Đề tham khảo theo cấu trúc mới 2025 của Bộ -đề số 7

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Như bao làng Việt khác, làng tôi nằm song song với một khúc của dòng sông lớn. Khúc hạ nguồn, chỉ vài chục phút khua mái chèo là sông tan vào biển, sông đầu thai, sông tái sinh giữa muôn trùng vô tận. Đôi khi đứng trên những bãi biển xa ngắt, tôi tự hỏi ngoài kia có giọt nước nào của con sông làng mình đang dập dềnh thương nhớ cố hương. Sóng trườn lên liếm ngón chân tôi, nhẹ êm như chiều hè nào gió vẩy nước mắt sông rắc lên làn da hãy còn non trẻ của bàn tay đang cầm bao nhiêu mơ ước. Ước mơ thoát khỏi bờ đê, sang sông, phi qua quốc lộ ra biển. Mà đâu đã biết lường biển sâu biển dữ. Mà đâu đã hiểu biển rộng thế nào cũng không lấp được dòng sông quê, sâu tới mấy cũng chẳng bằng giếng khơi mẹ đào.
Giếng khơi mẹ đào xuống tới tận cội nguồn, tận hồng hoang, tận rễ trái đất, tận tâm của trái tim người mẹ ngày đêm bật lên bật xuống tiếng nhịp ước ao. Ước ao nước mát con uống, nước mát tưới rau con ăn, dội mảng sân con nghịch, rửa bàn chân con bù
n.(…)Với người Việt, giếng khơi thiêng liêng không chỉ trong truyền thuyết, giếng thiêng liêng với mỗi con người. Giếng chứng kiến từng bước đi, từng niềm vui nỗi buồn.()
             Những giọt nước từ giếng mẹ, từ sông làng tưới cây tôi lớn lên, trổ hoa, rồi gió đời cuốn hoa đi. Tôi ra sông Cả, tôi đến sông Hương, tôi ngồi bên bờ Đồng Nai, tôi ngắm sông Seine, tôi ngược sông Nile, tôi chèo thuyền trên dòng Dương Tử, tôi lội Missisipi. Lội Missisipi, tôi tìm Mark Twain gửi lời chào Tom Sawyer, lời chào của một người yêu nước ra đi từ dòng sông nhỏ bên kia bán cầu. Mississippi của Mark Twain rộng lớn và ồn ã quanh năm, sông quê tôi hiền nhỏ, dịu dàng, mỗi năm chỉ vài lần tung bọt giận gió bão. Lớn nhỏ thế nào đáy sông cũng sâu, lòng sông cũng chứa đầy bí mật. Bí mật từng con người lội xuống, bí mật từng con thuyền đi qua, bí mật từng con cá vùng vẫy, bí mật từng đám mây soi gương, bí mật những linh hồn quá khứ… bí mật của đất nước...

Giếng mẹ, giếng làng, giếng quê, giếng nguồn cội, giếng ấu thơ, giếng yêu thương không có đáy, luôn ở đó, chờ đứa trẻ ngày nào quay về. Quay về, múc lên giọt nhớ thương giọt mặn ngọt, nhấp vào bằng tim, chảy luồn máu huyết. Tôi tin, ai có giếng mẹ trong hồn, biết cách múc lên, biết cách uống, mầm thiện lương sẽ nảy tươi tốt đời…

(Trích Giếng mẹĐỗ Hoàng Diệu, Báo Tiền phong CN, 10/2/2022)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn)

Câu 1. Từ giếng mẹ, từ sông làng nhân vật tôi đã đến những con sông nào ?

Câu 2. Theo tác giả, giếng khơi có ý nghĩa với người Việt như thế nào?

Câu 3. Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của phép điệp từ trong câu văn “Giếng mẹ, giếng làng, giếng quê, giếng nguồn cội, giếng ấu thơ, giếng yêu thương không có đáy, luôn ở đó, chờ đứa trẻ ngày nào quay về.”

Câu 4. Em có đồng tình với quan điểm của tác giả: Tôi tin, ai có giếng mẹ trong hồn, biết cách múc lên, biết cách uống, mầm thiện lương sẽ nảy tươi tốt đời… Vì sao?

Câu 5. Thông điệp ý nghĩa em rút ra được từ văn bản trên.

  1. LÀM VĂN (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về giải pháp khắc phục sự lệch lạc nhân cách của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Câu 2 (4.0 điểm)

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích nét đặc sắc về cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ “Hỏi” của Hữu Thỉnh.

HỎI

Tôi hỏi đất: Đất sống với đất như thế nào?
– Chúng tôi tôn cao nhau

Tôi hỏi nước: Nước sống với nước như thế nào?
– Chúng tôi làm đầy nhau

Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với cỏ như thế nào?
– Chúng tôi đan vào nhau
Làm nên những chân trời

Tôi hỏi người:
– Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người:
– Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người:
– Người sống với người như thế nào?

1992

(Hữu Thỉnh – nguồn thivien.net)

 

=============Hết=============

 

 

 

 

 

   

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Từ giếng mẹ, từ sông làng nhân vật tôi đã đến những con sông :

– Sông Cả, sông Hương, sông Đồng Nai, sông Seine, sông Nile, Dương Tử, Missisipi.

 Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời được nửa số ý: 0,25 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5
2 Theo tác giả, giếng khơi có ý nghĩa với người Việt:

giếng khơi thiêng liêng không chỉ trong truyền thuyết, giếng thiêng liêng với mỗi con người. Giếng chứng kiến từng bước đi, từng niềm vui nỗi buồn.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời được nửa số ý: 0,25 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5
3 Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của phép điệp trong câu văn “Giếng mẹ, giếng làng, giếng quê, giếng nguồn cội, giếng ấu thơ, giếng yêu thương không có đáy, luôn ở đó, chờ đứa trẻ ngày nào quay về.”

*Biện pháp tu từ điệp từ: Giếng

*Hiệu quả nghệ thuật – Gợi ý:

+ Câu văn giàu nhịp điệu, giàu cảm xúc…

+ Nhấn mạnh ý nghĩa của hồn quê, của tình mẹ, của quê hương trong tâm thức con người.

+ Bộc lộ sự xúc động, tình cảm thân thương, thiêng liêng và trân quí…

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời được 2 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,25 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1,0
4 Em có đồng tình với quan điểm của tác giả: ai có giếng mẹ trong hồn, biết cách múc lên, biết cách uống, mầm thiện lương sẽ nảy tươi tốt đời…

HS có thể trả lời theo 3 cách:

–         Đồng tình. Lí giải hợp lí.

–         Không đồng tình. Lí giải hợp lí.

–         Kết hợp cả hai ý trên. Lí giải hợp lí.

VD

– Có đồng tình:

– Vì giếng mẹ là những thứ bình dị và thân thuộc nhất là cội nguồn của mỗi người. Người có giếng mẹ trong hồn sẽ nuôi dưỡng mầm thiện lương và có hành động, lỗi sống đẹp trong cuộc sống.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/2 số ý: 0,5 – 0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/3 số ý: 0,25 – 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
5 Thông điệp: Tình yêu quê hương, nguồn cội

– Quê hương không chỉ nuôi lớn ta về thể chất mà còn nuôi dưỡng cho ta có được những tình cảm đẹp đẽ.

– Quê hương dạy ta biết yêu thương, gắn bó với gia đình, người thân, bạn bè, với nơi ta được sinh ra, lớn lên…

– Văn hóa, truyền thống của quê hương sẽ ảnh hưởng đến những nhận thức, tính cách và lối sống của ta.

– Quê hương tạo nên sức mạnh tinh thần để ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức của hoàn cảnh.

– Quê hương là điểm tựa vững chãi, nơi nuôi dưỡng những ước mơ, khát vọng, nơi trở về bình yên cho ta sau những vất vả của cuộc sống..

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 2  ý:  0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 1 ý:  0,5 điểm

– Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm)

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Suy nghĩ của bản thân về giải pháp khắc phục sự lệch lạc nhân cách của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

– Triển khai vấn đề nghị luận:

– Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân

Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ: giải pháp khắc phục sự lệch lạc nhân cách của một bộ phận giới trẻ hiện nay.Gợi ý:

– Sống đúng chuẩn mực đạo đức, học theo tấm gương có nhân cách cao đẹp…

– Sống bản lĩnh, có sức đề kháng trước sức mạnh và ma lực của đồng tiền…

– Gia đình phải coi trọng giáo dục nhân cách cho con trẻ. Dạy con và làm gương cho con…

– Nhà trường và xã hội phải kiến tạo môi trường trong sạch. quan tâm rèn nhân cách, có cơ chế chính sách hợp lí…

(Học sinh lấy dẫn chứng phù hợp)

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: giải pháp khắc phục sự lệch lạc nhân cách của một bộ phận giới trẻ hiện nay

Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

0,25
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
  2 Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích nét đặc sắc về cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ “Hỏi” của Hữu Thỉnh. 4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận văn học

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Nét đặc sắc về cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ  “Hỏi” – Hữu Thỉnh. 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

HS có thể viết bài nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các yêu cầu sau:

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu ngắn gọn về tác giả Hữu Thỉnh, tác phẩm “Hỏi”, vấn đề cần nghị luận.

* Phân tích nét đặc sắc về cấu tứ, hình ảnh bài thơ

– Khái quát về cấu tứ bài thơ: hình thành từ những trăn trở, băn khoăn của tác giả về cách ứng xử giữa người với người; được triển khai từ nhan đề, đến cách tổ chức bố cục các khổ thơ, cách lựa chọn từ ngữ, hình ảnh…

– Phân tích, đánh giá cấu tứ theo bố cục bài thơ.

+ Nhan đề: “Hỏi” là biểu hiện của những băn khoăn, trăn trở muốn tìm hiểu khám phá lí giải.

+ 3 khổ thơ đầu nhân vật trữ tình “tôi” trò chuyện với “đất”, “nước”, “cỏ” và đều nhận được các câu trả lời.

Chúng tôi tôn cao nhau”: Cách sống của đất là ủng hộ, nâng đỡ, đề cao nhau, giúp nhau khẳng định sự tồn tại của mình.

Chúng tôi làm đầy nhau”:  Cách sống của nước là bù đắp, bổ sung cho nhau để trở nên hoàn thiện.

Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời”: Cách sống của cỏ là đoàn kết, gắn bó tạo ra các giá trị mới.

->Đặc điểm tồn tại tự nhiên của các sự vật này đều ẩn dụ cho một bài học về lối sống tích cực như ủng hộ, đề cao nhau, bổ sung cho nhau để hoàn thiện, đoàn kết, gắn bó. Nghệ thuật liệt kê, nhân hóa, điệp ngữ, điệp cấu trúc tạo âm hưởng tha thiết, bộc lộ khao khát muốn khám phá, tìm hiểu của nhân vật trữ tình.

+ 3 khổ sau nhân vật trữ tình “tôi” hỏi người nhưng không nhận được câu trả lời.. Câu hỏi tu từ, nghệ thuật trùng điệp tạo ra nhịp điệu thơ dồn dập, khắc khoải, mong mỏi tìm kiếm câu trả lời. Thực chất, hỏi để nhắc nhở, thức tỉnh, đề xuất một quan niệm sống. Câu hỏi tu từ thể hiện băn khoăn, trăn trở, suy ngẫm của tác giả về cách sống giữa người với người.

– Phân tích, đánh giá hệ thống hình ảnh trong bài thơ

+ Hệ thống hình ảnh mang nghĩa thực

+ Hệ thống hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng, mở ra những tầng nghĩa phong phú, sâu sắc.

* Đánh giá chung

– Thể thơ tự do, cấu tứ  đối thoại và hệ  thống hình  ảnh độc đáo, sinh động, sáng tạo, góp phần thể  hiện suy ngẫm, trăn trở của nhân vật trữ tình về cách sống.

– Bài thơ đặt ra câu hỏi để thức tỉnh, giúp ta suy nghĩa sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên; con người với con người.

1,0
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5
Tổng điểm 10,0

 

===HẾT===

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *