Đề tự luận dùng cho ba bộ sách Bài vạn lý tình của Huy Cận

THƠ (thơ Đường luật, thơ mới)

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (5.0 điểm)

Đọc bài thơ sau:

Người ở bên trời ta ở đây;
Chờ mong phương nọ, ngóng phương nầy.
Tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm,
Vạn lý sầu lên núi tiếp mây.

 

            Nắng đã xế về bên xứ bạn;
Chiều mưa trên bãi, nước sông đầy.
Trông vời bốn phía không nguôi nhớ,
Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay.


Cơn gió hiu hiu buồn tiễn biệt,
Xa nhau chỉ biết nhớ vơi ngày.
Chiếu chăn không ấm người nằm một-
Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay.
                                              (Vạn lý tình – Huy Cận)

Trả lời các câu hỏi:
Câu 1
. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính sử dụng trong văn bản.
Câu 3. Nhan đề bài thơ “Vạn lí tình” được hiểu như thế nào?

Câu 4. Nêu nội dung khái quát của bài thơ.
Câu 5. Liệt kê những từ ngữ bộc lộ cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Câu 6. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong 2 câu thơ:
                         “Người ở bên trời ta ở đây;
Chờ mong phương nọ, ngóng phương nầy.”

Câu 7. Nhận xét về không gian cảnh vật được miêu tả trong những câu thơ sau:
                          “Nắng đã xế về bên xứ bạn;
Chiều mưa trên bãi, nước sông đầy.
Trông vời bốn phía không nguôi nhớ,
Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay.”

Câu 8. Trong phong trào Thơ mới: Xuân Diệu được đánh giá là nhà thơ mới nhất, Hàn Mặc Tử là nhà thơ lạ nhất, Nguyễn Bính là nhà thơ chân quê nhất, Huy Cận được đánh giá là một nhà thơ như thế nào?

VIẾT (5.0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật bài thơ “Vạn lí tình” của Huy Cận.

 

.……. HẾT……..

 

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHI TIẾT

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 5.0
  1 Thể thơ: 7 chữ 0.5
2 Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm 0.5
3 Nhan đề bài thơ “Vạn lí tình” có nghĩa là tình cách xa vạn dặm. 0.5
4 Nội dung khái quát của bài thơ: Bài thơ viết về mối tình cách trở, người ở chốn này, kẻ ở chốn kia, xem chừng ngàn năm khó gặp. 0.5
5 Những từ ngữ bộc lộ tâm trạng của nhân vật trữ tình: chờ mong, tương tư, sầu, nhớ, buồn, thương.. 0.5
6  – Biện pháp nghệ thuật đối:

Người ở bên trời >< ta ở đây; phương nọ >< phương nầy
– Tác dụng:

+ Tạo sự cân xứng, hài hòa cho câu thơ.

+ Nhấn mạnh khoảng cách xa xôi vời vợi giữa người với ta và tâm trạng buồn, cô đơn, khắc khoải chờ mong của nhân vật trữ tình.

1.0
7 – Đó là không gian mênh mông, rộng lớn với bầu trời nắng xế, bãi sông mênh mông, bốn phía xa xăm vời vợi;
– Không gian ấy góp phần biểu đạt tâm trạng cô đơn của nhân vật trữ tình khi phải một mình đối diện với trời nước bao la.
1.0
8 Nhà thơ buồn nhất     0.5
  VIẾT     5.0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

0.25
II   b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Giới thiệu, đánh giá nội dung và những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0.5

– Học sinh chưa xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0.0 điểm

0.5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí.

Dàn ý:

1. Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm

– Nhà thơ Huy Cận tên khai sinh là Cù Huy Cận (1919-2005), quê ở tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ra trong một gia đình gia giáo, từ nhỏ Huy Cận đã được bồi dưỡng năng lực thơ ca.

– Bài thơ “Vạn lí tình” được trích từ tập thơ Lửa Thiêng (1940)

2. Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:

* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình:

(Chủ đề, mạch cảm xúc, hình ảnh, điểm nhìn…)

– Chủ đề bài thơ:  Bài thơ viết về mối tình cách trở, xa nhau vạn dặm mỗi người một phương người, ngàn năm khó gặp.

– Cảm xúc của nhân vật trữ tình: tương tư, buồn thương, mong nhớ…

– Hình ảnh thơ: Mây, núi, nắng, mưa, bãi, sông…-> vừa cổ điển vừa hiện đại.

– Điểm nhìn: Điểm nhìn của nhân vật; điểm nhìn không gian, thời gian, điểm nhìn tâm lí…

– Không gian bao la, rộng lớn -> khiến cho nhân vật trữ tình cảm thấy cô đơn, sầu tủi khi phải đối diện một mình.

* Phân tích, đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.

– Sự phát triển của hình tượng chính

+ Khổ thơ thứ nhất: Sự xa cách trong tình yêu, khiến cho nhân vật trữ tình phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: thương nhớ, chờ mong, ngóng trông, tương tư, vạn lý sầu.

 + Khổ thơ thứ hai: Tình yêu xa cách nên nỗi nhớ thương  càng da diết, khôn nguôi, bao trùm cả không gian, thời gian.

 + Khổ cuối bài thơ: Sự cô đơn, sầu tủi của nhân vật trữ tình khi phải đối diện một mình.

+ Cấu tứ bài thơ trên nền cảm xúc mong nhớ, sầu tủi của nhân vật trữ tình: khổ thơ đầu bao trùm một nỗi sầu trong hoàn cảnh tình vạn dặm và cảm xúc ấy lặp lại ở câu cuối cùng của bài thơ.

 

– Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ

+ Thể thơ 7 chữ

+ Từ ngữ giàu tính biểu đạt cảm xúc, đặc biệt là những từ láy…

+ Nhiều dấu câu giữa dòng thơ, tách câu thơ ra làm đôi; nghệ thuật đối -> biểu đạt sự chia xa.

* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại

So sánh với bài thơ tình của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử để thấy được nét hấp dẫn riêng trong thơ tình của Huy Cận

3. Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.

Hướng dẫn chấm:

– Phân tích đầy đủ, sâu sắc: 3.0 điểm

– Phân tích tương đối đầy đủ:2.25 – 2.75 điểm

– Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc: 1.0 – 2.0 điểm

– Phân tích chung chung, không rõ các biểu hiện: 0.25 – 1.0 điểm.`

3.0

 

 

 

 

0.5

 

 

 

 

 

 

2.0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0.5

  Sáng tạo 0.5
  Chính tả 0.25
     

 

Bài viết tham khảo

Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm, là sự tự trao gửi và gửi gắm tâm tư” (Lê Ngọc Trà) và văn học cũng chính là “người thư kí trung thành của trái tim” chuyên chở mọi cung bậc tình cảm của con người, là cầu nối của biết bao tâm hồn, cảm xúc. Vì thế, mỗi nhà thơ, trong quá trình tạo tác đã đem đến cho thế giới nghệ thuật những bông hoa tuyệt đẹp chứa đầy hương sắc của cuộc đời, của tâm hồn. Đến với Huy Cận, qua bài thơ “Vạn lí tình” in trong tập Lửa Thiêng (1940), người đọc sẽ cảm nhận được những giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ từ rất nhiều cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình trước một tình yêu xa cách.

Nhan đề bài thơ “Vạn lí tình” có thể được hiểu là tình yêu xa cách của những trái tim đang yêu. Tình yêu ấy không những bị giới hạn bởi thời gian, không gian, hoàn cảnh xung quanh mà còn là khoảng cách của hai trái tim ở hai đầu nỗi thương nhớ.

Bài thơ viết về mối tình cách trở, xa nhau vạn dặm mỗi người một phương người, ngàn năm khó gặp. Vì thế, cả bài thơ mạch cảm xúc xuyên suốt là tâm trạng “tương tư”, “chờ”, “mong”, “nhớ thương” , “vạn lý sầu”…của nhân vật trữ tình. Bao cung bậc cảm xúc ấy được nhà thơ thể hiện qua điểm nhìn tâm trạng của nhân vật cùng hàng loạt những hình ảnh giàu tính biểu tượng vừa cổ điển vừa hiện đại như: “mây”, “núi”, “nắng”, “mưa”, “bãi”, “sông”…

Khổ thơ mở đầu, tác giả sử dụng những hình ảnh, từ ngữ tinh tế, biểu cảm sâu sắc để miêu tả những trạng thái tình yêu khác nhau trong tâm trạng của nhân vật trữ tình.

Người ở bên trời ta ở đây;
Chờ mong phương nọ, ngóng phương nầy.
Tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm,
Vạn lý sầu lên núi tiếp mây.”

Tình yêu luôn là ước vọng được ở gần nhau để cùng sẻ chia mọi nỗi niềm! Nhưng với nhân vật trữ tình trong bài thơ, tình yêu của họ lại cách xa vạn dặm. Hình ảnh “ta” ở một nơi – “người”, đó là một tình yêu xa cách đến đau lòng. Trái tim ấy ngày đêm chờ đợi và mong ngóng sự xuất hiện của người mình yêu. Nhưng tình yêu của họ không chỉ xa cách bởi không gian địa lý mà có cả sự xa cách trong tâm hồn. Sự xa cách ấy, khiến nhân vật “ta” phải một mình đối diện với chính mình trong nhiều cung bậc cảm xúc: thương nhớ, chờ mong, ngóng trông, tương tư, vạn lý sầu! Hình ảnh ví von “Vạn lý sầu lên núi tiếp mây” thật đặc sắc không chỉ làm tăng giá trị biểu đạt nỗi buồn sầu mà còn cho thấy, Huy Cận là ông hoàng của những vần thơ buồn!

Tình yêu xa cách nên nỗi nhớ thương càng da diết, khôn nguôi, bao trùm cả không gian, thời gian.

           “Nắng đã xế về bên xứ bạn;
Chiều mưa trên bãi, nước sông đầy.
Trông vời bốn phía không nguôi nhớ,
Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay.”

Hình ảnh nắng tắt và cơn mưa đến, lòng người lại càng thêm trống trải và chơi vơi. Mưa chiều làm cho hình ảnh bãi cỏ và hình ảnh nước sông trở nên đầy đặn, tạo ra cảnh tượng đẹp đẽ rất lãng mạn. Tình yêu muôn thuở luôn gắn liền với nỗi nhớ đến da diết, cồn cào. Sự xa cách ấy,  khiến nhân vật trữ tình nhớ người thương không ngừng “Trông vời bốn phía không nguôi nhớ”. Nỗi nhớ hiển hiện trong không gian rộng lớn “bốn phía” khiến nó vô định, mệnh mông, không biên giới. Hình ảnh “dơi động” trong “hoàng hôn” lúc ẩn lúc hiện, tạo ra một cảm giác thấp thỏm và buồn.

Trước không gian bao la, rộng lớn của mây- núi – đất trời, con người cảm thấy nhỏ bé, cô đơn, lạc lõng khi phải đối diện một mình.

Cơn gió hiu hiu buồn tiễn biệt,
Xa nhau chỉ biết nhớ vơi ngày.
Chiếu chăn không ấm người nằm một-
Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay.”

Đúng là “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu / Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du), phải chăng hình ảnh “cơn gió hiu hiu” kia cũng cảm nhận được nỗi buồn của con người? Cơn gió hiu hiu mang theo nỗi buồn khi chia tay, tạo ra một không khí u buồn và sầu thảm. Sự xa cách khiến “trái tim mẫn cảm” kia chỉ biết nhớ thương bạn trong những ngày dài. Chiếu chăn không đủ ấm áp để làm ấm cho người cô đơn, nhất là người có trái tim chia làm hai nửa. Sự đau lòng và nhớ thương của “người nằm” cũng thể hiện cảm giác bất lực, chỉ biết gối tay trong sầu buồn.

Thi phẩm không chỉ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về bao nỗi tương tư của nhân vật trữ tình trong một tình yêu xa cách mà còn đánh dấu sự thành công của một tài năng thơ mới. Đúng như Viên Mai t đã ừng viết: “Thơ bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ”,  bài thơ “Vạn lí tình” đã truyền tải thông điệp về tình yêu thông qua những từ ngữ đơn giản nhưng thật sắc bén, tạo nên sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương tiện ngôn ngữ. Trong tác phẩm “Vạn lý tình” của Huy Cận, sự phát triển của hình tượng nhân vật trữ tình được xây dựng qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ tương tư, đến sầu, đến nhớ nhung, thương bạn và thương chính mình. Bài thơ được viết theo thể bảy chữ để nhân vật tự do trong bộc lộ cảm xúc. Cấu tứ bài thơ xuyên suốt là nỗi sầu thương mong nhớ của nhân vật trữ tình cùng với nghệ thuật đối “Người ở bên trời – ta ở đây; phương nọ – phương nầy”; nhân hóa “cơn gió – buồn”; từ láy giàu tính biểu đạt “hiu hiu”…; không gian nghệ thuật bao la, bát ngát như cả một thế giới bên trong sâu lắng, bàng bạc mông mênh cảm xúc của nhân vật trữ tình; hình ảnh thơ: mây, núi, nắng mưa…nhiều dấu câu ngăn cách giữa dòng thơ: “Chiều mưa trên bãi, nước sông đầy” hay “Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay” khiến câu thơ bị tách làm hai … Tất cả sự thành công đó làm tăng thêm tính biểu đạt cho sự chia cách, chia xa không chỉ trong cảm xúc, mà cả trong dòng chảy của nghệ thuật hiển hiện trên trang thơ của một hồn thơ ảo não sầu!

Tình yêu là vùng đất màu mỡ, nơi nghệ sĩ ngôn từ thăng hoa cảm xúc, tình yêu trong bài thơ “Vạn lí tình” có những nét đặc sắc so với các tác phẩm cùng chủ đề. Đầu tiên, bài thơ mang đến một cảm giác lãng mạn, thể hiện tình cảm sâu lắng; Huy Cận sử dụng ngôn ngữ tinh tế  giàu tính biểu đạt. Thơ tình Huy Cận thường mang đến cảm giác u sầu, cô đơn, sầu tủi, trong khi thơ tình của Nguyễn Bính lại mang đến cho người đọc một cảm xúc khác:

                                 “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,

                          Một người chín nhớ mười mong một người.

                                  Gió mưa là bệnh của giời,

                          Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

Với Xuân Diệu, tình yêu là sự say đắm, khát khao đến cháy bỏng: “Yêu là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu ”… Mỗi người cầm bút đều mang trong mình những phong cách độc đáo riêng và Huy Cận cũng vậy, chính phong cách riêng biệt này đã tạo nên một “Vạn lí tình” đặc sắc đầy dấu ấn!

Có thể khẳng định rằng: “Thời gian hủy hoại lâu đài nhưng làm giàu những vần thơ”, năm tháng chảy trôi đã không khiến “Vạn lí tình” đi vào quên lãng mà lại bước vào khoảng trống giữa trái tim và khối óc của biết bao đọc giả. Chính giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mỹ đã khiến “Vạn lí tình” trở thành bài thơ đi cùng năm tháng!

 

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *