Đề thi Văn 10 trại hè Hùng Vương và duyên hải 2015 văn 11 tỉnh Hưng Yên

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HƯNG YÊN TỈNH HƯNG YÊN

      

 

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

 

ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN – KHỐI 11

NĂM HỌC 2015

Thời gian làm bài 180 phút

(Đề này có 1 trang, gồm 2 câu)

     

 

Câu I (8 điểm).

Hãy sống nhanh cùng thời đại, hãy sống chậm cho tâm hồn.

Từ ý kiến trên, anh/chị suy nghĩ gì về vấn đề sống nhanh, sống chậm thời @ của giới trẻ.

 

 

Câu II (12 điểm).

Chân lý cuộc sống trong sáng tác nghệ thuật không tồn tại bên ngoài cái nhìn nghệ thuật có tính cá nhân đối với thế giới, vốn có ở từng nghệ sĩ thực thụ“. (Khrapchenko).

Anh/chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ cái nhìn nghệ thuật có tính cá nhân qua việc phân tích bức tranh thiên nhiên trong Vội vàng của Xuân Diệu, Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử và Tràng giang của Huy Cận.

 

——————–Hết——————-

 

Người ra đề

Trần Thị Thanh Xuân – Phạm Thị Bình

ĐÁP ÁN + BIỂU ĐIỂM CHẤM MÔN NGỮ VĂN  KHỐI 11

 

CÂU    Ý                       NỘI DUNG CẦN ĐẠT   ĐIỂM

 

 Câu     I:

1. Giải thích Sống nhanh: Là sống khẩn trương, có sự tiếp thu, phản ứng, hành động nhanh nhạy, linh hoạt.

Sống chậm: Là sống thong thả, chậm rãi, không vội vàng trong cả suy nghĩ, hành động.

Sống nhanh cùng thời đại: sống khẩn trương, nhạy bén cùng với những biến chuyển, đổi thay của thời cuộc.

Sống chậm cho tâm hồn: sống thong thả, chậm rãi để di dưỡng tâm hồn mình.

èĐó là 2 cách thức sống con người cần phải biết kết hợp trong cuộc sống của mình.

1,5
2. Bàn luận – Thời đại @ cuộc sống biến chuyển, đổi thay từng giây, từng phút. Đó là thời đại của tốc độ, của thế giới phẳng. Để thích ứng với thời cuộc, con người cần đẩy nhanh tốc độ sống, tâm thế sống của mình. Họ cần tiếp thu nhanh, phản ứng nhanh, hành động nhanh để nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội; trở thành một người sống năng động, nhạy bén, linh hoạt. Với giới trẻ của thời đại @ “Sống là không chờ đợi“, là cuộc chạy đua tốc độ,  không ai muốn mình trở thành người tụt hậu, kẻ đến sau. Họ cần sống nhanh để theo cùng thời đại.

(Học sinh lấy dẫn chứng trong đời sống xã hội để chứng minh)

– Nhưng nếu chỉ sống nhanh cùng thời đại, con người bị guồng quay hối hả, gấp gáp của cuộc sống xoay đảo liên tục, căng thẳng, áp lực về cả thể xác và tinh thần – stress chính là căn bệnh của thời đại @. Con người không phải là cỗ máy vô tri, cũng không chỉ sống bằng lí trí dễ rơi vào vô cảm.  Sống nhanh khiến con người bỏ qua nhiều điều có ý nghĩa của cuộc sống vì nó nhỏ nhặt, khuất lấp, cần tinh tế cảm nhận. Vì thế con người cũng cần thiết phải biết sống chậm. Sống chậm là sự tận hưởng cuộc sống qua các cung bậc xúc cảm của tâm hồn và trái tim, sống chậm giúp con người tự cân bằng. Sống chậm chính là để di dưỡng tâm hồn mình: để biết lắng nghe, biết cảm nhận, biết thấu hiểu, biết sẻ chia…

(Học sinh lấy dẫn chứng trong đời sống xã hội để chứng minh)

– Mối quan hệ giữa sống nhanh và sống chậm thời @: Sống nhanh và sống chậm không loại trừ, đối nghịch nhau.  Chỉ khi biết kết hợp 2 cách thức sống: sống nhanh và sống chậm, con người mới SỐNG theo đúng nghĩa và cảm nhận trọn vẹn và đầy đủ nhất ý nghĩa và giá trị cuộc sống. Nghệ thuật sống là phải biết sống chậm giữa đời nhanh.

1,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1,5

3. Mở rộng, liên hệ, rút ra bài học – Cần nhận biết, đánh giá đúng mức về cách thức sống nhanh và sống chậm của bản thân và người khác trong đời sống xã hội. Phân biệt giữa sống nhanh và sống vội, sống gấp chỉ để hưởng thụ. Phân biệt sống chậm để di dưỡng tâm hồn với sống chậm chỉ là vỏ bọc để chây lười, thụ động, ù lì. Sống nhanh không phải chỉ là lối sống hiện đại, trẻ trung của giới trẻ; sống chậm không có nghĩa là lối sống già nua, lạc hậu của người  già. Bất cứ ở lứa tuổi nào, trình độ nào giữa thời đại ngày nay con người cũng cần học sống nhanh và sống chậm.

– Cần cảnh báo một bộ phận giới trẻ ngày nay chỉ quay cuồng sống nhanh không biết sống chậm, thiếu sự nuôi dưỡng, vun đắp cho tâm hồn  nên tự đẩy bản thân đối mặt với những áp lực cuộc sống, rơi vào lối sống vô cảm, tự kỉ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho bản thân, gia đình và xã hội…

– Rút ra bài học cho bản thân: Học cách biết sống nhanh và sống chậm là hành trang cần thiết cho giới trẻ bước chân vào đời. Sống chậm sẽ giúp giới trẻ đi nhanh và xa trên  đường đời.

+ Giới trẻ cần nỗ lực học hỏi, thu nhận kiến thức để có thể sống nhanh cùng thời đại. Bên cạnh đó cần dành thời gian lắng tai mà nghe, lắng lòng để hiểu; mở rộng lòng để quan tâm, sẻ chia; cảm nhận, trân trọng, nâng niu những vẻ đẹp, những điều cho dù nhỏ nhưng lại vô cùng có ý nghĩa trong thiên nhiên, trong cuộc sống – đó chính là cách ta đang sống chậm cho tâm hồn.

2,0
Câu II.   Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.  
  1.Giới thiệu vấn  đề nghị luận – Vấn đề cái nhìn trong sáng tác nghệ thuật.

– Các tác phẩm Vội vàng – Xuân Diệu, Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử, Tràng giang – Huy Cận.

1,0
  2. Giải thích ý kiến

 

– “Chân lý cuộc sống trong sáng tác nghệ thuật” : là những nhận thức đúng đắn, tiến bộ của người nghệ sĩ về cuộc sống, được biểu hiện trong các sáng tác nghệ thuật.

– “cái nhìn nghệ thuật có tính cá nhân đối với thế giới”: là khả năng cảm thụ, nắm bắt hiện thực cuộc sống một cách tinh nhạy, chính xác, nhìn thấy cái mà người khác không nhìn thấy, in đậm dấu ấn riêng, không giống ai.

– “nghệ sĩ thực thụ”: là nghệ sĩ chân chính, khẳng định được tài năng, cá tính và đạo đức nghề nghiệp.

–> Nhận định của Khrapchenko đã khẳng định vai trò của cái nhìn của người nghệ sĩ chân chính trong sáng tác nghệ thuật – một trong những yếu tố quan trọng hình thành nên phong cách nghệ thuật: chân lý về cuộc sống được kết tinh trong các sáng tác nghệ thuật nằm trong chính cái nhìn tinh nhạy, chính xác, có tính chất khám phá, phát hiện của người nghệ sĩ về hiện thực cuộc sống ấy.

2,0
  3. Bình luận và chứng minh

 

a. Bàn về vai trò của cái nhìn có tính cá nhân đối với thế giới ở người nghệ sĩ.

– Cái nhìn là một năng lực tinh thần đặc biệt của con người, nó có thể thâm nhập và phát hiện những đặc điểm của sự vật mà vẫn ở ngoài sự vật, bảo lưu sự toàn vẹn thẩm mỹ của sự vật.

– Trong nghệ thuật không thể thiếu cái nhìn. Nhà văn Pháp, M.Proust cũng nói: “Đối với nhà văn cũng như đối với nhà họa sĩ, phong cách không phải là vấn đề kĩ thuật mà là vấn đề cái nhìn”.

– Cái nhìn của nhà văn về cuộc sống, con người bao giờ cũng mang nét riêng, khám phá, phát hiện ra những cái mới mẻ, độc đáo mà người bình thường không nhìn thấy.

– Cái nhìn không chỉ thể hiện lập trường, sự hiểu biết của nhà văn về cuộc sống mà còn thể hiện thái độ, tình cảm của nhà văn đối với đời sống: yêu, ghét, ngợi ca, đồng tình hay phê phán…

– Cái nhìn thế giới khách quan của mỗi nhà văn thường có quan hệ chặt chẽ với cuộc đời, hoàn cảnh, môi trường sống của nhà văn đó.

–> Do đó, cái nhìn nghệ thuật có tính cá nhân là một trong những biểu hiện đầu tiên và quan trọng nhất trong phong cách nghệ thuật của một nghệ sĩ thực thụ.

2,0
    b. Chứng minh cái nhìn nghệ thuật có tính cá nhân qua các bức tranh thiên nhiên trong Vội vàng, Đây thôn Vĩ Dạ, Tràng giang.

– Trong Vội vàng của Xuân Diệu:

+ Với một hồn thơ nồng nàn, sôi nổi (do ảnh hưởng từ thiên nhiên quê mẹ) và niềm khát khao giao cảm với đời (do thiếu thốn tình cảm từ nhỏ), Xuân Diệu nhìn cuộc đời “bằng đôi mắt xanh non” – đôi mắt trong sáng, trẻ trung của một chàng trai lúc nào cũng dào dạt, nồng nhiệt tình yêu đời.

+ Do đó, cuộc đời trong cái nhìn của XD có những đặc điểm nổi bật sau đây: cuộc đời hiện hữu tươi đẹp, hấp dẫn như một thiên đường trên mặt đất, ở đây và ngay lúc này, song cuộc đời tươi đẹp ấy lại ngắn ngủi, hữu hạn trong dòng chảy của thời gian. –> Thiên nhiên trong Vội vàng là một bức tranh mùa xuân tươi đẹp, tràn đầy sức sống, chan chứa xuân sắc, rạo rực xuân tình (Đoạn 1) nhưng lại mau chóng tàn phai trước thời gian (Đoạn 2)

–> Quan niệm sống tiến bộ: sống vội vàng, cuống quýt, chạy đua với thời gian để tận hưởng và tận hiến cho cuộc đời.

– Trong Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử:

+ Với khát vọng gắn bó sâu nặng với cuộc đời, khát vọng được sống và đươc yêu hết mình nhưng lại mang nặng nỗi mặc cảm phải chia tay với cuộc sống (vì căn bệnh nan y) nên cái nhìn của Hàn Mặc Tử về cuộc sống vừa tha thiết yêu đời, vừa xót xa, tiếc nuối.

+ Thế giới trong thơ Hàn Mặc Tử vừa tươi đẹp nhưng vừa thấm đẫm sự chia lìa, mất mát. –> Trong Đây thôn Vĩ Dạ, thiên nhiên hiện lên là khung cảnh thiên nhiên xứ Huế đẹp nên thơ, lãng mạn nhưng xa vời, mông lung, khó nắm bắt, thấm đẫm nỗi buồn, sự cô đơn, khắc khoải của thi nhân (Khổ 1, Khổ 2)

– Trong Tràng giang của Huy Cận:

+ Sự hòa điệu của nỗi sầu nhân thế đậm chất Đường thi, với nỗi cô đơn, bơ vơ của cái tôi cá nhân Thơ mới và nỗi buồn đau của một con người sinh ra trong thời đại đen tối của đất nước –> chi phối cái nhìn của Huy Cận về cuộc đời: nhìn cuộc đời với nỗi buồn ảo não, nỗi sầu mênh mang thiên cổ.

+ Cuộc sống được nhìn qua con mắt của Huy Cận được hình tượng hóa qua một không gian vũ trụ mênh mông, rộng lớn, mà kiếp người thì nhỏ bé, cô đơn, lạc loài, vô phương hướng –> Trong Tràng giang, bức tranh thiên nhiên là một khung cảnh sông nước mênh mang, vô định với nỗi sầu da diết, triền miên. (Khổ 1,2,3,4)

5,0
  4. Đánh giá, bàn luận mở rộng

 

– Nhận định của Khrapchenko đã khẳng định một trong những vấn đề cơ bản của lí luận văn học: đó là vấn đề phong cách nghệ thuật – một phẩm chất không thể thiếu của người nghệ sĩ chân chính, mà hạt nhân của phong cách là vấn đề cái nhìn.

– Ba nhà thơ Mới: Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận có 3 cái nhìn khác nhau về thế giới. Đó đều là những cái nhìn độc đáo, mới mẻ, in đậm dấu ấn riêng, tạo nên phong cách của từng nhà thơ, làm giàu hương sắc cho khu vườn Thơ mới.

– Bài học đối với người nghệ sĩ và độc giả tiếp nhận:

+ Nhà văn, người nghệ sĩ muốn có một cái nhìn riêng biệt cần phải không ngừng đi sâu vào cuộc sống, cần phải rèn thói quen quan sát với tinh thần khám phá, nghiên cứu đời sống, mài sắc nhọn các giác quan trong việc cảm nhận thế giới, để có thể tìm thấy những cái mới lạ, độc đáo trong những sự vật bình thường, quen thuộc.

+ Độc giả khi tiếp nhận các tác phẩm nghệ thuật cần thâm nhập sâu vào thế giới nghệ thuật của tác giả, chủ động, tích cực khi tiếp nhận tác phẩm, phát hiện ra cái riêng của mỗi người, để khẳng định phong cách nghệ thuật tác giả và vị trí của tác phẩm.

 

2,0

 

* Lưu ý chung: Khi chấm bài, giám khảo vừa bám sát đáp án và biểu điểm, vừa linh hoạt, trân trọng những suy nghĩ riêng của thí sinh nếu thấy hợp lí, tránh đếm ý cho điểm.

 

                                                                              Người soạn đáp án

Trần Thị Thanh Xuân – Phạm Thị Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *