Đề thi về bài thơ Tiết thanh minh của Nguyễn Trãi theo ma trận mới

 

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm) THEO ĐÚNG MA TRẬN CỦA BỘ

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Tự luận)

Phiên âm              Thanh minh       

                      Nhất tòng luân lạc tha hương khứ

                   Khuất chỉ thanh minh kỉ độ qua

                   Thiên lí phần uynh vi bái tảo

                   Thập niên thân cựu tận tiêu ma.

                   Sạ tình thiên khí mô lăng vũ,

                   Quá bán xuân quang tê cú hoa.

                   Liêu bả nhất bôi hoàn tự cưỡng,

                   Mạc giao nhật nhật khổ tư gia.

                       (Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb KHXH , H.1969)

 

Dịch nghĩa                       Tiết Thanh minh

                   Từ khi lưu lạc quê người đến nay

Bấm đốt tay, tiết thanh minh đã trôi qua mấy lần rồi.

Phần mộ nơi ngàn dặm xa không được cúng vái quét dọn,

Bạn bè thân thích từ mười năm trước đều tiêu mòn.

Khí trời chợt tạnh, nắng nhưng vẫn có cơn mưa rào chập chờn,

Bóng xuân đã quá nửa, hoa đồ mi nở.

Hãy nâng một chén rượu mà gượng nhắp,

Đừng để ngày ngày khổ vì nỗi nhớ nhà.

 

Câu 1 (0,5 điểm):Xác định thể thơ của bài thơ trên.

Câu 2 (0,5 điểm): Theo em, tiết thanh minh gợi tục lệ nào của người Việt Nam, có ý nghĩa gì?

Câu 3 (0,5 điểm):Từ đọc văn bản, em hãy xác định nhân vật trữ tình đang rơi vào hoàn cảnh sống như nào? Từ hoàn cảnh đó, bài thơ gợi nhắc đến hoàn cảnh tương tự của nhân vật trữ tình trong bài thơ nào đã em đã học?

Câu 4 (0,5 điểm): Nêu chủ đề của bài thơ?

Câu 5 (1,0 điểm): Ở câu thơ thứ 2, nhà thơ không đếm năm mà đếm “thanh minh”, đã mấy thanh minh trôi qua. Cách đếm đó cho thấy tâm trạng gì của nhân vật trữ tình?

 Câu 6 (1,0 điểm): Xác định giọng điệu chủ đạo xuyên suốt bài thơ?

Câu 7 (1,0 điểm): Chỉ ra và nêu tác dụng của phép đối trong câu 3,4?

Câu 8 (1,0 điểm): 4 câu cuối hé lộ cách ứng xử nào của nhân vật trữ tình trước cảnh li hương? Qua đó hé lộ điều gì về bản lĩnh của nhà thơ trước hoàn cảnh?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên.

Hướng dẫn chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1 (0,5 điểm):Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

Câu 2 (0,5 điểm): Tiết thanh minh tháng ba gợi tục lệ tảo mộ của người Việt Nam. Ngày đó con người về thăm mồ mả tổ tiên, ông bà, cha mẹ, nhổ nắm cỏ, đắp nắm đất vào chỗ gió mưa sụt lở, thắp hương, quét dọn, sửa sang.

Phong tục ấy truyền dạy lòng biết ơn, truyền thống uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công ơn tổ tiên, thể hiện sự hiếu thảo của con cháu.

Câu 3 (0,5 điểm):Nhân vật trữ tình đang rơi vào hoàn cảnh sống: nước nhà đã mất vào tay giặc Minh, nhà thơ phải tha hương, sống lưu lạc trong dân mà không thể về quê.

Từ hoàn cảnh đó, bài thơ gợi nhắc đến hoàn cảnh tương tự của nhân vật trữ tình trong bài thơ Thu hứng của nhà thơ Đỗ Phủ.

Câu 4 (0,5 điểm): Chủ đề của bài thơ:

-Nỗi xót xa khi phải tha hương, lưu lạc xứ người mà Thanh minh không thể về tảo mộ.

-Nỗi nhớ nhà, day dứt vì chưa làm tròn bổn phận của người con có hiếu với tổ tiên.

Câu 5 (1,0 điểm): Ở câu thơ thứ 2, nhà thơ không đếm năm mà đếm “thanh minh”, đã mấy thanh minh trôi qua. Cách đếm đó cho thấy tâm trạng:

-Buồn bã, chán chường vì thời gian chảy trôi mà vẫn sống cảnh lưu lạc.

-Xót xa, day dứt vì không thể về chăm chút cho phần mộ tổ tiên; đau đớn vì chưa thể làm gì để giúp dân, giúp nước.

Câu 6 (1,0 điểm): Giọng điệu chủ đạo xuyên suốt bài thơ là buồn thương, xót xa.

Câu 7 (1,0 điểm): Phép đối trong câu 3,4:

-Phần mộ nơi xa (tổ tiên đã khuất) không thể chăm nom>< Bạn bè thân thích (Người thân, con người đương đại) li tán, bị giết hại.

-Tác dụng:

+Phép đối tạo nhịp điệu, tăng giá trị gợi hình, gợi cảm cho diễn đạt.

+Nhấn mạnh nỗi xót xa, bất lực, day dứt vì cảnh li tán; nỗi đau li biệt trước cảnh nước mất nhà tan.

Câu 8 (1,0 điểm): 4 câu cuối hé lộ cách ứng xử nào của nhân vật trữ tình trước cảnh li hương:

-Câu 5+6: Miêu tả thiên nhiên đầy bất thường: tạnh đó rồi lại mưa ngay đó, xuân đã già mà hoa còn nở (hoa nở nhưng xuân sắp qua thì hoa sẽ không bền). Đó là dự báo về hoàn cảnh còn chưa thuận để trở về.

-Hai câu cuối: chọn độc ẩm, thương nhớ từ xa để vơi bớt nỗi nhớ quê. Chờ đợi, chờ thời rồi sẽ có ngày có cơ hội trở về.

Qua đó hé lộ điều gì về bản lĩnh của nhà thơ trước hoàn cảnh: tỉnh táo, có ý chí của một bậc anh hùng.

 

LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây)

Dàn ý

1.Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả Nguyễn Trãi, tác phẩm “Thanh minh”.

Tác giả

– Nguyễn Trãi là anh hùng dân tộc, là “danh nhân văn hóa thế giới”, là một tác gia văn học với sự nghiệp sáng tác đồ sộ.

-Thơ văn Nguyễn Trãi phong phú, đa dạng về đề tài, cảm hứng; giàu giá trị tư tưởng và đậm tính trữ tình.

b.Bài thơ:

-Thanh minh là một bài thơ chữ Hán được Nguyễn Trãi viết trong cảnh lưu lạc xứ người khi Đất nước rơi vào tay giặc Minh.

-Bài thơ thể hiện nỗi buồn, xót xa khi không thể về tảo mộ Thanh minh cho tổ tiên, day dứt vì chưa thể làm gì trong cảnh loạn lạc.

Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:

* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình:

(Chủ đề, mạch cảm xúc, hình ảnh, điểm nhìn…)

-Chủ đề:

+Nỗi xót xa khi phải tha hương, lưu lạc xứ người mà Thanh minh không thể về tảo mộ.

+Nỗi nhớ nhà, day dứt vì chưa làm tròn bổn phận của người con có hiếu với tổ tiên.

-Mạch cảm xúc: Bắt đầu bài thơ là cảnh ngộ li hương, thi sĩ nhìn xuyên suốt hành trình xa xứ để xót xa nhận ra đã mấy thanh minh chưa về nhà, phần mộ tổ tiên không người tu sửa, bạn bè thân thích bị tàn sát; tiếp đến, là sự trăn trở giữa ý niệm thôi thúc trở về và hoàn cảnh chưa thể về được. Cuối cùng, đành gặm nhấm nỗi buồn, nhớ nhà từ chốn xa xôi.

-Điểm nhìn:

+ Đặt điểm nhìn trong con mắt một người tha phương, một lữ khách đã mấy năm chưa trở về nhà.

+ Điểm nhìn từ xa đến gần, từ ngoại cảnh đến tâm cảnh.

* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.

– Sự phát triển của hình tượng chính

+ Nhân vật trữ tình từ chốn xứ người mà hướng về quê nhà trong dịp tiết Thanh minh.

+ Phần đầu bài thơ là cảnh ngộ xót xa, cô đơn, trăn trở của nhân vật trữ tình khi nhớ về quê (phần mộ tổ tiên lâu rồi không tu sửa, bạn bè thân thích bị tàn sát).

-Câu 5+6: Miêu tả thiên nhiên đầy bất thường: tạnh đó rồi lại mưa ngay đó, xuân đã già mà hoa còn nở (hoa nở nhưng xuân sắp qua thì hoa sẽ không bền). Đó là dự báo về hoàn cảnh còn chưa thuận để trở về.

-Hai câu cuối: chọn độc ẩm, thương nhớ từ xa để vơi bớt nỗi nhớ quê. Chờ đợi, chờ thời rồi sẽ có ngày có cơ hội trở về.

– Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:

+ Sự kết hợp các các hình ảnh thơ giản dị, gần gũi, mang đậm hơi thở của cuộc sống và những hình ảnh thơ tinh mĩ, ước lệ, thể hiện tâm hồn của thi sĩ.

+ Ngôn ngữ bình dị, mang giọng điệu như lời tâm sự, tự tình: khi xót xa, buồn bã khi trăn trở, suy tư.

* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại

-Sự kết hợp các hình ảnh thơ giản dị, gần gũi, mang đậm hơi thở cuộc sống với những hình ảnh thơ ước lệ.

-Sự “phá cách’ về thi liệu:

+Trong thơ cổ thanh minh thường là là dịp lễ hội, yến oanh nô nức, ngựa xe dập dìu.

+Thanh minh của Nguyễn Trãi chỉ có buồn, buồn da diết, sâu đậm.

Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.

-Bài thơ “Thanh minh” đã thể hiện rõ nét vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi: tình yêu quê hương tha thiết. Bài thơ là tâm sự, niềm mong mỏi được trở về quê trong cảnh bình an, không giặc dã. Bài thơ là tâm hồn cao đẹp, vĩ đại của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.

-Bài thơ cũng là một trong những thi phẩm đặc sắc thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Trãi.

Bài viết tham khảo

Nguyễn Trãi là anh hùng dân tộc, là “danh nhân văn hóa thế giới”, là một tác gia văn học với sự nghiệp sáng tác đồ sộ. Thơ văn Nguyễn Trãi phong phú, đa dạng về đề tài, cảm hứng; giàu giá trị tư tưởng và đậm tính trữ tình. “Thanh minh” là một bài thơ chữ Hán được Nguyễn Trãi viết trong cảnh lưu lạc xứ người khi Đất nước rơi vào tay giặc Minh. Bài thơ thể hiện nỗi buồn, xót xa khi không thể về tảo mộ Thanh minh cho tổ tiên, day dứt vì chưa thể làm gì trong cảnh loạn lạc.

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã từng nhận xét: “Mỗi tác phẩm đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”. Quả đúng vậy, Đọc Thanh minh, ta dễ dàng bắt gặp tứ thơ về cảnh tha hương, lưu lạc xứ người. “Thập niên thân cựu tận tiêu ma” ( Bạn bè thân thích từ mười năm trước đều tiêu mòn). Ý thơ gợi nhắc 10 năm gió bụi của Nguyễn Trãi phải lẩn tránh trong nhân dân để tìm đường cứu nước. Cùng tâm trạng với “Thanh minh”, trong Ức Trai thi tập cũng có không ít: Thu dạ lữ cảm, Loạn hậu cảm tác… Tất cả đều đau đáu một nỗi niềm hướng về cố hương.

Xưa nay, sứ mệnh của người sáng tạo không phải là tìm những “con đường mới” mà là tìm kiếm “đôi mắt mới”. Tha hương cảm tác vốn không phải đề tài mới. Nhưng Nguyễn Trãi chọn điểm nhìn gần, thật gần nhân sự kiện Thanh minh để giãi bày, thổ lộ âu cũng là một chủ đề lạ. Nỗi xót xa khi phải tha hương, lưu lạc xứ người mà Thanh minh không thể về tảo mộ. Nỗi nhớ nhà, day dứt vì chưa làm tròn bổn phận của người con có hiếu với tổ tiên. Bắt đầu bài thơ là cảnh ngộ li hương, thi sĩ nhìn xuyên suốt hành trình xa xứ để xót xa nhận ra đã mấy thanh minh chưa về nhà, phần mộ tổ tiên không người tu sửa, bạn bè thân thích bị tàn sát; tiếp đến, là sự trăn trở giữa ý niệm thôi thúc trở về và hoàn cảnh chưa thể về được. Cuối cùng, người con đáng thương ấy đành gặm nhấm nỗi buồn, nhớ nhà từ chốn xa xôi. Đặt điểm nhìn trong con mắt một người tha phương, một lữ khách đã mấy năm chưa trở về nhà. Điểm nhìn thời gian kết nối hiện tại- qúa khứ- hiện tại; điểm nhìn không gian từ xa đến gần; điểm nhìn tâm trạng từ ngoại cảnh đến tâm cảnh.

“Thơ ca đồng thời song hành với con người chức năng thức tỉnh lương tri đang ngủ”. (Eptusencô). Điều đó có lẽ đúng với Nguyễn Trãi trong bài thơ này. Bài thơ là cái nhìn sâu, dội ngược vào bên trong thăm thẳm một nỗi lòng da diết với quê hương. Nhân vật trữ tình từ chốn xứ người mà hướng về quê nhà trong dịp tiết Thanh minh. Phần đầu bài thơ là cảnh ngộ xót xa, cô đơn, trăn trở của nhân vật trữ tình khi nhớ về quê

                    Nhất tòng luân lạc tha hương khứ

                   Khuất chỉ thanh minh kỉ độ qua

                   Thiên lí phần uynh vi bái tảo

                   Thập niên thân cựu tận tiêu ma.

(Từ khi lưu lạc quê người đến nay

Bấm đốt tay, tiết thanh minh đã trôi qua mấy lần rồi.

Phần mộ nơi ngàn dặm xa không được cúng vái quét dọn,

Bạn bè thân thích từ mười năm trước đều tiêu mòn).

Đã tha hương lại còn luân lạc, lẩn đây, tránh đó. Câu thơ đầu mang âm điệu xót xa: lại một lần nữa ra đi (nhất tòng luân lạc) gợi một hành trình đủ xa xôi, đủ nhọc nhằn. Thi sĩ không đếm năm mà đếm “thanh minh”, đã mấy thanh minh trôi qua. Cách đếm đó xoáy sâu vào tâm trạng buồn bã, chán chường vì thời gian chảy trôi mà vẫn sống cảnh lưu lạc. Và cả nỗi xót xa, day dứt vì không thể về chăm chút cho phần mộ tổ tiên; đau đớn vì chưa thể làm gì để giúp dân, giúp nước. Phép đối trong câu 3,4 tô đậm tình cảnh tiến thoái lưỡng nan: Phần mộ nơi xa (tổ tiên đã khuất) không thể chăm nom>< Bạn bè thân thích (Người thân, con người đương đại) li tán, bị giết hại. Phép đối tạo nhịp điệu, tăng giá trị gợi hình, gợi cảm cho bài thơ và nhấn mạnh nỗi xót xa, bất lực, day dứt vì cảnh li tán; nỗi đau li biệt trước cảnh nước mất nhà tan.

“Giọng ca buồn là thích hợp nhất cho thơ ca.” (Etga Pô). “Thanh minh” xuyên suốt giọng điệu buồn man mác. 4 câu cuối hé lộ cách ứng xử nào của nhân vật trữ tình trước cảnh li hương:

                    Sạ tình thiên khí mô lăng vũ,

                   Quá bán xuân quang tê cú hoa.

                   Liêu bả nhất bôi hoàn tự cưỡng,

                   Mạc giao nhật nhật khổ tư gia.

(Khí trời chợt tạnh, nắng nhưng vẫn có cơn mưa rào chập chờn,

Bóng xuân đã quá nửa, hoa đồ mi nở.

Hãy nâng một chén rượu mà gượng nhắp,

Đừng để ngày ngày khổ vì nỗi nhớ nhà.)

Câu 5,6: Miêu tả thiên nhiên đầy bất thường: tạnh đó rồi lại mưa ngay đó, xuân đã già mà hoa còn nở (hoa nở nhưng xuân sắp qua thì hoa sẽ không bền). Đó là dự báo về hoàn cảnh còn chưa thuận để trở về. Để rồi, hai câu cuối thi nhân chọn độc ẩm, thương nhớ từ xa để vơi bớt nỗi nhớ quê. Chờ đợi, chờ thời rồi sẽ có ngày có cơ hội trở về. Đó cũng là bản lĩnh của người quân tử trong cảnh loạn lạc.

“Thanh minh” không chỉ ấn tượng về chiều sâu cảm xúc của nhân vật trữ tình, bài thơ còn độc đáo trong sử dụng ngôn từ. Đó là sự kết hợp các các hình ảnh thơ giản dị, gần gũi, mang đậm hơi thở của cuộc sống và những hình ảnh thơ tinh mĩ, ước lệ, thể hiện tâm hồn của thi sĩ. Ngôn ngữ bình dị, mang giọng điệu như lời tâm sự, tự tình: khi xót xa, buồn bã khi trăn trở, suy tư.

Dù cùng đề tài tha hương, cố hương nhưng “Thanh minh” vẫn lấp lánh nét hấp dẫn riêng. Sự kết hợp các hình ảnh thơ giản dị, gần gũi, mang đậm hơi thở cuộc sống với những hình ảnh thơ ước lệ. Đường luật mà không hề khuôn sáo, khô cứng. Đó còn là sự mới về thi liệu. Trong thơ cổ thanh minh thường là là dịp lễ hội, yến oanh nô nức, ngựa xe dập dìu.Thanh minh của Nguyễn Trãi chỉ có buồn, buồn da diết, sâu đậm.

“Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư.” (Lê Ngọc Trà). Bài thơ “Thanh minh” đã thể hiện rõ nét vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi: tình yêu quê hương tha thiết. Bài thơ là tâm sự, niềm mong mỏi được trở về quê trong cảnh bình an, không giặc dã. Bài thơ là tâm hồn cao đẹp, vĩ đại của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Bài thơ cũng là một trong những thi phẩm đặc sắc thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Trãi.

 

 

 

 

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *