Đề thi Văn 10 trại hè Hùng Vương và duyên hải 2015 văn 11 tỉnh Quảng Ninh

SỞ GD&ĐT QUẢNG NINH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HẠ LONG

 

 

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG  LẦN THỨ XI – 2015

MÔN:   NGỮ VĂN,  KHỐI: 11

Thời gian: 180 phút

Đề thi gồm: 01 trang

 

Câu 1: (8,0 điểm)

Cuộc sống là một đường chạy marathon dài vô tận, nếu ta không cố gắng thì sẽ mãi bị bỏ lại ở phía sau và không bao giờ tới đích.

Cuộc sống là một đường chạy vượt rào, nếu ta không cố gắng ta sẽ không thể vượt qua bất kỳ rào cản nào.

Cuộc sống là một đường chạy nước rút, nếu ta không cố gắng ta chỉ là người chạy cuối cùng.

Cuộc sống là một đường chạy tiếp sức, biết giúp đỡ nhau chúng ta sẽ chiến thắng.

Vậy cuộc sống của bạn là đường chạy nào? Viết một bài văn chia sẻ về điều đó.

 

Câu 2: (12.0 điểm)

Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng phát biểu:

“Trong đời sống văn học, những nhà văn có tài năng, người thì đóng góp vào một cách viết, người thì đóng góp vào cách sử dụng ngôn ngữ, có người lại chỉ cho ta thấy những thứ rất nhỏ bé, đặc sắc mà giàu giá trị. Nhưng trên tất cả, anh ta phải cho người đọc thấy được tiếng nói riêng của anh ta trong một vấn đề mà nhiều người đang quan tâm đến”.

(Theo Chuyên đề Ngữ văn 12 – “Chiếc thuyền ngoài xa” – NXB Giáo dục)

 

Trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên và làm sáng tỏ qua sáng tác của một số tác giả tiêu biểu trong văn học Việt Nam từ năm 1930 đến hết thế kỉ XX .

 

……………..Hết……………..

(Giám thị coi thi không giải thích gì thêm)

Họ và tên thí sinh:……………………………… SBD: …………………………………….

 

 

SỞ GD&ĐT QUẢNG NINH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HẠ LONG

 

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI ĐỀ XUẤT LẦN XI

MÔN:   NGỮ VĂN,  KHỐI: 11

Thời gian: 180 phút

Đáp án gồm: 04 trang

 

Câu 1: (8,0 điểm)

  1. Yêu cầu chung:

– Thí sinh viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội (về một tư tưởng, đạo lí). Biết vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt và các thao tác lập luận, huy động được dẫn chứng từ thực tế đời sống và trải nghiệm của bản thân để làm sáng tỏ vấn đề.

– Bố cục rõ ràng, mạch lạc; lập luận chặt chẽ, sắc sảo; lí lẽ thuyết phục. Hành văn lưu loát, trong sáng, chuẩn xác, giàu cảm xúc.

– Trình bày bài sạch, đẹp, khoa học.

  1. Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày bài viết theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:

  1. Giải thích: (2,0 điểm)

Đường chạy marathon dài vô tận: đường chạy dài, đòi hỏi con người phải trường sức, giữ sức, bền bỉ, không bỏ cuộc, cố gắng về tới đích.

Đường chạy vượt rào: trên đường chạy có những rào chắn, đòi hỏi sức bật để vượt qua. Có vượt qua được những rào cản mới về được đến đích.

Đường chạy nước rút: đoạn chạy cuối trên một đường đua, lúc phải dốc sức để vươn lên về đích sớm nhất có thể, nếu không cố gắng dốc sức thì sẽ bị tụt lại sau và trở thành người về đích cuối cùng.

Đường chạy tiếp sức: có những con đường dài, một mình không đủ sức vượt qua nổi, nên sẽ có những người đảm nhận vị trí của từng đoạn, tiếp nối, tiếp sức cho nhau để nhanh chóng về đích, giành được chiến thắng.

à Cách nói hình ảnh, có ý nghĩa biểu tượng: nói về những con đường đời với những tính chất và yêu cầu, đòi hỏi khác nhau, song có một điểm chung là con người luôn phải cố gắng nỗ lực hết sức, bằng khả năng của bản thân và kết nối với mọi người, để chúng ta đến được một cái đích, một mục tiêu nào đó đã đặt ra.

  1. Bình luận: (4,0 điểm)

– Đoạn văn mượn hình ảnh những con đường khác nhau trong một cuộc đua thể thao để gợi cho ta liên tưởng và những suy nghĩ sâu sắc về đường đời, đem đến bài học sống quý giá: dù ở bất kỳ chặng đường nào ta cũng phải cố gắng, nỗ lực vươn lên, vượt qua, kết nối sức mạnh với người khác để đạt tới đích, gặt hái được thành công.

– Có thể khẳng định: đường đời của chúng ta không thể chỉ là một trong những con đường trên mà phải là sự tổng hợp linh hoạt của cả bốn con đường, tùy từng chặng, từng giai đoạn khác nhau của cuộc đời.

– Dù trên chặng nào, điều quan trọng và cần thiết để chúng ta vượt qua và chiến thắng là:

+ Sự cố gắng của bản thân người chạy, sự nỗ lực của chính mình (được lặp lại 3 lần)

+ Sự đoàn kết, chung sức, nỗ lực của những người khác (câu cuối).

(Trong quá trình bàn luận học sinh cần huy động dẫn chứng từ thực tế cuộc sống, hoặc trải nghiệm của bản thân để minh họa).

  1. Mở rộng vấn đề: (1,0 điểm)

– Cuộc sống không phải lúc nào cũng là những đường chạy, những cuộc đua, những cái đích hữu hạn, hữu hình. Cuộc sống là dòng chảy bất tận, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng bền bỉ để con người sống ý nghĩa, có giá trị…

– Phê phán:

+ những người không nỗ lực, cố gắng trên hành trình sống…

+ những người dựa dẫm, ỷ lại vào người khác…

  1. Bài học nhận thức và hành động: (1,0 điểm)

– Từ nhận thức đúng đắn về đường đời và điều kiện, sức mạnh để đến đích, mỗi người xác định được ý thức và hành động để mỗi chặng đường đời của mình đều có thể gặt hái nhiều thành công, sự sống nhiều giá trị và ý nghĩa…

(Lưu ý: Thí sinh có thể trình bày những quan điểm riêng, thậm chí trái chiều. Tuy nhiên, cần có thái độ chân thành, nghiêm túc, tư tưởng nhất quán trên tinh thần xây dựng, lập luận thuyết phục).

 

  1. Biểu điểm:

– Điểm 7- 8: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày đầy đủ các nội dung đã nêu một cách sâu sắc, thuyết phục; văn phong chuẩn xác, biểu cảm; có thể mắc một hai lỗi nhỏ về chính tả và dùng từ.

– Điểm 5- 6: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày được hầu hết các ý đã nêu, nhưng chưa sâu sắc; mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt và chính tả.

– Điểm 3- 4: Bài viết tỏ ra hiểu chưa thật thấu đáo vấn đề, trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức; còn mắc lỗi về diễn đạt và chính tả.

– Điểm 1- 2: Bài viết tỏ ra chưa hiểu rõ vấn đề, lúng túng trong cách giải quyết, mắc nhiều lỗi diễn đạt và chính tả .

– Điểm 0: Bài viết lạc đề, hiểu sai vấn đề hoặc không viết gì.

 

Câu 2: (12 điểm)

  1. Yêu cầu chung:

– Viết đúng kĩ năng kiểu bài nghị luận văn học, sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận, các phương thức biểu đạt. Cần phát huy đồng thời các năng lực: bình luận vấn đề lí luận văn học và phân tích, cảm thụ văn học để làm sáng tỏ vấn đề.

– Bố cục rõ ràng, mạch lạc; lập luận chặt chẽ, sắc sảo; lí lẽ thuyết phục. Hành văn lưu loát, trong sáng, chuẩn xác, giàu cảm xúc.

– Trình bày bài sạch, đẹp, khoa học.

    

  1. Yêu cầu về kiến thức:

          Bài làm có thể có nhiều cách trình bày khác nhau, nhưng cần đáp ứng được một số nội dung cơ bản sau:

  1. Giải thích ý kiến: (2,0 điểm)

– Ý kiến khẳng định những nhà văn có tài năng phải đem đến những đóng góp mới cho đời sống văn học trên hai phương diện:

+ Phương tiện, phương thức, hình thức nghệ thuật độc đáo (cách viết, cách sử dụng ngôn ngữ, cách khai thác và sử dụng chi tiết cô đúc giàu giá trị)

+ Cái nhìn, cách cảm thụ giàu tính khám phá nghệ thuật đối với cuộc đời (tiếng nói riêng về những vấn đề ai cũng biết và được nhiều người quan tâm).

– Thực chất người nói khẳng định và đòi hỏi: nhà văn tài năng phải là người có phong cách nghệ thuật độc đáo, mới mẻ, có đóng góp riêng vào đời sống văn học, trên cả hai phương diện, trong đó phương diện sau là cốt yếu (chú ý trình tự, cách nói trong ý kiến).

  1. Bình luận: (3,0 điểm)

* Cần khẳng định được đây là ý kiến đúng đắn bởi:

– Bản chất cũng như đòi hỏi của nghệ thuật là sự sáng tạo mới mẻ độc đáo.

– Những nhà văn tài năng bao giờ cũng phải là những cá tính sáng tạo độc đáo, thống nhất thể hiện qua tác phẩm văn chương (có phong cách nghệ thuật độc đáo).

* Biết bàn luận, đánh giá ý nghĩa sâu sắc của ý kiến đối với nhiều đối tượng (với người nói – nhà văn Nguyễn Minh Châu; với các nhà văn nói riêng và nghệ sĩ nói chung; với giá trị của tác phẩm văn học; với sự tiến bộ, phong phú, đa dạng của đời sống văn học; đối với người tiếp nhận…)

  1. Chứng minh: (5,0 điểm)

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, song cần biết lựa chọn những sáng tác tiêu biểu, đặc sắc của những nhà văn có phong cách nổi bật, có đóng góp mới mẻ trên cả hai phương diện để làm sáng tỏ vấn đề (Trong Văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945từ năm 1945 đến hết thế kỉ XX).

Đánh giá cao những bài biết chọn và phân tích dẫn chứng sắc sảo, có diện và điểm.

 

  1. Mở rộng, nâng cao vấn đề: (2.0 điểm)

Lời phát biểu của nhà văn Nguyễn Minh Châu có ý nghĩa định hướng sâu sắc cho cả người sáng tác và người tiếp nhận văn học:

– Với nhà văn: Câu nói có ý nghĩa nhắc nhở người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật phải luôn chú ý hình thành và xây dựng phong cách nghệ thuật của riêng mình, từ đó có những đóng góp riêng trên nhiều phương diện cho văn học, tạo nên một nền văn học phong phú, giàu giá trị cho dân tộc…

–  Với người đọc: Câu nói có ý nghĩa định hướng cho người tiếp nhận một tiêu chí quan trọng để thẩm bình các tác phẩm văn chương, để đánh giá một nhà văn tài năng – nhất định phải có phong cách nghệ thuật mới mẻ, độc đáo.

  1. Biểu điểm:

– Điểm 11 – 12: Bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết sâu sắc, độc đáo; diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dùng từ.

– Điểm 9 – 10: Bài viết có nội dung tương đối đầy đủ (có thể còn mắc một vài ý nhỏ); bố cục rõ ràng; diễn đạt trôi chảy, câu văn có hình ảnh, cảm xúc. Mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 7 – 8: Bài viết đáp ứng khoảng 2/3 nội dung cơ bản của đáp án. Văn có thể chưa hay nhưng rõ ý. Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 5 – 6: Bài viết đáp ứng khoảng 1/2 nội dung cơ bản của đáp án. Mắc nhiều lỗi hành văn, chính tả.

– Điểm 3 – 4: Hiểu và trình bày vấn đề còn sơ sài, kết cấu không rõ ràng, còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 1- 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không viết gì.

                                                ———-Hết————-

Lưu ý:

– Giám khảo cần vận dụng đáp án một cách linh hoạt để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm một cách máy móc.

– Khuyến khích những bài làm hay, có chất văn chương, có ý tưởng sáng tạo, mới lạ…

– Điểm bài là tổng điểm của hai câu, lẻ đến 0,5./.

 

                                    

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *