TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XI – 2015
TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÙNG VƯƠNG TỈNH PHÚ THỌ ĐỀ THI ĐỀ XUẤT |
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN KHỐI 10
Thời gian: 180 phút (Đề này có 01 trang, gồm 2 câu) |
Câu 1 (8 điểm)
Nhà triết học Ác-si-mét từng nói: “ Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng cả trái đất lên”.
Nếu được chọn một điểm tựa trong cuộc đời mình, anh/chị sẽ chọn điểm tựa nào?
Câu 2 (12 điểm):
Tiếng nói nữ quyền qua một số bài thơ của Hồ Xuân Hương.
———–HẾT———–
ĐÁP ÁN + BIỂU ĐIỂM CHẤM
MÔN NGỮ VĂN KHỐI 10 (Đáp án gồm: 03 trang) |
Câu 1 (8 điểm):
Nhà triết học Ác-si-mét từng nói: “ Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng cả trái đất lên”.
Nếu được chọn một điểm tựa trong cuộc đời mình, anh/chị sẽ chọn điểm tựa nào?
- Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội; kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức: Đây là đề NLXH dạng mở. Hướng dẫn chỉ đưa ra những định hướng chính. Học sinh có thể nêu những ý kiến riêng và trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần hợp lý, chặt chẽ, thuyết phục … và nêu được các ý cơ bản sau:
- Giải thích (2,0 điểm):
– Điểm tựa: là những gì chắc chắn, bền vững mà người ta có thể dựa vào đó để tạo cho mình sức mạnh và sự vững vàng trong cuộc sống.
èCâu nói của Ác-si-mét : Điểm tựa của mỗi người chính là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh cho con người.
- Bàn luận (4,0 điểm):
– Điểm tựa vô cùng cần thiết với mỗi con người trong cuộc sống. Những điểm tựa quý báu càng cần phải trân trọng, nâng niu.
– Lí do điểm tựa trở nên cần thiết trong cuộc sống mỗi con người:
+ Mỗi con người không thể là một thế giới hoàn hảo, trọn vẹn và đóng kín mà chỉ là một cá thể nhỏ bé và hữu hạn trong đời. Muốn tồn tại và phát triển thì cần phải khắc phục những điểm yếu, phát huy những điểm mạnh. Điểm tựa chính là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh cho con người.
+ Trong cuộc sống không phải lúc nào con người cũng thành công. Đôi khi ta cũng phải đối mặt với khó khăn, thất bại. Lúc đó, điểm tựa là vô vùng cần thiết, động viên tinh thần, giúp ta vượt qua những khó khăn ấy.
èĐiểm tựa có thể coi là một yếu tố tinh thần mà con người có thể dựa vào đó để sống có ý nghĩa hơn.
– Đề xuất một số điểm tựa trong cuộc sống: (Học sinh có thể đưa ra những đề xuất khác nhau nhưng cần phải thuyết phục).
+ Gia đình: là điểm tựa tinh thần và vật chất của mỗi con người, là nơi con người có thể trở về sau những vấp ngã, sai lầm, cay đắng. Gia đình là chỗ dựa bình yên và vững chãi nhất đối với mỗi người.
+ Bạn bè: chia sẻ về tình cảm, nhận thức, tư tưởng, lối sống, điều chỉnh những sai trái, lầm lạc, hỗ trợ khích lệ nhau cùng phấn đấu,…
+ Chính bản thân mình: chứng tỏ đó là con người quyết đoán, tự tin, độc lập, đầy bản lĩnh…
èĐiểm tựa trong cuộc sống vô cùng phong phú. Tuy nhiên, dù lựa chọn như thế nào thì điểm tựa chỉ thực sự phát huy được giá trị khi bản thân mỗi cá nhân có trí tuệ, có nghị lực, có ý chí phấn đấu vươn lên cho một sự phát triển đúng đắn.
Tùy vào điều kiện cụ thể mà chọn và sử dụng những điểm tựa vững chắc nhất giúp cá nhân phát triển, hoàn thiện bản thân và sống có ý nghĩa.
- Bài học nhận thức và hành động (2,0 điểm):
– Dù điểm tựa có thể đem lại nhiều sức mạnh và lợi thế song cũng không nên quá lạm dụng, lệ thuộc vào nó hoặc lệ thuộc trong việc tiếp nhận để tránh lối sống dựa dẫm, ỷ lại, đánh mất chính mình, sống như cái bóng của người khác.
– Phải biết làm thế nào để có được điểm tựa và trân trọng điểm tựa mình đang có.
Câu 2 (12 điểm):
Tiếng nói nữ quyền qua một số bài thơ của Hồ Xuân Hương.
- Yêu cầu chung: Biết làm bài NLVH. Vận dụng tốt các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận văn học. Biết phân tích định hướng. Văn viết có hình ảnh và giàu cảm xúc, có giọng điệu riêng.
- Yêu cầu cụ thể:
- Giải thích(1.5 điểm):
– Tiếng nói nữ quyền: là ý thức, tiếng nói mạnh mẽ về quyền sống cá nhân, quyền sống của người phụ nữ, là dấu hiệu của con người cá nhân, cá thể.
– Trong văn học trung đại, đa số các tác giả là nam giới, số tác giả là nữ chiếm tỉ lệ rất thấp và người phụ nữ được nói tới trong văn học cũng không nhiều. Hiện tượng này phản ánh đặc điểm “trọng nam khinh nữ” trong xã hội phong kiến . Hồ Xuân Hương – hiện tượng người phụ nữ làm thơ, nói lên những tâm tư sâu kín nhất của bản thân, khẳng định ý thức mạnh mẽ về quyền sống cá nhân là một trường hợp hiếm có. Nó chứng tỏ dù bị áp chế, người phụ nữ vẫn cứng cỏi khát khao thể hiện mình.
- Chứng minh (9,0 điểm):
– Hồ Xuân Hương là nhà thơ phụ nữ, và nhà thơ của phụ nữ, bằng kinh nghiệm của cuộc đời chung, và kinh nghiệm của cuộc đời riêng chẳng ra gì của mình, nhà thơ đứng về phía những người phụ nữ bị áp bức. Nhà thơ thường xoáy sâu vào các ngóc ngách éo le của cuộc đời để nêu lên những bi kịch không kém phần chua chát, song bình thường nó bị xóa nhòa trong một cuộc sống rập khuôn theo những chế ước nặng nề của lễ giáo. (Cảnh chồng chung, Làm lẽ,…)
– Người phụ nữ trong xã hội phong kiến được giáo dục tinh thần cam chịu, chấp nhận, yên lặng. Hồ Xuân đã lên tiếng về nỗi cô đơn, chán ngán, thể hiện thái độ bất bình với thân phận đáng buồn đó, khẳng định khát vọng hạnh phúc chân chính của người phụ nữ… Cho thấy người phụ nữ trong giai đoạn này đã có ý thức mạnh mẽ về quyền sống cá nhân. (Tự tình 1,2,…)
– Hồ Xuân Hương là người đầu tiên đưa vào văn học giai đoạn này cô gái bình dân từ cốt cách cho đến hình hài. Đó là thái độ trân trọng trí tuệ, tài năng, đạo đức và cả vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ. Hồ Xuân Hương đã đứng về phía phụ nữ mà làm trạng sư cho lịch sử, đòi hỏi phải nhận thức lại, phải trả lại chân giá trị cho họ về mọi mặt. (Bánh trôi nước, Mời trầu…)
– Hồ Xuân Hương phủ định quan niệm anh hùng chỉ có thể là nam nhi. Bà lên tiếng đấu tranh cho sự bình quyền của người phụ nữ. Thơ bà là tiếng nói công khai khẳng định khả năng của bản thân nói riêng và người phụ nữ nói chung. Tiếng nói ấy thật hiếm, thật lạ trong thơ trung đại, đưa Hồ Xuân Hương trở thành con người nổi loạn, muốn phá tung định kiến của ngàn đời cũ. (Đề đền Sầm Nghi Đống,…)
- Nâng cao (1.5 điểm):
– Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng lòng trong muôn một tiếng lòng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Điều này đã đưa Hồ Xuân Hương thành nhà nhân đạo chủ nghĩa trong giai đoạn văn học cuối thế kỉ XIII, đầu XIX
– Để thực hiện cuộc cách mạng về quan niệm, nghệ thuật sử dụng tiếng Việt của bà đã đạt đến trình độ bậc thầy. Tác giả đã khai thác các khả năng diễn đạt đa dạng của tiếng Việt để thể hiện cảm xúc. Những động từ, tính từ, cách gieo vần, đăng đối,… trong thơ bà đều phát huy hiệu quả cao nhất.
———-HẾT———-
Người ra đề
Trần Thị Thanh SĐT: 0915011833
|
Người thẩm định
Phạm Thùy Dương SĐT: 0915442889 |