TRƯỜNG THPT CHUYÊN BẮC KẠN
ĐỀ THI ĐỀ NGHỊ – KÌ THI OLIMPIC HÙNG VƯƠNG NĂM 2015
MÔN: NGỮ VĂN LỚP 11
(Thời gian làm bài: 150 phút – không kể thời gian giao đề)
Đề thi gồm 01 trang
Câu 1 (8,0 điểm)
Hãy sống nhanh cùng thời đại, hãy sống chậm cho tâm hồn.
Từ ý kiến trên, anh/chị suy nghĩ gì về vấn đề sống nhanh, sống chậm thời @ của giới trẻ.
Câu 2 (12,0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: cái đẹp trong nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống nhưng quan trọng và trực tiếp hơn cả là cái đẹp trong chính người nghệ sĩ.
Anh/chị có suy nghĩ gì về ý kiến trên? Chọn một tác phẩm trong giai ®o¹n 1930 – 1945 để làm sáng tỏ vấn đề.
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh:…………………… Số báo danh:…………………
Chữ kí của giám thị 1:…………… Chữ kí của giám thị 2……………..
ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM
Câu 1 (8,0 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng
– Bố cục hợp lí, lập luận chặt chẽ. Có quan điểm và suy nghĩ tích cực, tiến bộ; có cái nhìn sâu sắc, thể hiện được tính chất xã hội của chủ đề.
– Giọng văn giàu cảm xúc, chân thành nhưng sắc sảo, diễn đạt chính xác, thuyết phục, lôi cuốn….Không mắc lỗi chính tả, dùng từ. Trình bày mạch lạc, khoa học….
- Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày vấn đề theo nhiều cách. Nhưng cần đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản sau:
- Giải thích:
– Sống nhanh: Là sống khẩn trương, có sự tiếp thu, phản ứng, hành động nhanh nhạy, linh hoạt.
– Sống chậm: Là sống thong thả, chậm rãi, không vội vàng trong cả suy nghĩ, hành động.
– Sống nhanh cùng thời đại: sống khẩn trương, nhạy bén cùng với những biến chuyển, đổi thay của thời cuộc.
– Sống chậm cho tâm hồn: sống thong thả, chậm rãi để di dưỡng tâm hồn mình.
èĐó là 2 cách thức sống con người cần phải biết kết hợp trong cuộc sống của mình.
- Bàn luận.
– Thời đại @ cuộc sống biến chuyển, đổi thay từng giây, từng phút. Đó là thời đại của tốc độ, của thế giới phẳng. Để thích ứng với thời cuộc, con người cần đẩy nhanh tốc độ sống, tâm thế sống của mình. Họ cần tiếp thu nhanh, phản ứng nhanh, hành động nhanh để nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội; trở thành một người sống năng động, nhạy bén, linh hoạt. Với giới trẻ của thời đại @ “Sống là không chờ đợi“, là cuộc chạy đua tốc độ, không ai muốn mình trở thành người tụt hậu, kẻ đến sau. Họ cần sống nhanh để theo cùng thời đại.
(Học sinh lấy dẫn chứng trong đời sống xã hội để chứng minh)
– Nhưng nếu chỉ sống nhanh cùng thời đại, con người bị guồng quay hối hả, gấp gáp của cuộc sống xoay đảo liên tục, căng thẳng, áp lực về cả thể xác và tinh thần – stress chính là căn bệnh của thời đại @. Con người không phải là cỗ máy vô tri, cũng không chỉ sống bằng lí trí dễ rơi vào vô cảm. Sống nhanh khiến con người bỏ qua nhiều điều có ý nghĩa của cuộc sống vì nó nhỏ nhặt, khuất lấp, cần tinh tế cảm nhận. Vì thế con người cũng cần thiết phải biết sống chậm. Sống chậm là sự tận hưởng cuộc sống qua các cung bậc xúc cảm của tâm hồn và trái tim, sống chậm giúp con người tự cân bằng. Sống chậm chính là để di dưỡng tâm hồn mình: để biết lắng nghe, biết cảm nhận, biết thấu hiểu, biết sẻ chia…
(Học sinh lấy dẫn chứng trong đời sống xã hội để chứng minh)
– Mối quan hệ giữa sống nhanh và sống chậm thời @: Sống nhanh và sống chậm không loại trừ, đối nghịch nhau. Chỉ khi biết kết hợp 2 cách thức sống: sống nhanh và sống chậm, con người mới SỐNG theo đúng nghĩa và cảm nhận trọn vẹn và đầy đủ nhất ý nghĩa và giá trị cuộc sống. Nghệ thuật sống là phải biết sống chậm giữa đời nhanh.
- Mở rộng, liên hệ, rút ra bài học
– Cần nhận biết, đánh giá đúng mức về cách thức sống nhanh và sống chậm của bản thân và người khác trong đời sống xã hội. Phân biệt giữa sống nhanh và sống vội, sống gấp chỉ để hưởng thụ. Phân biệt sống chậm để di dưỡng tâm hồn với sống chậm chỉ là vỏ bọc để chây lười, thụ động, ù lì. Sống nhanh không phải chỉ là lối sống hiện đại, trẻ trung của giới trẻ; sống chậm không có nghĩa là lối sống già nua, lạc hậu của người già. Bất cứ ở lứa tuổi nào, trình độ nào giữa thời đại ngày nay con người cũng cần học sống nhanh và sống chậm.
– Cần cảnh báo một bộ phận giới trẻ ngày nay chỉ quay cuồng sống nhanh không biết sống chậm, thiếu sự nuôi dưỡng, vun đắp cho tâm hồn nên tự đẩy bản thân đối mặt với những áp lực cuộc sống, rơi vào lối sống vô cảm, tự kỉ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho bản thân, gia đình và xã hội…
– Rút ra bài học cho bản thân: Học cách biết sống nhanh và sống chậm là hành trang cần thiết cho giới trẻ bước chân vào đời. Sống chậm sẽ giúp giới trẻ đi nhanh và xa trên đường đời.
+ Giới trẻ cần nỗ lực học hỏi, thu nhận kiến thức để có thể sống nhanh cùng thời đại. Bên cạnh đó cần dành thời gian lắng tai mà nghe, lắng lòng để hiểu; mở rộng lòng để quan tâm, sẻ chia; cảm nhận, trân trọng, nâng niu những vẻ đẹp, những điều cho dù nhỏ nhưng lại vô cùng có ý nghĩa trong thiên nhiên, trong cuộc sống – đó chính là cách ta đang sống chậm cho tâm hồn.
III. Cách cho điểm.
– Điểm 8: Bài làm đáp ứng được những yêu cầu trên; kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng; trình bày sạch, đẹp; văn viết có cảm xúc, có sáng tạo và liên hệ thực tế; diễn đạt tốt, không mắc lỗi về chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
– Điểm 7: Bài làm đáp ứng được những yêu cầu trên; kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng; văn viết có cảm xúc, có sáng tạo và liên hệ thực tế; diễn đạt khá tốt, có thể còn một vài lỗi về chính tả.
– Điểm 5-6: Đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trên nhưng còn sơ lược; dẫn chứng thiếu chọn lọc, mắc một vài lỗi chính tả và dùng từ.
– Điểm 3-4: Đáp ứng được một nửa yêu cầu trên; còn mắc một vài lỗi về chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
– Điểm 1-2: Bài làm quá sơ lược, văn viết lủng củng; mắc nhiều lỗi về chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
– Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không viết được gì.
Câu 2. (12 điểm)
- Yêu cầu về Về kĩ năng
Vận dụng được cách làm bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học. Có thể tổ chức theo cách giải thích và trình bày suy nghĩ xong rồi mới phân tích chứng minh hoặc kết hợp cùng lúc. Bài làm phải được trình bày mạch lạc, diễn đạt sáng rõ, trôi chảy; hạn chế tối đa việc mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải làm rõ những nội dung cơ bản sau:
- Giải thích:
– Cái đẹp là một phạm trù mĩ học, chỉ những giá trị tích cực có khả năng bồi dưỡng, nâng cao tâm hồn, nhận thức, trí tuệ và hành động con người.
– Cái đẹp trong nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống: nguồn gốc cái đẹp trong nghệ thuật, mối quan hệ gắn bó giữa nghệ thuật và đời sống.
– Cái đẹp trong chính người nghệ sĩ: những giá trị thuộc về tư tưởng, tâm hồn, nhận thức, thái độ và tài năng nghệ thuật.
– Quan trọng, trực tiếp: nhấn mạnh vai trò của cái đẹp trong bản thân người sáng tạo.
=> Cách diễn đạt thành hai vế, vừa khẳng định mối quan hệ nghệ thuật và đời sống, vừa nhấn mạnh vai trò có tính quyết định của người nghệ sĩ trong việc sáng tạo cái đẹp ở tác phẩm nghệ thuật, thực hiện sứ mệnh cao cả của nhà văn.
- Bình luận:
Ý kiến trên đúng đắn bởi:
– Văn học lấy con người và cuộc sống làm đối tượng phản ánh theo quy luật của cái đẹp, nhằm thỏa mãn những tình cảm thẩm mĩ của con người. Bản thân cuộc sống con người đã là đối tượng thẩm mỹ của nghệ thuật muôn đời.
– Quá trình sáng tạo là quá trình mang tính cá nhân, cá thể, chủ quan cao độ. Đời sống khi được khúc xạ qua lăng kính chủ quan nghÖ sÜ dï hiện lên thế này hay thế kia, bằng cách này hay cách khác, người ta đều có thể trực tiếp hoặc gián tiếp thấy được chân dung tinh thần người sáng tạo. Bởi thế, điều quan trọng và trực tiếp hơn cả của cái đẹp trong nghệ thuật là cái đẹp trong chính người nghệ sĩ.
– Là nhà văn, phẩm chất quan trọng hàng đầu là tâm hồn, những rung cảm thẩm mỹ. Chính những rung cảm này mang đến cái đẹp cho tác phẩm và nguồn mĩ cảm cho người đọc. Bên cạnh đó, không thể không kể đến những tư tưởng, thái độ, tình cảm đẹp cùng một tài năng nghệ thuật để truyền tải cái đẹp đời sống vào tác phẩm.
- Chứng minh.
HS có thể chọn bất kì tác phẩm nào, miễn là hiểu và phân tích đúng hướng, có ý thức làm nổi bật những ý sau:
– Cái đẹp trong tác phẩm bắt nguồn từ đời sống (ý phụ)
– Cái đẹp trong tác phẩm bắt nguồn từ chính người nghệ sĩ (ý chính)
+ Đẹp ở tâm (tấm lòng với cuộc sống, con người; ý thức trách nhiệm… )
+ Đẹp ở tài n¨ng
- Đánh giá.
– Ý kiến đã khẳng định đúng đắn một trong những vấn đề thuộc bản chất của nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng.
– Ý kiến có ý nghĩa:
+ Với nhà văn
+ Với lịch sử văn học
+ Với độc giả
III. Cách cho điểm
– Điểm 11-12: Bài làm đáp ứng được những yêu cầu trên; kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng; trình bày sạch đẹp; văn viết giàu hình ảnh và có cảm xúc, có sáng tạo; diễn đạt tốt, có thể còn mắc 1-2 lỗi về chính tả.
– Điểm 9-10: Bài làm đáp ứng được những yêu cầu trên; kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt khá tốt, có thể còn một vài lỗi về chính tả, dùng từ.
– Điểm 7-8: Đáp ứng cơ bản những yêu cầu trên; văn viết khá trôi chảy; mắc một vài lỗi chính tả và dùng từ.
– Điểm 5-6: Đáp ứng được một nửa yêu cầu trên; văn viết chưa thực sự trôi chảy nhưng diễn đạt được ý; còn mắc một vài lỗi về chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
– Điểm 3-4: Bài làm quá sơ lược, thiếu kiến thức; mắc nhiều lỗi về chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
– Điểm 1-2: Bài làm quá sơ sài, văn viết lủng củng, diễn đạt kém.
– Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không viết được gì.
Lưu ý: Giám khảo có thể vận dụng linh hoạt biểu điểm. Khuyến khích cho điểm những bài viết sáng tạo. Điểm cho lẻ đến 0,25.
= = = HẾT = = =