Đề thi Văn 10 trại hè Hùng Vương và duyên hải 2015 văn 11 Chu Văn An Hà Nội

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN

VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

 

TRƯỜNG THPT CHU VĂN AN HÀ NỘI

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

 

ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN KHỐI 11

NĂM 2015

Thời gian làm bài 180 phút

(Đề này có 1 trang, gồm 2 câu)

 

Câu 1 (8 điểm):

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Hạ Nhiên, báo Dân Việt tại địa chỉ danviet.vn, truy cập ngày 13.3.2015, Quốc Anh, người Việt Nam duy nhất lọt vào top 100 người có cơ hội tham gia chuyến du hành lên Sao hỏa vào năm 2024, đã nói về “cái mất lớn nhất” của chuyến đi này:

– Nếu được lên sao Hỏa, cái được lớn nhất của anh là thỏa mãn ước mơ chinh phục vũ trụ, nhưng rời xa Trái đất mãi mãi, vậy cái mất lớn nhất của anh là gì ?

Đó là “personal touch” – gặp gỡ trực tiếp. Công nghệ ngày càng hiện đại giúp con người có thể liên lạc với nhau qua internet, từ châu lục này qua châu lục khác và ngay cả khi ở trên sao Hỏa, song việc gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp, bắt tay nhau, vẫn có giá trị tinh thần gấp nhiều lần mà chưa gì có thể thay thế được.

Anh/chị suy nghĩ gì về tâm sự của Quốc Anh.

Câu 2 (12 điểm):

“Hình tượng nghệ thuật không chỉ khơi dậy sự đồng cảm mà còn có khả năng cuốn hút ta vào những cuộc đối thoại: đối thoại giữa các nhân vật trong truyện, đối thoại với tác giả và đối thoại với chính bản thân mình”.

(Trích Giáo trình lí luận văn học – Nxb ĐHSP – tr. 219 – 220)

Bằng những hiểu biết về văn học của mình, anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

 

Hết

————————————-

 

 

Người ra đề

Nguyễn Thị Hương Thủy

0973217667

 

ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM

ĐỀ XUẤT ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI KHU VỰC DUYÊN HẢI – ĐBBB 2015

Môn: Ngữ văn – Lớp 11

 

Câu 1 (8 điểm):

Yêu cầu chung:

  1. Kiến thức:

– Bàn luận được về vấn đề đưa ra: Khi phải rời bỏ Trái đất mãi mãi, điều Quốc Anh thấy mất mát lớn nhất không phải là sự sống, công việc, gia đình mà là một điều vừa cụ thể vừa rất “con người”: giao tiếp trực tiếp. Điều này được nhấn mạnh hơn khi Quốc Anh đặt trong mối tương quan với sự phát triển của công nghệ giúp con người có thể liên lạc với nhau dễ dàng vượt qua khoảng cách không gian và thời gian, nhưng rõ ràng máy móc và công nghệ không thể thay thế được con người. Có những điều rất bé nhỏ nhưng thật thiêng liêng.

– Biết bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, thái độ… của bản thân về nhiều khía cạnh có liên quan đến vấn đề được đưa ra:

+ Câu trả lời chứng tỏ Quốc Anh là người thực sự sâu sắc. Anh hiểu rõ ý nghĩa của cuộc sống này, hiểu rõ giá trị thực của việc được sống. Vì thế, quyết định tham gia chuyến du hành mạo hiểm này của anh không phải là một sự bồng bột, một sự vô trách nhiệm hay một sự ích kỉ. Một mặt, nó thể hiện ước mơ mãnh liệt của con người muốn thử thách, chinh phục đối mặt với những bí ẩn của vũ trụ, mặt khác chính điều này sẽ giúp Quốc Anh trân quí những ngày tháng còn lại bên gia đình, người thân ở Trái Đất. Từ đó ta nhận ra những điều đặc biệt phi thường và dũng cảm thường xuất phát từ những con người ý thức rất rõ những giá trị bé nhỏ mà vô giá trong cuộc đời.

+ Bàn luận về vai trò và thực trạng “giao tiếp trực tiếp” trong thế giới công nghệ ngày nay: Người ta biết nhiều hơn nhưng đôi khi lại không biết gì, con người vừa gần lại vừa quá xa nhau. Con người càng nhiều phương tiện hỗ trợ càng có nguy cơ giảm khả năng của các giác quan… Vì thế, mất “giao tiếp trực tiếp” là đánh mất năng lực sống dù giao tiếp trực tiếp có đôi khi khiến chúng ta buộc phải sống chậm lại. Mất “giao tiếp trực tiếp” khiến chúng ta có được những điều ta muốn nhanh hơn nhưng ta cũng rất dễ đánh mất nó, thậm chí chà đạp nó.

+ Làm thế nào để cân bằng giữa “giao tiếp trực tiếp” và ứng dụng công nghệ: có thể liên hệ đến chuyến đi của Quốc Anh….

– Liên hệ, mở rộng, rút ra những trải nghiệm riêng của bản thân.

  1. Kĩ năng:

– Biết xác lập luận điểm rõ ràng, chính xác, tập trung, có lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục.

– Vận dụng một cách hợp lí các thao tác lập luận để giải quyết vấn đề đáp ứng các yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội có dung lượng phù hợp, bố cục rõ ràng, kết cấu hợp lí, hành văn chuẩn xác, mạch lạc, truyền cảm.

– Bài làm phải thể hiện được những kiến giải riêng của người viết, biết phân tích những biểu hiện, hiện tượng gần gũi trong đời sống, thậm chí là từ chính cuộc sống của mình để lập luận làm rõ vấn đề. Tránh cách viết hô hào, sáo rỗng.

Biểu điểm cụ thể:

Điểm 7 – 8: Hoàn thành tốt các yêu cầu của đề bài, bài viết sâu sắc, thể hiện những kiến giải độc đáo của người viết, có những liên hệ cụ thể và thiết thực trong cuộc sống và với bản thân, hành văn trôi chảy.

Điểm 5 – 6: Hoàn thành cơ bản những yêu cầu của đề bài, nhưng bài viết chưa có điểm nhấn, ví dụ còn quá quen thuộc, hành văn trôi chảy, kết cấu bài chặt chẽ.

Điểm 3 – 4: Bài làm đã chạm đến yêu cầu của đề bài (vai trò của giao tiếp trực tiếp trong cuộc sống mà công nghệ thông tin bùng nổ) nhưng còn chung chung, chưa gắn với hoàn cảnh của câu chuyện, hoặc lại quá sa vào câu chuyện, chưa khái quát được vấn đề. Lập luận đôi chỗ còn lúng túng.

Điểm 1 – 2: Định hướng bài chưa rõ, kiến thức, kĩ năng lập luận chưa chắc chắn.

Điểm 0: Xác định sai yêu cầu, bỏ giấy trắng hoặc hầu như chưa làm bài.

 

Câu 2:

Yêu cầu chung:

  1. Kiến thức:

– Học sinh giải thích và bàn luận được về các vấn đề cơ bản sau đây:

+ Hình tượng nghệ thuật và hai mức tác động của nó: Mức 1: gợi sự đồng cảm, tức là nhà văn thuyết phục người đọc tin vào, nhập thân vào những điều mình nói; Mức 2: cuốn hút ta vào những cuộc đối thoại, tức là tạo ra những tranh luận, những chất vấn trong người đọc để người đọc tự tìm ra câu trả lời cho chính mình. Từ đó, hình tượng nghệ thuật là tấm gương để con người tự soi mình, tự đối chiếu và phán xét về người khác cũng như về chính bản thân mình. Bằng cách đó văn học nâng đỡ cho nhân cách phát triển, khơi gợi khả năng tự giáo dục, tự hoàn thiện của con người.

+ Phân biệt những cấp độ đối thoại: Đối thoại với nhân vật là khi ta đồng tình hay phẫn nộ, phản bác lại… trước hành động, lời nói của nhân vật. Đối thoại với tác giả là ta suy ngẫm về những vấn đề mà tác giả đặt ra trong tác phẩm, nhận ra những nét sáng tạo của tác giả trong một hệ thống các tác phẩm cùng đề tài, chủ đề, tranh luận và có kiến giải riêng của mình về vấn đề ấy, Đối thoại với chính mình là khi ta không thể thờ ơ trước cuộc đời khi ta đọc một tác phẩm, tiếp xúc với một tác phẩm khiến trong lòng ta diễn ra cuộc đấu tranh, sự vật lộn gay gắt giữa phần thánh thiện và tội lỗi, giữa lí trí cao cả và dục vọng thấp hèn, buộc ta phải đối diện với con người sâu thẳm trong chính mình, buộc ta dám lộn trái chính mình….

+ Những yêu cầu cho cả nhà văn và người đọc để tạo ra những tác phẩm có tính đối thoại như thế.

– Phân tích tác phẩm và chứng minh làm sáng tỏ vấn đề:

+ Học sinh lựa chọn được những ví dụ tiêu biểu để phân tích làm sáng rõ tính đối thoại của tác phẩm thông qua những hình tượng nghệ thuật.

+ Việc lựa chọn ví dụ cần linh hoạt, có những ví dụ lướt qua, có những ví dụ xoáy sâu phân tích, nên có cả văn cả thơ, cả văn học trong nước và văn học nước ngoài, văn học trung đại và hiện đại…Tránh việc rơi vào phân tích thuần thúy một tác phẩm. Khuyến khích cách kiến giải riêng của học sinh, miễn là học sinh lí giải thấu đáo và trúng vấn đề.

+ Học sinh có thể kết hợp giữa lí luận và phân tích ví dụ làm sáng tỏ, có thể tách riêng phần lí luận và phân tích làm sáng tỏ.

  1. Kĩ năng:

– Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học với dạng đề: bàn về một nhận định.

– Bố cục bài viết rõ ràng, có lập luận chặt chẽ, hành văn trôi chảy, văn viết có cảm xúc, không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.

– Biết lựa chọn dẫn chứng hợp lý, biết cách sắp xếp, phân bố dẫn chứng phù hợp, tránh hai trường hợp: hoặc quá ôm đồm dẫn chứng hoặc quá ít dẫn chứng.

Biểu điểm cụ thể:

10 – 12: Hoàn thành tốt những yêu cầu của đề bài, bài viết thể hiện kiến thức lí luận vững vàng, khả năng lựa chọn và phân tích dẫn chứng sắc sảo, kĩ năng phối hợp lí luận và phân tích chứng minh nhuần nhuyễn. Thông qua bài làm, người viết thể hiện được cá tính riêng của mình trong việc nhìn nhận vấn đề. Văn viết hay, độc đáo.

7 – 9: Cơ bản hoàn thành các yêu cầu của đề bài. Các vấn đề được giải quyết thấu đáo nhưng chưa có nét độc đáo. Hành văn trôi chảy, chặt chẽ.

4 – 6: Giải quyết được yêu cầu của đề bài nhưng chưa trọn vẹn, hoặc vấn đề lí luận chưa sâu, hoặc lựa chọn dẫn chứng còn ít nhiều lúng túng, quá ít hoặc quá ôm đồm.

1 – 3: Định hướng bài chưa rõ, kiến thức, kĩ năng lập luận chưa chắc chắn.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *