Đề thi Bạch Đằng hải khẩu Nguyễn Trãi theo ma trận mới của Bộ

 

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Bạch Đằng* hải khẩu

Phiên âm:

Sóc phong xung hải khí lăng lăng,

Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng.

Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc,

Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng.

Quan hà bách nhị do thiên thiết,

Hào kiệt công danh thử địa tằng.

Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ,

Lâm lưu phủ ảnh ý nan thăng.

Dịch nghĩa:

Cửa biển lồng lộng, gió bấc thổi băng băng;

Buồm thơ nhẹ lướt qua sông Bạch Đằng.

Nhìn núi từng khúc, như cá mập, cá sấu bị chặt từng đoạn,

Nhìn bờ từng lốp, như giáo kích gươm đao bị gãy chìm.

Cảnh núi sông hiểm yếu, tạo ra cái thế “lấy ít địch nhiều”,

Ðây là nơi hào kiệt từng lập nên công danh oanh liệt.

Việc xưa nghĩ lại, ôi tất cả đã qua rồi!

Tới đây viếng cảnh, nỗi lòng sao biết nên chăng?

Dịch thơ:

Biển rung gió bấc thế bừng bừng,

Nhẹ cất buồm thơ lướt Bạch Đằng.

Kình ngạc băm vằm non mấy khúc,

Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng.

Quan hà hiểm yếu trời kia đặt,

Hào kiệt công danh đất ấy từng.

Việc nước quay đầu ôi đã vắng,

Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng.

(Nguyễn Đình Hồ dịch.)

Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi, NXB Văn hoá, 1962

*Bạch Đằng là con sông lịch sử của Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Yên (Bắc Việt), bắt nguồn từ Phát Lại, chảy ra biển. Cửa Bạch Đằng xưa kia, vốn nay đã chuyển hướng, hiện thuộc Hải Phòng. Ðây là nơi mà Trần Hưng Ðạo đã đánh tan giặc Nguyên Mông. Cửa khẩu Bạch Đằng là một danh lam thắng cảnh, nơi đã từng hai lần quân Việt Nam đánh bại quân Trung Quốc xâm lược, Ngô Quyền (thế kỷ 10) phá quân Nam Hán, bắt sống thái tử Hoằng Thao, Trần Hưng Đạo (thế kỷ 13) đại thắng quân Nguyên, bắt được các tướng Ô Mã Nhi, Phan Tiệp, Tích Lệ…

Trả lời các câu hỏi:

Câu 1 (0,5 điểm): Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ.

Câu 3 (0,5 điểm): Liệt kê 3 hình ảnh thể hiện cảnh sắc thiên nhiên của cửa biển Bạch Đằng trong bài thơ.

Câu 4 (1 điểm): Vì sao nhà thơ lại cảm thấy bâng khuâng khi đứng trước cửa khẩu Bạch Đằng?

Câu 5 (1 điểm):  Chỉ ra và phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau

Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc,

Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng.

(Kình ngạc băm vằm non mấy khúc,

Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng)

Câu 6 (1 điểm): Anh chị hiểu thế nào về nội dung hai câu thơ sau:

Quan hà hiểm yếu trời kia đặt

Hào kiệt công danh đất ấy từng

Câu 7 (1 điểm): Dựa vào những hiểu biết của anh / chị về lịch sử, anh / chị hãy nêu tên một vài bậc “hào kiệt” đã từng “lập công danh” ở cửa biển Bạch Đằng.

Câu 8 (0,5 điểm): Từ nội dung bài thơ hãy trình bày suy nghĩ của anh / chị về ý nghĩa sự hi sinh của những thế hệ đi trước?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của bài thơ trên.

Hướng dẫn chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1 (0,5 điểm): Bài thơ trên được viết theo thể thất ngôn bát cú.

Câu 2 (0,5 điểm): Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là biểu cảm.

Câu 3 (0,5 điểm): 3 hình ảnh thể hiện cảnh sắc thiên nhiên của cửa biển Bạch Đằng trong bài thơ: biển rung, gió bấc, bãi bao tầng,…

         Câu 4 (1 điểm): Nhà thơ cảm thấy bâng khuâng khi đứng trước cửa khẩu Bạch Đằng vì đến dòng sông nhìn cảnh mà nhớ bóng người xưa, lòng dạ cảm hoài bâng khuâng khôn xiết kể. Hoài niệm tạo nên chất thơ. Tự hào, nhớ thương, nghĩ về cái còn và cái mất, cái hiện tại và cái đã qua.

Câu 5 (1 điểm):  Hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ

Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc,

Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng.

(Kình ngạc băm vằm non mấy khúc,

Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng)

– Biện pháp tu từ: Ẩn dụ.

– Tác dụng:

+ Tả cảnh núi non và quang cảnh hai bờ sông Bạch Đằng: Núi non lớp lớp nối tiếp nhau, chen vai thích cánh như luỹ như thành, như cá sấu bị chặt (ngạc đoạn), như cá kình bị mổ (kình khoa); rồi ngổn ngang chồng chất gò đống, ngòi lạch, hiện lên như thể những mũi qua chìm (qua trầm), những ngọn kích gãy (kích chiết) bên bờ sông…

+ Làm cảnh vật hiện ra chính xác, gợi cảm và hấp dẫn. Tả cảnh vật mà tác giả như đang dựng lại, đang tái hiện lịch sử oai hùng của những trận chiến ác liệt như thể vừa mới diễn raở chính nơi này, với một cảm hứng vô cùng hào sảng.

Câu 6 (1 điểm): Nội dung hai câu thơ

Quan hà hiểm yếu trời kia đặt

Hào kiệt công danh đất ấy từng

Nguyễn Trãi khảng định cửa biển Bạch Đằng là nơi quan hà hiểm yếu do thiên nhiên sắp đặt ra, cũng là nơi các anh hung dụng binh chống giặc, lập nên những chiến công lừng lẫy. Câu thơ thể hiền niềm tự hào, ngợi ca núi song hiểm trở và các bậc anh hùng hào kiệt của Tổ quốc Đại Việt ta.

Câu 7 (1 điểm): Tên một số bậc hào kiệt đã từng lập công danh ở cửa biển Bạch Đằng: Ngô Quyền, như Lê Hoàn, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

 

Câu 8 (0,5 điểm): Suy nghĩ của về ý nghĩa sự hi sinh của những thế hệ đi trước:

Học sinh có thể trình bày nhiều cách, có thể tham khảo một số gợi ý sau:

– Sự hi sinh của những thế hệ đi trước là vô cùng thiêng liêng và đáng trân quý, là nghĩa cử cao cả, thiêng liêng tạo nên sự độc lập, tự do của đất nước.

– Sự hi sinh đó để lại nhiều giá trị sống tích cực cho thế hệ sau, nhắc nhở chúng ta phải nỗ lực, cố gắng để gìn giữ và phát huy những thành quả mà cha ông để lại.

 

LÀM VĂN

Dàn ý

Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm.

– Nguyễn Trãi – nhà ngoại giao, nhà hiền triết, nhà thơ lớn của dân tộc ta. Sống trong thời đại xã hội loạn lạc – đất nước có giặc ngoại xâm, đời sống nhân dân cơ cực và các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi. Thơ văn Nguyễn Trãi thấm nhuần tư tưởng yêu nước, thương dân và tình yêu đối với thiên nhiên, đất nước, con người.

– “Bạch Đằng hải khẩu” là bài thơ hay của Nguyễn Trãi trích trong tập “Ức Trai thi tập”, được viết trong lần nhà thơ đến thăm cửa biển Bạch Đằng. Nguyễn Trãi tùng nhận xét: “Cửa biển Bạch Đằng ở sông Thủy Đường là danh thắng núi sông vào bậc nhất”.

 

Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:

* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình:

–  Mạch cảm xúc: Bài thơ là cảm hứng hoài niệm lịch sử của người anh hùng dân tộc khi đứng trước cửa biển Bạch Đằng, một cửa sông ghi dấu nhiều dấu ấn vàng son trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.  Đứng trước của biển Bạch Đằng thi hứng trào dâng, bài thơ mang hòa khí ngùn ngụt của cảm xúc tự hào thiết tha về những chiến công lịch sử lẫy lừng của cha ông.

– Chủ thể trữ tình của bài thơ chính là tác giả trong lần ngắm cửa sông Bạch Đằng. Tâm trạng nhà thơ có sự chuyển biến rõ nét qua từng câu thơ. Ở hai cầu để cảm hứng phấn khởi, say mê khi được ghé thăm dòng Bạch Đằng hùng vĩ; hai câu thực vừa miêu tả cảnh hai bên bờ sông, sừng sững núi non như kình ngạc bị chặt từng khúc, từng đoạn, bờ bãi tưng lớp như gươm đao bị gãy chìm vừa gợi ra những chiến tích huy hoàng trên sông. Hai câu luận là suy ngẫm của nhà thơ về địa thế hiểm yếu nơi đây và những anh hùng hào kiệt đã tạo nên những dấu mốc vàng son trong lịch sử dân tộc. Hai cấu kết lại là cảm xúc bời bời hoài niệm tiếc nuối về thời huy hoàng của lịch sử đã qua.

* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.

– Sự phát triển của hình tượng chính

+ Hai câu đề Mở ra không gian rộng lớn, bát ngát, mênh mông, gió lùa lồng lộng, sóng lớn dự dội. Nhà thơ căng cánh buồm thơ, dạo chới trên cửa sông Bạch Đằng:

“Biển rung gió bấc thế bừng bừng

Nhẹ cất buồm thơ lướt Bạch Đằng”

Cánh buồm kéo lên là hoàn thiện một bức tranh trác tuyệt: Không gian rộng lớn, núi non, sóng gió hùng vĩ, cánh buồm thơ mong manh.

+ Hai câu thực: Quang cảnh Bạch Đằng gợi lên dấu ấn lịch sử:

“Kình ngạc băm vằm non mấy khúc,

Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng.”

Hình ảnh ẩn dụ kình ngạc băm vằm vừa miêu tả được cảnh núi non hiểm trở vừa gợi ra những chiến tích chống giặc ngoại xâm của ông cha. Quang cảnh hiện lên như bãi chiến trường xưa, hào khí xưa ùa về cùng niềm tự hào thiết tha của nhà thơ về những chiến công lịch sử.

+ Hai câu luận: Niềm suy tưởng của nhà thơ về địa thế hiểm trở của núi non, về anh hùng hào kiệt của sông nước Bạch Đằng:

“Quan hà hiểm yếu trời kia đặt

Hào kiệt công danh đất ấy từng”

Hai câu thơ gợi niềm tự hào của tác giả về non nước, về những bậc anh hùng hào kiệt đã có những chiến công hiển hách bảo vệ Tổ quốc trên sông Bạch Đằng.

+ Hai câu kết: Từ cảm hứng lịch sử hào hùng nhà thơ chuyển sang dòng cảm nghĩ thế sự, giọng thơ bùi ngùi, bâng khuâng, tiếc nuối:

“Việc trước quay đầu ôi đã vắng

Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng”

Tâm trạng nhà thơ được thể hiện một cách kín đáo. Nhà thơ tự haò về lịch sử cha ông song cũng đượm chút xót xa về xã hội đương thời. Anh hùng hào kiệt dường chỉ còn là chuyện cũ, chuyện lịch sử xa xôi. Một thời đại khởi đầu oanh liệt, nay nhìn lại liệu có còn được như xưa? Nhà thơ vãn cảnh Bạch Đằng mà lòng bồi hồi, xot xa, tiếc nhớ khôn nguôi.

– Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:

Bài thơ được viết bằng chữ Hán, thể thơ thất ngôn bát cú Đường Luật; ngôn ngữ thơ cổ kính, trang trọng, hàm súc. Giọng thơ càng về cuối càng thiết tha sâu lắng.

* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại

Tả cảnh, liệt kê, liên tưởng so sánh khoa trương, nhưng là một sự liên tưởng rất chính xác, rất gợi cảm và hấp dẫn. Hơn thế, tả cảnh vật mà tác giả như đang dựng lại, đang tái hiện lịch sử oai hùng của những trận chiến ác liệt như thể vừa mới diễn ra ở chính nơi này, với một cảm hứng vô cùng hào sảng. Người đọc có thể hình dung như thấy khúc sông này đang sôi lên tiếng hò reo dậy đất, tinh kỳ phấp phới, “Trận đánh thư hùng chửa phân/ Chiến luỹ Bắc Nam chống đối/ Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ/ Bầu trời đất chừ sắp đổi” (Trương Hán Siêu – BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ)…

Nói về hồn thiêng sông núi, về đất nước con ngời Việt Nam, ngợi ca sức mạnh Việt Nam, mỗi chữ, mỗi lời, mõi hình ảnh trong bài thơ như nâng cao tầm vóc lớn lao của dân tộc, giúp người đọc thêm yêu mến, tự hào về sông núi, Tổ quốc thiêng liêng, tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc. Đó cũng chính là điểm độc đáo tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ.

Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.

“Bạch Đằng hải khẩu” là kiệt tác tiêu biểu cho hồn thơ trang trọng, hào hùng của nhà thơ Nguyễn Trãi. Bài thơ được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến bởi nó gieo vào lòng người đọc một tình yêu thiên nhiên, mảnh đất chiến địa và niềm tự hào tha thiết về những chiến công lịch sử hiển hách của cha ông.

Bài viết tham khảo

 

Nguyễn Trãi – nhà ngoại giao, nhà hiền triết, nhà thơ lớn của dân tộc ta. Sống trong thời đại xã hội loạn lạc – đất nước có giặc ngoại xâm, đời sống nhân dân cơ cực và các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi. Thơ văn Nguyễn Trãi thấm nhuần tư tưởng yêu nước, thương dân và tình yêu đối với thiên nhiên, đất nước, con người.

“Bạch Đằng hải khẩu” là bài thơ hay của Nguyễn Trãi trích trong tập “Ức Trai thi tập”, được viết trong lần nhà thơ đến thăm cửa biển Bạch Đằng. Nguyễn Trãi tùng nhận xét: “Cửa biển Bạch Đằng ở sông Thủy Đường là danh thắng núi sông vào bậc nhất”.

Bài thơ là cảm hứng hoài niệm lịch sử của người anh hùng dân tộc khi đứng trước cửa biển Bạch Đằng, một cửa sông ghi dấu nhiều dấu ấn vàng son trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.  Đứng trước của biển Bạch Đằng thi hứng trào dâng, bài thơ mang hòa khí ngùn ngụt của cảm xúc tự hào thiết tha về những chiến công lịch sử lẫy lừng của cha ông.  Chủ thể trữ tình của bài thơ chính là tác giả trong lần ngắm cửa sông Bạch Đằng. Tâm trạng nhà thơ có sự chuyển biến rõ nét qua từng câu thơ. Ở hai cầu để cảm hứng phấn khởi, say mê khi được ghé thăm dòng Bạch Đằng hùng vĩ; hai câu thực vừa miêu tả cảnh hai bên bờ sông, sừng sững núi non như kình ngạc bị chặt từng khúc, từng đoạn, bờ bãi tưng lớp như gươm đao bị gãy chìm vừa gợi ra những chiến tích huy hoàng trên sông. Hai câu luận là suy ngẫm của nhà thơ về địa thế hiểm yếu nơi đây và những anh hùng hào kiệt đã tạo nên những dấu mốc vàng son trong lịch sử dân tộc. Hai cấu kết lại là cảm xúc bời bời hoài niệm tiếc nuối về thời huy hoàng của lịch sử đã qua.

Hai câu đề mở ra không gian rộng lớn, bát ngát, mênh mông, gió lùa lồng lộng, sóng lớn dự dội. Nhà thơ căng cánh buồm thơ, dạo chới trên cửa sông Bạch Đằng:

“Biển rung gió bấc thế bừng bừng

Nhẹ cất buồm thơ lướt Bạch Đằng”

Cánh buồm kéo lên là hoàn thiện một bức tranh trác tuyệt: Không gian rộng lớn, núi non, sóng gió hùng vĩ, cánh buồm thơ mong manh.

Hai câu thực là quang cảnh Bạch Đằng gợi lên dấu ấn lịch sử:

“Kình ngạc băm vằm non mấy khúc,

Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng.”

Hình ảnh ẩn dụ kình ngạc băm vằm vừa miêu tả được cảnh núi non hiểm trở vừa gợi ra những chiến tích chống giặc ngoại xâm của ông cha. Quang cảnh hiện lên như bãi chiến trường xưa, hào khí xưa ùa về cùng niềm tự hào thiết tha của nhà thơ về những chiến công lịch sử.

Hai câu luận là niềm suy tưởng của nhà thơ về địa thế hiểm trở của núi non, về anh hùng hào kiệt của sông nước Bạch Đằng:

“Quan hà hiểm yếu trời kia đặt

Hào kiệt công danh đất ấy từng”

Hai câu thơ gợi niềm tự hào của tác giả về non nước, về những bậc anh hùng hào kiệt đã có những chiến công hiển hách bảo vệ Tổ quốc trên sông Bạch Đằng.

Hai câu kết là cảm hứng lịch sử hào hùng nhà thơ chuyển sang dòng cảm nghĩ thế sự, giọng thơ bùi ngùi, bâng khuâng, tiếc nuối:

“Việc trước quay đầu ôi đã vắng

Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng”

Tâm trạng nhà thơ được thể hiện một cách kín đáo. Nhà thơ tự haò về lịch sử cha ông song cũng đượm chút xót xa về xã hội đương thời. Anh hùng hào kiệt dường chỉ còn là chuyện cũ, chuyện lịch sử xa xôi. Một thời đại khởi đầu oanh liệt, nay nhìn lại liệu có còn được như xưa? Nhà thơ vãn cảnh Bạch Đằng mà lòng bồi hồi, xot xa, tiếc nhớ khôn nguôi.

Bài thơ được viết bằng chữ Hán, thể thơ thất ngôn bát cú Đường Luật; ngôn ngữ thơ cổ kính, trang trọng, hàm súc. Giọng thơ càng về cuối càng thiết tha sâu lắng.

Nói về hồn thiêng sông núi, về đất nước con ngời Việt Nam, ngợi ca sức mạnh Việt Nam, mỗi chữ, mỗi lời, mõi hình ảnh trong bài thơ như nâng cao tầm vóc lớn lao của dân tộc, giúp người đọc thêm yêu mến, tự hào về sông núi, Tổ quốc thiêng liêng, tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc. Đó cũng chính là điểm độc đáo tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ. Tả cảnh, liệt kê, liên tưởng so sánh khoa trương, nhưng là một sự liên tưởng rất chính xác, rất gợi cảm và hấp dẫn. Hơn thế, tả cảnh vật mà tác giả như đang dựng lại, đang tái hiện lịch sử oai hùng của những trận chiến ác liệt như thể vừa mới diễn ra ở chính nơi này, với một cảm hứng vô cùng hào sảng. Người đọc có thể hình dung như thấy khúc sông này đang sôi lên tiếng hò reo dậy đất, tinh kỳ phấp phới, “Trận đánh thư hùng chửa phân/ Chiến luỹ Bắc Nam chống đối/ Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ/ Bầu trời đất chừ sắp đổi” (Trương Hán Siêu – BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ)…

“Bạch Đằng hải khẩu” là kiệt tác tiêu biểu cho hồn thơ trang trọng, hào hùng của nhà thơ Nguyễn Trãi. Bài thơ được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến bởi nó gieo vào lòng người đọc một tình yêu thiên nhiên, mảnh đất chiến địa và niềm tự hào tha thiết về những chiến công lịch sử hiển hách của cha ông.

 

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *