Đề thi về bài thơ Vịnh cảnh gần sáng – Phạm Thị Lam Anh

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm) THEO ĐÚNG MA TRẬN CỦA BỘ

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: : (Tự luận)

Vịnh cảnh gần sáng

– Phạm Thị Lam Anh –

Một giải thương lang(1) lộn mắt mèo,

Xóm chài mới dậy đuốc leo heo.

Lằn kêu(2) thức chúa chầu sân phụng,

Gà gáy(3) khuyên chồng dõi dấu cheo.

Ải sói Thường Quân(4) vừa cất bước,

Thuyền tên Gia Cát(5) vội phăng neo.

Phương đông chửa lố vừng con ác,

Cửa Khổng nho sinh nhóm tựa bèo

(Theo Quách Tấn, Nét bút giai nhân. Nhà xuất bản Hà Nội, 1977)

(1) Thương lang: dòng nước xanh.

(2) Lằn kêu: Mượn ý Kinh thi khen vợ vua nghe tiếng lằn kêu bảo là tiếng gà gáy, vội thức chồng dậy ra triều kẻo bá quan đợi.

(3) Gà gáy: Chữ trong Kinh thi, lời vợ gọi chồng dậy sớm để đi săn.

(4) Thường Quân: Mạnh Thường Quân đi lánh nạn, đợi trời sáng ải mở cửa thì bị người đuổi theo kịp. Có người trong đoàn giả tiếng gà gáy. Gà quanh ải gáy theo. Quân giữ ải tưởng trời đã sáng vội mở cửa ải. Nhờ vậy mà Thường Quân qua được ải trước khi quân thù đến.

(5) Gia Cát: Gia Cát Lượng tức Khổng Minh. Muốn lấy tên của Tào, Khổng Minh nhân đêm có mù cho thuyền ra sông nổi trống. Quân Tào tưởng giặc đến, nhưng không dám ra vì mù nhiều quá, cứ đứng trên bờ bắn tên xuống rào rào. Trên thuyền Khổng Minh đã bện những hình nộm bằng rơm để hứng tên. Trời chưa sáng mà tên đã đầy thuyền. Thuyền vội trở vào bến với tên lấy được.

– Phạm Thị Lam Anh: Phạm Thị Lam Anh được các nhà nghiên cứu cho là người mở đầu không những cho thơ ca nữ mà còn cho thơ ca Quảng Nam nói chung. Bà tên thật là Phạm Thị Khuê Ấu, sinh trong khoảng thập niên 30 của thế kỷ XVIII, người huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Từ nhỏ Lam Anh đã  nổi tiếng thông minh, làm thơ hay lại thích ngâm vịnh nên tự đặt cho mình biệt danh “Ngâm Si” nghĩa là người si thơ.

– Bài thơ “Vịnh cảnh gần sáng”: Tương truyền ở địa phương mở cuộc thi thơ treo giải thưởng đề Vịnh cảnh gần sáng, hạn vận “mèo heo cheo neo bèo” và buộc mỗi câu phải có tên một con vật. Người dự thi có trên trăm, nhưng trúng tuyển không được chục. Bài này của bà được chấm đậu đầu.

Câu 1: Xác định thể thơ của bài thơ trên?

Câu 2: Bài thơ trên được gieo vần ở những câu thơ nào?

Câu 3: Chỉ ra tác dụng của từ láy được sử dụng trong bài thơ?

Câu 4: Trong bài thơ, những âm thanh nào được sử dụng để gợi ra thời gian gần sáng?

Câu 5: Chỉ ra các điển cố được sử dụng trong bài thơ?

Câu 6: Nghệ thuật đối được sử dụng ở những câu thơ nào?

Câu 7: Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong hai câu thơ:

Ải sói Thường Quân vừa cất bước,

Thuyền tên Gia Cát vội phăng neo”

Câu 8: Từ nội dung của bài thơ, em hãy rút ra một bài học tích cực cho bản thân.

  1. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên.

Hướng dẫn chi tiết  

  1. ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Thể thơ: Thất ngôn bát cú.

Câu 2: Gieo vần: 1-2-4-6-8.

Câu 3: Từ láy “leo heo” vừa có tác dụng hiệp vần, vừa thể hiện sự vắng vẻ, heo hút của xóm chài khi trời gần sáng.

Câu 4: Âm thanh gợi ra thời gian gần sáng: lằn kêu, gà gáy.

Câu 5: Điển cố: lằn kêu, gà gáy, Thường Quân, Gia Cát.

Câu 6: Nghệ thuật đối được sử dụng ở câu thực (câu 3-4) và câu luận (câu 5-6).

Câu 7: Hai câu thơ sử dụng nghệ thuật đảo ngữ và phép đối.

Tác dụng:

+ đảm bảo thi luật nghiêm ngặt của thơ Đường (đối ở câu thực và câu luận).

+ tạo sự cân đối, hài hòa

+ nhấn mạnh sự thông minh, cơ trí; nhân lúc trời chưa sáng rõ để thoát khỏi hiểm cảnh.

Câu 8: Rút ra một bài học tích cực cho bản thân:

+ Yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước.

+ Không lùi bước trước khó khăn, suy nghĩ, tìm ra cách giải quyết.

+ Luôn lắng nghe, quan sát mọi cảnh vật, thanh âm của cuộc sống

….

  1. LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây)

Dàn ý

  1. Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm.

– Phạm Thị Lam Anh: Phạm Thị Lam Anh được các nhà nghiên cứu cho là người mở đầu không những cho thơ ca nữ mà còn cho thơ ca Quảng Nam nói chung. Từ nhỏ bà đã  nổi tiếng thông minh, làm thơ hay lại thích ngâm vịnh nên tự đặt cho mình biệt danh “Ngâm Si” nghĩa là người si thơ.

– Bài thơ “Vịnh trời gần sáng”: Trương truyền ở địa phương mở cuộc thi thơ treo giải thưởng đề Vịnh cảnh gần sáng, hạn vận “mèo heo cheo neo bèo” và buộc mỗi câu phải có tên một con vật. Người dự thi có trên trăm, nhưng trúng tuyển không được chục. Bài này của bà được chấm đậu đầu.

  1. Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:

* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình:

(Chủ đề, mạch cảm xúc, hình ảnh, điểm nhìn…)

– Chủ đề: Vịnh cảnh gần sáng

– Mạch cảm xúc: Cô đơn, lẻ loi, hoài niệm, xót xa…

– Hình ảnh:

+ “thương lang”: dòng sông nước trong vắt khiến tác giả liên tưởng tới “mắt mèo”

+ “xóm chài”: hình ảnh gần gũi, quan thuộc, biểu trưng cho cuộc sống của con người.

+ “đuốc”: hình ảnh gợi ra cả không gian và thời gian. Lúc gần sáng trời vẫn nhá nhem nên mới có thể nhìn thấy ngọc đuốc “leo heo” từ “xóm chài”. Cũng có thể trời chưa sáng nên đuốc đèn vẫn sáng, chưa cháy hết.

+ “bèo”: thân phận nhỏ bé, trôi nổi, bấp bênh giữa dòng đời

– Điểm nhìn: Từ dòng sông -> xóm chài -> dòng sông.

– Điển cố:

+ “lằn kêu”

+ “gà gáy”

+ “Thường Quân”

+ “Gia Cát”

=> Điến cố có một điểm tương đồng: thời gian trời gần sáng => Nhấn mạnh không gian, thời gian  nghệ thuật của bài thơ, đồng thời cũng là chủ để của cuộc thi : “Vịnh cảnh gần sáng”

=> Thông qua điển cố cho thấy sự trân trọng, ca ngợi vẻ đẹp của con người:

+ Sự tần tảo, chịu khó, tấm lòng yêu thương, quan tâm của người vợ với chồng (gọi chồng dạy lên chầu, đi săn…)

+ Sự thông minh, cơ trí của con người, biết lựa chọn thời cơ, nhân lúc trời còn chưa sáng rõ, Thường Quân giả tiếng gà gáy để vào được cổng thành, Gia Cát cho thuyền ra sông nổi trống lấy được mũi tên của quân Tào.

* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.

– Sự phát triển của hình tượng chính

Cảnh gần sáng được gợi lên qua những hình ảnh “thương lang”, “xóm chài”, “đuốc leo heo”. Sau đó lại được khắc sâu bằng âm thanh “lằn kêu”, “gà gáy” và điển tích “Thường Quân”, “Gia Cát”. Đến hai câu luận, xuất hiện hình ảnh của “nhóm Nho sinh” thể hiện chút dí dóm, hài hước đồng thời cũng khắc họa tâm trạng của nhân vật trữ tình.

– Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:

+ Gần như mỗi câu thơ có tên một loài vật: đảm bảo được yêu cầu khó khăn của cuộc thi mà bài thơ vẫn mang một ý nghĩa riêng, không khiên cưỡng, gượng ép.

+ vần “eo”: được mệnh danh là “tử vận” – vần khó trong thơ

+ Từ láy “leo heo” tổng hợp cả hai từ leo pheo,heo hút là thấu lẽ vô cùng, diễn được cái đơn côi , ít ỏi ,hoang vắng của một xóm chài lúc trời gần sáng.

* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại.

Cùng viết theo thể Đường thi, cùng gieo “tử vận” “eo” nhưng Thu điếu gợi ra không gian tịch mịch, cô đơn, lẻ loi, dường như cùng với mỗi lần vần “eo” được gieo, không gian trong bài thơ lại càng thu hẹp lại. Còn “Vịnh cảnh trời sáng” gieo vần “eo” một mặt cũng diễn tả không gian heo hút, vắng lặng. Song mặt khác, thú vị hơn, tử vận này đảm bảo yêu cầu của cuộc thi mà vẫn phù hợp với chủ đề, mạch cảm xúc của bài thơ chứ không hề khiên cưỡng, gượng ép.

  1. Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.

Bài viết tham khảo

Đã bao lần tôi băn khoăn tự hỏi: Điều gì khiến mỗi tác phẩm mang hình hài một chiếc lá, thả mình theo dòng chảy miên viễn của thời gian? Một cốt truyện li kì hấp dẫn? Một vần thơ sâu thẳm tự tâm hồn? Văn học bật ra từ những cơn mê tỉnh của người nghệ sĩ, từ cõi lòng tinh tế đến nhạy cảm mong manh, để rồi nhìn thấu nỗi đau thực tại, để rồi một đời trăn trở, một đời băn khoăn. Văn học vốn dĩ nặng nợ thế gian, cũng như nỗi niềm muôn đời của người nghệ sĩ đối với văn chương, để rồi từ đó anh cất lên những vần thơ, những câu chữ say đắm lòng người. Cũng giống như tác phẩm “Vịnh cảnh trời sáng” của tác giả Phạm Thị Lam Anh từ cách đây vài thế kỉ.

Phạm Thị Lam Anh được các nhà nghiên cứu cho là người mở đầu không những cho thơ ca nữ mà còn cho thơ ca Quảng Nam nói chung. Từ nhỏ bà đã  nổi tiếng thông minh, làm thơ hay lại thích ngâm vịnh nên tự đặt cho mình biệt danh “Ngâm Si” nghĩa là người si thơ. Bài thơ “Vịnh trời gần sáng” được bà sáng tác khi còn trẻ, tương truyền ở địa phương mở cuộc thi thơ treo giải thưởng đề Vịnh cảnh gần sáng, hạn vận “mèo heo cheo neo bèo” và buộc mỗi câu phải có tên một con vật. Người dự thi có trên trăm, nhưng trúng tuyển không được chục. Bài này của bà được chấm đậu đầu.

Cuộc thi thơ đã treo đề vịnh cảnh gần sáng nên chủ đề của bài thơ cũng được quyết định từ đó. Gần sáng, đây có lẽ là khoảng thời gian gợi ra nhiều cảm xúc trong lòng người không kém gì lúc chiều hôm. Trong khoảng thời gian ấy, nhân vật trữ tình hiện ra một cách gián tiếp, lặng ngắm nhìn không gian dòng sông “thương lang” nước trong xanh vắt tưởng như “mắt mèo”. Điểm nhìn không dừng lại giữa dòng sông buổi sớm ấy, mà trở về gần hơn nơi bến bờ, có “xóm chài mới dậy đuốc leo heo”. Hình ảnh “xóm chài” là một hình ảnh gần gũi, thân thuộc, biểu trưng cho cuộc sống của con người. Cụm từ “mới dậy” không chỉ miêu tả hành động của con người nơi “xóm chài” mà còn góp phần thể hiện thời gian. Vì trời mới gần sáng chứ mặt trời chưa lên, nên những con người lao động cần cù, chịu thương, chịu khó cũng chỉ vừa mới thức dậy. Và đây hẳn cũng là lí do vì sao không nhìn rõ dòng sông mà tưởng “lộn mắt mèo”. Cũng chính trong không gian trời mù hơi sương ấy, ngọn “đuốc leo heo” vốn là ánh sáng yếu ớt nhưng cũng có thể được thấy rõ ràng, được đặc tả và trở thành điểm sáng của hai câu đề. Hình ảnh “đuốc” không chỉ gợi tả được không gian nhá nhem tối mà còn gợi cả thời gian: trời vẫn chưa sáng nên đuốc đèn vẫn “leo pheo”, chưa cháy hết.

Trong thời gian và không gian ấy, nhân vật trữ tình chìm vào trong những suy từ trầm mặc, hai cặp câu thực và luận không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt luật đối của thơ Đường mà còn sử dụng những điển tích, điển cố quen thuộc: “lằn kêu”, “gà gáy”, “Thường Quân” và “Gia Cát” gợi ra nhiều liên tưởng trong lòng người đọc. Trước hết, cả bốn điển tích được sử dụng đều gợi đến khoảng thời gian trời gần sáng, góp phần nhấn mạnh thời gian, không gian nghệ thuật của bài thơ; đồng thời cũng là chủ đề của cuộc thi thơ: “Vịnh cảnh gần sáng”. Hơn thế, thông qua điển cố cho thấy sự trân trọng, ca ngợi vẻ đẹp của con người. Đó là sự tần tảo, chịu khó, tấm lòng yêu thương, quan tâm của người vợ với chồng (gọi chồng dậy sớm lên chầu, đi săn…); là sự thông minh, cơ trí của con người, biết lựa chọn thời cơ, nhân lúc trời còn chưa sáng rõ, Thường Quân giả tiếng gà gáy để vào được cổng thành, Gia Cát cho thuyền ra sông nổi trống lấy được mũi tên của quân Tào.

Từ những điển tích ấy, điểm nhìn lại trở lại trên dòng sông với hình ảnh mỏng manh của cánh “bèo” – vừa gợi thân phận nhỏ bé, trôi nổi, bấp bênh giữa dòng đời; vừa gợi sự cam chịu, phó mặc cho dòng nước đẩy đưa. Điều đặc biệt khác lạ, cánh “bèo” này không được dùng để ví von với người phụ nữ liễu yếu đào tơ: “Thân em như thể bèo trôi/Sóng dập, gió dồi biết tựa vào đâu?” mà lại được ví với những chàng “nho sinh” “Cửa Khổng” sân Trình. Sự ví von này là một sự bứt phá hồn nhiên khá hóm. Cái nhóm nho sinh vin vào cửa Khổng sân Trình ấy có khác chi cánh bèo .Trong số xúm xít lúc “Phương đông chưa lố vừng con ác” ấy có bao người công thành  danh toại áo mũ vinh quy hay hầu hết mà có khi là tất cả chỉ là anh thí sinh lạc đệ ,thân phận có khác chi ngọn “đuốc leo heo”,cánh bèo trôi giạt uổng công “lằn kêu”, “gà gáy” của người bạn tào khang thức chúa, khuyên chồng. Trượng phu ,má hồng cảm khái sự đời nào khác chi nhau? Phải chăng chính cái hóm hỉnh, cảm khái ở hai câu cuối này càng góp phần khẳng định vị thế của bà Phạm Thị Lam Anh trong thơ Nôm Việt Nam, sánh ngang với bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương: “Nguyệt Đình, Huệ Phố tài danh thạnh/ Cảnh thuyết thi viên hữu Phạm, Hồ”.

Bằng tài năng của mình, nữ thi sĩ Phạm Thị Lam Anh đã diễn tả cảnh gần sáng qua những hình ảnh “thương lang”, “xóm chài”, “đuốc leo heo”. Sau đó lại được khắc sâu bằng âm thanh “lằn kêu”, “gà gáy” và điển tích “Thường Quân”, “Gia Cát”. Đến hai câu luận, xuất hiện hình ảnh của “nhóm Nho sinh” thể hiện chút dí dóm, hài hước đồng thời cũng khắc họa tâm trạng của nhân vật trữ tình. Kết thúc bài thơ, cùng với hình ảnh cánh “bèo” dường như ta trở lại với dòng “thương lang” trong câu đầu tiên. Tuy không thể khẳng định kết cấu hô – ứng của bài thơ, nhưng sự cân đối, hài hòa này đã góp phần khắc sâu chủ đề bài thơ trong lòng độc giả.

Không chỉ vậy, gần như mỗi câu thơ có tên một loài vật. Điều này vừa đảm bảo được yêu cầu khó khăn của cuộc thi mà bài thơ vẫn mang một ý nghĩa riêng, không khiên cưỡng, gượng ép; vừa góp phần khẳng định tài năng thơ của nữ thi sĩ. Chính tài năng ấy đã đưa vào trong thơ một từ láy “leo heo” – tổng hợp cả hai từ leo pheo,heo hút; diễn đạt thành công cái đơn côi, ít ỏi, hoang vắng của một xóm chài lúc trời gần sáng. Bên cạnh đó, từ láy “leo pheo” cũng góp phần đảm bảo thi luật nghiêm ngặt của thơ Đường: hiệp vần ở câu 1-2-4-6-8. Nhưng nếu chỉ hiệp vần thôi thì cũng chưa có gì đáng nói, thi sĩ đã hiệp vần “eo” – một vần khó vô cùng, được mệnh danh là “tử vận” – vần chết. và tất cả yếu tố này đã kết hợp với nhau, tạo nên tính độc đáo của các phương diện ngôn từ trong bài thơ; cũng như nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại.

Cùng viết theo thể Đường thi, cùng gieo “tử vận” “eo” nhưng Thu điếu gợi ra không gian tịch mịch, cô đơn, lẻ loi, dường như cùng với mỗi lần vần “eo” được gieo, không gian trong bài thơ lại càng thu hẹp lại. Còn “Vịnh cảnh trời sáng” gieo vần “eo” một mặt cũng diễn tả không gian heo hút, vắng lặng. Song mặt khác, thú vị hơn, tử vận này đảm bảo yêu cầu của cuộc thi mà vẫn phù hợp với chủ đề, mạch cảm xúc của bài thơ chứ không hề khiên cưỡng, gượng ép.

            Lê Đạt từng nhận xét:

“Mỗi công dân có một dạng vân tay

Mỗi nhà thơ có một dạng vân chữ

Không trộn lẫn”

Và tác giả Phạm Thị Lam Anh đã cho người đọc thấy được “dạng vân chữ không trộn lẫn” thông qua tác phẩm thơ Nôm “Vịnh cảnh trời sáng”. Tác phẩm đã chứa đựng những giá trị nội dung và nghệ thuật làm nên phong cách riêng của Phạm Thị Lam Anh, để vài thế kỉ sau, người ta vẫn nhắc đến bà với tất cả sự tôn kính, ngưỡng vọng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *