Đề thi theo hướng mới bài thơ Con về của Phan Thúc Định

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm) THEO ĐÚNG MA TRẬN CỦA BỘ

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Tự luận)

CON VỀ

                                        Tác giả: Phan Thúc Định

Con về bên mẹ chiều nay
Cổng mòn in dấu bàn tay mẹ cầm
Mỗi ngày mấy bận ra trông
Bước ra thoăn thoắt ngắt lòng trở vô

 

Phải chăng sinh mẹ để chờ?
Sinh con để cứ đổ thừa ngái ngôi
Dạ thưa như thể đãi bôi
Bao dung nên mẹ mấy đời giận con

 

Nhìn con buồn bỗng hết buồn
Con về mẹ thấy khỏe hơn mấy phần
Mắt cười ngắm nghía đầu, chân…
Mẹ ơi con ngoại tứ tuần còn đâu

 

Mới hay lòng mẹ con dầu
Đầu hai thứ tóc vẫn đau đáu lòng
Trải bao nắng dãi mưa dầm
Với mẹ con mãi trong vòng ấu thơ!

Câu 1: Bài thơ được làm theo thể thơ nào?

Câu 2: Chỉ ra những từ láy tác giả đã dùng trong bài thơ?

Câu 3: Tìm những từ Hán Việt trong khổ thơ 3, 4.

Câu 4: Câu thơ Bước ra thoăn thoắt ngắt lòng trở vô gợi điều gì?

Câu 5: Nội dung chủ đạo của khổ thơ thứ 2 là gì?

Câu 6: Chỉ ra và phân tích giá trị nghệ thuật của biện pháp nghệ thuật trong hai câu thơ:

Trải bao nắng dãi mưa dầm
Với mẹ con mãi trong vòng ấu thơ!

Câu 7: Cảm nhận của anh/chị về hình ảnh người mẹ trong bài thơ

Câu 8: Thông điệp mà anh/chị rút ra từ tác phẩm?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên.

Hướng dẫn chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Bài thơ được làm theo thể thơ lục bát. (0,5 điểm)

Câu 2: Những từ láy tác giả đã dùng trong bài thơ: (0,5 điểm)

thoăn thoắt

đau đáu

Câu 3: Tìm những từ Hán Việt trong khổ thơ 3, 4. (0,5 điểm)

Ngoại, tứ tuần, ấu thơ

Câu 4: Câu thơ Bước ra thoăn thoắt ngắt lòng trở vô gợi điều gì? (1,0 điểm)

Hình dáng người mẹ mỏi mòn trông ngóng và buồn bã, cô đơn khi không thấy con về.

– Sự đau xót của người con trước sự đợi chờ của mẹ.

Câu 5: Nội dung chủ đạo của khổ thơ thứ 2 là gì? (1,0 điểm)

– Hình ảnh người mẹ: luôn chờ đợi con, bao dung cho sự bận rộn, chưa chu đáo của con cái.

– Hình ảnh người con: luôn có lí do khi chưa về thăm mẹ, tự trách mình, nhận thấy được sự vô tâm của mình với mẹ.

Câu 6: Chỉ ra và phân tích giá trị nghệ thuật của hai câu thơ: (1,0 điểm)

Trải bao nắng dãi mưa dầm
Với mẹ con mãi trong vòng ấu thơ!

– Sử dụng linh hoạt thành ngữ dân gian: nắng dãi mưa dầm (dãi nắng dầm mưa)

– Tác dụng: làm cho câu thơ hàm súc, giàu hình ảnh/ Gợi hình ảnh người mẹ tảo tần, nhọc nhằn vì con.

Câu 7: Cảm nhận của anh/chị về hình ảnh người mẹ trong bài thơ (1,0 điểm)

– Đó là người mẹ tần tảo hi sinh vì con, che chở, bảo vệ con, vui niềm vui của con, luôn lo lắng cho con, luôn bao dung vì con, và lúc nào cũng đợi con về.

– Mẹ có nét chung của những bà mẹ mà ta từng gặp.

Câu 8: Thông điệp mà anh/chị rút ra từ tác phẩm?  (0,5 điểm)

– Mẹ là người luôn yêu thương ta vô điều kiện

– Hãy yêu thương mẹ khi còn có thể

LÀM VĂN

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề. (0,25 điểm)

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: (0,25 điểm)

Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; thể hiện được thái độ hiểu biết, tinh thần cảm thông, chia sẻ, tin tưởng; sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, tế nhị, giàu sức thuyết phục… : (3,0 điểm)

Sau đây là một hướng gợi ý:

Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm.

– Phan Thúc Định là nhà giáo, nhà thơ trẻ, có nhiều sáng tác hay về mẹ.

– Bài thơ Con về là sự trải nghiệm của chính nhà thơ, một người con trưởng thành khi nghĩ về mẹ của mình. Bài thơ giản dị nhưng ấm áp, sâu sắc, nói hộ được rất nhiều người

Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:

* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình:

(Chủ đề, mạch cảm xúc, hình ảnh, điểm nhìn…)

– Chủ đề: thông qua lời tâm sự chân thành, nhà thơ thể hiện sự ăn năn, hối lỗi của mình trước sự hi sinh của mẹ.

– Mạch cảm xúc của bài thơ bắt nguồn từ việc một lần nhà thơ về thăm mẹ, thấy bóng mẹ, sự mỏi mòn chờ con mỗi ngày của mẹ, niềm vui của mẹ, tác giả đã suy nghĩ nhiều về thái độ của mình, về sự mong ước của mẹ.

– Hình ảnh thơ là sự chi phối bởi mạch cảm xúc của bài thơ.  Từ hiện tại, con về thăm mẹ một buổi chiều, thấy sự chờ đợi mỏi mòn mỗi ngày của mẹ, nhà thơ suy ngẫm về sự hi sinh của mẹ, sự vô tâm của mình. Theo dòng hồi tưởng, nhà thơ nhớ lại mỗi lần về thăm nhà, mẹ vui biết mấy. Từ đó, tác giả suy ngẫm về tấm lòng của mẹ với con cho dù bây giờ mình đã lớn.

* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.

– Sự phát triển của hình tượng chính

+ Những hình ảnh về mẹ lần lượt hiện ra từ dáng ngóng trông mỏi mòn của mẹ đến bóng dáng lủi thủi, buồn bã trở vào khi không thấy con về:

Cổng mòn in dấu bàn tay mẹ cầm
Mỗi ngày mấy bận ra trông
Bước ra thoăn thoắt ngắt lòng trở vô

+ Điều đó khiến nhà thơ suy ngẫm:

Phải chăng sinh mẹ để chờ?
Sinh con để cứ đổ thừa ngái ngôi
Dạ thưa như thể đãi bôi
Bao dung nên mẹ mấy đời giận con

+ Tác giả nhớ lại những lần về thăm mẹ và thái độ của mẹ:

Nhìn con buồn bỗng hết buồn
Con về mẹ thấy khỏe hơn mấy phần
Mắt cười ngắm nghía đầu, chân…
Mẹ ơi con ngoại tứ tuần còn đâu

+ Từ những hi sinh đó, nhà thơ suy ngẫm về mẹ, về nhưng lo toan cho những đứa con dù con đã lớn.

Mới hay lòng mẹ con dầu
Đầu hai thứ tóc vẫn đau đáu lòng
Trải bao nắng dãi mưa dầm
Với mẹ con mãi trong vòng ấu thơ!

– Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:

+ Sử dụng thể thơ lục bát với nhịp chậm rãi, phù hợp với tình cảm nhẹ nhàng, tha thiết của tác giả.

+ Dùng nhiều từ láy giàu sức gợi

+ Dùng thành ngư dân gian sáng tạo tạo nên sự hàm súc, góp phần thể hiện nội dung.

+ Giọng điệu ngậm ngùi, tình cảm như lời thú nhận chân thành của con với mẹ.

+ Cách nói ẩn dụ: ngoại tứ tuần, vòng ấu thơ gợi cảm.

* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại.

– Mạch cảm xúc của tác giả được thể hiện đồng hiện giữa hiện tại, quá khứ đến hiện tài, từ đó cảm xúc dược bộc lộ tự nhiên rõ nét.

– Xuyên suốt bài thơ là sự biết ơn và nỗi ân hận, xót xa của người con vì sự hi sinh và bao dung của mẹ dành cho mình.

Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.

Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. (0,25 điểm)

Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ; văn viết có cảm xúc. (0,25 điểm)

Bài viết tham khảo

Những câu thơ, câu hát về mẹ luôn xúc động người đọc, người nghe, bởi khi viết về mẹ, ai cũng chân thành, tha thiết. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau, song những tác phẩm ấy luôn đem đến cho mọi người những ấn tượng khó phai mờ. Phan Thúc Định trong bài thơ Con về cũng đã gửi gắm trọn vẹn nỗi niềm tâm sự của mình với mẹ.

Phan Thúc Định là nhà giáo, nhà thơ trẻ, có nhiều sáng tác hay về mẹ. Bài thơ Con về là sự trải nghiệm của chính nhà thơ, một người con trưởng thành khi nghĩ về mẹ của mình. Bài thơ giản dị nhưng ấm áp, sâu sắc, nói hộ được rất nhiều người.

Nhan đề của bài thơ không cầu kì, gợi tứ thơ dễ hiểu. Đó là việc một lần nhà thơ về thăm mẹ, thấy bóng mẹ, sự mỏi mòn chờ con mỗi ngày của mẹ, niềm vui của mẹ, tác giả đã suy nghĩ nhiều về thái độ của mình, về sự mong ước của mẹ.

Mở đầu là hình ảnh mẹ chờ con mỗi ngày, được nhà thơ thể hiện qua hình ảnh cổng mòn in dấu bàn tay mẹ cầm. Chỉ bằng hình ảnh đơn giản, giàu sức gợi, nhà thơ đã cho người đọc thấy được sự mỏi mòn của người mẹ, chờ đợi bóng con về. Phải ngóng trông nhiều ngày, nhiều lần, dấu tay mẹ vịn vào cổng mới để lại vết mòn như thế. Đó là dấu của thời gian, dấu ấn của bao ánh mắt mà mẹ đã dõi theo con từng tháng ngày. Điều đó trở thành thói quen của mẹ, như cơm ăn, nước uống mỗi ngày. Nhà thơ còn cụ thể hóa sự trông chờ ấy qua câu thơ: Mỗi ngày mấy bận ra trông/ Bước ra thoăn thoắt ngắt lòng trở vô. Mấy là từ chỉ số lượng không xác định nói lên sự vào ra trông đợi của mẹ hằng ngày, thường xuyên. Từ láy thoăn thoắt gợi dáng hình mẹ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn trở vào trong sự vô vọng. Tính từ ngắt (ngắt lòng trở vô) là nỗi hụt hẫng, buồn bã có xen lẫn sự đắng lòng bởi sự ngóng trông của mẹ không thành.

Con về bên mẹ chiều nay
Cổng mòn in dấu bàn tay mẹ cầm
Mỗi ngày mấy bận ra trông
Bước ra thoăn thoắt ngắt lòng trở vô

Nhà thơ đã có nhiều trăn trở về tình cảm của  mẹ, về sự vô tâm của mình:

Phải chăng sinh mẹ để chờ?
Sinh con để cứ đổ thừa ngái ngôi
Dạ thưa như thể đãi bôi
Bao dung nên mẹ mấy đời giận con

Câu hỏi tu từ ở đầu khổ thứ hai để nối ý khổ thứ nhất, vừa mở ra ý thơ mới. Tác giả nhận thấy sự vô tâm của mình. Vì cuộc sống mưu sinh, con cái đôi lúc chưa thể làm tròn sự mong chờ của mẹ: Sinh con để cứ đổ thừa ngái ngôi/ Dạ thưa như thể đãi bôi. Tuy vậy, mẹ vẫn một đời bao dung, ấy vậy mẹ  mấy đời giận con.

Niềm vui của mẹ là được nhìn thấy con:

Nhìn con buồn bỗng hết buồn
Con về mẹ thấy khỏe hơn mấy phần
Mắt cười ngắm nghía đầu, chân…
Mẹ ơi con ngoại tứ tuần còn đâu

Đối với người mẹ nào con cái cũng như mặt trời, là nguồn sống, niềm hạnh phúc. Bởi thế, Nhìn con buồn bỗng hết buồn/ Con về mẹ thấy khỏe hơn mấy phần/ Mắt cười ngắm nghía đầu, chân… Biện pháp hoán dụ mắt cười như nói hộ mẹ bao điều. Người đọc hình dung được sự vui mừng, phấn khởi đến rơi nước mắt khi mẹ ngắm nhìn con mình. Trong mắt mẹ, con vẫn là đứa trẻ, dẫu con lớn thế nào, dù đầu đã hai thứ tóc. Nhà thơ phải thốt lên: Mẹ ơi con ngoại tứ tuần còn đâu. Khổ thơ cuối là lời suy ngẫm sâu sắc, cảm động về sự hi sinh, cho tình thương vô bờ của mẹ.

Mới hay lòng mẹ con dầu
Đầu hai thứ tóc vẫn đau đáu lòng
Trải bao nắng dãi mưa dầm
Với mẹ con mãi trong vòng ấu thơ!

Đầu 2 thứ tóc là cách nói tượng trưng cho việc con đã già. Tuy vậy, mẹ vẫn còn đau đáu về con. Từ láy đau đáu đã nói rõ nỗi lòng canh cánh, mang bao lo lắng, suy tư, hi vọng, cầu mong cho các con của mình được bình an vô sự. Mượn cách nói thành ngữ nắng dãi mưa dầm nhà thơ đã thể hiện sự trưởng thành của mình. Cho dù đã qua bao nhiêu sự khó khăn, vất vả, nửa đời phiêu dạt, con vẫn thấy mình bé nhỏ trong vòng tay mẹ. Câu cảm thán kết thúc bài thơ nhưng gợi ra nhiều dư vị cho nhiều đọc. Tình cảm của tác giả vẫn còn ngân vang mãi.

Thơ chỉ bật ra khi cuộc sống đã tràn đầy. Đúng vậy, những cảm xúc dâng trào về mẹ đã khiến nhà thơ tạo nên những vẫn thơ giản dị mà sâu sắc. Bài thơ được làm theo thể thơ lục bát, âm điệu nhẹ nhàng, quen thuộc đưa người đọc đến những tâm sự chân thành mà sâu sắc. Bài thơ không cầu kì về hình ảnh, ngôn từ nhưng vẫn xúc động người đọc bởi cảm xúc chân thành, sâu lắng của tác giả. Con về không chỉ dựng lên chân dung người mẹ thương con, bao dung mà còn là sự thấu hiểu và tình cảm, sự hối lỗi chân thành của tác giả khi nghĩ về mẹ của mình.

Đọc xong bài thơ, mỗi chúng ta đều mong được về bên mẹ, bởi có mẹ là còn mùa xuân!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *