Đề thi theo hướng mới Bài thơ Xuân của Chế Lan Viên

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm) THEO ĐÚNG MA TRẬN CỦA BỘ

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Tự luận)

                                                                       

XUÂN

                                                                   Chế Lan Viên

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
– Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!

Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!

Ai biết hồn tôi say mộng ảo
Ý thu góp lại cản tình xuân?
Có một người nghèo không biết Tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn!

Có đứa trẻ thơ không biết khóc
Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran!

Chao ôi! Mong nhớ! Ôi mong nhớ!
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn

        (Trích Tinh hoa thơ mới thẩm bình và suy nghĩ, Lê Bá Hán chủ biên, Nxb Giáo dục 2003)

Câu 1: Xác định nhân vật trữ tình trong văn bản.

Câu 2: Trong khổ 1, tác giả không mong chờ điều gì?

Câu 3: Hãy kể tên một bài thơ khác viết về đề tài mùa xuân và nêu tên tác giả của tác phẩm đó.

Câu 4: Nêu nội dung của hai câu thơ sau:

Có một người nghèo không biết Tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn!

Câu 5: Việc sử dụng câu cảm thán trong câu Chao ôi! Mong nhớ! Ôi mong nhớ! có tác dụng gì?

Câu 6: Suy nghĩ của anh/chị về hình ảnh trẻ thơ không biết khóc, bỗng nổi tiếng cười ran trong hai câu thơ Có đứa trẻ thơ không biết khóc/Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran?

Câu 7: Anh/chị hiểu như thế nào về chữ “lạc” trong câu thơ Một cánh chim thu lạc cuối ngàn?

Câu 8 : Nhận xét tâm trạng của tác giả trong văn bản trên.

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên.

Ghi chú:

Chế Lan Viên (1920 – 1989) tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 23-10-1920, quê gốc ở xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, nhưng thuở nhỏ và nhiều năm thời thanh niên sống cùng gia đình ở tỉnh Bình Định, nên đây cũng được coi là quê hương thứ hai của nhà thơ. Sa khi tốt nghiệp trung học, ông đi dạy trường tư ở Sài Gòn và các tỉnh miền Trung. Tập thơ đầu – Điêu tàn – xuất bản lúc tác giả mới mười bảy tuổi (đang là học sinh trung học), đã đưa Chế Lan Viên vào trong số những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới.

Hướng dẫn chi tiết

ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Nhân vật trữ tình: nhân vật Tôi

Câu 2: Trong khổ 1, tác giả không mong chờ mùa xuân đến, thâm chí có thái độ “thù ghét” với mùa xuân. Với người khác, xuân tới mang lại niềm vui nhưng với nhân vật trữ tình, xuân tới mang theo sự sầu, khổ, buồn đau.

Câu 3: Các tác phẩm viết về đề tài mùa xuân: (kể được tên một tác phẩm, tác giả viết về đề tài mùa xuân là hs có điểm)

Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải

Mùa xuân chín – Hàn Mặc Tử

Mưa xuân Nguyễn Bính

Chiều xuân – Anh Thơ

……

Câu 4: Nội dung của hai câu thơ sau:

Có một người nghèo không biết Tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn!

Trong không khí Xuân, người người rộn ràng chuẩn bị đón tết, nhưng chỉ riêng một người (lập dị, khác thường) không quan tâm đến ngày tết.

Con người ấy còn mang chiếc áo “lì lợm”, không đếm xỉa đến mọi chuyển biến xung quanh.

(Đây cũng là tâm trạng của nhân vật trữ tình, giãi bày sự phản đối, sự bất hợp tác, không chịu hòa nhập trong bối cảnh bấy giờ của đất nước)

Câu 5: Việc sử dụng câu cảm thán trong câu Chao ôi! Mong nhớ! Ôi mong nhớ! có tác dụng:xoáy sâu vào nỗi nhớ và tâm trạng tiếc nuối, nhớ nhung, hoài tưởng về quá khứ của nhà thơ.

Câu 6: Về chữ “lạc” trong câu thơ Một cánh chim thu lạc cuối ngàn: là một cánh chim nhỏ bé, cô đơn, lạc lõng của nhân vật trữ tình giữa cái ồn ào, náo nhiệt của thời cuộc.

Câu 7: Hình ảnh trẻ thơ không biết khóc, bỗng nổi tiếng cười ran trong hai câu thơ:

Gợi ra một sự phi lí “trẻ thơ không biết khóc”mà “bỗng nổi tiếng cười ran”, hình ảnh như lột trần sự thật cuộc sống của nhân dân dưới thời kì Pháp thuộc. Bi kịch của người dân bị áp bức, bóc lột, cuộc sống như nghẹt thở, …một nỗi đau tột cùng.

Câu 8: Tâm trạng của tác giả: buồn đau, sầu não, uất hận, gay gắt, kinh hoàng trước cảnh nước mất nhà tan. Và đó còn là cái tôi cô độc – tình trạng bế tắc của cả một thế hệ thi sĩ lãng mạn.

 

LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây)

Dàn ý

Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm.

– bài thơ in trong tập “Điêu tàn”

Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:

* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình: (Chủ đề, mạch cảm xúc, hình ảnh, điểm nhìn…)

Viết về mùa xuân, mỗi thi nhân có cái nhìn độc đáo, riêng biệt. Nhưng riêng với Chế Lan Viên, cái nhìn về mùa xuân đầy đau thương, nặng nề, thâm chí là “thù ghét”, chối bỏ mùa xuân “Tôi có chờ đâu, có đợi đâu….. Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!”. Trong Thơ mới chưa có một thi sĩ nào có thái độ dứt khoát từ chối, xua đuổi mùa xuân như Chế Lan Viên. Dòng cảm xúc này xuyên suốt toàn bài thơ.

– Hình ảnh thơ, độc đáo mới lạ, viết về mùa xuân, Chế Lan Viên lại cảm nhận vạn vật úa tàn, đau thương, khác thường “hoa tươi, muôn cánh rã”, tiếng khóc – cười bí ẩn của trẻ thơ, hay là “một người nghèo không biết tết”, …

– Điểm nhìn của nhân vật trữ tình có cái nhìn từ bên trong ra bên ngoài. Xuất phát từ nội tâm nhân vật trữ tình, trước biến động của đại cuộc đất nước, trước chuyện thế thái nhân tình nên thi sĩ mới buồn, nỗi buồn từ trong tâm, rồi buồn sang cảnh vật. Bởi vậy, viết về mùa xuân, nhưng tâm trạng lại chối bỏ, ghét xuân “Tôi có chờ đâu, có đợi đâu/Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?”

* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.

– Sự phát triển của hình tượng chính:

+Cái tôi trữ tình của nhà thơ với mùa xuân mang một tâm trạng buồn chán, u uất, đau thương được thổ lộ rõ xuyên suốt bài thơ. Ngay khổ đầu bài thơ, cái tôi trữ tình với giọng điệu dứt khoát chối từ mùa xuân. Không những thế hình tượng “cái tôi” của thi nhân đã đối lập tuyệt đối giữa “tôi” và “tất cả” với nỗi đau đang âm ỉ trong tâm hồn thi nhân khi đất nước trong cảnh tang thương.

+ Mùa xuân đồng nghĩa với sự tươi trẻ, với sự hồi sinh, nhưng với Chế Lan Viên, xuân đến cũng không đủ xoa dịu nỗi đau thương, mất mát, hụt hẫng mà còn như “gợi thêm sầu”. Từ đó xuất hiện trong lòng thi nhân một ước muốn lạ lùng “về đây, đem chắn nẻo xuân sang!”

+ Cuối cùng nhân vật trữ tình cảm thấy lạc lõng, cô đơn ngay giữa thời đại mình đang sống “Một cánh chim thu lạc cuối ngàn”

– Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:

+  Không mong muốn mùa xuân đến, nhân vật trữ tình muốn “về đây, đem chắn nẻo xuân sang”. Từ “chắn” được sử dụng trong câu là một động từ, là ngăn cản, không cho vượt qua, không tiếp tục di chuyển. Và chúng ta thường thấy chắn một luồng gió, chắn một dòng sông, chắn những đợt sóng hung hăng ngoài biển cả nhưng “chắn nẻo xuân sang” thì quả lạ một điều lạ thường, chắc chỉ có Chế Lan Viên. Một ý muốn ngông cuồng, ngộ nghĩnh thậm chí ẩn chứa một sức mạnh phi thường.

+ Hai câu cuối bài thơ để lại trng lòng người đọc những ngậm ngùi. Với cách nhắt nhịp 2/2/3, với những lời cảm thán cùng biện pháp điệp từ cứ như xoáy sâu vào nỗi nhớ. Từ “lạc” trong câu thơ cuối“một cánh chim thu lạc cuối ngàn” gợi lên một cảm giác xa vắng, cô đơn, nhỏ bé giữa cái rộng lớn của không gian. Đây có lẽ cũng chính là tâm trạng đau đớn, xót thương của nhà thơ giữa thời đại Thơ mới.

* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại

Bài thơ hấp dẫn người đọc bởi cái “lạ” trong ước muốn đến “ngông cuồng” của Chế Lan Viên. Bởi việc muốn chế ngự, níu kéo thời gian; gọi qua khứ về làm hiện tại, chúng ta đã bắt gặp trong thơ Xuân Diệu. Nhưng với Xuân Diệu biểu lộ niềm mong ước tận hưởng hương sắc mùa xuân, tuổi trẻ, tận hưởng hạnh phúc tình yêu:

“Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi”

                                           (Vội vàng – Xuân Diệu)

Còn với Chế Lan Viên, thi sĩ lại “chán ghét” những sắc màu, những hình ảnh của trần gian, không nguôi hướng về quá khứ buồn đau, ảm đạm và hơn thế là nhặt nhạnh góp gom những lá vàng, những cánh hoa tàn rã để “chắn nẻo xuân sang”.

 

Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.

Xuân là một đề tài hấp dẫn với mỗi thi sĩ, và mỗi người đã chọn một hướng biểu lộ cảm xúc, quan niệm sống riêng. Nhưng không có nhà thơ Thơ mới nào lại chối từ dứt khoát, xua đuổi mùa xuân như Chế Lan Viên. Thái độ ấy được gửi gắm trong những ước muốn chân thành, mạnh mẽ, trong những hình ảnh gợi cảm, táo bạo. Chính những điều ấy mang đến cho bài thơ Xuân một sức sống mạnh mẽ trong lòng người đọc.

Bài viết tham khảo

Chế Lan Viên (1920-1989) – một trong số những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Ông là một hiện tượng lạ thường trên thi đàn Việt Nam. Với Điêu tàn (1937), tập thơ đầu tay của ông khi nhà thơ còn là một chàng thiếu niên 17 tuổi, ông đã sớm tỏa sáng một tài năng thơ “kỳ dị”, như nhận xét của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam. “Xuân” là một trong những bài thơ tiêu biểu của ông. Bài thơ là những cảm nhận hoàn toàn khác biệt, không có những cảm xúc mà như những thi nhân khác thường hay bộc bạch. Qua cái nhìn của Chế Lan Viên, mùa xuân là những cay đắng, khổ đau,…

Trong Thơ mới, có nhiều nhà thơ có thái độ trước thời gian, trước mùa xuân nhưng không ai thù ghét đối với mùa xuân như Chế Lan Viên. Khi đọc bài thơ “Xuân”, ấn tượng đầu tiên là giọng điệu chối từ dứt khoát, xua tay ngăn đuổi mùa xuân:

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
– Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!

Trong khổ 1, lời chối từ này, Chế Lan Viên đã đối lập tuyệt đối giữa “tôi” và “tất cả”, tự buộc mình vào sự khổ đau. Trong thơ, mùa xuân thường mang tới cho các thi nhân sự rạo rực, đắm say, sự tươi trẻ. Nhưng với Chế Lan Viên, xuân tới “gợi thêm sầu”, sự “khổ đau”. Khi nhân vật trữ tình sầu khổ thì cái vui xung quanh dễ gây thêm sầu, thêm bực bội. Có lẽ dòng cảm xúc này xuyên suốt toàn bài thơ.

Cái vui của mùa xuân bên ngoài như đào sâu thêm nỗi sầu trong cõi lòng thi nhân nên ông đã bày tỏ một ước muốn đến lạ lùng:

Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!

Nhà thơ như đang tìm về với quá khứ, với cái cũ, cái đã bị vùi lấp, bị lãng quên. Cho nên, nó đâu có sinh khí ngoài vài ba chiếc lá vàng rụng rơi lác đác. Và “hoa tươi” đang “muôn cánh rã” làm cho vạn vật như đang úa tàn, đau thương khác thường. Với điểm nhìn của nhân vật trữ tình có cái nhìn từ bên trong ra bên ngoài. Xuất phát từ nội tâm nhân vật trữ tình, trước biến động của đại cuộc đất nước, trước chuyện thế thái nhân tình nên thi sĩ buồn, nỗi buồn từ trong tâm, rồi buồn sang cảnh vật. Bởi vậy, viết về mùa xuân, nhưng tâm trạng lại chối bỏ, ghét xuân và muốn chắn nẻo xuân sang để lưu giữ mùa thu. Với việc sử dụng từ “chắn” trong câu là một động từ, là ngăn cản, không cho vượt qua, không tiếp tục di chuyển. Và chúng ta thường thấy chắn một luồng gió, chắn một dòng sông, chắn những đợt sóng hung hăng ngoài biển cả nhưng “chắn nẻo xuân sang” thì quả lạ một điều lạ thường, chắc chỉ có Chế Lan Viên. Một ý muốn ngông cuồng, ngộ nghĩnh thậm chí ẩn chứa một sức mạnh phi thường. Chắc chỉ có ở Chế Lan Viên. Bởi việc muốn chế ngự, níu kéo thời gian; gọi quá khứ về làm hiện tại, chúng ta đã bắt gặp trong thơ Xuân Diệu. Nhưng với Xuân Diệu biểu lộ niềm mong ước tận hưởng hương sắc mùa xuân, tuổi trẻ, tận hưởng hạnh phúc tình yêu:

“Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi”

                                           (Vội vàng – Xuân Diệu)

Còn với Chế Lan Viên, thi sĩ lại “chán ghét” những sắc màu, những hình ảnh của trần gian, không nguôi hướng về quá khứ buồn đau, ảm đạm và hơn thế là nhặt nhạnh góp gom những lá vàng, những cánh hoa tàn rã để “chắn nẻo xuân sang”.

Có lẽ phát hiện ra sự ngông cuồng, bất lực của mình, nên Chế Lan Viên cho rằng “hồn tôi say mộng ảo”:

Ai biết hồn tôi say mộng ảo
Ý thu góp lại cản tình xuân?
Có một người nghèo không biết Tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn!

 

Có đứa trẻ thơ không biết khóc
Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran!

Đó không chỉ là sự bế tắc mà còn là một sự lập dị, khác đời của thi nhân, nên không cản được mùa xuân thì mặc trên mình cái áo mùa thu để bộc lộ giãi bày sự phản đối, bất hợp tác, không chịu hòa nhập với thời cuộc bấy giờ. Đây còn là những hình ảnh so sánh ngầm, những ẩn dụ. Hình ảnh “người nghèo”, “trẻ thơ” phải chăng xuất hiện trong bài thơ là con người bất hạnh, khổ đau trong xã hội Việt Nam đương thời. Hay “người nghèo” còn chính là tác giả? Và chuyện “mang lì chiếc áo độ thu tàn”, “vô tình bỗng nổi tiếng cười ran” là chuyện của một người giữa muôn người. Khi tết đến, xuân về, người ta thường mặc áo mới, khi đói, khi rét trẻ thơ hay khóc. Người mang chiếc áo ấy lì lợm quá, không quan tâm, đếm xỉa gì đến mọi chuyển biến xung quanh.

Cuối cùng, nhân vật trữ tình bật lên thành tiếng than niềm hoài vọng về quá khứ:

Chao ôi! Mong nhớ! Ôi mong nhớ!
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn

Câu thơ trước với cách nhắt nhịp 2/2/3, những lời cảm thán cùng biện pháp điệp từ cứ như xoáy sâu vào nỗi nhớ. Từ “lạc” trong câu thơ cuối“một cánh chim thu lạc cuối ngàn” gợi lên một cảm giác xa vắng, cô đơn, nhỏ bé giữa cái đói nghèo, cùng cực của nhân dân trong cảnh đất nước bị giặc xâm lăng. Đây có lẽ cũng chính là tâm trạng đau đớn, xót thương của nhà thơ giữa thời đại loạn li.

Xuân là một đề tài hấp dẫn với mỗi thi sĩ, và mỗi người đã chọn một hướng biểu lộ cảm xúc, quan niệm sống riêng. Nhưng không có nhà thơ Thơ mới nào lại chối từ dứt khoát, xua đuổi mùa xuân như Chế Lan Viên. Thái độ ấy được gửi gắm trong những ước muốn chân thành, mạnh mẽ, trong những hình ảnh gợi cảm, táo bạo. Chính những điều ấy mang đến cho bài thơ Xuân một sức sống mạnh mẽ trong lòng người đọc.

 

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *