Đề thi Thuật hứng 24 Nguyễn Trãi theo ma trận SGK mới

ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc ngữ liệu dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

Công danh đã được hợp(1) về nhàn,

Lành dữ âu chi(2) thế nghị(3) khen.

Ao cạn vớt bèo cấy muống,

Đìa thanh(4) phát cỏ ương sen.

Kho thu phong nguyệt5), đầy qua nóc,

Thuyền chở yên hà(6) nặng vạy(7) then.

Bui(8) có một lòng trung lẫn(9) hiếu,

Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen.(10)

(Thuật hứng 24 – Nguyễn Trãi, Trích Luận đề về Nguyễn Trãi,

NXB Thanh Niên, 2003, tr.87)

Chú thích:

(1) Hợp: Tiếng cổ có nghĩa là đáng, nên

(2) Âu chi: Lo chi

(3) Nghị: dị nghị ở đây hiểu là chê

(4) Đìa thanh: Đìa là vũng nước ngoài đồng. Thanh là trong

(5) Phong nguyệt: gió, trăng

(6) Yên hà: Khói, ráng

(7) Vạy: oằn, cong. Nặng vạy then: chở nặng làm thang thuyền oằn xuống

(8) Bui: tiếng cổ, nghĩa là chỉ có

(9) Lẫn: (hoặc lễn, miễn): tiếng cổ nghĩa là với hoặc và

(10) Mài chăng khuyết… mài cũng không mòn, nhuộm cũng không đen. Ý nói lòng trung hiếu bền vững

Trả lời câu hỏi sau:

Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Từ nào trong bài thơ thể hiện rõ nhất tâm thế sống của nhà thơ?

Câu 3. Bài thơ trên được gieo vần nào?

Câu 4. Nhận xét về những hình ảnh thiên nhiên được nhắc đến trong hai câu “Ao cạn vớt bèo cấy muống / Đìa thanh(4) phát cỏ ương sen” ?

Câu 5. Em hiểu như thế nào về hai câu thơ “Công danh đã được hợp về nhàn/Lành dữ âu chi thế nghị khen” ?

Câu 6. Chỉ ra hiệu quả của phép đối được sử dụng trong hai câu “Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc/ Thuyền chở yên hà nặng vạy then” ?

Câu 7. Có ý kiến cho rằng: dù đã lui về ở ẩn, nhưng Nguyễn Trãi chỉ “nhàn thân” chứ không “nhàn tâm”. Quan điểm của bạn? Lí giải?

Câu 8. Nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi được thể hiện qua bài thơ?

PHẦN VIẾT (4.0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên.

—————— HẾT ——————

 

Hướng dẫn chi tiết

 ĐỌC – HIỂU

Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ: Thất ngôn xen lục ngôn

Câu 2. Từ “Nhàn” trong bài thơ thể hiện rõ nhất tâm thế sống của nhà thơ.

Câu 3. Bài thơ trên được gieo vần: Vần chân và vần cách

Câu 4. Nhận xét về những hình ảnh thiên nhiên được nhắc đến trong hai câu Ao cạn vớt bèo cấy muống /Đìa thanh(4) phát cỏ ương sen.”

– Đó là những hình ảnh giản dị, đời thường, gần gũi

+ “muống”, “sen” là những món ăn quen thuộc, dân dã, gắn bó với làng quê.
+ Một cuộc sống chẳng có sơn hào hải vị nhưng vẫn rất bình dị, thanh cao.

+ Thể hiện một cuộc đời cần mẫn, trong sạch, thanh bạch đáng tự hào của nhà thơ NT.

Câu 5. Em hiểu như thế nào về hai câu thơ “Công danh đã được hợp về nhàn/Lành dữ âu chi thế nghị khen” ?

– Tác giả đã trọn vẹn với chữ công danh nên giờ đây chọn lối sống nhàn và không màng đến thị phi nơi thế tục

+ Nguyễn Trãi là người anh hùng của dân tộc, văn võ song toàn, công danh cũng đã được. Nhưng khi chứng kiến cảnh loạn lạc của chốn quan lại, ông đã quyết định vứt bỏ mọi công danh, tránh xa vòng xoáy của danh lợi. Tự dặn lòng mình: “hợp về nhàn”, nên từ đó Nguyễn Trãi chuyển về Côn Sơn ở ẩn, sống cuộc đời thanh nhàn chan hoà với tạo vật.

+ “Hợp” ở đây là nên, nghĩa là gạt bỏ những ham muốn về công danh, tìm về với cuộc sống dân dã, hòa nhập với thiên thiên đất trời.

+ Câu thơ thứ hai thế hiện thái độ, cách ứng xử của người thi sĩ: sẽ chẳng còn quan tâm tới mọi chuyện thị phi “lành dữ” hay khen chê của người đời. Bởi sau cùng mọi sự đánh giá sẽ do lịch sử, mọi việc sẽ được phơi bày, cần chi phải mệt lòng trăn trở.

=> Ta thấy được sự nhẹ nhõm, thanh thản của Nguyễn Trãi  khi trút bỏ được bụi trần, gánh nặng công danh.

Câu 6. Chỉ ra hiệu quả của phép đối được sử dụng trong hai câu “Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc/ Thuyền chở yên hà nặng vạy then” ?

Phép đối: “ Kho thu – Thuyền chở”, “phong nguyệt – yên hà”, “đầy qua nóc – nặng vạy then” . (0,25 điểm)

– Hiệu quả của phép đối (0,75 điểm)

+ Làm cho lời thơ thêm cân đối, hài hòa, nhịp nhàng, giàu giá trị biểu cảm.

+ Diễn tả sự phong phú vô hạn  của thiên nhiên và  đời sống tâm hồn thanh cao, yêu mến, gắn bó, chan hòa với thiên nhiên của Nguyễn Trãi.

Câu 7. Có ý kiến cho rằng: dù đã lui về ở ẩn, nhưng Nguyễn Trãi chỉ “nhàn thân” chứ không “nhàn tâm”. Quan điểm của bạn? Lí giải?

– Học sinh có thể đồng tình hoặc không đồng tình nhưng cần phải đưa ra lí lẽ phù hợp với quan điểm đạo đức văn hóa chuẩn mực xã hội.

– Ví dụ (nếu đồng tình)

+ Nguyễn Trãi chỉ “nhàn thân” khi đã không còn lo việc quan, mà chỉ vui thú điền viên; nhưng ông không “nhàn tâm”, vì tấm lòng của ông lúc nào cũng canh cánh, cũng vướng bận một nỗi lo cho dân, cho nước. Tấm lòng “trung hiếu cũ” mà ông nói đến trong bài thơ trên chính là ước mong được suốt đời đóng góp công sức để trả nợ nước, đền ơn vua, báo hiếu với thân phụ của mình.

Câu 8. Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi được thể hiện qua bài thơ:

– Lối sống nhàn cao đẹp, hòa mình vào thiên nhiên và cuộc sống của người dân lao động.

– Tấm lòng trung với nước hiếu với dân trước sau không thay đổi.

LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây)

Dàn ý

Mở bài:

– Giới thiệu ngắn gọn về tác giả Nguyễn Trãi và bài thơ “Thuật hứng ( bài 24)

Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:

2.1. Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình: (Chủ đề, mạch cảm xúc, hình ảnh, điểm nhìn…)

– “Thuật hứng”: bày tỏ sự hứng thú riêng của mình

– “Thuật hứng” đã thể hiện một cách đẹp đẽ, sâu sắc những tư tưởng, tỉnh cảm cao đẹp của Ức Trai như coi thường danh lợi, tích sống nhàn trong cuộc đời thanh bạch, lúc nào cũng giữ trọng lòng trung hiếu son sắt, thủy chung.

2.2. Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.

– Sự phát triển của hình tượng chính

* Cuộc sống chốn thôn quê của Nguyễn Trãi:

–  Nguyễn Trãi bỏ lại công danh trở về với cuộc sống thanh nhàn chốn quê nhà, tự dặn lòng mình: “hợp về nhàn”, nên về Côn Sơn ở ẩn, sống chan hòa thiên nhiên,tạo vật, không quan tâm đến thị phi “lành dữ”, khen chê nữa. Đó là thái độ, cách ứng xử đúng đắn, là khí tiết của kẻ sĩ khi đã thoát vòng danh lợi, lui về suối rừng ở ẩn.

– Lui về ở ẩn Nguyễn Trãi sống một cuộc đời cần mẫn, thanh bạch, đáng tự hào. Cuộc sống giản dị, khác so với những gì mà Nguyễn Trãi đã có, đã cống hiến, làm những công việc của những người nông dân như “vớt bèo cấy muống”, “phát cỏ ương sen”.Không sơn hào hải vị, cuộc sống chỉ có “muống”, có “sen” rất bình dị mà thanh cao

* Tấm lòng của tác giả đối với thiên nhiên, đất nước:

– Lối sống thanh bạch của nhà thơ Nguyễn Trãi khi lấy “phong”, “nguyệt” tức gió trăng là người bầu bạn, lấy “yên hà” làm nguồn vui. Đó là một hồn thơ thanh cao, một cuộc sống tinh thần giàu đẹp, ung dung, hồn nhiên, tự tại, chan hòa với thiên nhiên, tạo vật của Ức Trai.

– Tấm lòng trung hiếu của Nguyễn Trãi vô cùng bền vững, son sắt, thủy chung dù có mài đi cũng chẳng khuyết, nhuộm đi cũng chẳng đen. Tấm lòng trung với nước hiếu với dân thể hiện một nhân cách cao cả của một nhà ái quốc vĩ đại

– Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:

+ Bài thơ “Thuật hứng – 24” được viết theo thể thơ thất ngôn xen lục ngôn bát cú.

+ Giọng thơ nhẹ nhàng, khoan thai. Giọng điệu tâm tình, cởi mở.

+ Các thi liệu: ao, bèo, muống, đìa, cỏ, sen, phong, nguyệt, thuyền, yên, hà – tạo nên cốt cách bài thơ vừa dân dã, mộc mạc vừa cổ điển thanh cao.

+ Phép đối: Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc – Thuyền chở yên hà nặng vạy then; Ao cạn vớt bèo cấy muống – Đìa thanh phát cỏ ương senà mang lại sự đăng đối , nhịp nhàng cho lời thơ, nhấn mạnh vẻ đẹp phong phú, vô hạn của thiên nhiên và  lối sống thanh cao, yêu mến, gắn bó, chan hòa với thiên nhiên của Nguyễn Trãi.

2.3. Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.

 

 

 

Bài viết tham khảo

 

          Danh sỹ Nguyễn Mộng Tuân từng cảm phục mà hạ bút: “ Gió thổi hây hây mái tóc vàng, người là ông tiên trong tòa ngọc, cái tài làm hay, làm đẹp cho nước từ xưa chưa có bao giờ”. Ông tiên ở đây chính là Nguyễn trãi, chẳng những là nhà thao lược đại tài mà còn là cây bút hết mực tài năng. Nếu văn thơ chữ Hán của Ức Trai là ngọn lửa hừng hực lòng yêu nước thì thơ “ Quốc Âm|” lại nhẹ nhàng sâu lắng, đọng lại một tiếng lòng thi nhân mê đắm, trìu mến với cỏ cây tạo vật. Trong đó “ Thuật Hứng – số 24” là một giai phẩm. Điều làm nên đặc sắc của bài thơ chính là chân dung cuộc sống ở làng quê dung dị, mộc mạc với công việc dân dã, từ đó thể hiện tấm lòng “ Ưu dân ái quốc” của nhà thơ. Bài thơ có giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc.

Công danh đã được hợp(1) về nhàn,

Lành dữ âu chi(2) thế nghị(3) khen.

Ao cạn vớt bèo cấy muống,

Đìa thanh(4) phát cỏ ương sen.

Kho thu phong nguyệt5), đầy qua nóc,

Thuyền chở yên hà(6) nặng vạy(7) then.

Bui(8) có một lòng trung lẫn(9) hiếu,

Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen.(10)|”

Điểm sáng đầu tiên của bài thơ chính là nhan đề “ Thuật hứng” có nghĩa là bày tỏ sự hứng thú của riêng mình. Đây là bài thơ thứ 24 trong chùm thơ Thuật Hứng thuộc “Quốc Âm thi tập” Chỉ bằng 2 chữ nhưng nhan đề bài thơ đã phần nào hé lộ cho người đọc chủ đề của tác phẩm: Đó là hoàn cảnh và cuộc sống sinh hoạt ở nơi thôn ấp, nhà thơ hòa mình vào thiên nhiên. Qua đó bộc lộ một tấm lòng trung với nước, hiếu với dân. Với chủ đề này ta có thể chia bài thơ làm 2 phần:  Sáu câu thơ đầu miêu tả cuộc sống ung dung, tự tại, giản dị và đơn sơ, sống thuận theo tự nhiên của nhà thơ, hai câu thơ cuối là nỗi buồn tâm tư, thầm kín của nhân vật chữ tình. Như vậy mạch cảm xúc của nhà thơ di từ việc kể lại cuộc sống đến tâm trạng thi nhân. “Thuật hứng” đã thể hiện một cách đẹp đẽ, sâu sắc những tư tưởng, tỉnh cảm cao đẹp của Ức Trai như coi thường danh lợi, tích sống nhàn trong cuộc đời thanh bạch, lúc nào cũng giữ lòng trung hiếu son sắt, thủy chung với dân với nước.

Nếu như thần của âm nhạc là giai điệu, của hội họa là màu sắc thì cái thần của tác phẩm văn học chính là hình tượng. Đến với “ Thuật hứng 24” ta thấy được hình tượng chính của bài thơ là nhân vật trữ tình đã được NT khắc họa chân thực trước hết qua vẻ đẹp cuộc sống.

Công danh đã được hợp(1) về nhàn,

Lành dữ âu chi(2) thế nghị(3) khen.”

“Công danh” là điều mà các nhà nho xưa luôn hướng tới, chăm chỉ học hành luyện tập để cống hiến cho đất nước. Bàn về điều này, Nguyễn Công Trứ từng khẳng định:

“ Đã có tiếng nói trong trời đất

                              Phải có danh gì với núi sông”

Tuy nhiên Nguyễn Trãi đã thể hiện được sự thanh nhàn khi trút bỏ gánh nặng công danh, bỏ qua cái ồn ào ganh ghét trong triều đình để tìm về với cuộc sống thanh sơ an nhàn. Câu thơ “ Lành dữ âu chi thế nghị khen” đã nói lên thái độ đúng đắn khi chẳng phải quan tâm gì trước mọi chuyện thị phi “ lành giữ”, “khen chê” nữa. Chỉ cần sống tâm mình sao phải lo miệng lưỡi thế gian. Một giọng điệu khoan thai đã vẽ lên cuộc đời ung dung tự tại. Chính vì thế mà ông an nhàn hòa mình vào làng quê:

Ao cạn vớt bèo cấy muống,

Đìa thanh(4) phát cỏ ương sen.”

Hai câu thơ trên đã cho độc giả thấy được một NT giản dị, mộc mạc thế nào: “Ao cạn – đìa thanh”, “vớt bèo cấy muống –  phát cỏ, ương sen” đối nhau thật tài tình làm hiện lên một cuộc đời cần mẫn, thanh bạch đáng tự hào. Đây là những hình ảnh chỉ có ở những làng quê, những nông dân chân lấm tay bùn. NT đã tự biến mình thành một lão nông tri điền. Cuộc sống chẳng cao sang có sơn hào hải vị, chỉ đơn giản là “muống” và “sen” nhưng giản dị và thanh cao. Chính bởi cái tâm hồn trong sáng, thanh bạch ấy mà ông đã cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên:

Kho thu phong nguyệt5), đầy qua nóc,

Thuyền chở yên hà(6) nặng vạy(7) then.”

Bút pháp phóng đại cùng phép đối hài hòa đã tô điểm cho vẻ đẹp huền ảo nơi làng quê. Tác giải đã “ khối lượng hóa” hình ảnh kho thu bằng lượng từ “ đầy”. Con thuyền thi nhân chỉ chở “gió”, “ trăng” mà cũng “nặng” làm “vạy” đi những chiếc then. Hai câu thơ không chỉ thành công tả cảnh mà còn cùng với những câu thơ trước làm đẹp thêm vẻ đẹp cuộc sống thể chất lẫn tinh thần của nhà thơ. Đọc hai câu thơ trên khiến ta chợt nhớ đến những vần thơ đầy xúc cảm của Nguyễn Công Trứ:

“ Kho thu chứa một thuyền đầy

Của kho vô hạn biết ngày nào rơi”

Từ vẻ đẹp cuộc sống thôn quê thuần hậu, hình tượng nhân vật trữ tình lại được tác giả thể hiện ở hai câu thơ cuối còn là tấm lòng thi nhân

“Bui(8) có một lòng trung lẫn(9) hiếu,

Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen.

Vượt lên cái thú thanh bình nhàn tản với “phong nguyệt” và “yên hà”, Ức Trai vẫn tâm niện một lòng son sắt với giang sơn. Tấm lòng ấy lớn lao, cao cả và vĩnh hằng suốt một đời người. Câu thơ cuối cùng có 6 chữ như một điểm kết tụ tâm hồn của nhà thơ, chẳng những thể hiện cái tài thi ca mà còn là một lời khẳng định, một lời thề với một tấm lòng trung với nước, hiếu với dân. Dù có mài có nhuộm, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào tấm lòng ấy vẫn nặng tình với dân với nước mãi không thể phôi phai. Đó đã trở thành một nét đẹp trong thơ Ức Trai.

“ Dễ có Ngu cầm đàn một tiếng

                   Dân giầu đủ khắp đòi phương”

( Cảnh ngày hè)

Góp phần làm lên thành công cho bài thơ phải kể đến giá trị nghệ thuật. Tác giả đã sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú đan xen những câu thơ lục ngôn ấn tượng. Ngôn ngữ thơ giản dị, cô đọng hàm súc, dung dị mà giầu sức gợi, các từ ngữ thuần việt gần gũi kết hợp những từ ngữ Hán việt đã thành công khắc họa cuộc sống nơi thôn ấp bình dị của nhà thơ. Đồng thời việc sử dụng những hình ảnh chân thực, dân dã đã đem đến cho người đọc cảm giác quen thuộc và là đặc trưng của một vùng quê VN. Ngoài ra còn phải kể đến các biện pháp nghệ thuật như đối, liệt kê, bút phá phóng đại đã diễn tả chân dung đời sống và vật chất tinh thần của thi nhân, làm đẹp thêm cho khung cảnh làng quê. Tất cả những đặc sắc nghệ thuật trên đã khắc họa chân dung cuộc sống của NT, một thái độ và khí tiết thanh cao, đồng thời khẳng định, gửi gắm một tấm lòng son sắt, ái quốc, ưu dân.

Lang thang trong những nẻo đường văn học, ta bắt gặp nối sống “nhàn” ấy không chỉ NT mà còn có các nhà thơ trung đại nổi tiếng như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ. Cả hai bài thơ đều là nhưng tác phẩm tiêu biểu cho nối sống nhàn hạ. Đặc biệt phải kể đến bài thơ “ Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông đã nâng lối sống ấy trở thành một triết lý, một lựa chọn riêng. Với ông “nhàn” chính là khoảnh khắc gạt bỏ đi những gánh nặng công danh, tìm về một cuộc sống thanh thản trong tâm hồn. Nhưng NT lại có cách nhìn nhận khác “Nhàn” trong thơ NT chỉ là thuận với tự nhiên, nhưng tâm ông không ngừng nghĩ về hai chữ nước nhà đang dang dở. Thực chất ông chỉ nhàn thân chứ không nhàn tâm. Tấm lòng ấy có lẽ đã trở thành một nét đặc trưng khác biệt trong thơ NT.

Có thể nói “Thuật hứng 24” là bài thơ hay về cảm xúc, đẹp về ngôn từ. Bài thơ đã trở thành tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của NT. Ức Trai đã nói lên những nỗi niềm sâu xa, một lòng ưu ái về dân về nước, để rồi tình cảm thiêng liêng ấy nở hoa dưới ngòi bút tài tình của ông. Bài thơ quả là dẫn chứng tiêu biểu cho câu nói “ Thơ khởi phát từ lòng người”. Tác phẩm đã cho ta ý thức được tình yêu quê hương đất nước, bồi dưỡng nối sống hòa hợp với thiên nhiên và thêm biết ơn, trân trọng công lao to lớn của cha ông đi trước.

 

, ,

1 bình luận trong “Đề thi Thuật hứng 24 Nguyễn Trãi theo ma trận SGK mới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *