Đề thi về bài Tình thứ nhất của Xuân Diệu , Gửi hương cho gió

ĐỀ VỀ THƠ LỚP 10

(Giới hạn: Thơ Đường luật, thơ mới)

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm) THEO ĐÚNG MA TRẬN CỦA BỘ

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

          TÌNH THỨ NHẤT

Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất,
Anh cho em, kèm với một lá thư.
Em không nhận, và tình anh đã mất
Tình đã cho không lấy lại bao giờ.

Thư thì mỏng như suối đời mộng ảo;
Tình thì buồn như tất cả chia ly.
Giấy phong kỹ mang thầm trong túi áo;
Mãi trăm lần viết lại mới đưa đi.

Lòng e thẹn cũng theo tờ vụng dại,
Tới bên em, chờ đợi mãi không về.
Em đã xé lòng non cùng giấy mới,
– Mây đầy trời hôm ấy phủ sơn khê.

Cũng may mắn, lòng anh còn trẻ quá.
Máu mùa xuân chưa nở hết bông hoa;
Vườn mưa gió còn nghe chim rộn rã,
Anh lại còn yêu, bông lựu, bông trà.

Nhưng giây phút đầu say hoa bướm thắm,
Đã nghìn lần anh bắt được anh mơ
Đôi mắt sợ chẳng bao giờ dám ngắm,
Đôi tay yêu không được nắm bao giờ.

Anh vẫn tưởng chuyện đùa khi tuổi nhỏ,
Ai có ngờ lòng vỡ đã từ bao!
Mắt không ướt, nhưng bao hàng lệ rỏ
Len tỉ tê thầm trộm chảy quay vào.

Hoa thứ nhất có một mùi trinh bạch;
Xuân đầu mùa trong sạch vẻ ban sơ.
Hương mới thấm bền ghi như thiết thạch;
Sương nguyên tiêu, trời đất cũng chung mờ.

Tờ lá thắm đã lạc dòng u uất,
Ánh mai soi cũng pha nhạt màu ôi,
Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất
Anh cho em, nên anh đã mất rồi!

( Xuân Diệu, Gửi hương cho gió, NXB Hội nhà văn, 1992)

Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản trên?

– Thể thơ: thơ bảy chữ

Câu 2: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?

– Nhân vật trữ tình là “anh” trong bài thơ.

Câu 3: chỉ ra các phương thức biểu đạt được sử dụng trong bài thơ?

– Các phương thức biểu đạt: biểu cảm, tự sự, miêu tả, nghị luận

Câu 4: Chỉ ra yếu tố tự sự trong khổ thơ thứ nhất?

– yếu tố tự sự trong khổ 1:

+ “Anh” gửi cho em bức thư tỏ tình

+ “Em” từ chối tình yêu của “anh”

+ “Anh” rơi vào trạng thái thất tình

Câu 5: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ  trong 2 câu thơ :

Thư thì mỏng như suối đời mộng ảo;
Tình thì buồn như tất cả chia ly.
– Biện pháp tu từ: so sánh (câu 1, 2); ẩn dụ “suối đời mộng ảo”; điệp cấu trúc

– Tác dụng:

+ Tăng sức gợi hình, gợi cảm, hấp dẫn, sinh động cho sự diễn đạt

+ Hình ảnh ẩn dụ “suối đời mộng ảo” thể hiện sự mong manh của tình yêu; so sánh tình yêu với sự chia ly để diễn tả nỗi buồn vô hạn trong lòng
Câu 6: Nêu chủ đề của bài thơ?

– Chủ đề: bài thơ là nỗi buồn, nỗi tiếc nuối của tác giả về một tình yêu đầu đời trong sáng, ngây thơ nhưng không thành

Câu 7: câu thơ  “Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất” được lặp lại ở vị trí khổ đầu và khổ cuối bài thơ có ý nghĩa gì?

– Điệp ở khổ đầu và cuối bài thơ có tác dụng:  Nhấn mạnh giá trị quan trọng của tình yêu thứ nhất của tác giả; đồng thời thể hiện mong muốn được đối phương trân trọng tình cảm này; Nhấn mạnh ý nghĩa của chủ đề

Câu 8: Thông điệp ý nghiã nhất mà em cảm nhận được từ tác phẩm?

– HS nêu thông điệp phù hợp, lí giải.

 

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên.

Hướng dẫn chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây)

Dàn ý

Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm.

–   Xuân Diệu được coi là nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới”.

–  Bài thơ Tình thứ nhất của Xuân Diệu là một bài thơ nổi tiếng trong tập Gửi hương cho gió, phản ánh nỗi buồn và tiếc nuối của tác giả về mối tình đầu không thành.

Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:

* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình:

(Chủ đề, mạch cảm xúc, hình ảnh, điểm nhìn…)

–   Chủ đề: bài thơ là nỗi buồn, nỗi tiếc nuối của tác giả về một tình yêu đầu đời trong sáng, ngây thơ nhưng không thành.

– Mạch cảm xúc: Từ niềm nỗi của một chàng trai bị từ chối tình yêu đầu đời, nhân vật trữ tình thể hiện cảm xúc đau khổ trải khắp bài thơ. Có cái phấp phỏng rụt rè khi viết thư và trao thư; có nỗi e thẹn và mong đợi một sự hổi đáp; có nỗi niềm u uẩn bởi bị chối từ; có xót xa cho tình đầu của bản thân nhưng không đến mức bi lụy; Đọng lại là cảm xúc tiếc nuối cho một mối tình đầu không thành

* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.

+ Sự phát triển của hình tượng chính

– Nhân vật trữ tình xuất hiện trong khổ thơ thứ nhất với lời tự sự: mối tình đầu dành cho “Em” gửi qua một phong thư tỏ tình, Nhưng “Em” đã từ chối chân tình đó của anh, khiến anh rơi vào hoàn cảnh thất tình, bởi lẽ “Tình đã cho không lấy lại bao giờ”.

– những yếu tố tự sự về một câu chuyện tình buồn đã mở đầu cho một chuỗi những cảm xúc được chủ thể trữ tình bày tỏ ở các khổ thơ tiếp theo

– Lá thư trao cho em là kết quả của “ mãi trăm lần viết lại mới đưa đi”. Câu thơ đâu có đơn giản chỉ là lời trần thuật về cái cách người ta đã hoàn thành một bức tình thư. Nó phong gói cả muôn nỗi rụt rè, hồi hộp; mỗi câu từ trong bức thư ấy hẳn là những lời gan ruột, phải nhắc lên đặt xuống, viết rồi lại bỏ, bỏ rồi lại viết, vì lẽ viết đi viết lại mãi vẫn không rõ lời mình người ta có tỏ không, tình mình người ta có thấu không…

– Và cố gắng biết bao nhiêu để vượt qua nỗi e thẹn, ngượng ngùng mà trao em “tờ vụng dại”, đợi chờ em và hồi hộp ngóng đợi hồi âm. Nhưng chàng trẻ tuổi nhận về là nỗi niềm chát đắng, đổ vỡ mênh mông :“ Em đã xé lòng non cùng giấy mới// Mây đầy trời hôm ấy phủ sơn khê”

– Sau khoảnh khắc buồn bã tha thiết như thể nghe được cả những thở than của đất trời sông núi vì nỗi tan niềm tan vỡ của tình yêu, anh chợt nhận ra “lòng anh còn trẻ quá”, bởi lẽ đó mà “vườn mưa gió còn nghe chim rộn rã/ Anh lại còn yêu bông lựu bông trà”. Dù có buồn, có thở than nhưng không quá bi lụy

– Khổ thơ cuối thêm một lần nhắc lại “Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất/ Anh cho em , nên anh đã mất rồi” không phải chỉ xác nhận một hiện thực rằng anh đã mất tình yêu thứ nhất. Câu thơ là cả nỗi tiếc nuối một mối tình với những rung động đầu đời của một chàng trai trẻ. Trong trẻo là thế, trinh bạch, ban sơ là thế, nhưng dù sao đã trao em thì sẽ không còn nữa, không còn một mối tình thứ nhất nào nữa. Tiếc nuối, song đầy trân trọng giá trị của tình thứ nhất nơi trái tim này. Lời xác nhận “anh cho em, nên anh đã mất rồi” phải chăng còn hàm ý một mong đợi người con gái ấy cũng biết giá trị của nó để mà trân trọng nó, cho dù không đáp lại.

+ Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:

– Ngôn từ độc đáo, mới lạ

– Bài thơ  sử dụng các biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh, hoán dụ, liên tưởng để tạo ra những hình ảnh sinh động và cảm xúc sâu sắc.

-So sánh, ẩn dụ: “Thư thì mỏng như suối đời mộng ảo” – gợi sự mong manh và hư ảo của tình yêu.

-So sánh: “Tình thì buồn như tất cả chia ly” – so sánh tình yêu với sự chia ly để nói lên nỗi buồn vô hạn.

– Liên tưởng: “Mắt không ướt, nhưng bao hàng lệ rỏ/ Len tỉ tê thầm trộm chảy quay vào” – diễn tả thầm kín nỗi đau đớn,  khóc trong lòng.

-Liên tưởng: “Mây đầy trời hôm ấy phủ sơn khê” – liên tưởng từ hình ảnh thiên nhiên để miêu tả cảnh tan vỡ của tình yêu.

– Điệp lại câu thơ của khổ đầu và khổ cuối “Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất” nhấn mạnh ý nghĩa chủ đề.

– Nhịp điệu du dương, âm điệu buồn bã, phù hợp với nội dung bài thơ.

* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại

– Cùng đề tài về tình yêu đẹp đẽ trong trẻo thời tuổi trẻ, “Áo trắng” của Huy Cận cùng khiến người đọc thổn thức cùng thi sĩ trước hình ảnh gây thương nhớ của người bạn gái. Nhưng chàng trai trong thơ Huy Cận được sống trong cảm giác của lứa đôi gắn bó, giao hòa :

“Đôi lứa thần tiên suốt một ngày.

Em ban hạnh phúc chứa đầy tay.”

Còn nhân vật trữ tình trong “Tình thứ nhất “ của Xuân Diệu lại rụt rè cùng muôn nỗi khát khao :

Nhưng giây phút đầu say hoa bướm thắm,
Đã nghìn lần anh bắt được anh mơ
Đôi mắt sợ chẳng bao giờ dám ngắm,
Đôi tay yêu không được nắm bao giờ.”

Bởi thế, cũng là tình đầu ngây thơ khờ khạo, mà đọc thơ Xuân Diệu ta lại cảm thấy nỗi buồn tiếc trong trẻo cho một tình yêu không thành, không trọn

Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.

 

Bài viết tham khảo

 

  “Được yêu, một sự kiện quan trọng biết bao! Yêu, càng trọng đại hơn nữa! Vì yêu, trái tim trở nên can đảm. Nó chỉ còn toàn những gì thuần khiết, chỉ dựa vào những gì cao thượng và lớn lao” Victor Hugo, một nhà văn lãng mạn của văn học Pháp đã phát biểu như thế. Quả vậy, tình yêu hấp dẫn người ta chính bởi cái cảm giác khi yêu và được yêu. Với Xuân Diệu- ông hoàng của thơ tình Việt Nam, thì ngay cả khi không được đáp lại tình yêu, cảm xúc đó cũng thật là “trọng đại”. Bởi lẽ, đó là tình đầu, tình thứ nhất! “Tình thứ nhất” của Xuân Diệu là một bài thơ nổi tiếng trong tập “Gửi hương cho gió”( 1945), phản ánh nỗi buồn và tiếc nuối của tác giả về mối tình đầu không thành.

 

Với hai tập thơ tiêu biểu “Thơ thơ”và “Gửi hương cho gió”, Xuân Diệu đã tạo nên một vị trí vững chắc không thể thay thế trong làng văn Việt Nam hiện đại. “Đặc sản” mà ông đem đến cho đời đó là thơ tình. Dù cho là cảm xúc của một tình yêu chớm nở, một tình yêu không lời, hay một mối tình si say cuồng nhiệt, Xuân Diệu đều rất trung thành với nét phong cách đã tạo hình, tạo nét trong thơ ông: giọng thơ đắm say, sôi nổi, tha thiết. Tuy chưa phải là bài thơ nổi tiếng nhất, song Tình thứ nhất cũng có thể xem là một đại diện tiêu biểu cho  phong cách thơ của Xuân Diệu

   Qua lời trần tình của một chàng trẻ tuổi, chủ đề bài thơ được hé mở, đó là nỗi buồn, nỗi tiếc nuối về một tình yêu đầu đời trong sáng, ngây thơ nhưng không thành bởi không được hồi đáp. Không khó để nhận ra mạch cảm xúc trong tác phẩm: Từ niềm nỗi của một chàng trai bị từ chối tình yêu đầu đời, nhân vật trữ tình thể hiện cảm xúc đau khổ trải khắp bài thơ. Có cái phấp phỏng rụt rè khi viết thư và trao thư; có nỗi e thẹn và mong đợi một sự hổi đáp; có nỗi niềm u uẩn bởi bị chối từ; có xót xa cho tình đầu của bản thân nhưng không đến mức bi lụy; Đọng lại là cảm xúc tiếc nuối cho một mối tình đầu tha thiết nhưng lại là tình đơn phương.

Nhân vật trữ tình xuất hiện trong khổ thơ thứ nhất với lời tự sự:

Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất,
Anh cho em, kèm với một lá thư.
Em không nhận, và tình anh đã mất
Tình đã cho không lấy lại bao giờ.
        Bao yêu mến và rung động của mối tình đầu dành cho “Em” được gửi qua một phong thư tỏ tình, nhưng “Em” đã từ chối chân tình đó của “Anh”, khiến anh rơi vào hoàn cảnh thất tình, bởi lẽ “Em không nhận và tình anh đã mất/ Tình đã cho không lấy lại bao giờ”.

Những yếu tố tự sự về một câu chuyện tình buồn đã mở đầu cho một chuỗi những cảm xúc được chủ thể trữ tình bày tỏ ở các khổ thơ tiếp theo

Lá thư trao cho em là kết quả của “ mãi trăm lần viết lại mới đưa đi”. Câu thơ đâu có đơn giản chỉ là lời trần thuật về cái cách người ta đã hoàn thành một bức tình thư. Nó phong gói cả muôn nỗi rụt rè, hồi hộp; mỗi câu từ trong bức thư ấy hẳn là những lời gan ruột, phải nhắc lên đặt xuống, viết rồi lại bỏ, bỏ rồi lại viết, vì lẽ viết đi viết lại mãi vẫn không rõ lời mình người ta có tỏ không, tình mình người ta có thấu không…

Và cố gắng biết bao nhiêu để vượt qua nỗi e thẹn, ngượng ngùng mà trao em “tờ vụng dại”, đợi chờ em và hồi hộp ngóng đợi hồi âm. Nhưng chàng trẻ tuổi nhận về là nỗi niềm chát đắng, đổ vỡ mênh mông :

“ Em đã xé lòng non cùng giấy mới

 Mây đầy trời hôm ấy phủ sơn khê”

Sau khoảnh khắc buồn bã tha thiết như thể nghe được cả những thở than của đất trời sông núi vì nỗi tan niềm tan vỡ của tình yêu, anh chợt nhận ra “lòng anh còn trẻ quá”, bởi lẽ đó mà “vườn mưa gió còn nghe chim rộn rã/ Anh lại còn yêu bông lựu bông trà”. Dù có buồn, có thở than nhưng không quá bi lụy

Khổ thơ cuối thêm một lần nhắc lại :

Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất

Anh cho em , nên anh đã mất rồi

không phải chỉ xác nhận một hiện thực rằng anh đã mất tình yêu thứ nhất. Câu thơ là cả nỗi tiếc nuối một mối tình với những rung động đầu đời của một chàng trai trẻ. Trong trẻo là thế, trinh bạch, ban sơ là thế, nhưng dù sao đã trao em thì sẽ không còn nữa, không còn một mối tình thứ nhất nào nữa. Tiếc nuối, song đầy trân trọng giá trị của tình thứ nhất nơi trái tim này. Lời xác nhận “anh cho em, nên anh đã mất rồi” phải chăng còn hàm ý một mong đợi người con gái ấy cũng biết giá trị của nó để mà trân trọng nó, cho dù không đáp lại.

Thơ tình Xuân Diệu không hấp dẫn người ta chỉ bởi đề tài hay nội dung tư tưởng. Điều khiến các thế hệ độc giả cảm thấy thích thú và mến mộ thơ ông chính là bởi cách thức mà Xuân Diệu sử dụng để diễn tả những điều tưởng như quen thuộc ấy. Đó có thể là một cách dùng từ mới “tình thứ nhất”, “mùi trinh bạch” hay một lối diễn đạt lạ “em đã xé lòng non cùng giấy mới”; cũng có khi nó đơn giản là lối chuyển nghĩa vẫn thường có trong thơ ca, như các biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh, hoán dụ, liên tưởng…nhưng Xuân Diệu đã vận dụng nó theo lối riêng để tạo nên những hình ảnh sinh động mà mang chứa những cảm xúc sâu sắc.

Chẳng hạn, đó là khi so sánh kết hợp với ẩn dụ: “Thư thì mỏng như suối đời mộng ảo” – gợi cái mong manh và hư ảo của tình yêu; tiếp tục kết hợp so sánh trong một câu thơ điệp cấu trúc của pháp liền tiếp đó “Tình thì buồn như tất cả chia ly” không thể phủ nhận mức độ sát hợp khi so sánh tình yêu với sự chia ly để nói lên nỗi buồn vô hạn; đó là khi nhà thơ dùng phép liên tưởng để diễn tả một điều thật trừu tượng- tiếng khóc trong lòng, nỗi đau thầm kín khó có thể giãi bày: “Mắt không ướt, nhưng bao hàng lệ rỏ/ Len tỉ tê thầm trộm chảy quay vào”, hay trong một khổ thơ khácMây đầy trời hôm ấy phủ sơn khê” – hình ảnh thơ khiến người ta liên tưởng đến cả một không gian trời mây sông núi cùng đang trở nên nhuốm màu u uẩn bởi vì ai kia tan vỡ một mối tình. Bài thơ có một kết cấu thật đặc biệt khi một câu thơ của khổ đầu đã được lặp lại nguyên vẹn ở khổ thơ cuối “Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất” nhấn mạnh ý nghĩa chủ đề.

     Với Xuân Diệu, tình yêu được coi như một giá trị sống đích thực, tình yêu đáng được tôn thờ như một thứ “tôn giáo”. Bởi thế những xúc cảm, những rung động đầu tiên trong tình yêu là những giá trị quý giá không thể tính đếm, không thể thay thế. Cùng đề tài về tình yêu đẹp đẽ trong trẻo thời tuổi trẻ, “Áo trắng” của Huy Cận cùng khiến người đọc thổn thức cùng thi sĩ trước hình ảnh gây thương nhớ của người bạn gái : Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,

Hôm xưa em đến, mắt như lòng

Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,

Gót ngọc dồn hương, bước toả hồng.

Nhưng chàng trai trong thơ Huy Cận được sống trong cảm giác của lứa đôi gắn bó, giao hòa :

“Đôi lứa thần tiên suốt một ngày.

Em ban hạnh phúc chứa đầy tay.”

Còn nhân vật trữ tình trong “Tình thứ nhất “ của Xuân Diệu lại rụt rè muôn nỗi khát khao:

Nhưng giây phút đầu say hoa bướm thắm,
Đã nghìn lần anh bắt được anh mơ
Đôi mắt sợ chẳng bao giờ dám ngắm,
Đôi tay yêu không được nắm bao giờ.”

Bởi thế, cũng là tình đầu ngây thơ khờ khạo, cũng là lời tình hiền lành và dịu êm, nhưng cảm xúc từ “Áo trắng là phấn chấn, thăng hoa, còn đọc thơ Xuân Diệu ta lại cảm thấy nỗi buồn tiếc trong trẻo cho một tình yêu không thành, không trọn.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, bao thế hệ độc giả mới lại xuất hiện, giữa bao nhiêu những người viết thơ tình, nhưng người ta vẫn yêu tha thiết những vần thơ về tình yêu của Xuân Diệu. “Tình thứ nhất” vẫn luôn có một vị trí đặc biệt trong kho vàng thơ ca hiện đại và trong lòng người yêu thơ. Có phải bởi ai cũng thấy một sự đồng vọng tiếng lòng mình ở đó, một niềm khát khao đơn thuần được tỏ bày và được đáp lại những yêu thương?

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *