Đề thi Văn 10 trại hè Hùng Vương và duyên hải 2015 văn 11 tỉnh Sơn La

TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XI ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN
TRƯỜNG THPT CHUYÊN TỈNH SƠN LA LỚP 11
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT ( Đề này có 01 trang, gồm 02 câu)

 

Câu 1 (8 điểm):

Có ý kiến cho rằng: Tuổi trẻ ngày nay sống cần có ước mơ, ý kiến khác cho rằng: tuổi trẻ thời hội nhập hãy sống thực tế. Anh/ chị suy nghĩ gì về các ý kiến trên?

Câu 2 (12 điểm):

Có ý kiến cho rằng: Văn học của một dân tộc giống như một cây đàn và mỗi nhà văn giống như một sợi dây. Trên cây đàn đó có cung bậc riêng, âm điệu riêng nhưng chúng lại hợp lại tạo nên một giai điệu chung.

Từ hai tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu của  giai đoạn 1930 – 1945, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

 

———————— Hết ————————–

(Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)

             

Người thẩm định Người ra đề
 

 

 

 

Vũ Thị Hồng Mai

(0919511567)

 

 

 

 

Đỗ Thị Dung

(0976060219)

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

MÔN: NGỮ VĂN, LỚP 11

CÂU YÊU CẦU ĐIỂM
I a.Yêu cầu chung: Học sinh biết cách làm kiểu bài nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí. Bài viết trình bày sạch sẽ, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng có sức thuyết phục.
b.Yêu cầu cụ thể: 8.0 điểm
– Giải thích ý kiến:

+Sống thực tế là lối sống  không viển vông, sống với thực tại trước mắt với những điều đang diễn ra mà ta có thể kiểm soát được. Đó có thể là những khó khăn thách thức cũng có thể là những cơ hội mà con người cần hiểu biết, nắm bắt và giải quyết thấu đáo.

+Sống với ước mơ là lối sống luôn đặt ra những lí tưởng, hoài bão, những mục tiêu cao xa tốt đẹp phía trước mà con người luôn khao khát vươn tới và phấn đấu để đạt được.

– Đánh giá: Hai ý kiến đưa ra hai quan điểm sống đúng đắn nhưng không nên cực đoan, đề cao tuyệt đối một lối sống nào.

1.5 điểm
– Lí giải và chứng minh

+ Con người cần sống với hiện tại vì:

> Quá khứ là cái đã qua không thể thay đổi, tương lai là cái chưa tới, chưa biết, chỉ có hiện tại là quan trọng, cần thiết nhất giúp ta nhận thức được chính mình và gía trị cuộc sống.

> Cuộc đời là hữu hạn. Nếu không nắm bắt thực tại để sống tốt, sống có ích cho hôm nay thì sẽ nuối tiếc khi thời gian trôi qua.

+ Cuộc sống cần có ước mơ vì:

> Đó là động lực thôi thúc con người nỗ lực phấn đấu để một ngày không xa sẽ biến ước mơ thành hiện thực.

> Giúp con người xác định được hướng đi cho cuộc sống của mình, tránh lối sống tùy tiện, cảm tính thậm chí mù quáng.

> Làm cho cuộc sống con người thêm phong phú, có ý nghĩa và đạt được thành công ngày càng nhiều hơn.

( Học sinh lấy dẫn chứng trong thực tế đời sống để chứng minh)

2.5 điểm
Bàn luận: cuộc sống cần biết dung hòa giữa ước mơ và thực tại.

+ Hiện tại và ước mơ có mối quan hệ khăng khít không thể tách rời. Vì thế phải biết sống dung hòa: con người một mặt phải sống thực tế, biết bằng lòng với thực tại,hài lòng với những gì mình đang có. Mặt khác phải biết nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng hoài bão lí tưởng.

+ Nếu chỉ sống với hiện tại thì sẽ dẫn đến lối sống thực dụng, chỉ biết đến cái lợi trước mắt, không có tầm nhìn xa trông rộng thì sẽ không vượt lên thực tại để thực hiện những điều tốt đẹp, không gặt hái được những thành công lớn hơn, không tạo được những cơ hội tốt cho mình.

+ Nếu chỉ theo đuổi ước mơ không thôi thì sẽ dễ rơi vào ảo mộng viển vông, hão huyền quên mất thực tại đang sống.

+ Sống biết dung hòa giữa hiện thực và ước mơ giúp con người có kinh nghiệm, có tầm nhìn xa, sống đúng với khả năng của mình, biết nắm bắt cơ hội để thành công nối tiếp thành công.

+ Phê phán những người không dám ước mơ và những kẻ mơ ước hão huyền.

2.5 điểm
Bài học nhận thức và hành động

+ Cần có cái nhìn toàn diện, tỉnh táo, sáng suốt để lựa chọn cho mình lối sống đúng đắn.

+Sống có mục đích, lí tưởng, không an phận thủ thường.

+ Phải nuôi dưỡng ước mơ nhưng ước mơ phải bắt nguồn từ cuộc sống  và phù hợp với hoàn cảnh và khả năng của mình.

+Phải kiên trì theo đuổi những mục tiêu, lí tưởng mà mình đã lựa chọn.

1.5 điểm
 

II

a.Yêu cầu chung

– Học sinh nắm vững kiểu bài nghị luận tổng hợp về một vấn đề văn học: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận .

– Kết cấu rõ ràng, chặt chẽ, lập luận thuyết phục.

– Văn viết mạch lạc, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc, có sự sáng tạo.

 
b.Yêu cầu cụ thể 12 điểm
1.Khái quát: Giới thiệu vấn đề nghị luận. 0.5 điểm
2. Giải thích 2.0 điểm
– Hình ảnh:

+ Những hình ảnh “một sợi dây”, “cung bậc riêng”, “cung bậc riêng”, “âm điệu riêng”: ẩn dụ cho phong cách riêng của từng nhà văn.

+ Những hình ảnh: “cây đàn”, “giai điệu chung” chỉ diện mạo văn học của một giai đoạn, một dân tộc.

– Ý kiến khẳng định vai trò, sự đóng góp quan trọng của mỗi nhà văn đối với quá trình phát triển của văn học.

3. Phân tích và chứng minh
a. Cơ sở lí luận: 4.0 điểm
– Nghệ thuật là lĩnh vực của sự độc đáo. Mỗi nhà văn, đặc biệt là các nhà văn lớn đều thể hiện những “cung bậc riêng”, “âm điệu riêng”. Đó là những nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của nhà văn và được thể hiện ở cả nội dung và nghệ thuật.
– Trong nền văn học dân tộc, nhiều tác giả tài năng, có phong cách độc đáo góp phần tạo ra sự phong phú, đa dạng, thúc đẩy sự phát triển của văn học.
b. Chứng minh: 4.0 điểm
– Học sinh lựa chọn hai tác phẩm của hai tác giả tiêu biểu của giai đoạn 1930 – 1945 để phân tích chứng minh..

(Yêu cầu: Lựa chọn được hai nhà văn/ thơ có phong cách thực sự nổi bật. Phân tích và chỉ rõ đặc điểm phong cách, đóng góp riêng biệt của các tác giả qua tác phẩm được lựa chọn).

 
3.Đánh giá:

– Đánh giá sự đóng góp của hai tác giả đối với giai đoạn văn học đó và đối với nền văn học dân tộc.

– Sự đóng góp của một người nghệ sĩ chân chính không chỉ ở phong cách riêng, độc đáo mà còn ở sự góp phần tạo nên phong cách thời đại, diện mạo văn học dân tộc.

1.5 điểm
Lưu ý chung:

1.Đây là đáp án mở, thang điểm không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của các phần nội dung lớn cần phải có.

2.Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu mỗi câu, đồng thời phải có triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.

3. Khuyến khích những bài viết sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có ý ngoài đáp án, nhưng phải có căn cứ, lí lẽ thuyết phục.

4. Không cho điểm cao với những bài nêu chung chung, sáo rỗng.

5. Cần trừ điểm với những lỗi hành văn, ngữ pháp, chính tả.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *