TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XI
TRƯỜNG THPT CHUYÊN TUYÊN QUANG (ĐỀ THI ĐỀ XUẤT) |
ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN
KHỐI 11 (Đề này có 01 trang, gồm 02 câu) |
Câu 1 (8 điểm):
Trong một bài thơ đề tặng con gái, nhà thơ Chế Lan Viên viết:
“Ta cúi xuống đất
Hí hửng nhặt từng cái kim rơi vụn vặt
Mà để lồng lộng trên cao
Những mùa trái, mùa chim bay mất
Những mùa yêu, mùa hạnh phúc bay vèo”
(Tu hú có cần đâu)
Còn trong một đoản văn, cây bút trẻ Thuỵ Thảo bừng tỉnh:
“Ta mong với trời xanh và biển rộng mà quên rằng hoa từ đất mà ra” (Với tuổi)
Anh/chị hãy chia sẻ suy nghĩ của mình về những tâm niệm trên.
Câu 2 (12 điểm):
Có ý kiến cho rằng: “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo”
Anh/chị hãy trình bày suy nghĩ mình về ý kiến trên
ĐÁP ÁN MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 11
CÂU 1
1/ Yêu cầu về kĩ năng
– Nắm bắt và vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp làm bài nghị luận xã hội.
– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, không mắc các lỗi chính tả và diễn đạt.
– Trình bày bài sạch, đẹp, khoa học.
2/ Yêu cầu về kiến thức
a/ Giải thích, phân tích, bình luận
– Câu thơ của Chế Lan Viên cho rằng con người nhiều khi quá thoả mãn (hí hửng) với những cái tầm thường, tiểu tiết (kim rơi vụn vặt) và đã bỏ phí bao điều tốt đẹp, những giá trị đích thực của cuộc sống (mùa trái, mùa chim, mùa yêu, mùa hạnh phúc)
– Câu văn của Thuỵ Thảo lại cho rằng con người vẫn hay chậy theo những mộng tưởng vĩ đại, lớn lao (trời xanh, biển rộng) mà quên mấtnhững điều nhỏ bé giản dị (hoa từ đất) trong khi đó mới chính là nền tảng cuộc sống
=> Đa số con người vẫn hay sống phiến diện, thiên lệch, hoặc chạy theo những điều cao với, xa xôi hoặc đắm chìm trong những niềm vui vụn vặt, tầm thường. Cần phải cân bằng trong cách sống để được sống trọn vẹn, có ý nghĩa.
b/ Bình luận, chứng minh
– Nếu sống thiên lệch, phiến diện không bao giờ con người được hưởng hạnh phúc thực sự và sẽ đánh mất ý nghĩa của sự tồn tại.
+ Sống quá nặng về tiểu tiết con người ta dễ thoả mãn, tự đắc. Từ đó sẽ mất đi lí tưởng sống, trở nên nhỏ bé, kém cỏi thậm chí là thảm hại. Hơn nữa, người ta sẽ bỏ lỡ giá trị đích thực của cuộc sống, đánh mất cơ hội trải nghiệm, tâm hồn sẽ trống rỗng, trí tuệ cùn mòn. Họ không sống mà chỉ là tồn tại.
+ Sống mà chỉ chạy theo những điều xa vời thì con người cũng sẽ không bao giờ hạnh phúc. Họ không có được cảm giác an nhiên, thư thái bởi một cá nhân không bao giờ sở hữu cả thế giới, lên đến đỉnh cao này lại xuất hiện những đỉnh cao khác. Tham vọng sẽ đốt cháy họ. Hơn nữa họ sẽ đánh mất những niềm vui giản dị của kiếp nhân sinh bởi họ đã tự cắt lìa bản thân khỏi những điều tuy nhỏ bé mà thân thuộc, quan trọng, thiêng liêng.
– Chỉ khi biết cân bằng trong cách sống, con người mới sống có ý nghĩa, có ích và có hạnh phúc bởi:
+ Họ sẽ đạt được trạng thái cân bằng giữa tâm hồn và trí tuệ, giữa khát vọng vươn tới và sự bằng lòng
+ Họ sẽ phát huy được mọi giá trị của bản thân, sống trọn vẹn bản thể của mình, bước đi vững vàng trong cuộc sống và đạt tới thành công.
+ Họ sẽ đón nhận được những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống mà một con người được ban tặng. Khi đó cuộc sống của họ sẽ thực sự có hạnh phúc.
(Lưu ý: Học sinh có thể có thể có thêm những luận điểm khác nhưng phải hợp lí. Mỗi luận điểm cần có phân tích và dẫn chứng để làm sáng tỏ.)
c/ Bài học, mở rộng
– Để đạt được sự cân bằng, hài hoà con người phải tự nhận thức sâu sắc về bản thân để hiểu rõ khả năng, giá trị và khát vọng của mình.
– Tránh sự cực đoan trong lối sống những cũng cần tránh sự trung dung, nửa vời
– Trong xu thế hội nhập ngày nay, cần có một bản lĩnh vững vàng để có được lối sống hài hoà, phù hợp.
BIỂU ĐIỂM
– Điểm 7 – 8: Đáp ứng tốt những yêu cầu nêu trên. Bài viết giàu sức thuyết phục bởi bố cục hợp lí, nội dung phong phú, lập luận chặt chẽ, sắc sảo, dẫn chứng sinh động, tiêu biểu. Có nhiều ý sáng tạo. Diễn đạt trong sáng, trôi chảy, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả, dùng từ
– Điểm 5 – 6: Đáp ứng được đa số các yêu cầu của đề bài. Bố cục nội dung tương đối hợp lí. Lập luận có sức thuyết phục, dẫn chứng đa dạng, chọn lọc. Diễn đạt tương đối tốt. Có thể mắc một vài lỗi chính tả và diễn đạt.
– Điểm 3 – 4: Hiểu đúng ý nghĩa câu nói nhưng còn lúng túng trong bàn luận, diễn đạt chưa chặt chẽ, thuyết phục
– Điểm 1 – 2: Hiểu nội dung ý kiến nhưng còn nông, bài viết sơ sài, lan man, lập luận lộn xộn, dẫn chứng nghèo nàn, mắc nhiều lỗi chính tả và diễn đạt.
– Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc về nội dung, phương pháp hoặc bỏ giấy trắng
CÂU 2
1/ Yêu cầu về kĩ năng
– Cần xác định đây là kiểu bài nghị luận văn học có nhiệm vụ làm sáng tỏ vấn đề lí luận văn học qua phâm tích một số tác phẩm văn học cụ thể
– Vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác nghị luận.
– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, không mắc các lỗi chính tả và diễn đạt.
– Trình bày bài sạch, đẹp, khoa học.
2/ Yêu cầu về kiến thức
Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo một số nội dung sau:
a/ Giải thích:
– Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo
+ Văn chương cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác là sản phẩm của sáng tạo tinh thần. Lao động nghệ thuật mang tính đặc thù riêng thể hiện rõ dấu ấn sáng tạo của người nghệ sĩ. Tác phẩm nghệ thuật phải mang những nét riêng độc đáo.
+ Trong nghệ thuật độc đáo là yếu tố đặc thù. Nhà văn không thể viết một tác phẩm như người khác viết, không theo người khác, không theo những gì có sẵn.
– Muốn có tác phẩm văn chương độc đáo, nhà văn phải có phong cách nghệ thuật. Trong các sáng tác nhà văn phải thể hiện cái riêng, cái mới lạ mà các nhà văn khác không có được.
– Lí giải:
+ Về phía người tiếp nhận: người ta không bằng lòng với những trang viết nhàm chán, đơn điệu, tẻ nhạt.
+ Về phía người cầm bút: mỗi tác phẩm phải là kết quả nghiền ngẫm, quan sát hiện thực và thể hiện hiện thực ấy theo cách riêng của mình, phải thể hiện một cái nhìn mới lạ trong tác phẩm, phải thể hiện rõ cá tính sáng tạo của nhà văn.
b/ Chứng minh:
Lựa chọn những tác phẩm đã được học hoặc được đọc và phân tích để làm nổi bật nét độc đáo trong đó.
c/ Đánh giá, nâng cao
– Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo là ý kiến đúng đắn, sâu sắc,có ý nghĩa đối với văn chương và người cầm bút.
– Người nghệ sĩ muốn tác phẩm nghệ thuật của mình trở nên độc đáo thì cần phải có cái nhìn khám phá hiện thực và tài năng sáng tạo. Chỉ khi có được sự độc đáo tác phẩm mới bất tử với thời gian và người nghệ sĩ mới có được vị trí riêng trên văn đàn.
– Độc giả đến với tác phẩm văn chương cũng cần chú ý phát hiện vẻ đẹp độc đáo của mỗi tác phẩm để từ đó cảm nhận sâu sắc hơn tư tưởng, tình cảm và tài năng sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ.
BIỂU ĐIỂM
– Điểm 11 – 12: Đáp ứng tốt những yêu cầu nêu trên. Bài viết giàu sức thuyết phục bởi bố cục hợp lí, nội dung chính xác, phong phú, lập luận chặt chẽ, khúc chiết, phân tích sắc sảo. Có nhiều ý sáng tạo. Diễn đạt trong sáng, trôi chảy, giàu chất văn, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả, dùng từ
– Điểm 9 – 10: Đáp ứng được đa số các yêu cầu của đề bài. Bố cục nội dung tương đối hợp lí. Lập luận có sức thuyết phục, phân tích khá sắc sảo. Diễn đạt tương đối tốt, có thể mắc một vài lỗi chính tả và diễn đạt.
– Điểm 7 – 8: Hiểu đề, lập luận khá chặt chẽ nhưng cảm nhận và phân tích chưa sâu sắc, một số câu văn diễn đạt chưa rõ ý, phần mở rộng, nâng cao thực hiện chưa thật tốt
– Điểm 5 – 6: Hiểu đề song phân tích còn nông, bài viết sơ sài
– Điểm 3 – 4: Hiểu chưa đúng trọng tâm đề, bài viết lan man, lập luận lộn xộn,
– Điểm 1 – 2: Chưa hiểu chính xác đề, phân tích thô vụng, dẫn chứng nghèo nàn, mắc nhiều lỗi chính tả và diễn đạt.
– Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc về nội dung, phương pháp hoặc bỏ giấy trắng