần là hình tượng liên tục lao động, liên tục sáng tạo. Kì tích, kết quả lao động của thần động lại ở hình ảnh rất kì vĩ nên thơ: “Cột đắp lên cao chừng nào thì trời như tấm màn rộng mênh mang lên chừng ấy. Cột đắp cứ cao dần, cao dần và đẩy vòm trời lên tận mây xanh”. Hình ảnh đã khái quát công sức chiến công lao động của thần. Công sức chiến công ấy cao lớn, bao la như bầu trời, phải lấy đất thăm thẳm mênh mông, vĩnh hằng mới đo được. Và như thế, hình ảnh bầu trời, mặt đất, biển cả trong truyện cũng chính là sự bất tử hóa vị thần thần tạo dựng ra thế giới. Như thế, Thần Trụ Trời, qua nghệ thuật hư cấu, phóng đại của thần thoại là vị thần khởi thủy của bách thần, có hình dạng, có sức mạnh, tài năng tuyệt vời, công lao bao trùm cả trời đất và muôn loài.. Bên cạnh đó, Thần Sét và thần Gió cũng được miêu tả rất vĩ đại. Thần Sét “có mặt mũi rất nanh ác, tiếng quát tháo rất dữ dội. Thần chuyên một việc thi hành luật pháp ở trần gian. Hành động của thần phản ánh sự thịnh nộ của Ngọc Hoàng. Thần có một lưỡi búa đá. Khi xử án kẻ nào dù là người, là vật, là cây cỏ thì thần tự mình nhảy xuống tận nơi trỏ ngọn cờ vào đầu tội nhân rồi dùng lưỡi búa bổ xuống đầu. Có xong việc, thần không mang lưỡi búa lên mà quẳng luôn tại đó. Thần thường ngủ về mùa đông, vào khoảng tháng hai, tháng ba mới dậy làm việc.” Tính thần sét rất nóng nảy Hễ Ngọc Hoàng sai là đi ngay, hễ thấy là đánh liền cho nên cũng có lúc làm cho người vật chết oan. Còn thần Gió “Thần Gió có một hình dạng kì quặc. Thần không có đầu”. Thần Gió sẽ làm gió nhỏ hay bão lớn, lâu hay mau tùy theo lệnh của Ngọc Hoàng. Khi thần Gió phối hợp với thần Mưa, có khi cả thần Sét nữa cùng hoạt động là những lúc đáng sợ nhất. Thỉnh thoảng thần xuống hạ giới chơi vào những buổi tối trời. Đó là lúc giữa đồng bằng tự nhiên nổi lên trận gió xoáy, dân gian thường gọi là thần Cụt Đầu.- Mục đích của việc tạo ra nhân vật đứa con của thần Gió là để giải thích cho hiện tượng có những trận gió đột ngột xuất hiện không có chủ đích, nguyên do và từ đó liên kết truyện theo mạch logic giải thích việc cây ngải gió, báo hiệu trước được gió thông qua việc “bông câu ngải cuốn lại” và cây ngải thường chữa được cho người bị cảm gió. Đây đều là những vị thần mang sức mạnh vĩ đại và có công lớn cho sự hình thành và phát triển của con người qua bao thời kì, như là những trụ cột của vũ trụ, của thiên nhiên tác động lên đời sống hằng ngày của con người. Hình tượng các vị thần giải thích tự nhiên, giúp người xưa nhận thức tự nhiên, trả lời các câu hỏi: Tại sao? Như thế nào? Ví dụ : tại sao có trời đất, có vũ trụ muôn loài, tại sao có sấm chớp, tại sao có gió, con người đã được sinh ra như thế nào…Thần thoại suy nguyên là một phương thức nhận thức thực tại khách quan, tìm cách lí giải chúng. Thế giới tự nhiên có trước, hình thành trước khi con người xuất hiện và chúng xuất hiện đều có nguyên do của nó. Con người thông qua hình tượng thế giới tự nhiên được xây dựng để thể hiện khát khao chinh phục, cải tạo, chế ngự được thế giới tự nhiên.
Thần thoại đối với người xưa không chỉ là nghệ thuật mà là tất cả tri thức về thế giới được phản ánh trong đó. Tác giả Đỗ Bình Trị trong cuốn “ Phân tích tác phẩm văn học dân gian” cho rằng “Những mẫu chuyện về sự tích các thần cổ đại luôn luôn chứa đựng những hiểu biết thực tế và ngoại giới và những kinh nghiệm thực tế tích lũy được trong cuộc sinh tồn của các công đồng người thời cổ”, “ Thần thoại diễn tả dưới hình thức những khái quát hóa nghệ thuật rộng lớn, những ước mơ ban đầu của tổ tiên chúng ta muốn chế ngự các sức mạnh của tự nhiên”, tác giả cũng trích dẫn ý kiến của M.Gorki: “ Ở phía dưới mỗi sự vươn lên của trí tưởng tượng cổ đại đều có thể dễ dàng tìm thấy động lực của nó, mà cái động lực ấy thì bao giờ cũng là ước vọng của loài người muốn làm cho lao động của mình được nhẹ nhàng hơn”. “Thần thoại phản ánh nhận thức non nớt, sai lệch, đầy đủ tính chất hư ảo của người thời cổ về thế giới cũng như bản thân con người đồng thời thể hiện sự bất lực của họ trước các sự vật, hiện tượng mà không thể hiểu nổi”. “Thần cũng có một thế giới cũng như thế giới của loài người và nhiều khi họ tác động rất nhiều đến thế giới con người” đó là niềm tin để con người sáng tạo thế giới thần thoại và cho rằng thế giới ấy có linh hồn. Có nhận thức ấy là bởi khi sáng tạo hình tượng thì người xưa đã thổi hồn vào đấy, một cách gửi gắm nhận thức, thế giới tâm hồn của con người trong thần thoại. Điều mà thần thoại làm được không ai có thể phủ định. Thông qua thần thoại, con người tiếp cận được và nhận thức được mọi sự vật, hiện tượng và bản chất của chúng trong thế giới này. Thần thoại không chỉ giúp cho con người nhận biết thế giới, mà còn giúp cho con người thấy rõ phương thức tồn tại của chính con người trong thế giới ấy và điều quan trọng hơn ,khi hồi tưởng, nhớ lại và tái hiện thế giới ấy, con người có khả năng thực hiện những gì mà các vị thần hay các bậc anh hùng đã từng thực hiện và ngày càng tiến gần đến chỗ có thể nhận biết được những điều bí ẩn, thiêng liêng của thế giới này. Không chỉ thế, với con người, thần thoại được coi là cái đã định trước cho con người những khuôn mẫu ứng xử nhất định, một trong những điều kiện sống cho con người. Thần thoại đề cao những đạo đức lớn lao của con người: tình yêu quê hương, đất nước đồng bào, đồng loại đến tình cảm gia đình tình mẫu tử, vợ chồng, anh em, cha con thủy chung son sắt. Chính vì những đặc điểm này đã hình thành trong tư tưởng con người những đức tính tốt đẹp, hướng về cái đẹp, sống hạnh phúc trong gia đình, xã hội. Thế giới trong thần thoại là thế giới thẩm mỹ với những hình tượng mỹ quan đem đến cho người đọc thêm gốc nhìn về thế giới tươi đẹp, khác lạ.
Trải qua các thời kì lịch sử khác nhau nhưng thần thoại vẫn còn giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay. Điều đó chứng tỏ được một sức sống lâu bền của dòng văn học này trong nên văn hóa nhân loại đồng thời trở thành một kho tàng, một giá trị bất tử muôn đời sau. Mãi mãi về sau thần thoại vẫn còn nguyên giá trị.