Đề thi Văn 10 trại hè Hùng Vương và duyên hải 2015 văn 11 trường ĐH Sư Phạm Hà Nội

TRƯỜNG ĐH SƯ PHẠM HÀ NỘI

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

—™

  CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—-—«™—-

 

Hà Nội, ngày   tháng 11 năm 2011

 

GỢI Ý  CHẤM THI CHỌN ĐỘI TUYỂN

MÔN: NGỮ VĂN 2011 (Ngày thứ hai)

Câu 1: (8 điểm)

I.Yêu cầu chung.

1.Nội dung.

Học sinh cần xác định rõ : ý kiến  của Osho đặt ra vấn đề  về cách thức đi đến thành công trong nghề nghiệp, công việc : thái độ, tinh thần tự nguyện ; nhận thức đúng đắn và tình yêu sâu sắc   đối với công việc mình làm.

2.Về hình thức và kĩ năng

Đây là dạng đề mở, nên thí sinh có quyền tự do trình bày suy nghĩ của mình theo những hướng khác nhau. Tuy nhiên, cần đạt được một số yêu cầu cơ bản sau:

-Trước hết, thí sinh cần phải xác định đây là đề nghị luận xã hội. Dạng đề này cho phép thí sinh tự do lựa chọn các kiểu bài và thao tác tạo lập văn bản khác nhau, nhưng phải phù hợp và nhuần nhuyễn.

– Đồng thời, thí sinh cũng đựơc tự do huy động các chất liệu khác nhau như: chất liệu thuộc tri thức sách vở, tri thức đời sống và đặc biệt là những trải nghiệm của riêng mình về sự lựa chọn nghề hay công việc.

II.Yêu cầu cụ thể.

Bài làm của học sinh cần trình bày được những ý cơ bản sau.

a, Giải thích ngắn gọn ý kiến.(1,5 đ)

-Thái độ tự nguyện trong  thực hiện công việc chỉ có được khi bạn chứ không phải ai khác quyết định lựa chọn làm công việc đó. Sự lựa chọn này dựa trên cơ sở bạn biết đánh giá đúng khả năng của bản thân gắn với yêu cầu cụ thể của công việc, nghề nghiệp ; nhu cầu phát huy tận độ sở trường cá nhân.

– Cách nhìn là nhận thức đúng đắn về  yêu cầu, tính chất, thử thách, khó khăn,… cũng như giá trị, ý nghĩa,… của công việc hay nghề nghiệp.

-Tình yêu nghề nghiệp là tình cảm dành cho công việc : sự gắn bó, niềm vui, niềm đam mê, hứng thú, với công việc,… như một nhu cầu sống về tinh thần của con người.

– « Vàng » là cách nói hình ảnh về giá trị, ý nghĩa kỳ diệu của sản phẩm lao động do bạn sáng tạo ra bằng sự tự nguyện, cách nhìn đúng và niềm đam mê dù đó là công việc gì. Chính sản phẩm có giá trị, quý báu, kỳ diệu  đó  không chỉ góp phần làm giàu cho xã hội mà còn  là thước đo giá trị  thực sự của mỗi cá nhân: năng lực , vị thế,  trách nhiệm xã hội, nhân cách, sự tôn trọng của xã hội,…

Có thể khẳng định đây là ba yếu tố quyết định thành công, hiệu quả tuyệt vời trong công việc, nghề nghiệp của mỗi con người. Bởi, có thái độ, cách nhìn đúng và  tình yêu thực sự với công việc, bạn mới có được bản lĩnh, ý chí, nghị lực vượt qua những thử thách của công việc ; luôn làm chủ trong công việc, mới có óc sáng tạo,…biết cách tổ chức thực hiện công việc khoa học, hiệu quả.

b, Làm sáng tỏ ý nghĩa của ý kiến (4,0 đ).

Bài làm cần trình bày được nhận thức của mình về các khía cạnh căn bản sau.

+Những con người làm việc với thái độ tự nguyện, nhận thức đúng đắn và tình yêu sâu sắc đã thành công như thế nào ? (Các các dạng thức: lao động trí óc, lao động chân tay ; các lĩnh vực đời sống :chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,…)

+Bản thân khi làm việc, học tập với thái độ tự nguyện, nhận thức đúng đắn và tình yêu sâu sắc đã đạt được những thành công nào có giá trị như « vàng » ?

c, Bàn luận (1,5 điểm).

Khẳng định lời khuyên của Osho là hoàn toàn đúng, thiết thực, có ý nghĩa.

+Định hướng cho tất cả mọi người, toàn xã hội, nhất là lớp trẻ trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Thể hệ trẻ là nguồn nhân lực đầy tiềm năng của một đất nước, khi có thái độ đúng, cách nhìn  đúng và tình yêu với công việc lựa chọn sẽ sáng tạo ra những thành quả lao động tuyệt vời cho xã hội.

+Điều chỉnh và có những tác động tích cực làm thay đổi những quan niệm về lựa chọn nghề nghiệp chưa đúng, lệch lạc đang tỏ ra có ưu thế hiện nay (Chọn nghề theo mong muốn của người thân, thậm chí do áp lực của gia đình ; Chỉ chọn những ngành  thuộc lĩnh vực kinh tế vì có thu nhập cao; Coi nhẹ những ngành nghề thuộc lĩnh vực xã hội- nhân văn ; Coi thường công việc lao động chân tay công việc  chỉ vì thu nhập thấp; Chấp nhận làm những việc không hề phù hợp khả năng, niềm đam mê,…).

+Góp phần xây dựng  nguồn nhân lực mới –tiền đề quan trọng  cho việc tạo nên một xã hội bình đẳng, văn minh.

Hình thức trình bày và diễn đạt 🙁1,0 điểm.).

Câu 2: (12 điểm)

  1. Yêu cầu chung: HS bộc lộ được hiểu biết về cuộc đời, sự nghiệp thơ Nguyễn Bính, cảm nhận được vẻ đẹp tác phẩm ở cả hai phương diện nội dung và hình thức, có kiến thức lí luận về thể loại, có kĩ năng phân tích tác phẩm…
  2. Yêu cầu cụ thể:
Ý CHÍNH ĐIỂM
1. Mưa xuân thể hiện nét duyên quê đằm thắm qua tấm chân tình của một cô gái thôn quê thuần khiết, tinh khôi “như cây lụa trắng” với mối tình đầu lỡ dở.

– Người con gái ấy đã bước từ thế giới bình yên “trong khung cửi” vào “hội chèo làng Đặng” theo tiếng gọi của tình yêu với tất cả niềm xốn xang thiếu nữ. Cuộc gặp gỡ với một chàng trai quê nào đó đã làm “giăng tơ một mối tình”, đã khiến “hai má em bừng đỏ” và cô gái nôn nao chờ đến đêm hát của thôn Đoài. Những chấm mưa lạnh bàn tay chẳng thể nào cản bước cô tới đêm hội một khi đã có trong đầu một phỏng đoán: “Thế nào anh ấy chả sang xem”. Khoảng cách tới thôn Đoài chỉ có “một thôi đê”, trời đất thì “mưa bụi nên em không ướt áo”. Thật chẳng thấm tháp, nghĩa lý gì …

– Mặc cho “thôn Đoài vào đám hát thâu đêm”, “em mải tìm anh chả thiết xem”. Ngay cả khi biết rằng “đêm này giường cửi lạnh, thoi ngà nằm nhớ ngón tay em” em cũng chẳng bận lòng. Tất cả tâm trí, lòng dạ em để cả vào việc tìm anh như thể đó là toàn bộ ý nghĩa của đêm hội. Vậy mà “anh chả sang”. Thật hụt hẫng, thật buồn tủi, làm “cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng”.

– Con đường trở về sau đêm hội mới dài làm sao! Vẫn là cơn mưa xuân ấy thôi mà sao giờ nặng hạt. Vẫn là hoa xoan ấy thôi nhưng chẳng còn “lớp lớp rụng vơi đầy” làm nên khí xuân cho thôn xóm nữa mà “nát dưới chân giày” … Xét đến cùng tất cả đều bởi vì lòng em tan nát. Nỗi tủi hờn trong lòng cô gái làm lạnh lùng cả canh khuya. Không chỉ ngày xuân mà dường như cả mùa xuân “đã cạn”.

Mối tình thôn nữ mộc mạc, chân chất, thuần khiết, tinh khôi ấy đã lỡ dở. Cô gái trong bài thơ đau khổ, người đọc cũng không khỏi nuối tiếc, thương cảm và trách cứ cho một sự vô tình, lỗi hẹn, mau quên…

Thật nhân hậu hay thật cả tin khi cô gái vẫn chưa thôi đợi chờ, chưa nguôi khao khát: “Bao giờ em mới gặp anh đây?”. Biết đến bao giờ và biết đâu chẳng bao giờ. Câu hỏi ngỏ buồn và lạnh như những hạt mưa xuân …

Một tấm chân tình thật tha thiết, chân thật, thuần khiết, trong sáng như mưa xuân và cũng lạnh, buồn như mưa xuân.

 

 

 

 

 

 

 

5,0

2. Mưa xuân mang vẻ đẹp của lời quê thuần phác

Mưa xuân có một cái cốt tự sự rõ ràng: câu chuyện mối tình đầu của một cô thôn nữ. Đây là một đặc điểm thường thấy của thơ Nguyễn Bính – người hay kể lể sự tình, người “rất có tài kể chuyện” – Tô Hoài

Tác giả khéo léo chọn ngôi kể là cô gái để tự sự thấm đẫm màu sắc tự tình, để tấm chân tình cứ thế mà phơi trải một cách tự nhiên, mộc mạc, hồn hậu.

Mưa xuân có một cấu tứ độc đáo: đối xứng gập đôi. Phần đầu là tâm trạng xao xuyến, háo hức, vừa tinh tế ngại ngùng vừa đầy sức mạnh của những rung động đầu đời. Phần sau là nỗi tủi hờn vì lỡ duyên, lỡ phận. Hai thế giới đối lập, tương phản được tạo ra với hoa xoan (phơi phới rụngnát dưới chân giày), với quãng đường (cách có cách những một thôi đê). Đặc biệt tác giả đã tìm được một bối cảnh, một duyên cớ rất có duyên ấy chính là mưa xuân (không ướt áonặng hạt). Mưa xuân làm giăng tơ một mối tình rồi dường như cũng chính mưa xuân làm lỡ dở một mối tình.

Hình tượng nhân vật trữ tình cũng hiện lên ở hai trạng thái đặc trưng: vội vàng đi lầm lụi về.

Cấu tứ này diễn tả nổi bật được diễn biến cảm xúc, tâm trạng của cô gái.

Mưa xuân có giọng điệu đặc sắc và đặc trưng của thơ Nguyễn Bính đó là giọng kể lể giãi bày, giọng thở than.

Trong bài thơ Nguyễn Bính sử dụng những lời quê mộc mạc rất nhuần nhuyễn và hiệu quả với khẩu ngữ, thành ngữ, lối nói vòng vo, cách tính thời gian, khoảng cách … đậm chất dân quê.

 

 

 

 

 

 

5,0

3. Mưa xuân là tác phẩm đầu tay của chàng thi sĩ chân quê Nguyễn Bính

Ngay từ sản phẩm trình làng đầu tay này, Nguyễn Bính đã bộc lộ là một hồn quê sâu thẳm. Sâu thẳm từ trong cảnh quê, tình quê cho đến lời quê.

Khởi đầu với Mưa xuân Nguyễn Bính sau này còn tiếp tục bị những cơn mưa đeo bám. Có người đã gọi ông là “thi sĩ của mưa xuân”.

Khởi đầu sự nghiệp bằng bài thơ về một mối tình lỡ dở, Nguyễn Bính đã tự tạo ra định mệnh cho nghiệp thơ của mình. Người ta đã khái quát rằng cái tôi của Nguyễn Bính trong thơ là cái tôi lỡ dở.

Mưa xuân là bài thơ đậm chất quê, đậm chất Nguyễn Bính

 

 

2,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *