Đề thi Văn 10 trại hè Hùng Vương và duyên hải 2015 văn 11 tỉnh Hà Nam

HỘI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN BIÊN HÒA

TỈNH HÀ NAM

ĐỂ THI MÔN NGỮ VĂN KHỐI 11

NĂM 2015

Thời gian làm bài 180 phút

(Đề này gồm có 01 trang, gồm 02 câu)

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT  

 

Câu 1 (8,0 điểm)

 

Cái kén bướm

Một chàng trai nọ tìm thấy một cái kén bướm. Một hôm anh thấy cái kén hé một lỗ nhỏ. Anh ta ngồi hàng giờ nhìn chú bướm nhỏ cố thoát mình khỏi cái lỗ nhỏ xíu. Rồi anh ta thấy mọi việc không tiến triển gì thêm. Hình như chú bướm không thể cố hơn được nữa. Vì thế, anh ta quyết định giúp chú bướm nhỏ. Anh ta lấy kéo rạch cho cái lỗ to thêm.

Chú bướm dễ dàng thoát ra khỏi cái kén. Nhưng thân mình nó sưng phồng lên, đôi cánh thì nhăn nhúm. Còn chàng thanh niên cứ ngồi quan sát cái kén với hi vọng một lúc nào đó thân mình chú bướm sẽ xẹp lại và đôi cánh xòe rộng hơn đủ để nâng đỡ thân hình chú.

Nhưng chẳng có gì thay đổi cả! Sự thật là chú bướm đã phải bò loanh quanh suốt quãng đời còn lại với đôi cánh nhăn nhúm và thân hình sưng phồng. Nó chẳng bao giờ có thể bay được. Có một điều mà người thanh niên không thể hiểu: cái kén chật chội khiến chú bướm phải nỗ lực mới chui qua được cái lỗ nhỏ xíu kia là quy luật tự nhiên tác động lên đôi cánh và cơ thể của bướm, giúp chú có thể bay ngay khi thoát ra ngoài.

(Quà tặng của cuộc sống, NXB Trẻ, tr.31,32)

 

Anh / chị suy nghĩ gì về ý nghĩa triết lý của câu chuyện trên?

 

Câu 2 (12,0 điểm)

“Nội dung tư tưởng của tác phẩm văn học không bao giờ chỉ là sự lí giải dửng dưng, lạnh lùng mà gắn liền với cảm xúc mãnh liệt”(Dẫn theo Lí luận văn học – Phương Lựu chủ biên, NXB Giáo dục, tr.268).

Anh / chị hiểu như thế nào về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ qua bài thơ Vội vàng (Xuân Diệu) và truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao).

 

..……………Hết………………

Người ra đề

 

 

Nguyễn Thị Lan Dung

Điện thoại: 0982048581

 

HỘI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN BIÊN HÒA

TỈNH HÀ NAM

ĐÁP ÁN + BIỂU ĐIỂM CHẤM

       MÔN NGỮ VĂN KHỐI 11

 

 

 

  1. HƯỚNG DẪN CHUNG

– Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm.

– Hướng dẫn chấm chỉ đưa ra một cách giải quyết vấn đề, cần tôn trọng các cách triển khai khác của học sinh miễn sao hợp lý.

– Cần chủ động, linh hoạt khi vận dụng hướng dẫn chấm và thang điểm; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo. Những bài chưa thật đủ ý, toàn diện nhưng trình bày được một số nội dung sâu sắc, có quan điểm riêng vẫn cần được đánh giá cao.

– Điểm ở từng câu và điểm toàn bài để điểm lẻ đến 0,25.

 

  1. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ VÀ THANG ĐIỂM

 

Câu Ý Nội dung chính cần đạt Điểm
Câu 1 a Dẫn dắt, nêu vấn đề nghị luận 0,5
  b Giải thích, rút ra ý nghĩa câu chuyện 2,0
    * Giải thích:

Cái kén chật chội khiến chú bướm phải nỗ lực mới chui qua được cái lỗ nhỏ xíu kia là quy luật tự nhiên tác động lên đôi cánh và cơ thể của bướm, giúp chú có thể bay ngay khi thoát ra ngoài. Nói cách khác đó chính là những khó khăn, thử thách mà bướm phải vượt qua để lớn lên, trưởng thành hơn.

– Hành động của chàng trai: xuất phát từ lòng tốt, từ thiện chí muốn giúp chú bướm nhỏ, chàng trai đã lấy kéo rạch cho cái lỗ to thêm, nhờ đó bướm dễ dàng thoát ra ngoài, không cần nỗ lực, đấu tranh…Nhưng kết cục là vì chưa đủ thời gian, chưa đủ cứng cáp, chưa “đến độ”, chú bướm đã phải bò loanh quanh suốt quãng đời còn lại với đôi cánh nhăn nhúm và thân hình sưng phồng -> Do không hiểu được quy luật sinh tồn của loài bướm, lòng tốt của chàng trai vô tình đã hại chú bướm nhỏ khi tước đi của chú khả năng tự đấu tranh…

* Ý nghĩa:

Câu chuyện về loài bướm đã đem đến cho người đọc một thông điệp sâu sắc. Trong cuộc sống, đấu tranh là rất cần thiết. Con người phải vượt qua khó khăn thử thách, đấu tranh với nghịch cảnh thì mới có thể tồn tại và trưởng thành hơn.

 
  c Suy nghĩ về ý nghĩa triết lý của câu chuyện 4,0
    – Cuộc sống bình an, hạnh phúc là cái đích mà đời người ai cũng muốn vươn tới. Song để đi đến cái đích đó, người ta phải tự mình vượt qua khó khăn thử thách. Cuộc sống luôn có những chông gai, thử thách ý chí, nghị lực và bản lĩnh con người. Đấu tranh với nghịch cảnh để vươn lên sẽ khiến con người trưởng thành hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn. Dám đương dầu với thử thách mới mong có được thành công, hạnh phúc thực sự.

– Nhiều khi cuộc đời phẳng lặng sẽ làm mất đi sức mạnh tiềm tàng mà bẩm sinh mỗi người đều có. Người ta nếu chỉ sống trong hưởng thụ, sung sướng, bảo bọc, nâng niu sẽ trở nên yếu đuối, dựa dẫm, ỷ lại…

– Lòng tốt rất đáng quý song phải đặt đúng lúc, đúng chỗ, hành động đúng phương pháp. Muốn giúp ai đó, không nên làm việc khó khăn thay cho họ mà nên động viên, hướng dẫn họ cách để tự mình vượt qua khó khăn. Có như vậy, lòng tốt và thiện chí mới mang lại kết quả tốt đẹp.

– Phê phán những người ngại khó ngại khổ, dựa dẫm, ỷ lại, không biết tự mình phấn đấu vươn lên.

(Lấy dẫn chứng thực tế để chứng minh)

 
  d Bài học nhận thức và hành động 1,0
    – Bài học nhận thức: thấm thía ý nghĩa câu chuyện, coi khó khăn gian khổ là môi trường để rèn luyện ý chí và bản lĩnh.

– Bài học hành động: hành động quyết đoán, tự tin, trước khó khăn gian khổ không chùn bước…

 
  e Đánh giá khái quát 0,5
Câu 2 a Dẫn dắt, nêu vấn đề nghị luận 0,5
  b Giải thích 1,0
    – Tác phẩm văn học là những sáng tác nghệ thuật dùng ngôn từ xây dựng hình tượng, phản ánh đời sống và thể hiện tư tưởng, tình cảm, thái độ của tác giả trước hiện thực.

– Mọi tác phẩm văn học đều không chỉ phản ánh, lí giải đời sống một cách lạnh lùng, dửng dưng, khách quan, lí trí mà luôn gắn với cảm xúc mãnh liệt, thể hiện những tình cảm dạt dào, sâu sắc của người viết.

Như vậy, ý kiến trên đã khẳng định sự hòa quyện giữa hai thành tố nội dung (khách quan và chủ quan, miêu tả và biểu cảm), trong đó nhấn mạnh vai trò của yếu tố tình cảm, cảm xúc trong tác phẩm văn học.

 
  c Bình luận 3,0
    – Văn học phản ánh và lí giải hiện thực cuộc sống, xã hội và con người. Một trong những yêu cầu quan trọng của sự phản ánh và lí giải là đảm bảo tính khách quan, trung thực. Tuy nhiên điều đó không đồng nhất với sự sao chép hiện thực một cách nguyên si, máy móc, lạnh lùng, dửng dưng, vô cảm.

– Hiện thực trong tác phẩm bao giờ cũng được nhìn qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ theo một khuynh hướng tư tưởng tình cảm nhất định, vì thế nó là “hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan”, nó không “nằm thẳng đơ trên trang giấy” mà gắn liền với những cung bậc cảm xúc như vui, buồn, hờn giận, căm ghét, khát vọng…Tác phẩm văn học không phải là sự minh họa giản đơn cho tư tưởng chính là nhờ sự chi phối của tình cảm người viết. Tình cảm là động lực thúc đẩy quá trình sáng tác, cũng là yếu tố góp phần tạo nên một phương diện nội dung cho tác phẩm.

– Tình cảm, cảm xúc có thể được bộc lộ dưới những dạng thức khác nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp) tùy theo thể loại (thơ, văn xuôi, kịch), tùy phong cách tác giả nhưng nhà văn không thể sáng tác mà không có tình cảm mãnh liệt, tác phẩm cũng không bao giờ chỉ có nội dung phản ánh đơn thuần mà thiếu tình cảm cảm xúc.

 
  d Chứng minh qua hai tác phẩm 6,0
    * Vội vàng (Xuân Diệu)  
    – Nội dung khách quan của tác phẩm: ca ngợi vẻ đẹp của mùa xuân, quan niệm biện chứng về thời gian.

– Tình cảm, cảm xúc:

+ Tình yêu đắm say, rạo rực, cuồng nhiệt, ham hố, vồ vập… đối với mùa xuân và cuộc sống trần thế; Sự nuối tiếc thời gian; Khát vọng táo bạo mãnh liệt…

+ Cách thể hiện: trực tiếp bằng giọng thơ sôi nổi say mê, hơi thơ liền mạch, hệ thống điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc, các động từ mạnh, tính từ chỉ cảm giác mạnh, liệt kê, hệ thống thi ảnh mới mẻ thanh tân, đầy hấp dẫn…

 
    * Chí Phèo (Nam Cao)  
    – Nội dung khách quan của tác phẩm: phản ánh số phận bi thảm bị đẩy đến đường cùng, bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của người nông dân cùng mâu thuẫn không thể điều hòa giữa giai cấp nông dân và địa chủ ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng.

– Tình cảm của tác giả:

+ Đồng cảm và xót thương người lao động, căm ghét lên án giai cấp cường hào địa chủ, kêu cứu cho người nông dân…

+ Cách thể hiện: gián tiếp qua cách kể chuyện, lối xây dựng nhân vât, đặc biệt qua giọng điệu tác phẩm. Có hai loại giọng: giọng ở bề mặt là giọng khách quan, lạnh lùng, dửng dưng (do đặc trưng của văn học hiện thực, do quan niệm của tác giả “tôi cố đóng cũi sắt tình cảm tôi”); giọng ở bề sâu thiết tha sôi nổi, đằm thắm yêu thương và trĩu nặng suy tư (muốn biết tình cảm thực của Nam Cao phải tìm ở loại giọng này).

 
  e Ý nghĩa vấn đề 1,0
    – Đối với người sáng tác: khi viết luôn phải có ý thức tôn trọng hiện thực và không ngừng trau dồi nhân cách để định hướng đúng đắn cho tư tưởng, tình cảm trong tác phẩm. Điều căn bản nhất vẫn là tình cảm nhân văn, hướng đến con người, vì con người. Đây là yếu tố sống còn của mọi tác phẩm.

– Đối với người đọc: đến với tác phẩm văn học là đến với một thế giới mở, vì thế cũng phải mở trí để hiểu cái hay cái đẹp, mở tâm để lắng nghe những thông điệp tình cảm sâu sắc mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm. Điều này sẽ giúp người đọc “đồng sáng tạo” với tác giả.

 
  f Đánh giá khái quát 0,5

 

……………….Hết………………….

 

Người làm đáp án: Nguyễn Thị Lan Dung

Điện thoại: 0982048581

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *