Đề theo ma trận SGK mới bài Nắng tươi của Hàn Mặc Tử

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

NẮNG TƯƠI

Mây hờ không phủ đồi cao nữa,
Vì cả trời xuân tắm nắng tươi…
Hơi nắng dịu dàng đầy nũng nịu,
Sau rào, khẽ liếm cặp môi tươi…

Môi tươi thiếu nữ vừa trang điểm,
Nắng mới âm thầm ước kết hôn,
Đưa má hồng đào cho nắng nhuộm,
Tình thay! Một vẻ ngọt và ngon…

Lá xuân sột soạt trong làn nắng,
Ta ngỡ, em ơi, vạt áo hường.
Thứ áo ngày xuân em mới mặc,
Lòng ta rộn rã nỗi yêu thương…
(Nguồn: Hàn Mặc Tử, Thơ và đời, NXB Văn học, 2003)

Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2: Chỉ ra các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 3: Nhận xét về thời gian và không gian được miêu tả trong văn bản.

Câu 4: Chỉ ra các từ Hán Việt được sử dụng trong 2 câu thơ:

“Môi tươi thiếu nữ vừa trang điểm,
Nắng mới âm thầm ước kết hôn”

Câu 5: Câu “Tình thay!” trong dòng thơ “Tình thay! Một vẻ ngọt và ngon…” thuộc kiểu câu gì theo mục đích nói?

Câu 6: Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong 2 dòng thơ:

Hơi nắng dịu dàng đầy nũng nịu,
Sau rào, khẽ liếm cặp môi tươi…

Câu 7: Liệt kê các từ láy tác giả sử dụng trong bài thơ và nêu tác dụng.

Câu 8: Anh/ chị cảm nhận gì về vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ.

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên.

Hướng dẫn chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Thể thơ của văn bản: bảy chữ (0.5 điểm)

Câu 2: Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên: biểu cảm, miêu tả. (0.5 điểm)

Câu 3: Nhận xét về thời gian và không gian được miêu tả trong văn bản.

– Thời gian: bắt đầu sang xuân. (0.25 điểm)

– Không gian: tươi đẹp, tràn ngập ánh nắng tươi mới, ấm áp. (0.25 điểm)

Câu 4: Các từ Hán Việt được sử dụng trong 2 câu thơ: thiếu nữ, trang điểm, kết hôn. (0.5 điểm)

Câu 5: Câu “Tình thay!” trong dòng thơ “Tình thay! Một vẻ ngọt và ngon…” thuộc kiểu câu cảm thán theo mục đích nói. (0.5 điểm)

Câu 6: Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong 2 dòng thơ:

Hơi nắng dịu dàng đầy nũng nịu,
Sau rào, khẽ liếm cặp môi tươi…

– Biện pháp nhân hóa: nắng – dịu dàng, nũng nịu, liếm cặp môi (0.25 điểm)

– Tác dụng:

+ Về nội dung: (0.5 đ)

++ Miêu tả ánh nắng nhẹ nhàng, dịu ngọt lúc xuân về mang vẻ đẹp và tâm hồn của cô gái trẻ, dịu dàng mà đầy tình tứ.

++ Tình cảm yêu thích của nhà thơ với ánh nắng xuân.

+ Về nghệ thuật (0.25 đ): làm tăng sức gợi hình, gợi cảm, sức hấp dẫn của tác phẩm.

Câu 7: Liệt kê các từ láy tác giả sử dụng trong bài thơ và nêu tác dụng.

– Các từ láy: dịu dàng, nũng nịu, âm thầm, sột soạt, rộn rã.(0.5đ)

– Tác dụng:

+ Tạo nhạc tính mềm mại, uyển chuyển (0.5đ)

+ Tăng sức gợi hình gợi cảm tô đậm vẻ đẹp của nắng xuân. (0.5đ)

Câu 8: Anh/ chị cảm nhận gì về vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ. (1.5đ)

– Yêu thiên nhiên

– Tinh tế, nhạy cảm

– Đa tình

LÀM VĂN

Dàn ý

Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm.

– Hàn Mặc Tử là thi sĩ có cuộc đời đau thương. Bên cạnh những vần thơ quằn quại rách xé giữa linh hồn và thể xác thì Hàn còn có những trang thơ trong trẻo lạ thường.

– “Nắng tươi” được trích từ tập “Gái quê” là một bài thơ trong trẻo như vậy.

Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:

* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình:

(Chủ đề, mạch cảm xúc, hình ảnh, điểm nhìn…)

– Chủ đề: vẻ đẹp tình tứ của nắng xuân, của thiên nhiên và con người lúc xuân về.

– Mạch cảm xúc: chan chứa niềm yêu thiên nhiên và cuộc đời. Thi sĩ nhìn thiên nhiên, ngắm nắng xuân bằng đôi mắt đa tình để thấy vẻ xuân tình của thiên nhiên và con người lúc xuân sang.

– Hình ảnh: có 2 hệ thống hình ảnh đan cài, hòa điệu trong tác phẩm:

+ Hình ảnh thiên nhiên: mây, đồi cao, trời xuân, nắng tươi, lá xuân.

+ Hình ảnh con người: thiếu nữ với môi tươi, má hồng, vạt áo hường.

– Điểm nhìn: từ cao xuống thấp, từ xa đến gần.

* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.

– Sự phát triển của hình tượng chính

Hình tượng nắng xuân là hình tượng chính trong bài thơ. Sự xuất hiện của nắng xuân bắt đầu từ trên cao, được đánh dấu bằng nét thay đổi của thiên nhiên: trên đỉnh đồi cao không còn phủ mây hờ. Cả đất trời được tắm trong ánh nắng mới tinh khôi của khoảnh khắc giao mùa. Nắng được miêu tả như một nàng thiếu nữ tươi trẻ, tràn đầy sức sống, dịu dàng, e ấp mà đầy tình tứ.

Bước sang khổ thơ thứ 2, hình ảnh thiếu nữ hiện lên trẻ trung, tươi đẹp, rạo rực xuân tình trong ánh nắng xuân. Đôi môi tươi, cặp má hồng của thiếu nữ như được nắng nhuộm thêm thắm, thêm tình.

Khổ thơ cuối tập trung vào cảm xúc của nhân vật trữ tình. Lá non tơ mơn mởn xuân khẽ sột soạt, rung rinh trong làn nắng làm thi nhân ngỡ như vạt áo hường thiếu nữ mặc ngày xuân. Để rồi từ đó dấy lên niềm yêu da diết. Cảnh và người đều tràn ngập sắc xuân, sức xuân và tình xuân trong làn nắng xuân.

– Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:

Hàn Mặc Tử sử dụng trong thi phẩm của mình đồng thời cả 2 lớp ngôn từ: vừa trau chuốt, bóng bẩy (nắng tươi, lá xuân…) lại vừa dân dã, tự nhiên (liếm). Nhưng tất cả đều ẩn chứa sức gợi cảm rất lớn của ngôn từ.

Biện pháp nhân hóa tạo nên hình tượng nắng sống động trong bài thơ, chứa chan tình xuân phơi phới. Hệ thống từ láy đã mang lại hiệu quả nghệ thuật cao cho tác phẩm. Câu cảm thán được đặt vào giữa bài thơ “Tình thay!” thể hiện cảm xúc dâng trào của thi nhân trước vẻ tình tứ của mùa xuân.

* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại

– Cùng viết về đề tài mùa xuân, nếu Nguyễn Bính nhấn vào sắc xanh của mùa xuân (Mùa xuân xanh), thì Hàn Mặc Tử lại tập trung miêu tả sắc hồng của nắng xuân qua vẻ đẹp của đôi môi, gò má thiếu nữ.

– Lưu Trọng Lư sử dụng hình ảnh “Nắng mới” để nói về ánh nắng xuân gợi nhớ đến những kỉ niệm ấu thơ gắn với hình ảnh người mẹ. Còn Hàn Mặc Tử lại miêu tả vẻ tươi của nắng, cái trẻ trung mơn mởn xuân tình của nắng xuân làm dậy lên khao khát tình yêu trong lòng người, trong lòng người thiếu nữ “âm thầm ước kết hôn” cũng như trong lòng chàng trai “rộn rã nỗi yêu thương”.

Kết bài:

Vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật đã làm nên một thi phẩm “Nắng tươi” in đậm dấu ấn trong tâm hồn người đọc.

Bài viết tham khảo

 

Trong làng Thơ mới, Hàn Mặc Tử là thi sĩ có diện mạo thơ vô cùng phong phú, sáng tạo và đầy bí ẩn. Bên cạnh những vần thơ điên, thơ say, thơ siêu thực là một giọng thơ trữ tình, đằm thắm, thể hiện tình yêu cuộc sống tha thiết, khao khát tình người đến cháy bỏng. – Hàn Mặc Tử là thi sĩ có cuộc đời đau thương. Bên cạnh những vần thơ quằn quại rách xé giữa linh hồn và thể xác thì Hàn còn có những trang thơ trong trẻo lạ thường. “Nắng tươi” được trích từ tập “Gái quê” là một bài thơ trong trẻo như vậy.

Bài thơ viết về đề tài mùa xuân muôn thủa của thi ca và gắn nó với cảm hứng tình yêu đầy rạo rực rất riêng của Hàn Mặc Tử. Chủ đề thi phẩm gây ấn tượng với người đọc bởi vẻ đẹp tình tứ của nắng xuân, của thiên nhiên và con người lúc xuân về. Hàn đã dẫn người đọc vào thế giới đầy mê hoặc của cảm xúc. Theo mạch vận động của bài thơ, ta nhận thấy sự vận động của mạch cảm xúc, của tâm hồn thi nhân. Đó là trái tim chan chứa niềm yêu thiên nhiên và cuộc đời. Thi sĩ nhìn thiên nhiên, ngắm nắng xuân bằng đôi mắt đa tình để thấy vẻ xuân tình của thiên nhiên và con người lúc xuân sang. Mùa xuân – mùa đẹp nhất trong năm. Vẻ đẹp ấy được hiện ra dưới ngòi bút tài hoa của thi nhân qua hai hệ thống hình ảnh đan cài, hòa điệu trong tác phẩm. Trước hết, vẻ đẹp mùa xuân hiện lên qua bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, nắng tươi tràn ngập đất trời, xua tan mây mù bao phủ, xua tan cái lạnh lẽo còn sót lại của tiết đông. Hình ảnh thiên nhiên: đồi cao, trời xuân, nắng tươi, lá xuân làm bừng sáng không gian, làm tươi mới hồn người. Bên cạnh đó là hình ảnh con người: thiếu nữ với môi tươi, má hồng, vạt áo hường. Hình ảnh cô gái hiện lên hòa cùng nắng tươi, tôn lên vẻ đẹp tươi trẻ, tình tứ của người thiếu nữ. Tác giả dịch chuyển điểm nhìn  từ cao xuống thấp, từ xa đến gần mang lại cái nhìn vừa bao quát toàn bộ cảnh vật vừa cụ thể vào từng hình ảnh để cho thấy sắc xuân và sức xuân thấm vào từng chiếc lá non tơ, từng đôi môi đỏ, đôi má hồng thiếu nữ cho đến ngập cả đất trời.

Hình tượng nắng xuân là hình tượng chính trong bài thơ. Sự xuất hiện của nắng xuân bắt đầu từ trên cao, được đánh dấu bằng nét thay đổi của thiên nhiên: trên đỉnh đồi cao không còn phủ mây hờ. Cả đất trời được tắm trong ánh nắng mới tinh khôi của khoảnh khắc giao mùa. Nắng được miêu tả như một nàng thiếu nữ tươi trẻ, tràn đầy sức sống, dịu dàng, e ấp mà đầy tình tứ. Bước sang khổ thơ thứ 2, hình ảnh thiếu nữ hiện lên trẻ trung, tươi đẹp, rạo rực xuân tình trong ánh nắng xuân. Đôi môi tươi, cặp má hồng của thiếu nữ như được nắng nhuộm thêm thắm, thêm tình. Khổ thơ cuối tập trung vào cảm xúc của nhân vật trữ tình. Lá non tơ mơn mởn xuân khẽ sột soạt, rung rinh trong làn nắng làm thi nhân ngỡ như vạt áo hường thiếu nữ mặc ngày xuân. Để rồi từ đó dấy lên niềm yêu da diết. Cảnh và người đều tràn ngập sắc xuân, sức xuân và tình xuân trong làn nắng xuân.

Hàn Mặc Tử sử dụng trong thi phẩm của mình đồng thời cả hai lớp ngôn từ: vừa trau chuốt, bóng bẩy (nắng tươi, lá xuân…) lại vừa dân dã, tự nhiên (liếm). Nhưng tất cả đều ẩn chứa sức gợi cảm rất lớn của ngôn từ. Biện pháp nhân hóa tạo nên hình tượng nắng sống động trong bài thơ, chứa chan tình xuân phơi phới. Hệ thống từ láy đã mang lại hiệu quả nghệ thuật cao cho tác phẩm. Câu cảm thán được đặt vào giữa bài thơ “Tình thay!” thể hiện cảm xúc dâng trào của thi nhân trước vẻ tình tứ của mùa xuân.

Cùng viết về đề tài mùa xuân, nếu Nguyễn Bính nhấn vào sắc xanh của mùa xuân (Mùa xuân xanh), thì Hàn Mặc Tử lại tập trung miêu tả sắc hồng của nắng xuân qua vẻ đẹp của đôi môi, gò má thiếu nữ. Lưu Trọng Lư sử dụng hình ảnh “Nắng mới” để nói về ánh nắng xuân gợi nhớ đến những kỉ niệm ấu thơ gắn với hình ảnh người mẹ. Còn Hàn Mặc Tử lại miêu tả vẻ tươi của nắng, cái trẻ trung mơn mởn xuân tình của nắng xuân làm dậy lên khao khát tình yêu trong lòng người, trong lòng người thiếu nữ “âm thầm ước kết hôn” cũng như trong lòng chàng trai “rộn rã nỗi yêu thương”. Cái hữu tình của cảnh và cái hữu tình của người quấn quýt nồng nàn làm nên vẻ đẹp riêng độc đáo cho thi phẩm.

Ngày 11/11/1940, Hàn Mặc Tử đã trút hơi thở cuối tại nhà thương Quy Hoà. Ngôi sao ấy xẹt qua bầu trời thi ca Việt nhưng đã kịp để lại vầng sáng lạ lùng và dữ dội. Nửa đời người chưa qua hết nhưng Hàn Mặc Tử đã làm tròn sứ mệnh của mình, để lại cho nền văn học Việt Nam một đời thơ giá trị. Thật đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã nhận định: “Mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, còn lại chút gì trên đời này đáng kể, đó chính là Hàn Mặc Tử”. Vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật đã làm nên một thi phẩm “Nắng tươi” in đậm dấu ấn trong tâm hồn người đọc.

 

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *