Đề thi theo SGK mới Cảnh ngày hè Nguyễn Trãi

 ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

    Đọc bài thơ sau:

Rồi hóng mát thuở ngày trường

Hoè lục đùn đùn tán rợp giương

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương                                          

Lao xao chợ cá làng ngư phủ

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương.

                    (Cảnh ngày hè, Nguyễn Trãi, trang 118, Ngữ văn 10, Tập I, NXBGD, 2020)

 Chú thích:

Ngu cầm: Câu chuyện về hai vị vua nổi tiếng nhân đức Nghiêu – Thuấn, luôn chăm lo cho đời sống nhân dân bởi vậy mà hai triều đại này vô cùng hưng thịnh, thái bình; dân chúng ấm no, hạnh phúc. Mỗi ngày, vua thường đem đàn khúc Nam Phong ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị.

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Hãy chỉ ra 02 từ Hán Việt được sử dụng trong bài thơ.

Câu 2. Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong hai câu thơ sau?

                                   Lao xao chợ cá làng ngư phủ

          Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương

Câu 3. Tác giả sử dụng các động từ mạnh: đùn đùn, giương, phun trong bài thơ nhằm diễn tả điều gì?

Câu 4. Tâm sự của tác giả được thể hiện như thế nào qua hai câu thơ cuối bài thơ?

Câu 5. Anh/chị hiểu như thế nào về nghĩa của từ lao xao, dắng dỏi được tác giả sử dụng trong bài thơ

Câu 6. Anh/chị có suy nghĩ gì về bức tranh mùa hè được miêu tả trong bài thơ?

Câu 7. Sự cách tân về mặt thể loại của Nguyễn Trãi trong bài thơ này là gì?

Câu 8. Từ tình yêu quê hương, đất nước của tác giả, anh/chị hãy viết đoạn văn từ 3 – 5 câu, thể hiện tình cảm của mình đối với quê hương.

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên.

 

Hướng dẫn chi tiết  

ĐỌC HIỂU

Câu 1. Hãy chỉ ra 02 từ Hán Việt : Thạch lưu, ngày trường

Câu 2. Biện pháp nghệ thuật: Đảo ngữ và nhân hóa

Câu 3. Tác giả sử dụng các động từ mạnh: đùn đùn, giương, phun trong bài thơ nhằm diễn tả: Trạng thái của cảnh vật đang ứa căng, tràn đầy nhựa sống

Câu 4. Tâm sự của tác giả: Uớc mình có cây đàn của vua Ngu Thuấn để cầu mong cho dân giàu đủ; khao khát đem tài trí để thực hành tư tưởng nhân nghĩa yêu nước thương dân.

Câu 5. Nghĩa của từ lao xao, dắng dỏi : Âm thanh đặc trưng của thiên nhiên và con người vào mùa hè: rộn ràng, tươi vui, ấm áp

Câu 6. Bức tranh mùa hè : Bức tranh thiên nhiên và cuộc sống ngày hè được miêu tả với màu sắc, đường nét, âm thanh tươi tắn, rực rỡ, tràn đầy sức sống. Qua đó, bài thơ thể hiện tâm hồn yêu thiên nhiên, con người tha thiết của Nguyễn Trãi.

Câu 7. Sự cách tân về mặt thể loại : Việt hóa thơ Đường (thất ngôn xen lục ngôn)

Câu 8. Viết đoạn văn từ 3 – 5 câu, thể hiện tình cảm của mình đối với quê hương.

* Yêu cầu về hình thức: Đảm bảo dung lượng không quá 5 câu văn, đúng cấu trúc đoạn văn

* Yêu cầu về nội dung:  HS trình bày tình cảm cá nhân (theo hướng tích cực) đối với quê hương mình.

Có thể theo những ý sau:

– Yêu quê hương là tình cảm đối với những sự vật và con người ở nơi ta sinh ra và lớn lên một cách sâu sắc, chân thành.

– Yêu quê hương đồng thời phải có ý thức bảo vệ, xây dựng phát triển quê hương giàu đẹp.

– Ra sức học tập, lao động để phục vụ cống hiến cho quê hương,  đất nước.

 

LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây)

Dàn ý

Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm.

– Nguyễn Trãi không chỉ là một anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới mà còn là một nhà văn, nhà thơ kiệt xuất.

– Cảnh ngày hè là một bài thơ vừa thể hiện tâm hồn nghệ sĩ, vừa thể hiện tình yêu cuộc sống và tấm lòng thương dân của Nguyễn Trãi. Cảnh ngày hè thuộc chùm thơ Bảo kính cảnh giới (Gương báu răn mình) trong Quốc âm thi tập – một tập thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Trãi. Trong tập thơ này, những bài nói về tâm sự trong cuộc sống nhàn dật chiếm số lượng nhiều nhất và cũng là phần hay nhất. Có thể ước đoán Nguyễn Trãi sáng tác bài thơ này vào khoảng 1438 – 1439 lúc ông xin về trông coi chùa Tư Phúc ở Côn Sơn.

Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:

* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình:

– Mở đầu tác giả giới thiệu về hoàn cảnh sống của chính mình trong những ngày về ở ẩn: Tâm thế an nhàn, thảnh thơi. Nguyễn Trãi một đời bận rộn, tận tâm vì đất nước, đây là những giây phút hiếm hoi của cuộc đời.

– Tiếp đến là cảnh ngày hè nổi lên với bức tranh thiên nhiên ngày hè rực rỡ:

+ Cây hòe có sức sống mãnh liệt giờ tán là xanh che phủ cả khoảng không gian

+ Sắc đỏ của cây thạch lựu tô đậm thêm cho khung cảnh ngày hè

+ Hương hoa sen tỏa ngát bay theo làn gió

-> Cảnh vật ngày hè tươi tắn, tràn đầy sức sống, tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên của của Nguyễn Trãi

– Bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên là vẻ đẹp của bức tranh cuộc sống con người: Cuộc sống sôi động, ồn ào, tràn đầy sức sống và âm thanh.

⇒ Cả thiên nhiên và con người đều hiện lên tràn đầy sức sống, tâm hồn lạc quan, yêu đời, tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên, tha thiết với cuộc sống quê nhà của nhà thơ Nguyễn Trãi.

– Kết thúc bài thơ là tình yêu nước thương dân của Nguyễn Trãi: Thể hiện ước muốn có được cây đàn để ca ngợi khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và cuộc sống vui tươi trên quê hương ông, niềm vui sướng, hạnh phúc của tác giả khi được sống hòa hợp cùng thôn quê.

* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.

– Sự phát triển của hình tượng chính

– Nhà thơ đã cảm nhận bức tranh ngày hè bằng thị giác nhìn thấy cây hòe màu xanh lục, thạch lựu màu đỏ, hoa sen màu hồng, những chú ve, người dân làng chài.

– Ngoài ra nhà thơ đã nghe thấy âm thanh những người dân làng chài cười nói và tiếng ve râm ran trong chiều ta như tiếng đàn dội lên.

– Nhà thơ còn ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt của hoa sen.

=> Nguyễn Trãi là người yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu cuộc sống.

– Ta thấy được tác giả ung dung dạo chơi ngắm cảnh qua câu “rồi hóng mát thuở ngày trường”.

– Tác giả mong ước có cây đàn của vua ngu thuấn để hát ca ngợi cuộc sống thái bình.

– Lúc nào, Nguyễn Trãi cũng khao khát mang lại cuộc sống hạnh phúc ấm no cho dân.

=> Nguyễn Trãi là người yêu nước thương dân.

– Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:

+ Giọng điệu trữ tình, sâu lắng, bút pháp tả sinh động

+ Thể thơ sáng tạo thất ngôn xen lục ngôn

+ Ngôn ngữ thơ phong phú, đa dạng vừa có lớp từ Hán Việt vừa có lớp từ thuần Việt tạo nên vẻ đẹp vừa trang trọng vừa bình dị

+ Sử dụng các điển tích, điển cố

* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại

– Có sự cách tân về thể loại làm cho bài thơ luật đường nhưng lại mới mẻ, độc đáo và không bị gò bó vào khuôn mẫu đã có.

– Bài thơ tả cảnh ngụ tình, nhưng người đọc vẫn nhận ra được tình cảm và nỗi lòng của nhân vật ngày từ những câu đâu tiên.

– Hình ảnh ngày hè nhưng không quá gay gắt bởi ánh nắng chói chang nhưng lại ấm áp tình cảm của tác giả dành cho dân cho nước.

Kết bài: Bài thơ khắc họa bức tranh thiên nhiên mùa hè với cảnh vật phong phú, đa dạng, màu sắc, rộn rã âm thanh, căng tràn sức sống, bức tranh cuộc sống sung túc, nhộn nhịp. Đồng thời thể hiện tâm hồn yêu thiên nhiên, tinh tế, nhạy cảm, tha thiết với cuộc sống của tác giả.

 

Bài viết tham khảo

Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Lê Quý Đôn từng quan niệm: “Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có cảnh núi non kì lạ của thiên hạ thì không thể làm thơ được.”. Thiên nhiên luôn là thứ chất liệu được ví như chất vàng mười mà người nghệ sĩ luôn kiếm tìm để họa nên những bức tranh thi ca đầy sắc màu. Bài thơ “Cảnh ngày hè” chính là minh chứng đại diện cho những bức tranh ấy, nơi đại thi hào Nguyễn Trãi thả mình vào thiên nhiên, mở ra cánh cửa tâm hồn với tình yêu tự nhiên đất nước và tấm lòng yêu nước thương dân của mình.

Giữa những phồn tạp của buổi chợ phiên văn chương Nguyễn Trãi hiện lên như một lãng khách đặc biệt. Ông không chỉ là một anh hùng dân tộc, người được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới mà còn là một nhà văn, nhà thơ kiệt xuất với những đóng góp sâu sắc cho nên văn học Việt Nam, tiêu biểu nhất có thể kể đến là áng thiên cổ hùng văn: “Bình Ngô Đại Cáo”. Bài thơ “Cảnh ngày hè” thuộc chùm thơ “Bảo kính cảnh giới” (Gương báo răng mình) trong tập thơ “Quốc âm thi tập” nổi tiếng viết bằng chữ Nôm. Bài thơ được ước đoán là sáng tác khi ông xin về trông coi chùa Tư Phúc ở Côn Sơn, vừa thể hiện tâm hồn nghệ sĩ vừa thể hiện tình yêu cuộc sống và tấm lòng thương dân của thi nhân.

Đến với những dòng thơ đầu tiên của thi phẩm là bức tranh cuộc sống khi lui về ở ẩn do chính Nguyễn Trãi phác họa nên. Khung cảnh thoạt tiên hiện liên với hình ảnh một Ức Trai với tâm thế an nhàn trong giây phút nhàn rỗi: “Rỗi hóng mát thuở ngày trường”. Bậc trung quân ái quốc của Đại Việt một đời quên mình vì dân vì nước ấy lại mà có những giây phút hiếm hoi thả mình “hóng mát” trong chuỗi “ngày trường”. Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn xen lục ngôn – có thể xem là biến thể của thể thơ thất ngôn bát cú đường luật, thế nhưng người thi sĩ kiệt xuất ấy lại vẫn đem đến cảm giác quen thuộc khi đọc thơ thất ngôn bát cú. Câu thơ đầu tiên có chuỗi lời ngắn với sáu chữ thế nhưng mỗi tiết tấu lại dài, số nhịp dồn lại nhưng mỗi nhịp thì trải dài ra. Cái ngữ điệu khác biệt ấy nó thể hiện tình điệu dường như cũng trái chiều: vừa thong dong những lại vừa hối thúc. Một người say mê việc nước như Nguyễn Trãi thật khó mà cảm nhận về cái dài ngắn của ngày, có phải vì thế mà chữ “ngày trường” gợi ra những ngày nhàn cư mà chẳng thật thoải mái trong tâm hồn khi thoát ra khỏi chốn triều đường của Ức Trai chăng? Trong cái an nhàn thong dong những ngày ở ẩn lại toát lên cái tâm thế thường trực của một bận lương quân. Diệp Tiếp từng nói: “Thơ là tiếng lòng”. Và tiếng lòng của Nguyễn Trãi ở những câu thơ tiếp theo lại thể hiện tình yêu thiên nhiên vốn có trong thơ ông:

“Hòe lục đùn đùn tán rợp trương.

 Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

 Hồng liên trì đã tịn mùi hương.

Trật tự không gian đi từ cao xuống thấp, điểm nhìn di chuyển từ tầng không xuống ao sen giúp độc giả nhìn thấy bức hoạ ngày hè của cảnh vật thật đầy đủ.Ba dòng thơ đã chấm phá nên bức tranh ngày hè tràn đầy sức sống, hài hòa mà mãnh liệt. Sự bao phủ của tán xanh cây hòe trong cả không gian cho thấy sức sống tiềm tàng mạnh mẽ ở tầng cao thiên nhiên. Di chuyển điểm nhìn xuống dưới hiên nhà theo dòng thơ của tác giả là màu đỏ hoa lựu, không lặng lẽ tô son điểm sắc, không lập lòe sáng dậy lên vài đốm lửa, mà đồng loạt tuông trào chất đỏ tựa pháo hoa. Hương sen ở dưới ao cũng dậy lên lan ra khắp không gian. Cảnh vật trong bài thơ không tỉnh mà động, thể hiện sự dồi dào sức sống qua các động từ mạnh được tác giả sử dụng: “đùn đùn”, “phun”, “tịn”. Động thái mạnh mẽ kết hợp với những gam màu sôi nỗi làm dậy nên sức sống của tự nhiên trong thời kì hoàn thịnh của đất nước. Người thi sĩ vô tình vẽ nên sự vận hành thôi thúc nhộn nhịp vô hình trong tự nhiên, sự liên tiếp theo trật tự từ trên xuống thấp của cảnh vật tạo nên nhịp độ khẩn trương trong cảnh khoe sắc phô hương của cảnh vật vô tình lại là sự khẩn trương bất nhàn trong lòng người Nguyễn Trãi.

Dõi theo dòng bút của nhà thơ, ta thấy ăn nhập với thiên nhiên rực rỡ là đời sống rộn ràng vội vã. Bức tranh ngày hè vốn tràn ngập màu sắc và mùi hương nay lại được tô đậm thêm sức sống bở âm thanh tràn ngập trong đời sống sản xuất sinh hoạt của con người:

“Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

 Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.”

Hình ảnh chợ cá đông đúc thể hiện sự sầm uất đi lên của cuộc sống con người trong quãng thời bình ổn. Âm thanh “lao xao” của chợ cá nói lên sự tươi vui nhộn nhịp của đời sống nhân dân khi đất nước trong giai đoạn thái bình. Tất cả hướng vào cuộc sống cần cù lao động chân chất của con dân Đại Việt. Hòa với sự rộn rã của lao xao của buổi chợ là tiếng ve kêu “dắng dỏi” nổi lên trong buổi chiều tà, tiếng ve như tiếng đàn đệm thêm vào âm thanh phồn nhịp đã có khiên cuộc sống lại càng thêm náo nức. Thế nhưng tiếng ve cũng báo hiệu cho sự tắt dần của nắng, bóng tối dân lên phủ vây bốn bề, và âm thanh sinh hoạt cũng dần thưa đi nhường chỗ cho buổi hoàng hôn. Bằng điệu hồn luôn náo nức, tâm hồn thiết tha với đời sống cùng tâm hồn lạc quan, yêu đời và sự nhạy của của mình, Ức Trai đã kí họa được bức tranh mà ở đó cảnh thiên lây động mạnh mẽ và cuộc sống sinh hoạt nhộn nhịp của con người đều hiện lên tràn đầy sức sống.

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Khải nói rằng: “Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó”. Nguyễn Trãi chưa muốn đặt dấu chấm hết cho bài thơ khi đã kí thác được tình yêu tự nhiên và sự tha thiết đối với cuộc sống nơi quê hương ông qua những dòng thơ trên mà còn thả lòng mình vào bài thơ qua hai câu thơ cuối:

“Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ khắm đòi phương.”

Tấm lòng chân thành và tâm huyết nhất của người lương quân họ Nguyễn vẫn là muốn đất nước thịnh vượng, cuộc sống người dân được yên bề ấm no hạnh phúc. Một con người vốn xem dân làm gốc rễ cho sự phát triển của đất nước, trước cảnh rộn nhịp sức sống của tự nhiên và con người thì lòng ông lại vơi lên khát vọng mãnh liệt. Ông khát khao có cây đàn của vua Thuấn, đàn một tiếng để thỏa được nỗi niềm mong muốn nhân dân khắp nơi đều được giàu có no đủ. Dẫu xa trốn triều đường nhưng sâu trong thâm tâm của người hướng về sự phồn thịnh quốc gia lại chẳng phải sự an nhàn tịnh tâm của Ức Trai.

Bằng tấm lòng nhạy bén, nhạy cảm cùng sự tinh tế trong cách nhìn cuộc sống, nhà thơ đã cảm nhận nét đẹp tiềm tàng sức sống của bức tranh ngày hè bằng cả thị giác, thính giác lẫn khứu giác. Tất cả đều cho thấy ông là người yêu thiên nhiên vạn vật. Rồi tình yêu thiên nhiên ấy lại dẫn dắt cả lòng tác gia lẫn người đọc đến nơi mà lòng yêu nước vẫn luôn nở rộ trú ngụ. Tác giả trong cảnh nhàn mà tâm bất nhàn, mình ở nơi ở ẩn nhưng tâm vẫn hướng đến chốn quan trường, vẫn mong được đàn “Ngu cầm” cho dân chúng mọi nơi được no đủ. Hình tượng nhân vật đi từ tình yêu tha thiết với tự nhiên đến tình yêu nước mãnh liệt mạnh mẽ.

“Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật.” (Bêlinski). Để cánh diều mang những suy nghĩ về tâm tình thế thái bay cao lòng độc giả, Ức Trai đã thực sự tài ba trong việc thổi cánh diều ấy bằng ngọn gió nghệ thuật đặc sắc. Về phương diện ngôn ngữ, ngôn ngữ thơ phong phú đa dạng có sự kết hợp giữa lớp từ Hán Việt, lớp từ thuần Việt cũng như sử dụng các điển tích điển cố đã giúp giọng điệu của bài thơ trở nên sinh động và sâu lắng, qua đó giúp bài thơ trở nên vừa bình dị mà lại vừa trang trọng. Đặc biệt hơn là sự cách tân về thể loại đã làm cho bài thơ trở nên mới mẻ nhưng độc đáo vô cùng, nhà thơ không bị gò bó vào những gì đã có mà tạo nên những bước đột phá in hằng dấu ấn riêng biệt. Khung cảnh ngày hè nhờ đó mà cũng không gay gắt gói chang như những thi phẩm trước đó mà lại được hòa quyện với cái ấm của lòng yêu nước.

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Trãi được xem là một “tác gia”, và cũng không phải ngẫu nhiên mà ông được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới”. Bài thơ đã thực sự để lại cho thế hệ con cháu đời sau về bài học yêu nước vô cùng của một người lương quân.

 

 

 

, , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *