Đề thi Văn 10 trại hè Hùng Vương và duyên hải 2015 văn 10 tỉnh Quảng Ninh

ĐỀ ĐỀ XUẤT

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HẠ LONG

 

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XI

Năm 2015

Thời gian làm bài 180 phút

( Không kể thời gian giao đề)

 

 

 

Câu 1 (8 điểm):

Có ý kiến cho rằng:

“Cuộc sống là nguyên liệu thô, chúng ta là những nghệ nhân. Nhào nặn nên một tác phẩm tuyệt đẹp hay một vật thể xấu xí tất cả đều nằm trong tay chúng ta.”

Anh (chị) hãy bày tỏ suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

 

Câu 2 (12 điểm):

Cảm hứng tự thương  mình trong bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí (Nguyễn Du) và Tự tình II (Hồ Xuân Hương).

 

 

………………………………………Hết ………………………………….

HƯỚNG DẪN CHẤM- ĐỀ ĐỀ XUẤT (CHUYÊN HẠ LONG)

 

 

CÂU Ý NỘI DUNG ĐIỂM
1 1 Yêu cầu về kỹ năng:

– Thí sinh biết cách làm bài nghị luận xã hội.

– Vận dụng tốt các thao tác lập luận.

– Không mắc lỗi dùng từ, chính tả, ngữ pháp.

 
2

 

 

 

 

a

 

Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, được tự do bày tỏ quan điểm của mình nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và luật pháp. Về cơ bản, bài viết cần làm nổi bật các ý sau:

 Giải thích.

– Cuộc sống là nguyên liệu thô: Cách nói hình ảnh để chỉ những bộn bề phức hợp của cuộc sống: thuận lợi và khó khăn, tốt đẹp và ác xấu, bình lặng và bão giông. Nghệ nhân: con người tài năng, tâm huyết đạt đến độ tinh tuý trong công việc của mình. Nhào nặn nên một tác phẩm tuyệt đẹp hay một vật thể xấu xí tất cả đều nằm trong tay chúng ta: Từ nguyên liệu cuộc sống mỗi người sẽ tạo nên tác phẩm là cuộc đời của mình.

– Câu nói đã khẳng định và đề cao vai trò quyết định của mỗi cá nhân đối với cuộc sống của chính mình. Chính thái độ sống, năng lực sống của bản thân sẽ làm nên giá trị, ý nghĩa cuộc sống của mỗi người.)

 

 

 

 

 

 

2,0

  b  Bàn luận- chứng minh

– Đây là một quan điểm sống tích cực, mạnh mẽ và sâu sắc.

– Cuộc sống luôn mang trong mình những bộn bề, phức tạp, nếu chúng ta sống một cách chủ động và tích cực, biết gạn lọc những cái xấu, tận dụng và phát huy những điều tốt đẹp, biến khó khăn, thử thách thành cơ hội thì ta sẽ có một tác phẩm cuộc đời mình thật tuyệt đẹp.

– Nếu buông xuôi và phó mặc, bị động và để cuộc sống trôi đi, khi ấy tác phẩm cuộc đời của mỗi chúng ta chỉ là những vật thể xấu xí.

– Tuy nhiên, không phải lúc nào, không phải bất cứ ai cũng đều có thể đạt tới sự kỳ vọng của chính mình. Tác phẩm cuộc đời của mỗi người còn chịu sự tác động không nhỏ của hoàn cảnh khách quan.

                     (Thí sinh sử dụng các dẫn chứng minh họa phù hợp)

4,0
  c  Liên hệ bản thân và rút ra bài học.

Mỗi người phải chủ động trang bị kiến thức, rèn luyện cách sống bản lĩnh, có lí tưởng, có ước mơ. Hãy cố gắng trở thành những nghệ nhân chuyên tâm và tài hoa nhất để làm nên tác phẩm tuyệt đẹp cho cuộc đời mình.

2,0
2 a Giải thích: 1.5
    – Cảm hứng: là cảm xúc và niềm hứng khởi chân thành mãnh liệt của người nghệ sĩ.

– Tự thương mình: là một trạng thái tình cảm đặc biệt của con người được thể hiện ở nhiều khía cạnh:  tự xót xa cho bi kịch của bản thân, tự ý thức về giá trị và phảm chất của mình…

=> Cảm hứng tự thương mình là cảm xúc và niềm hứng khởi chân thành, mãnh liệt của người nghệ sĩ khi nghĩ về nỗi khổ của bản thân, khi tự ý thức được về giá trị và phẩm chất của mình trong một môi trường mà giá trị và phẩm chất của con người không được coi trọng.

=> Đây là một cảm hứng độc đáo, mang tinh thần nhân bản sâu sắc trong các tác phẩm văn học trung đại.

 
b Phân tích, chứng minh 9.0
  * Cảm hứng tự thương mình trong Đọc Tiểu Thanh kí:

– Từ nỗi niềm đồng cảm, tri âm với người con gái tài hoa mà bạc mệnh Tiểu Thanh, Nguyễn Du tự thương cho thân phận của chính mình và những kiếp người tài tử, phong lưu:

+ Nhà thơ tự nhận mình là người cùng hội cùng thuyền, cùng bị vướng vào cái nết phong nhã, cùng mang nỗi hờn kim cổ, cùng chịu cái án phong lưu như Tiểu Thanh.

+ Nhà thơ tự ý thức về tài năng và phẩm chất của mình, ý thức về sự bất công của xã hội phong kiến khi để cho tài năng và cái đẹp bị vùi dập.

 Cảm hứng tự thương mình được thể hiện rõ nét nhất qua tiếng khóc của Nguyễn Du ở hai câu thơ cuối:

+ Câu hỏi tu từ thể hiện niềm băn khoăn, hoài nghi, khắc khoải, mong muốn đi tìm tiếng nói đồng cảm, tri âm với tài năng và cái đẹp

+ Tiếng khóc của thi nhân hướng về hậu thế đã nói lên nỗi cô đơn của người nghệ sĩ trong xã hội đương thời.

=> Đọc Tiểu Thanh kí là tiếng nói của một thi sĩ khao khát muốn được đồng cảm, tri âm, muốn khẳng định giá trị của tài năng và cái đẹp trong cuộc đời.

 
    * Cảm hứng tự thương mình trong Tự tình II

– Bài thơ thể hiện nỗi niềm của một người con gái – Xuân Hương vừa đau buồn, vừa phẫn uất trước duyên phận (Bốn câu đầu):

+ Không gian, thời gian nghệ thuật được khắc họa một cách độc đáo để bộc lộ nỗi niềm tự thương mình của thi nhân.

+ Cảm giác bẽ bàng, trống trải, cô đơn được khắc họa tinh tế qua những từ ngữ hình ảnh giàu sức gợi : trơ cai hồng nhan với nước non, chén rượu hương đưa, vầng trăng bóng xế…

– Nhà thơ còn khẳng định ý thức cá nhân mạnh mẽ, muốn quẫy đạp, muốn vùng vẫy để vươn lên thoát khỏi những thứ ràng buộc chật chội nhưng không được (Hai câu luận).

– Cảm hứng tự thương mình còn thể hiện ở nỗi niềm chán ngán cho duyên phận,  đằng sau đó là khao khát hạnh phúc đến cháy bỏng của nhà thơ. (Hai câu cuối)

=> Tự tình II là tiếng nói của một thân phận mang nỗi niềm băn khoăn trăn trở về nỗi đau duyên phận, về khát vọng hạnh phúc lứa đôi không viên mãn, tròn đầy- gắn liền với thân phận của Hồ Xuân Hương. Đây cũng là tiếng lòng chung của những người phụ nữ trong xã hội cũ.

– Có thể liên hệ với Tự tình I, Tự tình III và một số bài thơ khác của Hồ Xuân Hương cũng có cảm hứng này

 
c Đánh giá, bình luận 1.5
  – Hai thi phẩm đề cập đến những nội dung tình cảm thẩm mĩ khác nhau song đều cho ta thấy cảm hứng tự thương mình sâu sắc của cả hai tác giả. Từ nỗi đau thân phận của mỗi nhà thơ, người đọc có thể cảm nhận được nỗi đau nhân thế, thời thế được thể hiện trong từng tác phẩm.

– Cảm hứng tự thương là một nội dung tình cảm thẩm mĩ đầy tính nhân bản trong văn học. Đây là một nội dung cảm hứng độc đáo trong văn học trung đại nhưng đã được thể hiện một cách chân thực, sâu sắc qua các nhà thơ có phong cách nổi bật.

– Cảm hứng tự thương là xuất phát, có nền tảng từ những nội dung tình cảm thẩm mĩ mang đậm tính nhân văn trong văn học như cảm hứng nhân đạo, tình thần dân chủ, ý thức về cái tôi cá nhân…

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *